Có nên cứu người từng chối bỏ cái thai trong bụng tôi không?
Đây là câu
hỏi mở được phổ biến trên trang nhà VNExpress, một hình thức câu hỏi mà ai muốn
đóng góp ý kiến thế nào cũng được. Nhưng nhận thấy vấn nạn được nêu lên cũng phản
ảnh quan niệm và lối sống của nhiều bạn trẻ hiện nay, nên xin đóng góp vài ý kiến,
hy vọng sẽ trả lời phần nào thao thức của những ai đang yêu kiểu chân trong
chân ngoài. Nằm bên một người mà tâm hồn tưởng nhớ đến một người:
Trong lúc
nghĩ mình sắp chết, anh ta nói về con trai riêng với mẹ ruột. Bà đến gặp tôi để
mong con tôi cho bố nó quả thận.
Cậu ấy là
tình cũ của tôi 10 năm rồi. Hồi đó công ty của cậu mới mở chi nhánh gần nhà tôi
và cử cậu xuống làm quản lý. Một cô gái 30 như tôi lúc đầu chỉ xem cậu thanh
niên 25 tuổi này như em trai. Theo thời gian, chúng tôi dần trở nên thân thiết
và yêu nhau. Thật ra là do tôi ngộ nhận bởi khi kết thúc công tác, quay về
thành phố là cậu lơ tôi luôn. Điều không hay xảy ra là sau đó 2 tuần tôi phát
hiện mình có thai, gọi mãi cậu mới nghe máy rồi bảo tôi hãy đến gặp bác sĩ và
đó là lần cuối cùng tôi gọi cho cậu.
Tôi là người
Công giáo nên không thể làm chuyện đó được, với lại con tôi không có tội, tôi
yêu nó nhưng giữ lại thì phải làm sao? Trong lúc cùng đường tôi đã làm một việc
xấu xa nhất là nhận lời yêu người đàn ông tán tỉnh bấy lâu nhưng tôi không đồng
ý. Khi biết tôi có bầu anh vui mừng, vội vàng nói bố mẹ sang hỏi cưới. Không
yêu chồng nhưng vì mang ơn anh tôi đã cố gắng hết lòng làm vợ, hiền dâu thảo,
chỉ mong phần nào bù đắp tội lỗi của mình. Gia đình bên chồng cũng rất thương
yêu nhưng tôi vẫn thấy chạnh lòng mỗi khi ba hay nội cưng nựng thằng bé. Tôi biết
mình vẫn chưa quên được người ta.
Cách đây 2
năm, cậu thanh niên ấy bất ngờ muốn kết bạn với tôi trên mạng xã hội, tất nhiên
là tôi không đồng ý. Thỉnh thoảng cậu lại tới nhà tôi thăm con với tư cách một
người bạn vì trước đây cậu cũng quen với chồng tôi. Trong một lần như thế, cậu
bị tai nạn, vô tình bác sĩ phát hiện ra thận cậu có vấn đề và phải thay gấp
nhưng chưa có người hiến tặng. Trong lúc thất vọng vì nghĩ mình sắp chết, cậu
nói về đứa con trai với mẹ ruột, mong bà yên tâm vì đã có cháu. Hôm qua bà đến
tìm tôi và có ý muốn tôi đồng ý để thằng bé cho thận. Tôi thẳng thừng từ chối
vì con tôi còn quá nhỏ và cũng không có trách nhiệm phải cứu con bà. Nói cứng
là vậy nhưng đêm về tôi lại khóc rất nhiều, cứ nghĩ đến tình cảnh hiện tại của
cậu ấy mà tôi đau lòng vô cùng. Con thì không cho thận được chứ tôi thì đâu tiếc
gì với cậu ấy, nhưng tôi còn con, còn chồng và ba mẹ nữa. Tôi phải làm sao đây?
Thủy
Góp ý:
Hơn 40 năm trong nghề hướng
dẫn tâm lý, lâu lâu tôi cũng gặp những trường hợp mà ta thường gọi là “Vợ chồng
cũ không rủ cũng về”. Có nghĩa là vì một lý do nào đó, hai người đã chia tay
nhưng sau một thời gian ngắn hoặc dài, sống xa nhau, sống không có nhau, giáp mặt
với những thách đố cuộc đời, va chạm với những mối tình lang thang, chắp nối, bỗng
một hôm nhận ra cái chân lý ngàn đời là không ai thương mình hơn chồng, hoặc
không ai yêu mình hơn vợ. Ý thức được lỗi lầm và thống hối tìm về hàn gắn lại mối
duyên xưa. Nhưng một câu hỏi và một tình cảm mà có lẽ cũng có nhiều người ngày
nay phải đối diện, đó là “bỏ thì thương, vương thì tội”. Câu hỏi của cô Thủy nằm
trong trường hợp này.
Trước hết ta cần phải xác
định điều này, trong tình yêu, cái lấn cấn giữ bỏ và thương kia không gì hơn là
một lối diễn tả tâm trạng thương thầm, nhớ vụng người tình, người yêu cũ. Trường
hợp của cô Thủy đây không ai khác hơn là “cậu” tình nhân trẻ. Người mà cô đã
cho đi tất cả vì yêu, đến nỗi bị người ta lờ đi mà đến nay cô vẫn còn thấy xót
thương. Ngược với người chồng mà ta tạm gọi là “khờ dại” hiện nay vì đi yêu một
người mà người đó không hề có cảm tình hoặc yêu mình. Trước mắt cô Thủy, người
đó chỉ là giai đoạn, là tạm bợ như chính cô đã tự nhận: “Trong lúc cùng đường
tôi đã làm một việc xấu xa nhất là nhận lời yêu người đàn ông tán tỉnh bấy lâu
nhưng tôi không đồng ý.” Cái tâm lý đóng kịch giả dối của cô cũng chính cô đã tự
nói ra: “Không yêu chồng nhưng vì mang ơn anh tôi đã cố gắng hết lòng làm vợ,
hiền dâu thảo, chỉ mong phần nào bù đắp tội lỗi của mình.” Nhưng trong tình yêu
lại không có chỗ cho hai chữ “thương hại”. Tình yêu không thể mua bán, đổi chác
bằng những việc làm mang tính cách đền ơn, đáp nghĩa, hoặc thương mại.
Đối với những người đã có
chút kinh nghiệm trong nghề, họ sẽ không mấy tin ở thiện chí và sức chịu đựng của
cô Thủy. Rất có thể đến một lúc nào đó, cô sẽ bỏ cái anh chồng yêu cô “một chiều”
để trở về với người bồ trẻ, nếu như anh này may mắn được một vị ân nhân nào đó
tặng cho một trái thận, và anh khỏe lại, rồi trở lại năn nỉ, ỷ ôi với cô vài lời
xin lỗi. Đây không phải là đoán mò, mà người ngoài có thể đọc được vô thức của
cô khi cô bộc lộ bằng lời than thở: “Nói cứng là vậy nhưng đêm về tôi lại khóc
rất nhiều, cứ nghĩ đến tình cảnh hiện tại của cậu ấy mà tôi đau lòng vô cùng.”
Đặc biệt nhất là câu: “Con thì không cho thận được chứ tôi thì đâu tiếc gì với
cậu ấy, nhưng tôi còn con, còn chồng và ba mẹ nữa. Tôi phải làm sao đây?”. Chỉ
có thể nói một cách văn chương rằng: “Thế là yêu quá đó mà thôi”.
Không yêu sao phải khóc?
Tại sao lại đau lòng? Chính người ta đã bỏ mình không thương xót, và cũng muốn
bỏ luôn đứa con của cả hai kia mà? Không biết nếu người chồng hiện tại cần cô một
qủa thận, liệu cô có dám hy sinh không? Hay chỉ là đùa giỡn yêu vậy thôi mà! Vợ
chồng gì đâu mà phải quan tâm!
Vậy phải làm sao đây?
-
Với
người chồng: Cô phải dứt khoát với quá khứ. Hãy tìm
cách giải thích cho chồng biết mối quan hệ tình cảm giữa cô với người yêu trẻ
tuổi kia, những âm mưu của mẹ con người ấy đang lăm le trái thận của đứa con nhỏ,
để khi chuyện vỡ lở, cô còn được người chồng “dại khờ” bao che, và bênh đỡ cho
cô trước những lời thị phi và sự khinh bỉ, lên án của nhà chồng.
-
Với
người tình trẻ: Nếu tự trong lòng vẫn thấy nhớ thương,
đau lòng vô cùng cho “cậu ấy”, thì cứ can đảm xách gói về và sống rồi lo cho cậu
ấy. “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Và khi yêu là chấp nhận tất cả. Thật ra, biến
cố xẩy ra cho người tình trẻ kia đã đến đúng lúc để đánh thức tình cảm xưa, và
càng làm tăng thêm nỗi chán chường với cuộc sống giả dối hiện tại của cô mà
thôi.
Nếu không dám về lại với
“cậu ấy”, thì cô phải nhìn vào thực tế để tìm ra và cảm nhận được tình yêu của
chồng và cùng nhau quyết tâm xây dựng một gia đình hạnh phúc. Đừng đóng kịch đạo
đức, và sống giả dối. Hãy biến “việc xấu xa nhất là nhận lời yêu người đàn ông
tán tỉnh bấy lâu nhưng tôi không đồng ý.” Thành một việc đẹp đẽ nhất là nhìn
vào tình yêu của “người tán tỉnh mình” để con tim mình bị rung động.
-
Với
em bé: Chuyện cho thận của con cho người tình là chuyện của
người lớn. Đừng lợi dụng hai chữ “bố con” trong trường hợp này. Người đó chỉ
cho con cô có một cái tinh trùng, nhưng lại đã bóp chết nó khi khuyên cô đi gặp
bác sĩ rồi. Còn lại, người bố của em bé lúc này tuy không sinh ra em bằng thể
lý nhưng đã sinh ra em bằng con tim. Cô phải công bằng với tất cả, với người
tình, với người chồng, và với đứa con. Con cô có quyền hưởng và sống những ngày
tuổi thơ trong sáng, hồn hiên, thanh bình bên cô, bên người bố đã yêu thương và
đón nhận nó. Nó không cần phải dính vào những ân oán của người lớn. Cô cũng đừng
qua lại với người trẻ ấy và mẹ của anh ta nữa. Nếu không cô sẽ phải hối hận, và
kéo cả con cô vào những ân oán sau này do chính cô gây ra. Theo ngôn ngữ hè phố,
tôi khuyên cô “quênđi.com”.
Chúc cô sớm tìm được câu
trả lời tốt nhất, đẹp nhất cho chọn lựa của mình.
Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét