Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

VỢ CHỒNG TÔI ĐỀU KHÔNG THÍCH CÓ CON




VỢ  CHỒNG  TÔI  ĐỀU  KHÔNG   THÍCH  CÓ  CON
Trần Mỹ Duyệt-gdnazaret


Tôi không muốn sinh con dù có thừa khả năng kinh tế. Chồng tôi cũng không thích sinh con. Chúng tôi hợp nhau.

Đây là ý kiến cá nhân của riêng tôi nên không có đúng hay sai. Tôi viết ra đây để mọi người cùng suy ngẫm, bình luận về vấn đề chứ không phải để ném đá lẫn nhau. Nếu ai có quan điểm khác tôi thì xin bỏ qua, đừng nói lời cay độc, cùng là con người xin hãy yêu thương nhau. Lời nói để đi đến trái tim chứ không phải để tát vào mặt nhau.

Theo tôi nghĩ, người phụ nữ có hiểu biết là người phải nhìn xa trông rộng, lường trước được hậu quả của việc làm hiện tại, vì thế họ sẽ không sinh con trong nghèo khó. Nếu kết hôn chỉ để sinh con thì thực chất hôn nhân đó không vì tình yêu mà chỉ vì nghĩa vụ. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi người mà quyết định sinh con ngay sau kết hôn hay chờ vài năm cho ổn định kinh tế. Tôi chẳng hiểu nổi thời đại nào rồi mà còn kiểu có thai ngoài ý muốn nên phải cưới liền tay, cưới trong hoàn cảnh thiếu thốn? Chúng ta có thể ngừa thai, tại sao phải để lại hậu quả nghiêm trọng chỉ vì vài phút thăng hoa?

Những cặp vợ chồng chưa ổn định kinh tế mà vẫn sinh con vì thích, mặc cho đứa con chào đời trong thiếu thốn vật chất thật là đáng trách. Họ đổ thừa do tuổi tác lớn phải sinh ngay, vậy họ hãy nhìn những ngôi sao quốc tế đi, người ta sinh con năm bao nhiêu tuổi? Con người ta có phát triển bình thường không? Tôi sinh ra trong gia đình rất nghèo khổ, cơm còn không đủ ăn nhưng thông cảm cho mẹ vì xã hội lúc đó còn lạc hậu, không có cách ngừa thai rộng rãi như bây giờ. Mẹ đã rất khó khăn để nuôi tôi và em trai. Tôi hiểu mẹ cũng không vui vẻ gì với gánh nặng như thế.


Còn tôi, tôi không muốn sinh con dù có thừa khả năng kinh tế. Tôi muốn báo hiếu cho mẹ mình được trọn vẹn, cũng muốn được tự do nữa. Chồng tôi cũng không thích sinh con, chúng tôi hợp nhau. Tôi đủ kinh tế và kỹ năng để trở thành người mẹ tốt nhưng không thích làm mẹ. Nếu ai đó nói tôi ích kỷ, xin hãy nêu ra cái ích kỷ trong quyết định không sinh con của tôi. Theo như tôi nghĩ thì những người sinh con chỉ vì thích trẻ con và muốn có người chăm sóc mình lúc về già mà không màng đến tương lai của đứa trẻ mới gọi là ích kỷ.

Khi tôi được tự do về tài chính, muốn được đi du lịch nhiều nơi cùng chồng và mẹ, muốn làm những điều mà ngay lúc này tôi không có khả năng để làm vì công việc. Tôi không muốn mình trở thành gánh nặng của bất cứ ai, cũng không cho phép mình sống lệ thuộc người khác. Dù tôi có già cũng phải làm chủ chính mình. Tôi và chồng rất hạnh phúc với hiện tại. Cưới nhau 6 năm và đã có 8 năm yêu nhau, giờ hai đứa vẫn yêu nhau như lúc đầu. Chúng tôi có kế hoạch khi nào chồng 80, tôi cũng 67 tuổi, cả hai sẽ để lại toàn bộ tài sản cho quỹ từ thiện (vì những người thân thiết chắc chắn đã được tôi giúp đỡ khi chúng tôi còn sống). Sau đó chúng tôi sẽ xin được trợ tử. Tôi và chồng sẽ cùng nhau ra đi, nghĩ mình đã sống trọn vẹn và làm những điều tốt đẹp thì đến tuổi đó chết không có gì hối tiếc. Đó là điều tốt đẹp và may mắn đối với chúng tôi nhưng có thể đó là điều tồi tệ với các con của tôi. Tôi không muốn người khác đau buồn vì sự lựa chọn này của mình. Đó cũng là môt trong ngàn lý do không muốn sinh con của tôi.

Vợ chồng tôi, nếu có người chết trước vì bệnh tật thì người ở lại thuê người giúp việc chăm sóc, cuộc sống bây giờ chỉ sợ không có tiền chứ không phải sợ không có người chăm sóc. Nếu ai nói rằng thế giới này ai cũng giống tôi thì loài người tiệt chủng, xin thưa: "Điều đó là không bao giờ có", đừng đem cái điều không bao giờ thành hiện thực ra để nói. Vì những người như tôi trên thế giới này rất hiếm.

Cuối cùng xin chúc tất cả mọi người luôn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.

Linh

GÓP Ý

Qua lá thư trên đang diễn tả một quan niệm và lối sống của lớp người trẻ hôm nay. Nó ảnh hưởng bởi trào lưu tư tưởng phóng kháng, tự do và cá nhân chủ nghĩa (individualism). Nhiều người trẻ ngày nay không muốn cưới nhau nhưng chỉ muốn ở chung với nhau. Một số ít cưới nhau nhưng lại không muốn có con. Và nếu có con thì chỉ sinh một hoặc hai đứa là cùng. Rất tiếc quan niệm và lối sống ấy đang thách đố và làm lung lay nền tảng truyền thống cũng như những giá trị của hôn nhân, của gia đình. Phân tích và nhận định về những điều đang gây tranh cãi ấy đòi hỏi những cuộc nghiên cứu, học hỏi, và phân tích rất qui mô. Nhưng ở đây, một cách đơn giản, tôi chỉ căn cứ vào những điểm chính trong thư để đóng góp vài gợi ý mà tôi cho là đang tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực về ý nghĩa cũng như hạnh phúc của hôn nhân và gia đình, đó là vấn đề con cái sau khi kết hôn.

Tác giả lá thư viết: “Tôi không muốn sinh con dù có thừa khả năng kinh tế. Chồng tôi cũng không thích sinh con. Chúng tôi hợp nhau.” Và quyết định này dựa trên những lý luận mang tính cách chủ quan như sau:   

1-   “Theo tôi nghĩ, người phụ nữ có hiểu biết là người phải nhìn xa trông rộng, lường trước được hậu quả của việc làm hiện tại, vì thế họ sẽ không sinh con trong nghèo khó. Còn tôi, tôi không muốn sinh con dù có thừa khả năng kinh tế.”

Ai bảo người phụ nữ có hiểu biết là người sẽ không sinh con khi túng thiếu, hoặc khi nghèo? Thế nào là nghèo, và thế nào là giầu? Phải chăng người viết muốn căn cứ vào số tiền mà vợ chồng cô đang có hiện nay? Lần đầu tiên tôi nghe một người tự cho mình “có thừa khả năng kinh tế” để sinh con. Hoặc vì cô mặc cảm với cái nghèo của gia đình cô trước đây: “Tôi sinh ra trong gia đình rất nghèo khổ, cơm còn không đủ ăn nhưng thông cảm cho mẹ vì xã hội lúc đó còn lạc hậu, không có cách ngừa thai rộng rãi như bây giờ.” Không biết cô ta thông cảm cho mẹ hay mẹ cô thông cảm cho cô?! Thật ra, nếu mẹ cô không muốn có cô, bà vẫn có thể vứt bỏ cô ngay trong bụng mình một cách dễ dàng, và cô đã không có mặt trên cõi đời này. Đừng tưởng rằng ở vào thời điểm ấy chưa ai biết đến ngừa thai, và cũng chưa ai biết phá thai. Như vậy thì cái gì làm cho mẹ cô đã giữ cô lại, nếu không phải là tình mẫu tử thiêng liêng, là thiên chức làm mẹ, và vì tình yêu: “Lòng mẹ thương con như biển Thái Bình dạt dào.” (Lòng Mẹ - Y Vân).

2-   Tôi muốn báo hiếu cho mẹ mình được trọn vẹn, cũng muốn được tự do nữa.”
 Người ta vẫn có thể báo hiếu cha mẹ mình bằng nhiều cách. Nhưng một trong 5 điều bất hiếu theo quan niệm Nho Giáo là không có con nối dõi tông đường. Tôi nghĩ rằng cô Linh sẽ không chấp nhận tư tưởng này, và cho điều này là hợp thời. Nhưng cô có bao giờ mường tượng được nụ cười rạng rỡ của một bà nội, bà ngoại trước đứa cháu kháu khỉnh, giống cha hay giống mẹ nó không? Đồng tiền báo hiếu mà ta trả cho cha mẹ được bao nhiêu so với công ơn sinh thành, dưỡng dục của các ngài?...

Đúng ra là cô “muốn được tự do”. Nếu đây là lý do được dùng để không sinh con thì có thể chấp nhận, vì trên thực tế, cũng có những người muốn được tự do nên không muốn mình bị ràng buộc bởi việc sinh con. Những người phụ nữ nên biết rằng “Vinh dự lớn lao nhất của một người đàn bà là được làm vợ và làm mẹ” không?  Nếu chỉ có chồng mà không sinh con, thì người phụ nữ ấy chỉ đạt được một vế của hào quang vinh dự ấy, nhưng thiếu nửa phần còn lại.

3-   “Theo như tôi nghĩ thì những người sinh con chỉ vì thích trẻ con và muốn có người chăm sóc mình lúc về già mà không màng đến tương lai của đứa trẻ mới gọi là ích kỷ.”

Không hẳn thế. phần đông các bà mẹ khi sinh con chắc không “chỉ vì thích trẻ con và muốn có người chăm sóc mình lúc về già”. Và việc sinh ra một người để nhờ vả lúc về già tuy có thể là một lý do, nhưng chắc chắn đó không phải là lý do chính. Người Việt Nam thường nói: “Một mẹ có thể nuôi được trăm con, nhưng trăm con chưa chắc đã nuôi được một mẹ.” Kinh nghiệm thực tế đã cho thấy điều này đúng. 

4-   “Khi tôi được tự do về tài chính, muốn được đi du lịch nhiều nơi cùng chồng và mẹ, muốn làm những điều mà ngay lúc này tôi không có khả năng để làm vì công việc. Tôi không muốn mình trở thành gánh nặng của bất cứ ai, cũng không cho phép mình sống lệ thuộc người khác. Dù tôi có già cũng phải làm chủ chính mình.”

Khi người ta tự tin vào đồng tiền của mình thì cứ tưởng rằng mình muốn làm gì cũng được. Nhưng không phải vậy. Có nhiều người tiền của dư thừa mà vẫn không sao làm được điều mình muốn, thí dụ, có lấy một đứa con. Bạn bè tôi bác sỹ có, y tá có, tiến sỹ có nhưng nhiều người chỉ mong muốn có một đứa con mà không được. Do đó, việc có con không hoàn toàn thuộc quyền tự quyết của một người. Vì “Con cái là hồng ân Thượng Đế ban cho cha mẹ, và là kết quả tình yêu giữa cha mẹ.”

Riêng việc bà không muốn trở thành gánh nặng cho bất cứ ai, và cũng không muốn lệ thuộc vào người khác, thì đây lại là một tư tưởng quá cao ngạo, quá vô lý, và quá thiếu hiểu biết. Bà có thể làm chủ được mình. Làm chủ con người mình là điều mà ai cũng phải làm, nhưng tuyệt nhiên không ai có thể tự mình mà sống được. Con người sinh ra trong thế giới này: “Không ai là một hòn đảo” (Thomas Merton).  Chúng ta mắc nợ nhau nhiều lắm. Đừng kể đến ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, bà nhìn vào con người bà từ đỉnh đầu đến bàn chân và đếm xem có bao nhiêu thứ thuộc về bà, và bao nhiêu thứ bà đang vay mượn từ người khác. Ngay đôi dép, đôi giầy bà đang mang cũng là nhờ vào công sức lao động và khả năng chuyên môn của người khác rồi.

5-   “Cưới nhau 6 năm và đã có 8 năm yêu nhau, giờ hai đứa vẫn yêu nhau như lúc đầu.”

Rất mừng cho bà. Nhưng mới có 6 năm thôi mà! Đường còn dài, và đời đâu luôn mãi chỉ là một mầu hồng. Nhưng nếu đời chỉ thuần túy là một mầu hồng thì cũng không lấy gì làm vui. Nhiều người sống với nhau 25, 30, 40 năm mà rồi cũng phải kết thúc bằng ly dị. Những người tiếng tăm lừng lẫy như Cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Al Gore và vợ là Tiffany đã ly dị sau 40 năm chung sống, mặc dù cả hai đã yêu nhau từ khi còn là học sinh trung học. Minh tinh màn bạc Angelina Jolie gần đây đã cùng chồng là Brad Pitt ra tòa ly dị chỉ sau 2 năm cưới nhau, mặc dù trước đó họ đã sống hạnh phúc với nhau 10 năm như bồ bịch, như người yêu của nhau.

Hôn nhân của bà chỉ mới là đang trong thời gian “trăng mật” thôi. Thời gian có lẽ theo bà muốn gì được nấy.

6-   “Chúng tôi có kế hoạch khi nào chồng 80, tôi cũng 67 tuổi, cả hai sẽ để lại toàn bộ tài sản cho quỹ từ thiện (vì những người thân thiết chắc chắn đã được tôi giúp đỡ khi chúng tôi còn sống). Sau đó chúng tôi sẽ xin được trợ tử.”

Bà có khả năng giúp ai thì giúp bây giờ đi, đợi đến lúc đó chả chắc người ta cần đến đâu. “Nếu nói yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ”. Bà cũng có thể đổi lời của bài hát này thành một châm ngôn cho hành động bác ái của bà là “Nếu nói giúp tôi, thì hãy giúp tôi bây giờ”.

7-    “Vợ chồng tôi, nếu có người chết trước vì bệnh tật thì người ở lại thuê người giúp việc chăm sóc, cuộc sống bây giờ chỉ sợ không có tiền chứ không phải sợ không có người chăm sóc.”

Vợ chồng bà đang muốn áp dụng câu nói: “Có tiền mua tiên cũng được”? Tôi chỉ sợ lúc đó hai người không còn tiền, và cũng chẳng có tiên mà mua nữa. Theo thống kê, phần lớn những tỷ phú và những người giầu sụ đã chết một cái chết lãng nhách như bị ám sát, tự tử, hoặc rũ tù... Nếu điều này bà chưa nghe hoặc chưa biết thì cũng nên biết lúc này.

8-  “Vì những người như tôi trên thế giới này rất hiếm.”

Đồng ý, những người như vợ chồng bà là hơi hiếm. Nhưng liệu cái hiếm này có đáng quí hay không. Chắc phải chờ xem mới biết.

Trước khi kết thúc những tâm tình này, tôi cũng muốn chia sẻ với bà một câu chuyện.

Chuyện xẩy ra trong văn phòng của tôi. Lúc đó, tôi có một thư ký người Mỹ trẻ đẹp, thông minh và có học thức. Một hôm cô đến với tôi và nêu lên câu hỏi:

-         Ông nghĩ sao. Tại sao tôi phải sinh con. Tôi rất ghét con nít mà mấy người trong văn phòng này cứ nói với tôi về con cái. Tại sao người ta có quyền có con mà tôi không có quyền không có con.

Tôi nhìn cô và nói:

-         Ellen. Tôi chưa có câu trả lời cho cô lúc này. Nhưng khi nào cô ẵm đứa con đầu lòng của cô trong tay thì đừng quên gọi cho tôi. Lúc đó tôi sẽ giải thích cho cô lý do tại sao cô nên có con.

Rồi một buổi sáng nọ mới có 6giờ sáng điện thoại kêu vang. Và bằng một giọng rất vui mừng từ đầu giây bên kia cô Ellen nói với tôi:

-         Dr. Tran, xin lỗi tôi đánh thức ông, nhưng tôi không thể kìm hãm được hạnh phúc mà không chia sẻ với ông. Chính ông đã bảo tôi phải gọi ông.

Rồi cô nói như hét lên:

-         Dr. Tran. Ông biết không tôi bây giờ được làm mẹ rồi…

Và không chỉ làm mẹ một lần. Người thư ký năm xưa của tôi rất ghét sinh con, thế mà đã lần lượt làm mẹ đến 4 lần. Trường hợp này cũng hiếm mà còn rất hiếm đối với quan niệm và đời sống xã hội của nhiều người Âu Mỹ. Thỉnh thoảng, Ellen dẫn một bày con rất dễ thương đến thăm chúng tôi, và họ có một gia đình hạnh phúc, nhưng không phải là gia đình giầu có về tiền bạc.

Hy vọng bà luôn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.


Trần Mỹ Duyệt

1 nhận xét:

  1. Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại Niềm vui và sự an tâm trong cuộc hôn nhân của mình sau rất nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn, cảm ơn Chúa vì ý tôi là Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng lúc. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề đó trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)

    Trả lờiXóa