Con người và lòng người
Chuyện
phiếm của Gã Siêu
Cách đây mấy bữa, gã mới
đọc được một mẩu chuyện như sau: Dọc theo triền núi Trường Sơn, có một ngôi mộ
cổ từ lâu đời, trên tấm bia có khắc dòng chữ: Tôi thương người, nhưng rất sợ
lòng người. Đây là câu nói của Hy Thanh, người đang bị vùi sâu dưới lòng đất lạnh.
Nhưng tại sao lại khắc dòng chữ đó trên mộ bia của chàng?
Sự việc đại khái như thế
này: Thời bấy giờ, Hy Thanh căm cụi chịu khó đi học nghề tìm mạch nước. Thấy vậy,
bạn bè đều khinh chê: Dưới đất lúc nào mà chẳng có nước, cần chi phải học với
hành. Còn gia đình thì nguyền rủa: Học làm gì cái nghề vô tích sự ấy, đi đâu
thì đi. Vì tự ái, Hy Thanh đã bỏ nhà ra đi. Ban ngày chàng vất vả kiếm sống,
ban đêm tìm đến nhà chùa xin ngủ nhờ, cắn răng chịu đựng và vẫn tiếp tục theo
đuổi cái nghề”vô tích sự” ấy.
Hai mươi năm trôi qua, gặp
thời đại hạn, mọi giếng nước đều khô cạn, nhiều người đã chết vì khát. Lúc bấy
giờ, người ta chợt nhớ đến chàng và chạy tới để cầu cứu. Hy Thanh tìm ra mạch
nước ngầm, rồi đào bới và nước đã vọt lên, chảy lênh láng khắp nơi. Dân chúng từ
khắp bốn phương hay tin bèn kéo nhau đến xin uống. Họ vui mừng và không tiếc lời
ca ngợi chàng.
Tuy nhiên, có kẻ vì bị
khát lâu ngày, đã uống quá độ, nên lăn đùng ra chết. Và thế là người ta quay phắt
lại một trăm tám mươi độ, lên tiếng mạt sát chàng thậm tệ, nhưng vẫn chịu khó uống
nước mà chàng đã khơi lên. Đám người có thân nhân bị chết, bèn xúm lại, đánh đập
chàng không thương tiếc. Và rồi trước khi chết, chàng đã nói: Tôi thương người,
nhưng rất sợ lòng người.
Câu nói này đã làm cho gã
phải băn khoăn, thiếu điều muốn “vắt chân lên trán” mà suy gẫm đến nỗi “đêm
quên ăn, ngày quên ngủ”. Và giờ đây gã xin chia sẻ cùng bàn dân thiên hạ những
tâm tự vụn vặt, không đầu không đuôi, chẳng ra ngô mà cũng chẳng ra khoai của
gã.
Vế thứ nhất: Tôi thương người.
Nhìn vào con người, gã thấy
con người chúng ta thật là dễ thương và cũng thật là đáng thương.
Trước hết, con người thật là dễ thương.
Đúng thế, ở vào bất cứ thời
điểm nào, con người cũng đều mang lấy một vẻ đẹp cho riêng mình. Giống như khi
nhìn cảnh bình minh, gã thấy được vẻ đẹp của buổi sáng rạng đông, còn khi ngắm
cảnh hoàng hôn, gã cũng thấy được vẻ đẹp của buổi chiều tà. Mỗi cảnh có nét đặc
sắc riêng của nó. Giống như khi nhìn chiếc mầm non, thì mầm non có vẻ đẹp
riêng, còn khi ngắm một cành cây sai trái, thì cành cây sai trái cũng có vẻ đẹp
riêng. Mỗi loại, mỗi thứ đều có một giá trị của nó.
Cũng vậy, mỗi chặng đường,
mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi đều có một giá trị và một vẻ đẹp riêng của mình.
Tiên vàn là tuổi thơ. Vẻ đẹp của lứa tuổi này là vẻ đẹp của đơn sơ và trong trắng.
Một em bé đẹp từ ánh mắt long lanh đến nụ cươi hồn nhiên. Thảo nào mà người ta
gọi tuổi này là tuổi thiên thần. Tiếp đến là tuổi choai choai. Vẻ đẹp của lứa
tuồi này là vẻ đẹp của phát triển, đang chập chững làm người…nhớn, vì bắt đầu
biết suy tư và đôi lúc cũng ra dáng ông cụ non. Vẻ đẹp của một chiếc lá xanh,
sau khi đã thoát khỏi tình trạng mầm và chồi, nhưng cũng chưa quá lớn để gánh lấy
trách nhiệm của cuộc sống, nên rất cần được chăm sóc. Thảo nào mà người ta đã gọi
tuổi này là tuổi trăng tròn, tuổi đôi tám, tuồi đưa duyên, tuổi học trò, tuổi ô
mai. Rồi sau là tuổi trưởng thành. Vẻ đẹp của lứa tuổi này là vẻ đẹp của lao động
và bươn chải, vẻ đẹp của hăng say và nhiệt thành. vẻ đẹp của thành công và chiến
thắng. Cuối cùng là tuổi già. Vẻ đẹp của lứa tuổi này là vẻ đẹp của khôn ngoan
và dày dạn, vẻ đẹp của kinh nghiệm và từng trải, như tục ngữ đã diễn tả: Cây già
tốt lõi. Gừng và quế, càng già càng cay. Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.
Sự phân chia về lứa tuổi
là như thế, còn sự phân chia về giới tính lại càng tuyệt vời hơn nữa. Phái nam
có vẻ đẹp của phái nam, đó là vẻ đẹp của bắp thịt và sức mạnh, vẻ đẹp của suy tư
và quyết định, vẻ đẹp của một anh gà trống. Còn phái nữ có vẻ đẹp của phái nữ, đó là vẻ đẹp của dịu
hiền và mềm mại, vẻ đẹp của tế nhị và yêu thương, vẻ đẹp của một chị gà mái.
Nói về vẻ đẹp của phái nữ, xem ra cũng bằng thừa, giống như “giảng cho các đấng
các bậc, giải tội cho các sơ các dì, và bắt rận cho chó vậy, bởi vì từ ngàn xưa
cho tới ngày hôm nay, các nàng vốn được gọi là phái đẹp rồi cơ mà. Mà các nàng
cũng xứng đáng mang “tước hiệu” ấy, bởi vì các nàng quả thực là rất đẹp với những
đường cong của đồi núi: Em đẹp bàn tay ngón thon thon, Em xinh đôi má nắng hoe
tròn. Vì đẹp như thế, nên các nàng cũng rất dễ thương: Một thương tóc bỏ đuôi
gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên. Ba thương má lúm đồng tiền, bốn thương
răng nhánh hạt huyền kém thua.
Mới chỉ nhìn sơ qua cái
hình dong, gã đã thấy con người thật là dễ thương, còn nếu xét tới cái bản
tính, thì con người lại càng dễ thương hơn nữa. Thực vậy, theo Khổng tử thì
“nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người thuở ban đầu vốn tốt lành, nhưng rồi dần
dần trở nên xấu xa do ảnh hưởng của xã hội và những người chung quanh. Còn theo
Kitô giáo, Thiên Chúa dựng nên con người từ bùn đất, rồi Ngài thổi hơi vào lỗ
mũi, qua đó trao ban cho con người sự sống cùng với một tấm linh hồn. Vào cái
thuở ban đầu ấy, con người được Thiên Chúa đặt vào vườn địa đàng, sống trong
tình yêu thương thân mật với Thiên Chúa. Lúc bấy giờ, con người cũng thật tốt
lành vì chưa phạm tội, nên cũng rất dễ thương dưới cái nhìn của Thiên Chúa.
Không những chỉ dễ
thương, mà con người còn thật là đáng thương nữa.
Thực vậy, từng giây và từng
phút trên mặt đất này chiến tranh cùng vơí biết bao nhiêu tai ương hoạn nạn đã
xảy ra, khiến cho rất nhiều người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, và nỗi bất hạnh
của họ dường như chẳng có cơ may được giải quyết, thì cũng đủ để thấy được rằng:
Con người thật là đáng thương.
Nếu có dịp ghé thăm các bệnh
viện, ở đó biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn với đủ mọi chứng bệnh.
Họ đớn đau trong tuyệt vọng, khi các bác sĩ đành phải bó tay vì không còn phương cách trị liệu nào khác, thì
cũng đủ để thấy được rằng: Con người thật là đáng thương. Cũng từng giây và từng
phút, cái chết đã cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người, để lại cảnh tang
tóc cho những người thân yêu còn ở lại. Cứ nhìn những giải khăn xô buộc hờ hững
trên mái đầu xanh của người vợ trẻ và những đứa con thơ, thì cũng đủ để thấy được
rằng: Con người thật là đáng thương.
Vế thứ hai: Nhưng rất
sợ lòng người.
Vấn đề ở đây đó là phải
xác định xem “lòng” là cái gì khiến
chúng ta phải sợ hãi? Đối với người Việt Nam, trong cuộc sống “ăn” là một vấn đề thật quan trọng, bởi vì có
thực mới vực được đạo. Chẳng thế mà người ta đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, vất
vả ngược xuôi cũng chỉ để tìm chén cơm manh áo, bảo đảm những nhu cầu vật chất
cho bản thân và gia đình. Nỗi băn khoăn lo lắng hầu như của mọi người, đó là nỗi
lo lắng về cơm áo gạo tiền. Vấn đề ăn chiếm một chỗ đứng quan trọng, nên ngôn
ngữ Việt Nam thật phong phú để diễn tả động tác này. Khi kính cẩn người trên
thì bảo: Mời, xơi. Khi vui vẻ với bè bạn thì bảo: Nhậu, chén, lai rai. Khi bực
bội với kẻ dưới thì bảo: Đớp, hốc. Mở cuốn Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, gã
thấy nhiều chữ được ghép với tiếng ăn, như ăn giỗ, ăn cưới, ăn chay. Và cũng
còn rất nhiều tiếng ăn khác chẳng liên quan gì tới miệng lưỡi, như ăn đòn, ăn
cướp, ăn quịt… Tổng cộng, gã đếm được cả thảy 173 tiếng.
Vì ăn là một trong những
sinh hoạt chính yếu của con người, phải ăn thì mới sống, nên người Việt Nam thường
nhấn mạnh đến bụng, dạ, lòng… Trong khi người tây phương nhấn mạnh đến trái tim
và tâm hồn. Cũng theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, thì: Dạ là cái bao tử. Bụng
là phần dưới của thân mình, gồm bao tử, gan và lá lách. Còn lòng thì gồm các bộ
phận trong ngực và bụng. Nơi gã đang ở, để tỏ lòng kính trọng ai, thì khi làm
thịt heo, người ta thường biếu cho người ấy bộ lòng chay gồm quả tim, rồi một
ít gan, một ít lá lách…Khi xơi món lòng lợn tiết canh, thì không phải chỉ có dồi,
ruột non mà còn có cả tim gan phèo phổi.
Hay như tục ngữ cũng bảo: Đẻ con chẳng dạy chẳng răn. Thà rằng nuôi lợn
cho ăn lấy lòng.
Tuy nhiên chữ lòng cũng
như chữ bụng, chữ dạ còn được dùng để ám chỉ tính tình, tình cảm và nhất là ý
muốn của mỗi người. Thực vậy, ý muốn và sự tự do chính là một qùa tặng tuyệt vời
Thiên Chúa đã trao ban cho con người và làm cho con người trở nên cao cả. Một
ông vua đầy uy quyền cũng không thể bắt gã làm điều gã không muốn. Thậm chí
ngay cả Thiên Chúa cũng đành phải chào thua trước sự tự do của con người, như lời
ông thánh Âu Cu Tinh đã viết: Ngài sẽ không thể cứu chuộc tôi nếu như chính bản
thân tôi lại không muốn.
Ý muốn và sự tự do làm
cho con người trở nên cao cả, nhưng đồng thời cũng có thể biến con người thành
nguy hiểm và dễ sợ. Nếu không biết điều khiển và quản lý chặt chẽ, nó sẽ đọng lại,
kết tủa và hóa kiếp con người thành một con thú hoang. Đây là điều mà các vị tiền
bối đã diễn tả: Con người vừa có thể là một thượng đế, lại vừa có thể là một
con vật. Trong mỗi con người đều có tiềm ẩn một con thú hoang.
Từ ý muốn, hay nói một
cách cụ thể hơn, từ cái lòng của mình mà phát sinh ra những hành động. Bởi vì:
Tư tưởng thì hướng dẫn cho hành động, và lòng đầy thì mới tràn ra ngoài. Cái
lòng mà đã tốt, thì thường phát sinh ra những hành động tốt. Còn cái lòng mà đã
xấu, thì cũng thường phát sinh ra những hành động xấu. Do ảnh hưởng của tội lỗi,
cũng như do ảnh hưởng từ bên ngoài, mà cái “tính bản thiện” vốn có ngay từ đầu
dần dần bị mai một và lòng người trở nên nham hiểm, cũng như luôn hướng chiều về
đàng xấu, đàng trái: Sông sâu còn có người dò, lòng người nham hiểm ai đo cho
cùng. Chính Đức Kitô cũng đã có lần dạy: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong
con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người
xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có tai nghe thì nghe! Và rồi Ngài
đã cắt nghĩa cho các môn đệ được rõ: Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con
người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng,
nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài. Còn cái gì từ trong con người xuất
ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát
xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc
ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những
điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế. Quả là
một lời giảng dạy tuyệt vời, xác định được nguồn gốc của mọi tội ác chính là
cõi lòng con người.
Gã còn nhớ ngày xưa còn
bé, khi học giáo lý có một câu như sau: Hỏi: Tội bởi đâu mà ra? Thưa: Tội thì bởi
trong lòng mà ra. Cõi lòng là nơi chất chứa, hay nói một cách mạnh mẽ hơn, cõi
lòng chính là hang ổ của tội ác. Thảo nào mà bàn dân thiên hạ đều rất sợ lòng
người. Trong cõi lòng của con người, thì ý muốn ngự trị như một bà hoàng. Chính
ý muốn xác định hay đưa ra mục đích của việc làm. Và chính cái mục đích ấy phần
nào biến đổi việc làm của chúng ta trở nên xấu.
Một việc tự bản chất là xấu,
thì ở mọi nơi, trong mọi lúc và với bất kỳ mục đích nào, mèo vẫn hoàn mèo, chó
đen vẫn giữ mực, xấu vẫn là xấu mà thôi, bởi vì muc đích không thể nào biện
minh cho hành động. Chẳng hạn ăn trộm là một việc tự bản chất là xấu, thì dù gã
có đi ăn trộm để giúp đỡ người nghèo, thì hành động ăn trộm của gã vẫn cứ xấu
như thường. Trong khi đó, một hành động tốt nhưng vì mục đích hay ý hướng xấu,
thì cũng sẽ trở nên xấu, hay ít nữa cũng bị mất cái phẩm chất tốt ấy đi. Chẳng
hạn gã làm phúc bố thí nhưng cốt để cho người ta khen ngợi, thì việc làm phúc bố
thí ấy đã bị mất đi rất nhiều giá trị của nó. Và như vậy, cái ý muốn cũng như
cái ý hướng của cõi lòng quả thật cũng rất là… đáng sợ.
Tuy nhiên, gã còn nhận thấy
một sự nguy hiểm khác nữa, đó là thói giả hình, bên ngoài thi tốt đẹp, nhưng
cái tốt đẹp bên ngoài ấy chỉ nhằm che lấp những ý đồ đen tối bên trong, như mồ
mả bên ngoài quét vôi trắng bóc, nhưng bên trong lại đầy giòi bọ cùng mọi thứ
xú khí. Đây là hạng người mà cha ông chúng ta đã gọi là hạng “khẩu Phật tâm
xà”, “miệng Na mô bụng bồ dao găm”. Ngoài thì thơn thớt nói cười, mà trong nham
hiểm giết người không gươm.
Ca dao cũng đã diễn tả một
cách rất thú vị về họ: Na mô, một bồ dao găm. một trăm con chó, một lọ mắm tôm,
một ôm rau húng, một thúng rau răm… Na mô, một bồ dao găm, một trăm giáo mác, ột
vác dao bầu, một xâu thịt chó… Đây mới chính là điều làm cho gã phải khiếp sợ.
Khiếp sợ đến phát run lên cầm cập, bởi vì mình chẳng còn phân biệt được lành và
dữ, tốt và xấu, đồng thời còn có nguy cơ bị sập bẫy bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, làm sao có thể
tách biệt được cái hình dong bên ngoài và cái cõi lòng bên trong, bởi vì cả hai
gắn bó mật thiết với nhau và làm thành một người. Vì thế, điều gay go nhất, đó
là làm sao có thể chung sống hòa bình với những kẻ có lòng dạ độc ác. Và hơn thế
nữa, làm sao có thể hoán cải được những kẻ “lòng chim dạ chó” trở nên những người
tốt lành. Bởi vì, như lời ca của một bài hát mà thỉnh thoảng gã cũng vẫn ngâm
nga: Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai. Một khi đã
cảm hóa được lòng người thì đâu còn phải sợ hãi nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét