Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Van tim nhân tạo khác van tim sinh học thế nào

Van  tim  nhân  tạo  khác  van  tim  sinh  học  thế  nào
(Thứ sáu, 30/9/2016-VnExpress.net)

Van cơ học được làm từ vật liệu nhân tạo, van sinh học làm từ vật liệu tự nhiên, thường từ màng tim heo hoặc màng tim bò đã xử lý.
Nhật ký sinh mổ xúc động của bà mẹ hở van tim / Người phụ nữ An Giang mắc hội chứng 'trái tim tan vỡ'
Phẫu thuật thay thế van tim đang ngày càng trở nên phổ biến với người bệnh tim. Có nhiều loại vật liệu được sử dụng để thay thế van, trong đó phổ biến nhất là van tim cơ học và van tim sinh học. Ngoài ra còn có các mảnh ghép đồng loài được lấy từ mô của người chết. Các bác sĩ phải cân nhắc từng ưu điểm, nhược điểm ở mỗi trường hợp cụ thể để giải thích với bệnh nhân và gia đình chọn lựa loại van thay thế phù hợp nhất.

Ưu, nhược điểm của van cơ học
Nhờ được làm từ vật liệu nhân tạo carbon hoặc titanium phủ pyrolytic carbon, ưu điểm lớn nhất của van cơ học đến nay là độ bền. Về lý thuyết van này có thể tồn tại đến suốt đời bệnh nhân mà không bị ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng. Van cơ học có giá chỉ bằng một nửa van sinh học.

Van cơ học.
Tuy nhiên vì được làm từ vật liệu nhân tạo, nhược điểm lớn nhất của loại van này là đòi hỏi bệnh nhân phải sử dụng kháng đông suốt đời. Thuốc kháng đông thường đi kèm với nhiều nguy cơ. Nếu bệnh nhân sử dụng quá liều, có thể bị xuất huyết nhiều nơi như da (các vết bầm tím), đường tiêu hóa (xuất huyết tiêu hóa), đường tiết niệu (tiểu ra máu) và nặng nề nhất là xuất huyết não, có thể dẫn đến tàn phế nặng nề hoặc tử vong cho người bệnh.

Ngược lại, dùng thuốc kháng đông không đủ liều sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trên lá van cơ học, ảnh hưởng hoạt động của van. Nặng nề nhất là gây kẹt van và có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Hoặc cục máu đông có thể bung ra và theo động mạch gây nhồi máu các cơ quan, nguy hiểm nhất là nhồi máu não.

Thuốc kháng đông cũng làm phức tạp các trường hợp phẫu thuật ngoài tim ở các bệnh nhân đã được thay van cơ học hoặc bệnh nhân khởi phát bệnh cần chống chỉ định kháng đông như xuất huyết não, xuất  huyết tiêu hóa… Hiện nay các loại van cơ học cải tiến có thể sử dụng liều kháng đông thấp hơn, hạn chế nguy cơ cho người bệnh.

Ưu, nhược điểm của van sinh học
Nếu van cơ học được làm từ vật liệu nhân tạo thì van sinh học được làm từ vật liệu tự nhiên, thường là từ màng tim heo hoặc màng tim bò đã được xử lý. Chính vì vậy ưu điểm lớn nhất là không cần phải sử dụng kháng đông suốt đời. Bác sĩ thường ngưng kháng đông cho bệnh nhân sau phẫu thuật 3 tháng. Đây là thời gian cần thiết để nội mạc hóa các vật liệu nhân tạo và nguy cơ tạo huyết khối cũng không còn.


Van sinh học.
Nhược điểm lớn nhất của van sinh học là mô van tự nhiên dị loài sẽ thoái hóa theo thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động của van và sẽ gây tình trạng tái hẹp, hở van nhân tạo. Vì vậy sau một khoảng thời gian, bệnh nhân thường cần phẫu thuật lại để thay van mới.

Mức độ thoái hóa van lệ thuộc vào tuổi của người bệnh và áp lực tác dụng lên van. Bệnh nhân càng trẻ tuổi, van thoái hóa càng nhanh. Ở trẻ em, 50% van sẽ bị hư sau 4 năm và 80% sau 6 năm. Ở người trên 60 tuổi, 5% van sẽ thoái hóa sau 5 năm, 20% sau 8 năm và 30% sau 10 năm.

Các yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn van
- Tuổi bệnh nhân.
Giới hạn tuổi khuyến cáo hiện nay đối với van sinh học là trên 60. Ở tuổi này tốc độ thoái hóa của van sinh học chậm đi nhiều so với trước đó. Tuy vậy, do sự phát triển của phẫu thuật tim mạch và các thế hệ van mới hơn, mức độ tuổi khuyến cáo vẫn còn đang tranh cãi.

- Kháng đông.
Thái độ của bệnh nhân đối với việc sử dụng và nguy cơ của thuốc kháng đông rất quan trọng trong việc lựa chọn van. Ở nhóm bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không thể kiểm soát việc sử dụng thuốc như bệnh nhân từ chối hợp tác, bệnh nhân tâm thần, đến từ vùng sâu vùng xa… thì nên lựa chọn van sinh học. Ngược lại, nếu bệnh nhân đã sử dụng kháng đông lâu dài do tình trạng bệnh lý khác, chúng ta có thể lựa chọn van cơ học.

- Tình trạng nhiễm trùng.
Đối với các bệnh nhân bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, van sinh học hoặc mảnh ghép đồng loại được khuyến cáo vì giảm nguy cơ nhiễm trùng tái phát trong giai đoạn hậu phẫu.

- Nguy cơ huyết khối.
Nguy cơ huyết khối bao gồm rung nhĩ, nhĩ trái giãn lớn, huyết khối trong tâm nhĩ trái, tiền sử bị huyết khối… Những bệnh nhân này nên sử dụng van cơ học vì kháng đông cũng sẽ được chỉ định sau mổ suốt đời.

- Thai kỳ.
Vì nguy cơ dị tật thai kỳ ở 3 tháng đầu của thuốc kháng đông, việc lựa chọn loại van cho phụ nữ trẻ và còn muốn có thai về sau cũng cần cân nhắc thận trọng. Van sinh học tránh được nguy cơ dị tật thai nhưng van sẽ thoái hóa nhanh và phải mổ thay lại van mới trong thời gian sớm hơn. Hoặc người mẹ có thai muộn, khi van sinh học đã thoái hóa và gây nặng hơn tình trạng suy tim.

Van cơ học tránh được tình trạng thoái hóa van nhưng phải ngưng kháng đông đường uống trong 3 tháng đầu và sau 36 tuần, thay bằng thuốc kháng đông loại khác là Heparin và phải theo dõi sát. Vì vậy rất khó áp dụng với bệnh nhân ở xa, không có điều kiện chăm sóc y tế tốt.


Bác sĩ Võ Tuấn Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét