Những mối nguy tiềm ẩn trong gia vị ít ai ngờ tới
(cđtg)
Gia vị giả, không rõ nguồn
gốc có thể gây nhiễm khuẩn đường ruột, dùng lâu sẽ bị tổn thương nội tạng, phá
hủy tế bào, thậm chí ung thư.
Trong hơn 33 năm công
tác, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc
gia gặp không ít bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khỏe trầm trọng do hệ lụy của ngộ độc
gia vị. Bà nội trợ thường quan tâm nhiều đến thịt – cá – rau rạch, song ít biết
rằng, gia vị chế biến thức ăn có thể không an toàn.
Gia vị làm cho thức ăn
ngon hơn nhằm kích thích vị giác, khứu giác, thị giác và hệ tiêu hóa. Tủ bếp của
bà nội trợ không thể thiếu đường, muối, bột canh, hạt nêm, bột ngọt, mắm,
tương, cà ri, xì dầu, gia vị tẩm ướp đồ nướng hay lẩu…Tuy nhiên, nhiều chị em
nhắm mắt mua liều những gói gia vị không nhãn mác, mập mờ nguồn gốc xuất xứ,
thiếu ngày sản xuất hay hạn sử dụng. Gia vị giá rẻ cũng được các quán ăn bình
dân ưa chuộng. Chúng có thể cải thiện ngay lập tức màu sắc và hương vị của thịt
cá ôi thiu.
Theo Tiến sĩ Lâm, quy
trình sản xuất, bảo quản và bày bán gia vị không đảm bảo vệ sinh dễ gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sức khỏe như nhiễm khuẩn đường ruột gây ngộ độc, tiêu chảy,
nôn mửa, chóng mặt, viêm loét dạ dày hoặc nhiễm tạp chất độc hại…
Gia vị giúp món ăn đậm đà, thơm ngon hơn.
Gia vị giả gây hại, song
gia vị thật nếu dùng sai cách cũng không tốt cho sức khỏe. Bà nội trợ nên lưu ý
khi chọn mua, sử dụng và bảo quản 5 loại gia vị phổ biến dưới đây.
Bột canh
Bột canh là gia vị thông
dụng nhưng cũng dễ làm giả thương hiệu nhất. Công nghệ chế biến bột canh giả
khá đơn giản, nghiền muối trắng rang khô, bột tỏi, bột tiêu, mì chính, đường… rồi
đóng gói vào bao bì nhái. Ngoài ra, một số xưởng thủ công còn chế biến bột canh
iốt, bột canh chua cay chấm hoa quả loại túi nilon 1-2kg. Nguyên liệu không rõ
nguồn gốc và quy trình không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức
khỏe.
Bà nội trợ nên chọn mua bột
canh rõ ràng nguồn gốc, thành phần, chất lượng. Loại gia vị này dễ chảy nước và
nhiễm khuẩn khi thời tiết nồm ẩm. Vì vậy, nên chú ý bảo quản kín gió, đặt nơi
thoáng mát.
Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn ít hơn 5g muối mỗi ngày. Một
bát phở hoặc bún đã chứa 4-5g muối. Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng
Quốc gia năm 2014, gần 60% người dân tiêu thụ muối cao gấp 2-3 lần lượng khuyến
nghị, làm gia tăng bệnh huyết áp, tim mạch, đột quỵ, bệnh thận… Phụ nữ mang
thai ăn mặn có thể tiền sản giật, sản giật gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Vì
vậy, Tiến sĩ Lâm lưu ý hàm lượng khi sử dụng bột canh cũng như các gia vị có vị
mặn. Trẻ dưới một tuổi không cần nêm gia vị chứa muối.
Hạt nêm
Ngày càng nhiều bà nội trợ
ưa chuộng hạt nêm bởi hương vị thơm ngon và cách dùng tiện lợi. Các nhà hàng,
quán ăn cũng có xu hướng dùng hạt nêm để tạo vị ngọt xương hầm cho món ăn. Tuy
nhiên, các vụ bắt giữ gần đây cho thấy, thị trường đang tràn lan loại hạt nêm
“3 không”: không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không ngày sản xuất và hạn
sử dụng.
Nhiều chợ tiểu thương tại
TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… bày bán hạt nêm đựng trong túi nilon trắng,
đóng gói thủ công 0,5-1kg với giá chỉ bằng một nửa hàng thật. Khách hàng chính
là các quán ăn bình dân (tiệm phở, hủ tiếu, cơm, lẩu…) và bếp ăn công nghiệp
ham lợi nhuận, đầu bếp có thể nấu được nồi nước dùng cho cả trăm khách chỉ với
15.000 đồng hạt nêm.
Hạt nêm tạo vị
ngọt xương hầm cho món ăn.
Tiến sĩ Lâm cho biết, hạt
nêm cũng như các gia vị đóng gói khác, phải được sản xuất bằng quy trình hiện đại,
đảm bảo đủ các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, vi sinh… Nhân viên sản xuất cũng
phải trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, vệ sinh kỹ lưỡng trước khi vào dây chuyền
đóng gói. Việc sử dụng hạt nêm “3 không” sản xuất, bảo quản và bày bán trong điều
kiện thiếu đảm bảo sẽ khiến cơ thể nhiễm khuẩn.
Nhiễm khuẩn ở mức độ nhẹ
làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, sử dụng lâu dài dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh
tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, viêm loét… Ở mức độ nặng hơn, các khuẩn đường
ruột như E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng… có thể gây tiêu chảy, nôn mửa, thậm
chí tử vong do ngộ độc.
Ngoài ra, hạt nêm “3
không” còn lẫn nhiều tạp chất như kim loại nặng, phụ gia cấm. Các chất này khi
vào cơ thể sẽ tích tụ lại, phải mất thời gian dài mới được đào thải ra bên
ngoài. Nếu dùng lâu dài sẽ khiến nội tạng tổn thương, phá hủy tế bào, làm biến
đổi gien, hình thành các tế bào lạ là tiền đề dẫn đến bệnh ung thư. Vì vậy, bà
nội trợ nên chọn mua các sản phẩm có nhãn mác, đầy đủ thông tin về nguồn gốc,
nhà sản xuất, thành phần, hạn sử dụng.
Nước mắm
Nước mắm là gia vị quen
thuộc trong mâm cơm của người Việt. Mắm ngon được chế biến bằng phương pháp ủ
chượp tự nhiên cá biển tươi và muối sạch. Để tối đa lợi nhuận, nhiều cơ sở pha
chế nước mắm hạng thấp với nước và muối, thêm chất định màu, định mùi, định vị,
đạm, chất tạo ngọt, chất bảo quản…
Bà nội trợ có thể chọn được
nước mắm ngon bằng mắt thường. Chẳng hạn như mắm Phú Quốc có màu nâu cánh gián
đẹp mắt, không cặn, mùi thơm dịu, vị đậm đà xen lẫn ngọt thanh khi thưởng thức.
Mắm Nha Trang có màu vàng rơm; mắm Phan Thiết, Cát Bà, Cát Hải màu nâu sẫm, mùi
thơm nồng hơn nhưng có hậu vị ngọt không thể nhầm lẫn.
Chị em không nên ướp mắm
với thịt trước khi nấu, bởi mắm làm thịt cứng và khô hơn so với bột canh, muối,
đường. Tốt nhất nên nêm vào món ăn trước khi tắt bếp khoảng một phút để tạo
hương vị thơm ngon, đậm đà mà vẫn giữ được dưỡng chất trong nước mắm.
Đường
Đường cát trắng trộn acid
photphoric độc hại, nước và hóa chất có thể biến thành đường cát màu vàng óng
(đường mỡ gà) với giá thành cao hơn. Với độ ngọt gấp vài trăm lần đường mía, đường
hóa học Trung Quốc cũng được nhiều cơ sở chế biến đồ ăn uống sử dụng mà không
quan tâm tới tác hại. Một viên đường hóa học nhỏ bằng hạt đỗ xanh cho vị ngọt bằng
100g đường cát.
Đường là gia vị
quen thuộc của người miền Nam và miền Tây.
Bà nội trợ nên biết, đường
mía ngọt dịu, tan chậm trong nước lạnh, chứ không tan nhanh, ngọt lợ, uống nước
tráng miệng vẫn thấy ngọt như đường hóa học. Đối với món kho, nên ướp đường vào
thực phẩm cho ngấm hoặc thắng với nước sôi, đun lửa nhỏ và tránh đun cạn khiến
đường cháy khét. Nếu nấu ở nhiệt độ quá cao, đường sẽ bị caramen hóa khiến thực
phẩm có màu nâu đen, làm giảm thẩm mỹ của món ăn. Đối với canh, nên nêm đường
khi nước vừa sôi và món ăn sắp chín.
Các món ăn miền Nam và đặc
biệt là miền Tây, hàm lượng đường khá cao. Việc tiêu thụ quá nhiều đường dưới dạng
gia vị hoặc đồ uống, bánh kẹo… sẽ gây bệnh răng miệng, thừa cân béo phì, tiểu
đường tuýp 2… Lượng đường khuyến nghị mỗi ngày của WHO là ít hơn 9 muỗng nhỏ với
nam giới, 6 muỗng nhỏ cho nữ giới.
Giấm
Giấm có tác dụng khử mùi,
làm sạch thực phẩm, tạo vị chua, chứa nhiều vitamin, acid amin tốt cho sức khỏe.
Giấm gạo lên men tự nhiên dễ phân biệt với giấm pha chế bằng acid qua hương vị
và màu sắc. Giấm acid có màu trong suốt, không cặn do không chứa tinh bột, chất
cao phân tử; mùi cồn; vị chua gắt, hắc. Vì vậy, chị em nên chọn chai giấm khi lắc
bọt chậm tan; thơm dịu nhẹ và không sộc lên ngay khi mở nắp; vị chua thanh.
An San
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét