KINH HOÀ BÌNH DƯỚI CÁI NHÌN TÂM LÝ TRỊ LIỆU
Không gì làm mất bình an,
mất hạnh phúc, và mất tình thân hữu cho bằng để lòng giận hờn, cay đắng và thù
ghét. Lý do rất đơn giản là vì những hành động này biểu lộ một tâm hồn mất bình
an, có thể dẫn đến tình trạng tâm bệnh. Và Kinh Hòa Bình hay lời nguyện Hòa
Bình của Thánh Phanxicô Assisi, Sáng Lập dòng Anh Em Hèn Mọn, được coi như một
trong những phương thuốc trị liệu hữu hiệu nhất.
Thông thường một tâm hồn
thiếu bình an thường sống với tâm trạng lo lắng, hốt hoảng, hoang mang
(anxiety), hoặc trầm cảm (depression). Sự giận hờn, thù ghét càng tích lũy nhiều
và lâu bao nhiêu, càng dễ dẫn đến những triệu chứng tâm bệnh bấy nhiêu.
Trước hết, là những triệu
chứng bứt rứt, khó chịu, mất ăn, mất ngủ, nghi ngờ, chán nản, và khép kín. Trường
hợp nặng hơn, những triệu chứng này sẽ đưa đến trầm cảm với những tư tưởng tự kỷ,
ảo tưởng, hay ảo giác. Trong một số trường hợp còn gây ra những ý tưởng chán đời
và tự tử. Phần lớn những cái chết vì tự tử là do con người cảm thấy cùng đường,
bí tắc, thất vọng về chính mình và về cuộc đời. Và nếu bạn đang ở trong những
tình trạng ấy thì bạn là một trong 350 triệu người đang cùng chia sẻ những hội
chứng ảnh hưởng đến tâm lý và làm suy sụp tinh thần cũng như thể xác của họ.
Phá vỡ sự bình an, tương lai và hạnh phúc của họ. Thánh Kinh đã nói về sự buồn
nản, giận hờn, và một tâm hồn thiếu sự bình an, vui tươi như sau: “Tâm hồn vui
tươi là liều thuốc bổ, tâm trí rã rời làm khô xương cốt” (Cách Ngôn 17:22).
Vậy chúng ta phải làm gì
với những giận hờn, cay đắng, và thù hận trong cuộc sống? Có ít nhất hai cách
chữa trị. Đó là dùng thuốc an thần, và tâm lý trị liệu. Những bệnh nhân tâm thần
khi họ có những hành vi bạo động, đánh nhau, đập phá, hay toan tính tự tử, hoặc
những bệnh nhân tâm lý khi họ buồn chán vu vơ, tâm tính bất thường, mất năng lực…
thì việc trị liệu bằng thuốc đem lại kết quả tức thời. Tuy nhiên khi khả năng
thuốc không còn ảnh hưởng nữa, những triệu chứng kia sẽ tái phát hiện, và vì thế,
người ta phải phối hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu. Nhưng ngoài hai cách trị liệu
vừa kể, còn có một phương pháp trị liệu khác nữa rất hữu hiệu và kết quả đó là
tâm linh trị liệu.
Gần đây trong ngành y
khoa, môn tâm linh trị liệu đã bắt đầu được giảng dậy. Những kết quả khảo cứu
đã cho thấy việc phối hợp giữa tâm lý và tâm linh trị liệu, giữa y khoa và tâm
linh trị liệu, hoặc vừa tâm lý, vừa tâm linh, và vừa y khoa đã đem lại những kết
quả rất lớn trong việc chữa trị các bệnh nhân không những chỉ thuần túy về thể
lý, mà còn cả về tâm lý và tâm bệnh nữa.
Trong những lần thực hiện
phép lạ chữa cho người này, người khác, chính Đức Kitô đã từng đề cập đến đức
tin hay khả năng tâm linh trong việc chữa trị các bệnh nhân này. Ngài coi đó
như yếu tố quyết định của việc chữa lành. Thí dụ, người thiếu phụ bị bệnh băng
huyết lâu năm, bằng một niềm tin vững mạnh, bà đã cố chạm đến gấu áo của Ngài với
tin tưởng chắc chắn rằng, chỉ ngần ấy cũng đủ chữa bà khỏi bệnh, và sự việc đã
xẩy ra đúng như bà đã tin. Ngài đã phán với bà: “Đức tin con chữa con. Hãy đi
bình an và khỏi bệnh” (Mac 5: 34-35). Thực tế cũng chứng minh rất nhiều người
đã được khỏi bệnh nhờ vào lòng tin của họ. Tóm lại, tự trong sâu thẳm của tâm hồn,
đức tin chiếm phần quan trọng. Nó có thể biến đổi và chữa lành. Quyền lực của Đấng
Tối Cao ảnh hưởng trên tâm lý siêu hình luôn là sức mạnh, nâng đỡ, và giải
thoát khi mà tất cả những khả năng con người bị hạn chế.
Trong những phương pháp
tâm linh trị liệu các hội chứng giận hờn, cay đắng hoặc câm nín, Kinh Hòa Bình
của Thánh Phanxicô Assisi là một ứng dụng tuyệt vời nhất. Nếu tha thứ như điều
kiện cần thiết để được thứ tha như Chúa Kitô dậy: “Xin tha nợ chúng con như
chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” là một điều khó khăn, vượt quá khả năng
con người, thì những lời cầu của Phanxicô chính là những ứng dụng cụ thể và diễn
tả một cách đầy đủ tinh thần tha thứ mà Kinh Lạy Cha đòi hỏi. Hãy nghe những gì
vị thánh “hòa bình” đã cầu xin và thực hành trong đời sống bác ái, vị tha của
chính Ngài:
Lạy Chúa
xin hãy dạy con:
Tìm an ủi
người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết
người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến
người hơn được người mến yêu.
Vì chính
khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc
quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính
khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc
chết đi là khi vui sống muôn đời.
Tuyệt vời, một ứng dụng
tuyệt vời không chỉ trong khía cạnh tâm linh, khía cạnh đạo đức xã hội, mà còn
cho cả khía cạnh tâm lý nữa. Triết lý sống này là đặt cho ta một cái nhìn tích
cực và hướng về phía trước, đón bắt những gì mà người khác đang cần để sẵn sàng
đáp trả. Một thực tại trước mắt mà không nhìn lại quá khứ. “Ngay bây giờ và
trong lúc này” cũng là một nguyên tắc ứng dụng để giúp một người với những thù
hận, giận hờn, cay đắng, với những suy nghĩ tiêu cực, và bỏ cuộc trở nên tin tưởng,
lạc quan, và dễ dàng tha thứ hơn. Và sự tha thứ phải bắt đầu ngay ở chính mình,
tha cho chính con người của mình trước.
Tha cho mình. Một tư tưởng,
một hành động xem như vô lý. Tại sao tôi phải tha cho mình. Tôi đâu có gì mà phải
tha. Người được tôi tha là người này, người nọ, là những người mà họ đã xúc phạm
đến tôi, đã làm tôi đau khổ. Những người ấy cần phải xin lỗi tôi, và cần được
tôi tha. Tuy nhiên, trong thực hành, việc ta phải tha cho mình lại là việc quan
trọng và cần thiết để ta có thể tha cho người khác. Thí dụ, khi ta giận hờn,
nghị kỵ, hoặc bất hòa với một ai đó, thì tự trong tâm hồn ta đang có một sự mâu
thuẫn với chính mình. Cái mâu thuẫn ấy là tôi có nên tha hay không nên tha cho
người này, người khác. Có nên nói với họ một câu xin lỗi, hoặc một lời yêu
thương không? Và tại sao tôi phải làm như vậy? Đây là cuộc chiến nội tâm, cuộc
chiến mà “thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình.” (Napoleon) Cuộc chiến
không ai khác mình vừa là nạn nhân, vừa là người gây ra với hậu quả của cuộc
chiến. Vì vậy ta cần phải tha cho mình. Cần phải giải hòa với chính mình trước
để có đủ bằng an, sáng suốt, bình tĩnh, quảng đại mà tha cho người khác. Đó
cũng là phương châm, là triết lý sống hòa bình của Phanxicô:
“Tìm an ủi người hơn được
người ủi an.” Nếu mình cần người ủi an, sao lại ích kỷ mà chỉ nghĩ đến mình.
Người đối diện cũng đang cần điều này từ nơi mình.
“Tìm hiểu biết người hơn
được người hiểu biết.” Mình cần được hiểu biết từ người đối diện, người đối diện
cũng đang cần được mình hiểu biết. Trong những bất hòa hằng ngày chẳng phải gây
ra do sự thiếu hiểu biết từ cả hai phía sao? Nếu chỉ đòi người khác hiểu mình,
mà mình không hiểu người khác chẳng hóa ra quá bất công đối với họ sao.
“Tìm yêu mến người hơn được
người mến yêu.” Mình muốn được yêu, cần yêu, người khác cũng vậy. Cũng là con
tim thịt mềm, ai chẳng có những rung động và cảm thấy hạnh phúc khi được người
khác yêu mình. Hãy là người nói câu: “Anh yêu em, hoặc em yêu anh” trước đối vợ
hoặc chồng sau những lúc tranh cãi, giận hờn. Đây là một bắt đầu tốt nhất để dẫn
đến việc giảng hòa.
Và mình muốn người khác
tha cho mình, sao mình không tha cho người khác. “Chính khi thứ tha là khi được
tha thứ”. Tha thứ cho người khác xuất phát từ việc tự tha cho mình, không cho
phép mình giận hờn, thù ghét sẽ đem lại sự bằng an và tạo điều kiện cho người
khác cảm nhận được trái tim rung cảm của mình. Một tình cảm chứa chan, một tình
yêu tha thứ như vậy thử hỏi chồng ta, vợ ta, con cái ta, hoặc những người quanh
ta có lý do gì từ chối.
Hãy tập tha cho chính
mình. Hãy tập tha cho những người làm mình buồn, làm mình khó chịu, làm mình bị
tổn thương. Và bạn sẽ tìm lại sự bình an là nguồn sức mạnh tinh thần giúp vượt
qua những khó khăn, thử thách để sống một cuộc đời hạnh phúc và có ý
nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét