Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Đạo Tại Tâm, Đạo Hình Thức (phần II và Hết)

Đạo  Tại  Tâm,  Đạo  Hình  Thức  (phần  II  và  Hết)
(Chuyện Kể cho con – Ngoan Nguyễn - gđNazaret)


Chúng ta nghĩ xem:
Một học sinh nếu không đi học thì làm sao biết đọc, biết viết, để nâng cao hiểu biết, thành tài mai sau?
Một chiến sĩ nếu không quân trường, không đổ mồ hôi, thì làm sao chiến trường sẽ bớt đổ máu”
Một bác sĩ nếu không học và rèn luyện tinh thông, thì làm sao điều trị bệnh có hiệu quả?
Một em bé nếu cha mẹ không mớm bú, đút ăn và chăm sóc từ nhỏ có thể sống khỏe và lớn khôn sao???
…Còn một con người nếu không học đạo thì làm sao rèn được cái tâm ???

Đạo tại tâm là một khái niệm trừu tượng, vì tâm không sờ mó được, nhưng lại luôn hiện hữu trong con người. Người ta vẫn hay thường nói người này “có tâm”, người kia “ác tâm” hay người nọ “vô tâm” hoặc như cụ Nguyễn Du nói:
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài…”

Hay dân gian truyền miệng:
“Trăm năm tóc cũng đổi màu
Chữ Tâm sáng mãi giữa dòng thời gian.”

Vậy Tâm là gì? Đạo tại tâm hay đường tâm đạo có cần phải học hỏi, rèn luyện không???

Như chúng ta đã biết, các nhà nho xưa kia quan niệm:
“Bao quát mọi suy nghĩ là cái tâm”
“Trời đất lấy gốc là tâm”
“Hễ là con người ai ai cũng đều có cái tâm!”

Vậy cái tâm là một khái niệm trừu tượng, là trung tâm hiện hữu của con người, nơi thầm kín nhất của cá nhân, là lý trí mà người ngoài không dò thấu được.

Tâm vẫn còn được coi là tượng trưng của tình cảm, tình yêu (Love), khả năng nhận thức sự vật, suy nghĩ và cảm giác (tâm trí - mind), khả năng phán đoán về thiện ác theo quy luật đạo đức (lương tâm - conscience), và toàn bộ các hiện tượng tâm lý, từ cảm giác đến tình cảm, hành vi, ý chí...( tâm lý – psychic), tâm trạng thay đổi - mental hay tâm thần, phần linh thiêng nơi con người, đối lập với thân xác (tâm hồn - spirit, soul gọi là linh hồn); tâm linh (spiritual).

Tâm tốt, ác tâm hay vô tâm cốt chỉ cái những hành vi tốt, xấu của từng cá nhân, của con người… Do đó mà ngày nay y học mới chẩn đoán người bị rối loạn các hành vi, cử chỉ làm ảnh hưởng tới tâm đó là người bị bệnh tâm thần.

Chuyện kể rằng có một tử tù kia suốt đời làm việc tội lỗi, giết người, trộm cướp, lòng dạ rất xấu xa, hẹp hòi luôn nghĩ cho mình… Trước khi bị xử tử, anh ta hồi tâm hối hận; và để chuộc lại tội lỗi của mình, anh xin hiến trái tim của mình cho những ai cần thay tim. Nhưng sau đó được biết không bệnh nhân nào dám nhận trái tim của anh khi biết quá khứ trước kia của anh ta, vì sợ sau này cũng có cái tâm độc ác như anh!
Trong Kinh Pháp Cú cũng dẫn lời Đức Phật: “Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng tâm mình là điều quan trọng nhất”.

Trong Kitô giáo đạo tại tâm là đạo của yêu thương vì Thiên Chúa chính là tình yêu; nên Kitô hữu có bổn phận “huấn luyện lương tâm” và “thanh luyện tâm hồn” để thể hiện chữ tâm: “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” (Mc 12:30), để đi cho đến tận cùng sự sống là “chết cho người mình yêu” (Ga 15:13-14) khi ấy, Kitô hữu hoàn tất cuộc đời mình trong chữ tâm. Đó là lý do mà xưa kia người Việt hay gọi Đạo Chúa là “Đạo Yêu Thương” là vậy.

Chữ Tâm quan trọng biết bao, vì một con người nếu biết điều hay, lẽ phải, biết cái thiện, cái ác, biết kính trên nhường dưới, biết sống có nhân, có đức, biết sống yêu thương, vị tha, biết hy sinh, biết nhẫn nhịn…là người suốt đời sống cho gia đình, sống cho tha nhân và luôn đòi hỏi việc học hỏi và trau dồi không phải một sớm, một chiều?

Tu Tâm hay học đạo là để điều chỉnh cái Tâm hướng về chân-thiện-mỹ, đạo nào cũng thế nên câu trả lời cho những ai ghét đạo Công Giáo vì cho là quá hình thức bắt buộc người ta phải giữ đạo từ nhỏ, bắt đi lễ nhà thờ, bắt học giáo lý…là không có cơ sở vì tu tâm hay học đạo là để đưa con người về cái chân – thiện – mỹ của đất trời; nó rất cần thiết nên sự học hỏi và tôi luyện từ nhỏ và suốt cuộc đời cũng không có gì là hình thức. Vì nó phù hợp với qui luật sống, học hỏi và hòa nhập với thiên nhiên, vũ trụ. Nếu không có hình thức đi học giáo lý, không tìm tòi sự sống lương thiện, sống tử tế, tôi luyện thì chữ tâm kia sao quí giá gấp ba chữ tài!?

Nếu một đứa trẻ cho sống tự do, buông thả từ nhỏ không đi học, không học đạo…để lớn lên chúng nó có quyền tự biết lựa chọn nên người và biết sống tử tế, sống lương thiện sao ? Hay cái tự do cá nhân, cái lối sống ích kỷ sẽ hủy hoại và đẩy chúng đến “tà tâm”, “ác tâm” .

Một con người không tự nhiên lớn lên là đã sống lương thiện, sống tử tế, không làm hại ai, làm lành, lánh dữ, chỉ làm việc thiện nguyện…nếu không có cha mẹ, thầy cô, trường đạo, trường đời ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm…để dạy cho chúng ta bao kiến thức, dạy cho chúng ta kỷ niệm đức tin, để học hỏi để rèn luyện cái tâm sao ? Nếu đạo tại tâm mà chúng ta không học hỏi, không tôi luyện thì thử hỏi cái tâm đó có đảm bảo đúng là “thiện tâm” không?

Đến đây ba nhớ đến câu chuyện “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân, một câu chuyện điển hình về rèn luyện cái tâm mà ai ai cũng biết và đã xem qua phim. Trọng tâm nhân vật là con khỉ đá “Tề Thiên” dù có tài với 72 tuyệt kỷ phép thần thông biến hóa; nhưng với 81 kiếp nạn của đời người khi học và hành đạo, và cái tâm bất định, nhảy nhót lung tung thì con đường ngộ đạo của anh chàng Tôn Ngộ Không thật quá khó khăn…Với cái tên “Chiến đấu thắng Phật ” của Tề Thiên sau khi thành Phật, chúng ta thấy tu tâm, học đạo để rèn luyền bản thân đòi hỏi sự chiến đấu thắng lấy bản thân mình, thắng lấy cái tâm bất định, cái tôi đầy ích kỷ , tham lam, gian ác của chính mình.

Đối với các bậc làm cha, làm mẹ, xin hãy dành thời gian cho con, ngoài dạy con về trường đời thì dạy con học đạo, kỷ niệm đức tin để rèn luyện cái tâm cho con. Tâm có đạo, và đạo là đường là cách sống trong vui tươi, trong an bình:

Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai
Sống chan hòa với những người chung sống...

Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi mãi xem thường

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét