Apr 1, 2018 - Chúa nhật Đại Lễ Phục Sinh năm B
Hãy nhìn mọi sự bằng con mắt đức tin
Các Bạn thân mến,
Ðức Kitô
đã sống lại. Ngài đang sống trong Thiên Chúa. Nơi Ngài có cả bản tính Thiên Chúa
lẫn bản tính loài người. Ngài là Ngôi Hai nhập thể để là người ở giữa chúng ta.
Hơn nữa, Ngài đã mang lấy tất cả tội lỗi của loài người vào thân mình để chịu
đóng đinh thân thể và chết đi, tiêu diệt bản tính tội lỗi loài người, để khi
sống lại, Ngài đổi mới bản tính ấy hầu nó được ở nơi vinh hiển phục sinh. Và
như thế, ai kết hợp với thân thể Ðức Kitô, thì cũng được ở với Ngài trong Thiên
Chúa. Ðó là điểm then chốt, độc đáo của đạo chúng ta.
Kitô giáo
không phải là tôn giáo ở đó mỗi người chỉ trực tiếp giao thiệp với Thiên Chúa
mà thôi, nhưng còn là đạo để ai nấy có thể kết hợp với Ðức Kitô, hầu ở trong
Ðức Kitô người ta gặp được Thiên Chúa, giao thiệp được với Ngài và làm đẹp lòng
Ngài. Không ai có thể ở trong người nào, khi hai người đang còn sống trong xác
thịt. Nhưng bây giờ thân xác Ðức Kitô đã phục sinh, đã trở thành thân thể mầu
nhiệm, nên chúng ta đã có thể ở trong Ngài bằng tinh thần, chờ ngày được ở
trong Ngài bằng cả xác thịt sống lại nữa.
Mầu nhiệm Phục sinh vì thế là nền tảng của đạo mới. Thân thể
Chúa Phục sinh là đền thờ mới dựng nên sau ba ngày đền thờ cũ bị phá hủy. Ai
muốn thờ phượng Thiên Chúa Cha, phải ẩn náu ở trong thân thể phục sinh của
Ngài, là đền thờ đạo mới. Như vậy chúng ta chỉ có thể đẹp lòng Thiên Chúa, nếu
ở trong Con Người phục sinh của Ðức Kitô. Vì chỉ ở nơi đó mới có ơn tha tội và
cứu độ. Ðồng thời, thân xác phục sinh của Ðức Kitô bảo đảm cho sự sống lại của
thân xác chúng ta sau này, nếu ngay bây giờ chúng ta bắt đầu sống kết hợp với
Chúa Phục sinh.
Vậy
làm thế nào để tất cả chúng ta ý thức được tầm mức quan trọng của việc Chúa sống
lại, đó là mục đích của Phụng vụ hôm nay và của mùa Phục sinh này. Không ý thức
được tầm quan trọng đó, chúng ta sẽ không tha thiết với việc kết hợp cùng Ðức
Kitô Phục sinh. Không kết hợp với Ngài, không có đời sống mới; cuộc đời chúng ta
sẽ hoàn toàn vô ích về phương diện tôn giáo.
Công việc
quan trọng là tìm ra liên lạc giữa việc Chúa sống lại và đời sống đạo đức của chúng
ta.
Hôm
nay, Phúc Âm trình bày việc Chúa Phục sinh là một biến cố rõ ràng nhưng quá bất
ngờ đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với những người tin Chúa. Mặc dù Chúa
đã khẳng định cách công khai cho biết Ngài sẽ bị nộp, bị đánh đòn, bị treo trên
Thập giá, và ngày thứ ba sẽ sống lại.
Đại lễ Phục Sinh
này không riêng gì Giáo Hội Công Giáo, mà tất cả những người tin vào Đức Kito Giesu
trên khắp thế giới đều hân hoan mừng kính cuộc chiến thắng sống lại khải hoàn
của Ngài trên mọi tội lỗi và trên cả mọi sự chết.
1." Người ta đã đem Chúa di khỏi mộ":
- Đó là lời
bà Macdala nói với ông Phero và môn đệ Đức Giesu thương yêu khi bà ra thăm mộ
Ngài lúc sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thấy tảng đá che mộ đã bị lăn ra mà
không thấy xác Đức Giesu đâu.
- Chứng
tỏ Bà không hiểu biết, cũng chẳng nhớ gì đến Cựu Ước hoặc những lời Đức Giesu
loan báo về sau cái chết của Ngài.
- Các
môn đệ cũng vậy, chỉ hiểu trọn vẹn mầu nhiệm Phục Sinh khi Thánh Thần hiện
xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần.
- Hiển
nhiên Macdala sợ hãi lo lắng, băn khoăn, nhanh chóng chạy ngay về báo cho hai
môn đệ quan trọng của nhóm là ông Phero và Gioan biết.
- Hai ông
này có tính tình khác hẳn nhau, nhưng họ có mối tương quan đặc biệt với Đức
Giesu, khiến họ như cặp bài trùng, nối kết nhau trong ân sủng của Ngài.
- Trong
Tin Mừng Gioan, ông thường không nêu tên mình, mà dùng kiểu nói "một môn đệ khác, hay môn đệ Đức Giesu yêu
mến…"
- Sự
kiện ngôi mộ trống vẫn được coi như là một bằng chứng cụ thể để chứng minh Chúa
đã sống lại thật.
- Tuy
nhiên sự kiện xác Đức Giesu không còn trong mồ đã được giải thích khác nhau: bị
đánh cắp, cất giấu, động đất…
- Nhưng
thật đơn giản, ai cũng biết không có lý do nào thực tế, hợp lý và thuyết phục.
Vì kẻ thù, những người có trách nhiệm đã cho quân lính canh mộ Đức Giesu rất
cẩn thận. Như vậy chỉ còn một lý do là chính Đức Giesu đã tự ra khỏi mộ mà thôi.
- Thật
vậy, nếu những đồ vật trong ngôi mộ lộn xộn bừa bãi thì có thể có sự trộm cắp,
động đất, nhưng việc các khăn liệm được xếp gọn gàng chứng tỏ không vội v ã, hấp tấp trong việc ra đi của xác chết Đức
Giesu.
- Đối
với tín hữu chúng ta, sự kiện đó đã là một bằng chứng hiển nhiên, rõ ràng khẳng
định sự sống lại của Đức Giesu mà cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại.
- Tuy
nhiên, ngôi mộ trống cũng khiến ngay các môn đệ cũng có nhiều phản ứng khác
nhau:
. Macdala nghi người nào đó đã lấy xác Chúa đi mất. Đó là cái nhìn tự
nhiên, tình cảm, khiến bà buồn rầu lo lắng.
. Phero xông xáo tìm hiểu hiện tượng nhưng không phản ứng ngay.
. Còn Gioan nhìn thấy sự việc là nhớ lại lời Chúa đã nói, nên tin liền.
Đây là cái nhìn do Đức Tin hướng dẫn, cái nhìn thấy được sự thật và niềm vui
giúp con người thanh thản và lạc quan.
- Vậy việc
đầu tiên mà chúng ta cần cố gắng, cũng là ơn đầu tiên chúng ta cần xin trong
mùa Phục Sinh là biết nhìn mọi sự, mọi điều bằng con mắt đức tin. Để giúp chúng
ta có thể lạc quan sống và đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi tình huống.
- Sự Phục Sinh của Đức Giesu không chỉ liên hệ
đến cuộc đời của Ngài, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của toàn thể
nhân loại, đến cuộc sống thiết thực, đến lòng tin, và niềm hy vọng của mọi người.
- Nghĩa
là tin Chúa sống lại là tin rằng chúng ta sẽ được cứu chuộc, bởi nếu Ngài chết
luôn như mọi người, thì Ngài chẳng có quyền hành gì, nhưng Ngài đã sống lại để
chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa và Ngài có quyền cứu chuộc tất cả những ai tin nhận
Ngài.
2. “Ông đã thấy và đã tin”:
- Được
Macdala báo tin, cả hai môn đệ đều vô cùng hối hả chạy ra mộ xem tình hình. Tin
Mừng ghi rõ thái độ của hai ông:
.
Gioan chạy nhanh hơn nên tới mộ trước,
ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.
. Gioan
không giải thích tại sao không vào, nên có thể do tính cẩn thận suy xét kỹ càng
của ông, có thể do ông muốn nhường bước cho vị tông đồ trưởng Phero, hay chính
điều ông thấy đã khiến ông tin rồi.
.
Còn Phero khi đến nơi, ông không đắn đo, không sợ hãi, mạnh dạn vào
thẳng ngay trong mộ, xem xét kỹ lưỡng những băng vải đã được cuộn lại xếp riêng
ra một nơi.
. Sau đó Gioan mới vào trong mộ, và
ông ghi lại: “ông đã thấy và đã tin", nhưng không giải thích
rõ là ông thấy gì.
- Tuy
nhiên câu nói đó đã trình bầy đức tin của Gioan như là vị tông đồ đầu tiên nhận
thức được những gì xẩy ra với Đức Giesu, vì tuy chưa thấy Ngài, nhưng ông đã
tin.
- Cũng có thể do trực giác, sự nhạy bén của tình
yêu giữa Chúa và Gioan đã mách bảo ông.
- Gioan
đã tin nhanh chóng rằng những khăn liệm là bằng chứng rõ rằng sự phục sinh của
Thầy.
- Hiện
trường đó cũng giúp các ông nhớ lại lời Kinh Thánh cùng lời nói của Đức Giesu
là Ngài phải chỗi dạy từ cõi chết.
- Thật thế,
đức tin phải được tìm kiếm dựa trên nền tảng vững chắc của Kinh Thánh.
- Nhìn các tấm khăn liệm được xếp lại để riêng một nơi, các ông còn như được thêm sức mạnh, đánh bại sự nhút nhát, yếu tin và cả sự chết để khám phá trọn vẹn Con Người Giesu.
- Nhìn các tấm khăn liệm được xếp lại để riêng một nơi, các ông còn như được thêm sức mạnh, đánh bại sự nhút nhát, yếu tin và cả sự chết để khám phá trọn vẹn Con Người Giesu.
- Chỉ
có tình yêu mới đem lại cho các ông cặp mắt sáng suốt, biết nhìn ra mầu nhiệm
sau những sự kiện.
- Rồi
các môn đệ khác cũng thế, các ông xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa để
đổi mới cuộc đời mình và nhiệt thành rao truyền làm chứng cho Tin Mừng trên khắp
thế giới.
- Đây
là một điều hết sức quan trọng, bởi Kito Giáo không phải là một hệ thống những
giáo điều, những tín lý, mà là một phạm vi một Con Người.
- Con
Người ấy cũng đồng thời là Con Thiên Chúa, đã được sai đến trần gian để dâng mình
trên thập gía làm của lễ đền tội cho loài người.
- Khi
rao truyền đạo, Con Người ấy đã nhiều lần tuyên bố sau khi chết chuộc tội cho
loài người, bị chôn vùi trong mộ ba ngày, rồi Con Người sẽ tự sống lại.
- Và
hôm nay Ngài đã thực hiện lời nói để bảo đảm cho giáo thuyết của Ngài.
- Vì
thế sự sống lại của Đức Giesu không phải là một huyền thoại, nhưng là một sự
thật, một thực tế, một sự kiện lịch sử, đối đầu và chiến thắng tử thần để phục
sinh.
- Đức
Giesu đã tự sống lại để cho những ai tin nhận Ngài cũng nhận được sự sống lại
vĩnh cửu như Ngài.
- Thời gian rao giảng, Đức Giesu đã làm cho người chết sống lại, còn Ngài, Ngài đã tự nói về cái chết và tự sống lại của Ngài như một sự cần thiết do chính Thiên Chúa định sẵn, là nơi duy nhất trên mặt đất này cho chúng ta thấy tình yêu vĩnh cứu của Thiên Chúa.
- Thời gian rao giảng, Đức Giesu đã làm cho người chết sống lại, còn Ngài, Ngài đã tự nói về cái chết và tự sống lại của Ngài như một sự cần thiết do chính Thiên Chúa định sẵn, là nơi duy nhất trên mặt đất này cho chúng ta thấy tình yêu vĩnh cứu của Thiên Chúa.
- Tiếp
theo là chính các môn đệ của Ngài, chính những người đã thấy và đã tin đó, đã
ra đi làm chứng về sự Phục Sinh của Ngài, dù các ông bị bách hại, bắt bớ, giam
cầm, lưu đầy, xử tử bằng nhiều cách ghê sợ.
- Tin
vào Đức Giesu sống lại còn là niềm hy vọng cho tất cả thân xác chúng ta cũng sẽ
sống lại. Là một bảo đảm có gia trị bằng chính sự Chúa Phục Sinh.
- Cũng
nói thêm rằng thường thì đức tin của Tin Hữu có chiều kích của trí óc, nghĩa là
tin có Thiên Chúa, tin rằng Ngài tạo dựng mọi vật và điều hành mọi sự.
- Đức
tin này thường hướng tới đời sau, tức là tin mình sẽ được ở với Thiên Chúa sau
khi từ bỏ đời này.
- Nhưng
như vậy chưa đủ, tín hữu còn phại bổ sung thêm chiều kích của hiện sinh: tức là
không phải chỉ tin bằng trí óc, mà phải tin bằng cả cuộc sống. Không chỉ nhắm
tới cuộc sống mai sau, mà phải nghĩ tới cả cuộc sống hiện tại nữa.
- Bởi chỉ có các tông đồ
là những chứng nhân thật sự, dựa trên những điều đã thấy tận mắt, vì các ông đã
cùng sống và đi theo Đức Giesu từ đầu cho đến khi Ngài chịu chết và sống lại.
- Như vậy, niềm tin của các tông đồ
không những đã căn cứ vào Lời Chúa báo trước, nhất là vào các sự kiện và bằng
chứng rõ ràng của nhiều người và của nhiều nhóm người khác nhau. Ðức tin đó
sáng suốt vững vàng đến nỗi có thể nói tất cả đã bằng lòng chịu chết để làm
chứng Chúa đã sống lại.
- Còn
phần lớn đều làm chứng bằng cảm nghiệm, nhưng cũng có gía trị và thuyết phục
không kém.
- Tức
là sống làm sao cho người chung quanh biết trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta
cũng hạnh phúc, tự do, an vui và tràn đầy hy vọng nơi Đức Giesu Phục Sinh.
3. Đón nhận và rao truyền ơn Phục Sinh:
a) Đón nhận:
- Muốn kết hợp với Ðức Kitô phục sinh, để hiện
tại đời sống có giá trị trước mặt Chúa và sau này thân xác chúng ta cũng được
phục sinh thì phải biết cách vượt qua như Ðức Kitô, tham dự vào mầu nhiệm vượt
qua của Người, là chế ngự xác thịt, tội lỗi và thế gian để vươn lên cùng Thiên
Chúa.
- Lễ Phục sinh là lễ Vượt qua mới. Người dự
lễ Phục sinh phải chấm dứt đời sống lầm than, tội lỗi và bắt đầu cuộc đời mới
chân thành và thánh thiện.
-
Sau khi Đức Kitô phục sinh, các môn đệ biến đổi lạ lùng: Maria Macdala buồn sầu trở nên phấn khởi vui tươi. Tôma cứng cỏi trở nên tin tưởng.
Hai môn đệ Emmau lạnh lùng trở nên sốt mến. Tất cả các môn đệ hèn yếu trở nên vững
mạnh, từ ích kỷ trở nên quảng đại hiến thân cho Chúa, từ chia rẽ tranh dành địa
vị trở nên đoàn kết yêu thương, từ khép kín trở nên cởi mở với mọi người.
-
Chúa Phục sinh đổ vào tâm hồn các ông một nguồn sống mới. Tâm hồn họ
được ơn phục sinh:"Ông
đã thấy và ông đã tin". Họ đã thấy nhờ đón nhận, gắn bó kết hiệp với Chúa phục sinh.
- Xem gương các môn
đệ: sau khi tin Thầy đã sống lại, họ đã thay đổi, để trở thành những con người
xây dựng một nếp sống mới và một thế giới mới. Dĩ nhiên, họ đã phải chờ Thần
Trí của Chúa Phục sinh nhập vào mình để trở nên những con người mới như vậy.
Chúng ta cũng sẽ nhận được Thần Trí của Ðức Kitô Phục sinh.
- Mặt khác, các ông đã biết dứt bỏ quá khứ. Nên khi nhìn vào ngôi mộ trống, các ông thấy tất cả.
- Bởi xác Chúa còn đó thì thật đáng buồn, vì là Chúa vẫn còn trong thế giới kẻ chết.
Nên ngôi mộ trống chứa đầy niềm hi vọng, là một khởi điểm mới, để Chúa làm nên một trời mới đất mới.
Các ông
hiểu rằng không nên gắn bó với xác chết nhưng nên gắn bó
với Đức Kitô đang sống. Không nên gắn bó với quá khứ chết chóc, nhưng nên gắn
bó với tương lai tràn đầy sự sống.
- Các ông đã thấy vì đã có thái độ khiêm nhu: các ông đã "cúi xuống
nhìn vào ngôi mộ". Khi cúi
xuống nhìn vào ngôi mộ, các ông không thấy Chúa. Nhưng càng cúi xuống sâu các ông
càng thấy rõ mình. Càng nhìn vào đáy
lòng mình, càng bắt gặp niềm bình an. Bình an là quà tặng Chúa Phục sinh rộng
rãi ban phát cho các môn đệ sau khi Ngài sống lại.
- Các ông đã thấy còn vì đã nhìn với ánh mắt tin yêu. Gioan quan sát kỹ hiện
trường nên đã miêu tả rất cặn kẽ: khi ở ngoài mộ nhìn vào"Ông
thấy những băng vải còn ở đó".
Bước vào trong mộ, ông"thấy những
băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức
Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một
nơi". Gioan lập tức nhận ra dấu vết của Ngài. Trái tim yêu mến đã giúp Gioan nhạy bén cảm nhận được mầu nhiệm phục sinh.
Khăn liệm được xếp đặt gọn gàng chứng tỏ bàn tay Ngài tự xếp đặt. Ngài tự xếp đặt tức là Ngài đang sống.
- Hôm nay, Đức Kitô phục sinh đang tuôn đổ ơn lành xuống
cho chúng
ta. Để đón nhận được ơn lành của Ngài, chúng ta hãy học nơi các môn đệ, tha thiết gắn bó với Ngài lúc vui, khi buồn, dứt khoát với quá khứ tội lỗi, khiêm nhường chìm
vào đáy sâu tâm hồn, để nhìn thế giới bằng ánh mắt tin yêu.
b) Rao truyền:
- Sau
ngày Chúa chịu chết, các môn đệ rơi vào tình trạng thê thảm: buồn rầu, sợ hãi,
thất vọng. Không còn được
an ủi sung sướng khi thấy những người đói khát được ăn, người bệnh tật được
chữa lành, kẻ tội lỗi được tha thứ, người chết được sống lại. Không
còn hy vọng tràn trề khi chứng kiến
ma quỷ bị xua đuổi. Tâm hồn các ông như đã chết. Niềm tin yêu hy vọng của các ông như cùng bị chôn trong mộ với Thầy.
- Giữa
lúc ấy, Đức
Giesu sống lại khải hoàn. Ngài Phục Sinh đã khiến cuộc đời các ông
thay đổi tận gốc rễ. Khi gặp được Chúa Phục Sinh, tâm hồn
các ông bừng lên sức sống mới. Đức Giêsu đã Phục Sinh các ông, sự sống mới đã tràn vào, ơn Phục Sinh đã được ban cho các ông. Sự sợ hãi trở thành mạnh dạn. Sự yếu đuối trở nên mạnh
mẽ. Sự thất vọng biến thành hy vọng. Nỗi sầu khổ biến thành niềm vui.
Cảm nghiệm ơn Phục Sinh rồi, các
ông không thể ngồi yên trong căn
phòng đóng kín nữa. Mà hăng hái ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh chia sẻ cho mọi người. Các ông muốn vực dậy những mảnh đời đang chết dần mòn, những tâm hồn đang héo úa. Các ông
muốn thế giới biến đổi trong một đời sống mới, tươi vui,
hạnh phúc, dồi dào hơn.
-
Hôm nay Chúa muốn mọi người noi gương các Tông đồ
khi xưa, tiếp nối công việc
của Ngài, đem ơn Phục Sinh đến với người không đủ cơm ăn áo mặc, bệnh hoạn tật nguyền, lao lực vất vả, tăm tối thất học, nghèo nàn, buồn phiền, tan nát vì bị phản bội, cay đắng vì thất bại, tương lai không lối thoát…
- Nhất
là những tâm hồn đang lún sâu trong tội lỗi, đang tự huỷ hoại trong đam mê tiền bạc,
quyền lợi, danh vọng, niềm tin héo úa vì lạc hướng, đời sống rỉ máu vì chia rẽ bất hoà, cuộc đời chao đảo vì khó khăn thử thách. Tất
cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh, để cuộc đời khỏi bế tắc, linh hồn được sống cao thượng và khôi phục niềm tin
yêu của anh em vào Thiên Chúa, vào con người và vào cuộc đời.
- Tuy
nhiên, để có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến với mọi người, thì
bản thân chúng ta phải được Phục Sinh trước. Vì trong chúng ta cũng chất chứa mầm mống của mọi sự chết chóc. Nơi chính bản thân chúng ta cũng đang ấp ủ những lực lượng tàn phá là kiêu căng,
ích kỷ, chia rẽ, bất hoà, tham lam, bất công. Đức tin chúng ta cũng đang héo úa, lòng mến đang nguội lạnh, niềm hy vọng đang
lụi tàn…
- Để
đón nhận và rao truyền được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách mọi tâm hồn, chúng ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi sự chết ra khỏi
tâm hồn. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì phải chiến đấu với chính bản thân mình.
Với
người thân, với anh em…Nhưng với ơn
Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn chúng ta sẽ toàn thắng,
- Vậy từ nay chúng ta hãy đem tinh thần và cảm
nghĩ mới vào tất cả đời sống, để đổi mới đời chúng ta, đổi mới xã hội bằng tinh
thần của Ðức Kitô Phục sinh. Như vậy lễ Phục sinh hằng năm sẽ như lễ Phục sinh
của các tông đồ ngày trước: hay tin Chúa sống lại các môn đệ đã nhớ lại Lời
Ngài và gương Ngài đã sống để dần dần thay đổi tất cả tâm tư, nếp sống và xã
hội của mình.
Lạy Chúa Phục Sinh, Ngài đã chịu chết rồi sống lại và đang sống
mãi trong cuộc đời chúng con cùng trong toàn thế giới. Xin cho chúng con biết
nhìn mọi sự, mọi điều bằng con mắt đức tin, giúp chúng con được mạnh mẽ, kiên
trì, chiến đấu với cuộc sống mỗi ngày để tin rằng có tình yêu đau khổ trên thập
gía thì cũng có sống lại vinh quang.
Chúng con cũng cảm tạ Ngài đã đem niềm vui phục sinh đến cho
chúng con, xin cho chúng con biết chia sẻ niềm tin vui và hy vọng ấy với mọi
người để tất cả đều được hưởng niềm vui phục sinh của Chúa vì Ngài đã sống lại
thật. Amen.
Than men,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét