Bài học sau 6 năm
theo dõi từng xu chi tiêu của một doanh nhân
Có người yêu khiến chi
phí quà tặng của tôi tăng gấp ba, thuê chung nhà với người khác không giúp tôi
tiết kiệm nhiều tiền...
Kể từ tháng 1/2010 đến
nay, Justin Malik, một doanh nhân người Mỹ, ông chủ của một kênh radio, tác giả
của nhiều bài viết về tài chính đã ghi chép lại chi tiết những khoản chi tiêu của
mình trên phần mềm Excel.
Qua BudgetsAreSexy, anh
đã chia sẻ lại những kinh nghiệm cũng như bài học mình rút ra được sau khi theo
dõi từng đồng chi tiêu trong 6 năm trời.
Bảng tổng kết chi tiêu của Justin trong 6 năm.
1. Thuê chung nhà không
giúp tôi tiết kiệm được nhiều tiền
Trong 6 năm qua, tôi đã sống
ở 6 địa điểm khác nhau tại Nam California, trong đó có 4 lần chung nhà với người
khác. Từ sống một mình trong căn hộ một phòng ngủ, tôi đã thuê một ngôi nhà mặt
đất và ở cùng ba người khác.
Ở chung, giá tiền thuê
nhà và các tiện ích khác (điện nước, internet, truyền hình cáp) rẻ hơn đáng kể
(13.500 USD so với 17.700 USD/năm khi tôi sống một mình) nhưng lại phát sinh
các chi phí khác:
- Việc lau dọn trở nên
khó khăn hơn (do nhà lớn), vì thế chúng tôi phải thuê người đến dọn dẹp (tốn
650 USD/năm).
- Tiền thực phẩm của tôi
tăng lên vì không phải mọi thứ chúng tôi đều chia đều, đôi khi thực phẩm và đồ
nhà bếp bị mất tích (250 USD/năm).
- Chi phí cho hàng quán của
tôi tăng lên vì ở chung khiến tôi có nhiều cuộc làm quen hơn và cũng phải ra
ngoài đi chơi với họ nhiều hơn (750 USD/năm).
- Tôi cũng phải tiêu tốn
rất nhiều cho quà tặng (500 USD/năm).
Ở chung, tôi tiết kiệm được
2.000 USD/năm, tức là chỉ có 166 USD/tháng, con số này quá nhỏ và tôi hoàn toàn
có thể tự cân đối cắt giảm chi tiêu khi sống một mình, hoặc tìm một căn hộ phù
hợp và rẻ tiền hơn. Ngoài ra, khi sống một mình, tôi không phải chia sẻ bếp,
phòng khách, chỗ đỗ xe với người khác, vì vậy tôi có thể tận dụng tối đa căn hộ
của mình và được sống theo ý thích.
Nếu bạn dự định thuê
chung phòng, bạn nên xem xét mọi thứ thấu đáo. Tiết kiệm được ít tiền nhưng bạn
sẽ phải đối phó với sự phức tạp khi sống cùng với những người khác trong nhà.
2.
Có người yêu khiến tôi tốn nhiều tiền hơn độc thân
Khi còn độc thân, tôi tốn
khoảng 1.000 USD tiền quà tặng mỗi năm, nhưng khi tôi có người yêu, chi phí này
tăng lên ba lần. Thậm chí năm 2015, tôi tiêu hết 3.600 USD. Không phải là tôi tốn
nhiều tiền cho bạn gái mà khi có người yêu, chúng tôi được mời đến tất cả các
tiệc đính hôn, đám cưới, sinh nhật từ người quen của cả hai... và đương nhiên sẽ
phải mua quà tặng nhiều hơn. Ngoài ra, tôi cũng phải mua quà cho gia đình cô ấy
trong những dịp lễ Tết.
3. Nuôi thú cưng
không tốn như tôi nghĩ
Năm 2014, tôi nuôi một
con mèo. Nó ăn rất ít. Nó già rồi nên không cần đồ chơi. Nó cũng không cần cái
hộp để ngủ vì thực tế nó thường xuyên chui ra ngoài. Cả năm, tôi chỉ tốn cho nó
312 USD.
Tuy nhiên, năm 2015, tôi
cho mèo ăn thức ăn đắt tiền hơn, nó cũng vài lần bị gẫy răng phải đi bác sĩ thú
y, tổng chi phí cả năm là 1.375 USD.
Giữa hai năm, số tiền
chênh lệch là hơn 1.000 USD. Tuy nhiên, nếu tính chi li, trong năm 2015, mỗi
ngày tôi chỉ tiêu cho nó 4 USD nhưng đổi lại cuộc sống của tôi vui hơn khi có một
người bạn dễ thương bên cạnh mình.
4. Bảo hiểm sức khỏe hạng VIP không có nhiều giá trị
Tôi có bệnh về thần kinh
nên quyết định mua gói bảo hiểm hạng Vàng (Gold). Tuy nhiên, tôi nhận thấy mình
đã lãng phí khá nhiều bởi tôi hiếm khi sử dụng đến thẻ bảo hiểm y tế của mình.
Hai năm gần đây, tôi tốn khoảng 3.500 USD/năm cho bảo hiểm, chiếm khoảng 10% tổng
chi tiêu của mình.
5. Tôi chơi xổ số hết một USD/tuần
Trong 6 năm qua, tôi tốn
hơn 400 USD cho xổ số nhưng chỉ trúng thưởng được 10% số đó. Trung bình một tuần
tôi tốn một USD, nhưng nếu tôi thắng được 100 triệu hay một tỷ đô la thì thật
đáng giá, mặc dù tôi biết xác suất chiến thắng là vô cùng nhỏ.
Kết luận
Sau khi ghi chép tỉ mỉ từng
khoản chi tiêu, tôi giật mình vì có nhiều thứ mình tưởng vậy mà không phải vậy,
có những khoản tưởng mình rất tiết kiệm hóa ra lại rất lãng phí...
Các con số quả là thú vị
nhưng với tôi, tác dụng lớn nhất của việc theo dõi từng xu chi tiêu của mình
chính là đã khiến tôi thay đổi thái độ với tiền bạc. Tôi biết mình có thể tiết
kiệm tiền bằng cách nào, cắt giảm chi tiêu ở những chỗ nào. Khi chuẩn bị tiêu một
món tiền nào đó, tôi sẽ nghĩ xem liệu việc bỏ tiền ra có xứng đáng, tôi không
còn tự động tiêu tiền một cách vô thức như trước nữa.
Tôi biết khả năng chi trả
của mình đến đâu, việc chi tiêu cho một món hàng lớn hoặc dự tính chi phí của
tháng mới sẽ ảnh hưởng tới tương lai của tôi như thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét