Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

LÃNH ĐẠO

LÃNH  ĐẠO
Thứ năm - 06/10/2016


Chúa Giêsu: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng UY mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy QUYỀN mà cai quản dân. Giữa anh em thì KHÔNG ĐƯỢC như vậy: Ai muốn LÀM LỚN giữa anh em thì phải làm NGƯỜI PHỤC VỤ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để ĐƯỢC người ta phục vụ, nhưng là để PHỤC VỤ và HIẾN DÂNG MẠNG SỐNG làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:25-28; Mc 10:40-45).
 Cách hành động của Chúa Giêsu luôn khác với chúng ta – phàm nhân và tội nhân. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, dù một nhóm nhỏ cũng cần có người “đại diện”, không phải là lấy quyền để hành người khác, mà chỉ là chịu trách nhiệm và có thể hướng dẫn. Đừng hiểu lầm, tưởng là “cờ đến tay ai thì người đó phất”, rồi cứ phất lung tung, chẳng còn coi ai ra gì nữa!
Lãnh đạo có những ý nghĩa khác nhau đối với người quản lý, người tổ chức, và các nhân viên. Điều gì tạo nên người lãnh đạo giỏi? Đó là người truyền cảm hứng, tỏ ra chính trực, uy tín, không thiên vị, tự biết mình và chân thật.
Người lãnh đạo giỏi không chỉ là người khôn khéo mà còn phải có đức độ. Tài liệu “Qualities of a Leader” (Phẩm Chất Người Lãnh Đạo) đưa ra một số điểm mà một người lãnh đạo có năng lực cần có là:

1. CHÂN THẬT
Chân thật và thẳng thắn về các giá trị của mình là nền tảng đối với mọi công việc. Người khác khó có thể nghe theo khi họ không tin tưởng người khác.

2. KHIÊM NHƯỜNG
Tỏ ra khiêm nhường là hiểu biết người khác, đó là thế mạnh. Nghĩa là bạn có khả năng nhận biết thế mạnh của người khác mà không cảm thấy e ngại, và không thiên vị bất kỳ ai. Người lãnh đạo gặp rắc rối khi họ tỏ ra tinh thông mọi thứ và nghi ngờ người khác.

3. SỨC MẠNH
Nhiều người lãnh đạo nghĩ rằng người khác cũng phải như mình, đó là sự thất sách, vì họ chỉ thích những người như mình. Điều này có thể khiến họ mù quáng và chắc chắn sẽ thất bại. Ai cũng có thế mạnh riêng, mỗi thế mạnh của người khác đều có ích lợi nhất định. Hãy nhớ: Sức mạnh của người lãnh đạo là sức mạnh đoàn kết của nhiều người khác.

4. SẮT MÀI SẮT
Cùng mọi người làm việc với nhau. Điều này không thể làm bằng cách dùng “nỗi sợ” như một loại vũ khí. Hãy nhận biết sức mạnh của mọi người trong nhóm và liên kết với họ. Sắt lại làm cho sắt sắc bén.

5. TỰ TIN
Người ta cần người lãnh đạo uy tín, biết tôn trọng người khác, có sự tự tin và biết gợi cảm hứng. Điều này cũng tạo sự trung thành với tổ chức khi gặp khó khăn. John Maxwell nói: “Người lãnh đạo phải thân thiện đủ để liên hệ với người khác, nhưng cũng phải xa cách đủ để kích thích họ”.
Trong tác phẩm Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư (cũng gọi là Vạn Kiếp Binh Thư, nói về thuật quân sự), Hưng Đạo Vương nhận định: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết”. Lãnh đạo là một dạng dàn quân, bày trận, thế nên người lãnh đạo cần phải có uy tín thực sự mới được người khác tâm phục khẩu phục.
Người lãnh đạo mà dùng quyền để ép buộc người khác, tạo vây cánh cho mình, đó là hạ sách, là hèn hạ, là kém cỏi, là ngu xuẩn. Đừng dại mà nghe lời những kẻ lãnh đạo hèn nhát như vậy! Người ta có cái tướng, nhưng tướng gì? Tướng quân hay tướng cướp?
Kinh Thánh cho biết cách lãnh đạo của Thiên Chúa: “Ngài xét xử thế giới theo lẽ công minh, cai trị muôn dân theo đường chính trực. Ngài là thành che chở người bị áp bức, là thành che chở trong những lúc ngặt nghèo” (Tv 9:9).

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét