Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Tình câm nín là tình đẹp

Tình  câm  nín  là  tình  đẹp
Trần Mỹ Duyệt-gdnazret



Ngồi một mình dưới mái hiên nhìn trăng lên. Ánh sáng vằng vặc bao trùm bầu trời xanh trong tạo cho người thưởng ngọn một cảm giác rất thanh bình. Một vài sợi mây như vắt ngang hoặc đang lãng đãng bồng bềnh giữa trời càng tăng thêm vẻ quyến rũ của bóng trăng thu:

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…

Mây vẩn từng không chim bay đi
Khí trờ u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.
(Đây mùa thu tới - Xuân Diệu)

Một mình ta với ta, tự nhiên nhớ lại bài “thu ẩm” của Nguyễn Khuyến mà ước gì có một hoặc hai người bạn để đối ẩm. Uống rượu ngắm trăng xem hoa quỳnh nở là thú thưởng lãm của những tao nhân, mặc khách. Nhưng cây quỳnh trước nhà thì mới nở cách đây vài hôm, khi đó trăng chưa tròn như hôm nay, và bạn thân thì cũng không có. Như vậy chả lẽ bỏ phí một buổi tối đẹp trời như hôm nay chẳng phải là tiếc lắm sao.

Nhớ lại hai tuần trước có người bạn ghé thăm tặng một hộp trà quí. Và như vậy cũng được. Không uống rượu, thì mình uống trà. Uống trà dưới ánh trăng cũng tình và cũng lãng mạn. Thế là tôi đã nấu một bình trà và tự thưởng cho mình một buổi tối “độc ẩm” - Uống trà thay rượu một mình. Đang say sưa thả hồn theo hương thơm của trà, áng sáng huyền hoặc của trăng, và bầu trời xanh trong cao vút, thì bà xã từ trong nhà mang ra cho một chiếc áo ấm. Nàng nhẹ nhàng nói như trách yêu:

- Trời lạnh ngồi một mình coi chừng cảm. Mặc áo vào cho ấm.

- Vậy em ngồi chung với anh cho đỡ lạnh. Có em ánh trăng thu càng thêm rạng rỡ.

- Mồm miệng Bắc Kỳ. Chỉ được cái khéo nịnh vợ.

Mỗi khi trách yêu, mắng yêu nàng hay gọi tôi là Bắc Kỳ. Và cũng không biết từ lúc nào nàng đã được tiêm nhiễm vào đầu cái tư tưởng là dân Bắc đàn ông rất khéo mồm. Tán gái, nhất là gái Nam Kỳ 10 cô là 9 cô gẫy, và cô còn lại thì bị thương. Có lần nàng đã nói với tôi: “Hồi còn nhỏ ba em nói với em là phải coi chừng mấy con trai Bắc Kỳ. Nó nói khéo lắm. Con kiến trong lỗ nghe nó nói cũng bò ra.” Và lần nào cũng như vậy, nàng thường thêm một câu nghe rất Nam Kỳ và cũng rất dễ thương: “Thiệt tình, hổng biết sao tui lại yêu nổi một ông Bắc Kỳ!”

Qua trăng thu, trời thu, thu ẩm, thu vịnh… tôi cứ thế đưa nàng vào những kỷ niệm mà chỉ những người Việt Nam ở tuổi tôi, sống xa quên mới cảm thấy thấm thía. Nhưng bất ngờ nàng chuyển đề tài mà chính tôi cũng bị cuốn hút để rồi ngồi đây, giờ này tôi ghi lại như một dư âm của buổi uống trà dưới trăng thu. Nàng nói với tôi bằng cả tấm lòng, và cảm nhận của nàng vì nàng là người chứng kiến những gì nàng nói:

- Anh biết không hôm nay em mệt lả người vì trong nhà thương mấy bệnh nhân nổi cơn điên bất tử. Nhưng em thương con Lucie nhất. Nó vào nhà thương cũng được hơn một tháng rồi, bệnh tình thuyên giảm hẳn và chỉ còn mấy bữa nữa là được xuất viện. Hôm qua chị nó cũng ghé thăm nó, hai chị em nói chuyện vui vẻ, bàn tính khi nó về sẽ làm gì. Chị nó còn cám ơn em vì đã chăm sóc cho nó. Vậy mà hôm nay tự nhiên nó nổi cơn điên trở lại, bắt buộc em phải chích cho nó ba mũi thuốc an thần. Nhìn nó em thấy thương nó đến chảy nước mắt. Sắp sửa được về rồi tự nhiên bây giờ phải ở lại nhà thương.

- Em có biết lý do nào khiến nó trở bệnh không? Không lẽ full moon. Em coi kìa, hôm nay trăng tròn 16 đấy. Thường thường mỗi khi trăng tròn bệnh nhân tâm thần hay lên cơn đó.

Nàng đưa mắt nhìn lên bầu trời khen trăng sáng đẹp, nhưng trông nàng còn đẹp hơn trăng. Ngồi bên nàng, tự nhiên tôi cũng chẳng còn muốn lên trời tìm trăng trên đó nữa. Trăng đang ngồi bên tôi. Trăng đang mỉm cười với tôi. Trăng đang cùng tôi tâm sự. Bỗng như khám phá ra một điều gì đó, nàng nói tiếp:

- Em biết rồi. Sáng nay coi Joy nó xuất viện. Con Joy và Lucie hai đứa ở chung phòng với nhau, bọn chúng thân thiết với nhau lắm. Con Joy được về, nó không được về nên buồn mà đổ bệnh. Anh có biết không, con Joy nó là người Mỹ gốc Mễ. Con bé câm mà rất có duyên. Nó đúng với cái tên là Joy (vui, hân hoan, hớn hở). Trên môi nó luôn nở nụ cười. Nó làm cho mọi người từ bác sĩ, y tá, cán sự xã hội, và nhất là con Lucie lúc nào cũng vui, cũng cười. Nó còn dạy em mấy động tác của ngôn ngữ người khuyết tật nữa. Đó là lý do em tin chắc tại sao con Lucie nó buồn và phát bệnh trở lại. Anh có nghĩ như thế không?

- Anh cũng nghĩ thế. Trong cuộc đời có được người hiểu mình, người chia sẻ và thông cảm với mình là một điều rất quí. Chính Thánh Kinh cũng đã nói: “Bạn quí là một kho tàng” (Cách Ngôn 18:24). Con Joy không có những tiếng nói ngọt ngào để nói và trao đổi với Lucie, nhưng nó có nụ cười, có ánh mắt yêu thương, và những cử chỉ quan tâm đến Lucie. Vì vậy, khi Joy đi khỏi, Lucie cảm thấy hụt hẫng, mất mát và thiếu thốn. Tình yêu dù dưới hình thức là tình cảm thân quen giữa hai người bạn cũng có một sức mạnh phi thường.

- Anh nói đúng. Lucie vào nhà thương vì trầm cảm, vì ảo tưởng và ảo giác. Nó khai là mọi người trong gia đình bỏ rơi nó. Không ai nói chuyện với nó, và hiểu nó. Nó tự tử vì sự cùng quẫn của tâm lý. Nay có được Joy là người mở ra cho nó một chân trời mới với ý nghĩ là được cảm thông, được chia sẻ, và được săn sóc. Thảo nào em thấy nó tự tin, yêu đời, và ham sống trở lại. Nay sức mạnh tinh thần ấy không còn nữa, quá khứ lại ùa về, và nó mắc bệnh trở lại.

Rồi nàng nhìn tôi và bỗng nhiên đưa ra một suy tư rất thâm thúy mang ý nghĩa một ứng dụng của tâm lý trị liệu:

- Anh có nghĩ là trên đời này có nhiều người như Joy và Lucie không? Em nghĩ là có. Trong thực tế, em thấy có những đôi vợ chồng không hiểu tại sao mà không thông cảm, chia sẻ với nhau để đem lại cho nhau một nụ cười anh hả? Nếu mình không có khả năng nói năng, không có tài chuyên chở tình cảm để làm vui lòng người mình yêu thì ít ra cũng hãy như con Joy vậy. Nụ cười của nó, ánh mắt của nó, và cử chỉ săn sóc người bạn của nó thay thế cho những thiếu thốn kia anh nhỉ. Theo em đó là sự bù đắp cần thiết và là nét đẹp của “tình câm nín”. Trái tim con người mà. Người bị tâm lý còn cảm nhận được tình cảm người khác dành cho mình huống gì những con người bình thường. Chỉ tiếc là nhiều người đã tự để mình bị câm nín vì chút tự ái và cái tôi quá to, để rồi cả hai phải lầm lũi bước đi bên nhau trên những đoạn đường sỏi đá của giận hờn, và dưới ánh nắng chói chang của mất mát, thiệt thòi.

Thời gian thoáng qua mau, đồng hồ chỉ 11giờ khuya, và chúng tôi phải ngưng buổi trà đàm để ngày mai cả hai còn phải “đi cày” trả nợ áo cơm, trả nợ đời. Một niềm hạnh phúc chơi vơi với men say tình người làm tôi choáng váng. Dưới trăng thu, những câu thơ của Nguyễn Khuyến bỗng lại về trong vùng trời ký ức:    

“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè”.


Thu Cali, 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét