Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

Đức Mẹ giúp tôi khám phá


Đức  Mẹ  giúp  tôi  khám  phá
Thứ bảy - 08/10/2016

1.
Trong đời sống thiêng liêng, nhiều khi không phải tôi đi tìm Chúa, mà là chính Chúa đi tìm tôi. Trong những trường hợp như vậy, nếu tôi còn đeo mặt nạ đạo đức, thì chính tôi sẽ cản việc Chúa tìm kiếm tôi.

Thân lạy Mẹ,
Chúng con, con cháu Eva
ở chốn khách đày, kêu đến cùng Bà.
Chúng con ở nơi khóc lóc,
Than thở kêu khấn Bà thương.

Trong kinh “Lạy Nữ Vương”, những lời trên đây đã gợi ý cho tôi rất nhiều. Gợi ý quan trọng nhất là nhìn vào hoàn cảnh của chính mình.

Gợi ý đó lại càng sâu, khi Đức Mẹ thương soi sáng.

Theo Kinh Thánh, tôi cũng như mọi người đều xuất thân từ tổ tiên Eva, một người phụ nữ mang tội và bị kết án.

Thế gian chung cho mọi người là chốn khách đày, nơi khóc lóc. Đó là sự thực chung.

2.
Nơi tôi, ngoài sự thực chung đáng buồn đó còn nhiều cảnh lưu đày, và nơi khóc lóc khác, đó là những sự thực cho riêng tôi.

Có nhiều loại cảnh lưu đày. Có nhiều loại nơi khóc lóc. Đức Mẹ thương kéo tôi quan tâm đến một loại cách riêng. Loại đó là tình trạng tha hoá. Tha hoá nói đây là mất đi căn tính người môn đệ Chúa.

Theo bề ngoài, một người vẫn được coi là mang chức thánh này, tước đạo đức kia. Nhưng bên trong, họ đã đánh mất căn tính đó rồi. Lòng họ đã tục hoá. Họ sống trong cảnh như bị Chúa lưu đày. Tình trạng của họ là nơi họ đáng phải khóc lóc, mà họ không biết.

Cái tôi của họ không có sự thực. Cái tôi đó đúc kết nhặt nhạnh từ những lời xã giao. Cái tôi đó cũng có thể tạo nên do những hoang tưởng về mình. Cái tôi đeo mặt nạ. Mặt nạ vay mượn vẻ đẹp ở những y phục, lễ nghi.

Cái tôi nói là thuộc Phúc Âm, nhưng lại sống xa Phúc Âm.

3.
Đức Mẹ rất buồn với cảnh tha hoá đó. Buồn nhất là cảnh lưu đày đó lại được bình thường hoá và cơ chế hoá. Để sống an tâm giả. Đối với người khác và đối với lòng mình.

Nhưng tôi thấy, một khi chúng ta biết mình đang bị đày vào cảnh tha hoá, rồi biết khiêm tốn kêu cầu Đức Mẹ, thì Đức Mẹ sẽ cứu ta.

Sự cứu này thường không dễ. Vì việc tha hoá, khi đã trở thành một thói quen, một nếp sống, một tình trạng, thì bao giờ nó cũng bị kéo níu bởi nhiều người cùng tha hoá như mình, và bao giờ nó cũng được hỗ trợ bởi thế gian và ma quỷ.

Vì thế, phải cầu nguyện nhiều, phấn đấu nhiều và hy vọng nhiều vào ơn phục sinh.

Nhất quyết bỏ đi các thứ mặt nạ. Có những mặt nạ đẹp, gây được nhiều lời khen, nhưng sẽ phải trả giá bằng nhiều tai hoạ.

Nếu tôi tha hoá, tôi thất bại về đường đạo đức, thì tôi phải khiêm tốn nhận lỗi. Tôi không đẩy trách nhiệm sang ai. Tôi nhận tội mình. Tôi dâng những nước mắt ăn năn sám hối cho Chúa, qua Đức Mẹ.

4.
Điều quan trọng tôi nên nhớ ở đây là: Khi đi tìm Chúa, tôi đừng bao giờ mang mặt nạ đạo đức.

Trong đời sống thiêng liêng, nhiều khi không phải tôi đi tìm Chúa, mà là chính Chúa đi tìm tôi. Trong những trường hợp như vậy, nếu tôi còn đeo mặt nạ đạo đức, thì chính tôi sẽ cản việc Chúa tìm kiếm tôi.

Tôi xin Đức Mẹ giúp tôi gỡ ra khỏi mặt tôi hết các thứ mặt nạ, làm tôi tha hoá.

Tôi sẽ quỳ xuống đất, với con người thực của tôi, với đúng mặt thực của tôi. Tâm hồn tôi nghèo khó. Mặt tôi xấu xa. Nhưng chính vì tôi trình diện tôi với những sự thực đó, nên tôi tin Chúa thương sẽ nhận tôi như một của lễ thờ phượng, của lễ đền tội.

Lạy Mẹ, xin cho con tránh được mọi thứ làm cho con tha hoá. Kể cả thứ tha hoá về đạo đức vì không có thực chất, không được Chúa nhìn nhận.

5.
Tôi cảm tạ Mẹ đã giúp tôi khám phá về tôi.

Khi đọc:
Hỡi ơi, Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con. Tôi lại được Mẹ giúp tôi khám phá về kẻ khác.

Những lời “chúng con” tôi đọc, khi cầu nguyện ở đây, thường trải rộng sang mọi người, không phân biệt tôn giáo nào, không phân biệt có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng.

Dần dần, Đức Mẹ chữa đời sống nội tâm của tôi.

Trước hết là chữa về mặt tâm lý. Tôi ý thức mình đã có một số cái nhìn hẹp hòi, bất công về những người ngoài đạo công giáo. Tôi phải sửa lại.

Tiếp đó là ý thức mình đôi lúc đã để những cảm xúc lạnh lùng dâng trào lên, theo những cái nhìn sai trái đó. Tôi phải sửa lại.

Có được hai ý thức đó là bước đầu để đi vào những cái nhìn hài hoà và những tình cảm hài hoà.

Nhưng bước đầu đó cũng đã khó, càng bước thêm càng thấy khó. Nhưng Đức Mẹ cầu bầu với Chúa Thánh Thần cho tôi được nghị lực vượt khó.

Đức Mẹ ghé mặt thương xem những người ấy. Xem với tình thương. Tôi cũng làm như vậy.

6.
Dần dần, tôi nhận ra nơi họ nhiều đức tính tốt, nhiều việc tốt. Không những thế, tôi nhận ra nhiều người trong họ tốt hơn nhiều người đạo tôi, tốt hơn cả tôi. Còn nữa. Tôi gặp một số người trong họ đã tích cực giúp tôi trên đường truyền giáo. Đến một lúc, tôi bừng tỉnh, thấy mình đã có sai phạm. Nhìn đen tối về người khác là sai.

Càng lớn tuổi, nhất là càng có nhiều tiếp xúc với đồng bào, tôi mới thấy tôi không bao giờ cô đơn. Trong những lúc tối tăm, Mẹ vẫn ở bên tôi. Mẹ gởi đến tôi những người tôi không ngờ. Họ ngoài công giáo. Họ âm thầm nâng đỡ tôi. Họ không làm thay tôi. Đức Mẹ cũng không làm thay tôi. Nhưng có những người ngoài công giáo cùng làm với tôi. Đôi lúc, họ làm thay tôi.

Do những kinh nghiệm như thế, nhiều khi tôi cảm nghĩ nhiều người ngoài công giáo đã thuộc về Nước Trời. Họ có niềm tin, lòng từ thiện và đời sống lương thiện đáng nêu gương.

Xưa, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần khen người ngoại đạo về những việc tốt của họ. Nay, trên thực tế cuộc sống của tôi, tôi cũng đã và đang thấy những lời Chúa Giêsu khen xưa vẫn còn ứng nghiệm.

Riêng đối với Đức Mẹ, phải nói rằng: Rất nhiều người ngoài công giáo có lòng tin mến Đức Mẹ. Họ đã được Đức Mẹ ban ơn vô kể. Tôi gọi họ là con Đức Mẹ. Quả không sai.

+GB Bùi Tuần

Long Xuyên, tháng 10 năm 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét