Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Suy thoái và chấn hưng đạo đức

Suy  thoái  và  chấn  hưng  đạo  đức
(+ GB. Bùi Tuần-Chủ nhật - 20/11/2016)


Vui vì làm được những việc lành là niềm vui tốt. 
Nhưng khi niềm vui đó trở thành tự mãn, tự đắc, tự kiêu, thì đó là suy thoái đạo đức.

1.
Tại Việt Nam, lúc này hơn bao giờ hết, vấn đề suy thoái đạo đức và chấn hưng đạo đức đang được đặt ra một cách khẩn thiết.
Trong xã hội, tính cách khẩn thiết đó được thực hiện qua những  nhận xét của nhiều nhà lãnh đạo và của nhiều người có trách nhiệm.
Trong Hội Thánh, tính cách khẩn thiết đó được nhấn mạnh qua các văn kiện của các vị chủ chăn, các bài giảng, các chia sẻ và những sinh hoạt tôn giáo.

2.
Riêng tôi, ngoài những gì nhận được từ các nguồn trên đây, tôi còn có thêm những kinh nghiệm bản thân. Những kinh nghiệm này đều do ánh sáng Phúc Âm. 
Tôi áp dụng ưu tiên những kinh nghiệm này cho chính bản thân tôi, nhất là trong ba lãnh vực sau đây:

3.
Lãnh vực thứ nhất là lãnh vực thương cảm.
Phúc Âm thánh Luca thuật lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói vê kẻ bị cướp trấn lột và đánh trọng thương nằm ở vệ đường. Nhìn thấy cảnh đó, thầy tư tế và thầy Lêvi tránh né. Một người Samaria vừa nhìn thấy nạn nhân, thì dừng lại chăm sóc chu đáo (Lc 10).
Suy thoái đạo đức là đừng như thầy tư tế và thầy Lêvi. Chấn hưng đạo đức là bắt chước người Samaria.

4.
Nhìn lại mình, tôi thấy tôi rất cần trung thực trong lãnh vực thương cảm. Trung thực dưới ánh sáng Phúc Âm. Có nhiều lý do tôi có thể coi là chính đáng để biện minh cho nhiều trường hợp né tránh. Nhìn thánh nữ Têrêsa Calcutta, tôi thấy động lực nội tâm đầy tình yêu Chúa sẽ giúp tôi chấn hưng đạo đức bằng sự dám làm những việc thương cảm như thánh Têrêsa Calcutta. Có thể là chỉ bằng những việc nhỏ. Nhưng việc nhỏ và âm thầm thương cảm vẫn là khởi động sự chấn hưng đạo đức.

5.
Lãnh vực thứ hai là lãnh vực khiêm nhường.
Phúc Âm thánh Luca thuật lại dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra để dạy về sự khiêm nhường, là rất quan trọng.
“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí còn chẳng dám ngước mắt nhìn lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’. Tôi nói thật cho các ông biết: Người này, khi trở xuống, mà về nhà thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,10-14).

6.
Nhìn vào bản thân mình, tôi thấy tôi sợ cho tôi. Cũng may là tôi chưa kiêu căng một cách lộ liễu và thô bạo như người Pharisêu đó. Nhưng kiêu căng một cách tinh vi trong chính những việc đạo đức là điều có thể dễ xảy ra.
Vui vì làm được những việc lành là niềm vui tốt. Nhưng khi niềm vui đó trở thành tự mãn, tự đắc, tự kiêu, thì đó là suy thoái đạo đức. Nhất là khi sự tự mãn của mình làm cho mình khinh khi người khác, coi họ là thua kém, tội lỗi, đáng phải tố cáo và kết án, thì suy thoái đạo đức của người coi mình là đạo đức đã trở nên trầm trọng.

7.
Nhận thức như vậy, tôi xin Chúa thương luôn chấn chỉnh đạo đức nơi tôi, trong lãnh vực khiêm nhường.
Chúa đã thương tôi. Việc Chúa chấn chỉnh nơi tôi được tôi cảm nhận là nhẹ nhàng mà mạnh mẽ. Cho đến lúc này, việc chấn chỉnh lòng khiêm nhường nơi tôi vẫn được Chúa Giêsu tiếp tục. Tôi nhận ra chính Người là Đấng hiền lành và khiêm nhường (Lc 11,29). Hãy cộng tác vào công việc chấn chỉnh của Người.

8.
Lãnh vực thứ ba là lãnh vực tỉnh thức và cầu nguyện.
Phúc Âm kể lại nhiều lần sự Chúa coi việc tỉnh thức và cầu nguyện là việc rất quan trọng. Coi nhẹ tỉnh thức và cầu nguyện là dấu chỉ suy thoái đạo đức. Chấn hưng đạo đức thì phải chấn hưng việc tỉnh thức và cầu nguyện.

9.
Riêng tôi, ngoài việc tỉnh thức và cầu nguyện để có được những lợi ích thông thường, thì tôi đã được Chúa dẫn tôi vào hai việc sau đây:

10.
Một là tôi nhìn thấy rất rõ phía trước trên đường về với Chúa, có nhiều trắc trở đáng sợ, như những sườn dốc sâu, những vực thẳm, những thác nước mạnh, những con sông lớn phải vượt qua, những vùng đất xa lạ phải đi vào.

11.
Hai là tôi gặp được những người đáng tin sẵn sàng giúp tôi vượt qua khó khăn. Họ ở trong Hội Thánh. Họ ở ngoài Hội Thánh. Họ đồng hành với tôi trên những quãng đường nguy hiểm. Họ cho tôi thấy những điểm tựa cần thiết, để phục vụ Hội Thánh và Quê Hương. Họ chia sẻ với tôi những nỗi đau và những hy vọng trên đường về với Chúa.

Tôi ngạc nhiên ở sự những người đó đã rất âm thầm. Như ông Simon xưa đã vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu trên đường lên núi Calve, như bà Veronica xưa đã trao khăn cho Chúa Giêsu lau mặt đầy mồ hôi và máu, giữa dòng người sỉ vả Chúa.

Tỉnh thức và cầu nguyện, tôi đã gặp được những người tốt, mà Chúa sai đến, để cứu tôi, và cũng để cứu Hội Thánh. Ở đây, tôi nhớ lại những lời khuyên của người bạn tôi là Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận. Ngài khuyên tôi là hãy tỉnh thức và cầu nguyện với trái tim yêu thương, khiêm nhường, cùng với cái nhìn xa của Trái Tim Chúa.

12.
Tôi hiểu là tôi cần có cái tâm, và cũng cần có cái tầm. Cái tầm là tầm nhìn xa. 
Tỉnh thức và cầu nguyện như thế là điều Chúa đang dạy tôi lúc này, một cách khẩn thiết.

13.
 Như vậy, đối với tôi, suy thoái đạo đức đã được nhận diện, chấn hưng đạo đức cũng đã được nhận diện. Tất cả đều nhờ ánh sáng đức tin, mà Chúa thương ban cho tôi. Tôi không dám nghĩ những gì đó Chúa làm nơi tôi là cách duy nhất Chúa cũng sẽ làm nơi những người khác. Trái lại, tôi nghĩ Chúa đang chấn hưng đạo đức nơi nhiều người khác nhau, với nhiều cách khác nhau.

14.
Tôi cảm tạ Chúa. Tôi đi về phía trước trong niềm vui và hy vọng nơi Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Niềm vui và hy vọng ấy không miễn cho tôi khỏi phải phấn đấu. Thực sự, tôi phải phấn đấu từng ngày, hàng giờ, hàng phút. Phấn đấu cam go, nhưng trong hồng ân Chúa.


Long Xuyên, ngày 15.11.2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét