Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Ở BIÊN GIỚI SỰ CHẾT TÔI ĐANG THẤY GÌ?

Ở  BIÊN  GIỚI  SỰ  CHẾT  
TÔI  ĐANG  THẤY  GÌ?

Thứ tư - 05/10/2016



14484828 1194668793939584 3836898263903460274 n


Chết là một biến cố tất nhiên phải tới.
 Biến cố tất nhiên đó đang rất gần tôi. Tuổi tác và bệnh tật báo tin đó cho tôi. Mỗi ngày tôi lại cảm thấy rõ hơn biên giới sự chết.

1. Chết là một biến cố tất nhiên phải tới.
Biến cố tất nhiên đó đang rất gần tôi. Tuổi tác và bệnh tật báo tin đó cho tôi. Mỗi ngày tôi lại cảm thấy rõ hơn biên giới sự chết.
Đúng thực là lúc này tôi đang ở biên giới sự chết. Bằng ánh sáng đức tin, tôi đang thấy gì? Dưới đây xin được chia sẻ đôi chút tâm tư chân thành của một người chuẩn bị ra đi.

2. Sự tôi thấy rõ nhất là sự Chúa hiện diện.
Hiện diện của Chúa không phải chỉ là một niềm tin, mà còn là một cảm nghiệm.
Tôi như thấy Chúa. Tôi như cảm được Chúa ở bên tôi và ở trong tôi. Chúa hiện diện như một nguồn sáng đầy tình yêu. Chúa hiện diện như một Đấng thiêng liêng mang bản chất người cha. Chúa hiện diện như một sức mạnh quyền năng đầy mầu nhiệm, nhưng lại rất gần gũi.

3. Sự tôi cũng thấy rất rõ là Chúa hiện diện đặt ra cho tôi câu hỏi này: “Con đã dùng đời con để làm gì?”.
Với câu hỏi đó, Chúa muốn tôi nhìn lại suốt cả đời tôi, từ quá khứ cho đến bây giờ.
Với ơn Chúa, tôi thoáng nhìn lại đời mình. Trong thoáng nhìn đó tôi thấy Chúa cho tôi nhận ra rất rõ: Đời tôi có giá trị hay không có giá trị, hoặc nhiều hoặc ít, là do từ Chúa thẩm định, chứ không do từ tôi tự xét. Chính Chúa phán xét, chính Chúa thẩm định. Chứ không do tôi có quyền tự định đoạt giá trị cho mình.
Khi Chúa xét, thì Chúa không quan tâm đến việc tôi làm là việc lớn hay việc nhỏ, mà Chúa để ý đến giá trị của những việc đó.

4. Giá trị quan trọng nhất mà Chúa xét nơi các việc tôi làm là các việc đó có hợp theo thánh ý Chúa không.
Chúa dạy tôi điều đó trong lần Chúa nói về người môn đệ chân chính.
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
“Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, mà trừ quỷ, mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).
Lời Chúa trên đây chỉ trong chốc lát đã cho tôi nhận ra phần nào giá trị các việc tôi làm suốt những năm qua. Những việc tôn giáo như lễ lạy linh đình, tổ chức hoành tráng, xây cất lộng lẫy, con số tăng cao về ơn gọi, về bác ái, về hành hương vv... Tôi cho là tất cả đều nhân danh Chúa, nhưng thực sự Chúa có nhận tất cả đều là đúng ý Chúa không. Tôi được thanh luyện nhờ sám hối chân thành.

5. Sự tôi cũng thấy rõ là tôi phải tránh tìm cho mình những lợi ích riêng tư, khi tôi dấn thân làm các việc đạo đức.
“Khi làm các việc đạo đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1).
Rồi Chúa áp dụng lời đó cho việc từ thiện (Mt 6,2-4); việc cầu nguyện (Mt 6,5-6), việc ăn chay (Mt 6,16-18).
Phô trương đang được tôi nhìn thấy là một thứ nọc độc, mà trước đây tôi ít nhận ra. Đúng là ở biên giới sự chết, tôi được ơn nhận ra sự thật cứu rỗi tôi.

6. Sự thực cứu rỗi tôi còn là tôi phải tỉnh thức với những tư tưởng, ước muốn trong tâm hồn tôi.
Nếu không tỉnh thức, để khám phá đúng và đưa vào trật tự các tư tưởng, ước muốn, xúc động trong trái tim, thì các thứ đó sẽ tạo nên một môi trường tâm linh xấu trong tôi và xung quanh tôi. Chính môi trường xấu đó sẽ là áp lực chống lại tình yêu Thiên Chúa (x. Mc 7,20-23).

7. Chống lại tình yêu Thiên Chúa là một xúc phạm tầy trời đến Thiên Chúa.
Tội đó thường nẩy sinh ở những thái độ thông thường, như thái độ vô cảm, thái độ dửng dưng, thái độ bất cần, thái độ tự mãn, trong các thói quen sống đạo nặng về hình thức.

8. Sự tôi thấy rõ lúc này ở biên giới sự chết, đó là sự cần thiết tôi sẽ được nghỉ yên trong Chúa.
Nghỉ yên trong Chúa, không có nghĩa là được an nghỉ trong các việc lành tôi làm, mà chính là trong tình yêu của Chúa, một tình yêu được ban cho tôi một cách nhưng không, như một quà tặng, như một chia sẻ tấm lòng xót thương của Chúa.
Sự nghỉ yên trong Chúa mà tôi ước mong và cầu nguyện như thế, đang làm cho tôi trở nên như trẻ thơ, khó nghèo và phó thác.
Sự nghỉ yên trong Chúa cũng đang thôi thúc tôi hướng lòng lên với Chúa, để gặp gỡ thân mật với Chúa trong mọi tình huống, dù khi thức, dù khi ngủ.
Sự nghỉ yên trong Chúa cũng đang là niềm tin: Tôi sẽ luôn luôn được ở trong tình yêu Chúa. Như lời thánh Phaolô quả quyết: “Tôi tin chắc rằng: Cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay quỷ dữ, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

9. Tôi đang ở biên giới sự chết, nên tôi cảm thấy rất gần những linh hồn các người đã qua đời. Họ đang sống trong cõi đời sau. Họ có những nhắn gởi thân thương gởi về những người còn sống trên cõi đời này. Nhắn gởi quan trọng nhất là “Hãy dùng đời mình để” yêu thương như Chúa đã yêu thương (Ga 13,34). Tức là yêu thương đúng theo thánh ý Chúa.

10. Những gì tôi chia sẻ trên đây đang là động lực thiêng liêng mạnh mẽ giúp tôi biết sống vui, cho dù phải vác thánh giá. Thánh giá chính là hy vọng của Phục sinh. Ở biên giới sự chết, tôi ôm lấy thánh giá mà nói: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 25,45).

Long Xuyên,ngày 4.10.2016.
ĐGM GB. Bùi Tuần



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét