ĐỨC TỔNG RA ĐI VÀ ĐỨC TỔNG TRỞ VỀ
Thứ
bảy - 10/03/2018
1.
Cái chết của Đức Cố TGM
Phaolô Bùi Văn Đọc là một tiếng Chúa gọi tôi. Chúa Giêsu gọi tôi và nói: “Con
cũng sẽ ra đi. Chắc chắn như vậy. Giờ phút ấy là rất quan trọng. Điều gì sẽ an ủi
con lúc đó?”.
Tôi bối rối, nên xin Chúa
thương dạy tôi. Chúa bảo tôi hãy đọc kỹ những lời Chúa đã dặn dò các môn đệ của
Ngài trong bữa tiệc ly. Tôi mở Phúc Âm Thánh Gioan, và gặp ngay đoạn 14, Chúa
nói:
2.
“Lòng anh em đừng xao xuyến.
Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở,
nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi.
Vì Thầy đi dọn chỗ cho
anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với
Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”
(Ga 14, 1- 4).
3.
Đọc xong, tôi tự nhiên cảm
thấy mình được an ủi lạ lùng. Tôi tin, lúc tôi chết chính là lúc Chúa Giêsu đến
gọi tôi về với Ngài. Chúa ở đâu, tôi sẽ ở đó. Nghĩa là tôi sẽ được ở bên Chúa.
4.
Chúa Giêsu đã hứa điều đó
cho các môn đệ Chúa. Vì thế, một câu hỏi đã được đặt ra cho tôi, đó là tôi có
phải là môn đệ Chúa đích thực không?.
Sẽ có một dấu chỉ, để nhận
ra ai là môn đệ Chúa Giêsu, thì dấu đó đã được chính Chúa Giêsu nói rõ. Chúa
phán: “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu
thương nhau, như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13, 34-35).
5.
Xác định rõ điều đó, tôi
thấy là:
Điều sẽ an ủi tôi, khi sắp
chết, là được về ở bên Chúa.
Nhưng điều sẽ làm tôi lo
lắng, khi sắp chết, đó là tôi có thực là môn đệ đích thực của Chúa, ở điểm yêu
thương như Chúa dạy không.
6.
Chính ở điểm yêu thương,
tôi thường nhìn những người thân ra đi. Nếu họ có một nếp sống yêu thương như
Chúa dạy, thì tôi hy vọng rất nhiều họ sẽ được ở bên Chúa. Đồng thời, họ cũng
an ủi những người còn ở lại, bởi vì họ đã yêu thương, và còn sẽ tiếp tục yêu
thương.
7.
Tới đây, tôi thấy nên nói
lên điều này: Yêu thương là việc không dễ.
8.
Theo kinh nghiệm của tôi,
yêu thương là một kho tàng phong phú. Nhưng theo cách nói của Thánh Phaolô, thì
kho tàng đó lại chứa trong những bình bằng sành dễ vỡ “Để chứng tỏ quyền năng
phi thường phải phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chính tôi” (2Cr 4,
5).
Thực vậy, chúng tôi dù là
giám mục, hay chức sắc nào trong đạo, cũng là những chiếc bình sành dễ vỡ. Nên
không tránh được những lỗi lầm thiếu sót trong lãnh vực yêu thương. Chúng tôi rất
cần được Chúa thương tha thứ, chúng tôi rất cần được mọi người thứ tha.
9.
Tôi sẽ chết. Tức là tôi
được về với Chúa Giêsu. Chúa ở đâu, tôi sẽ được ở đó. Vì Chúa đã dọn cho tôi một
chỗ ở bên Ngài.
Tôi sẽ chết. Tôi cũng sẽ
được cùng với Chúa, dọn chỗ cho những người tôi thương mến. Để họ cùng với tôi,
sẽ được ở bên Chúa. Ai rồi cũng sẽ có chỗ ở bên Chúa, miễn là khi còn sống, họ
là môn đệ Chúa ở điểm họ yêu thương người khác một cách nào đó, như Chúa đã yêu
thương.
10.
Niềm tin trên đây của tôi
dựa trên lời Chúa. Tôi đón nhận cái chết với lòng thanh thản, bởi vì tôi cậy
trông vào ân sủng và lòng thương xót Chúa.
11.
Như vậy, chính cái chết của
những người môn đệ Chúa đều là những lá thư gửi cho những người thân còn ở lại.
Lá thư mang nội dung vắn tắt là: Hãy yêu thương, như Chúa yêu thương.
12.
Riêng tôi, suốt đời chỉ
lo điều quan trọng đó. Và cho tôi giây phút này, tôi phải thú thực là: Ngày nào
tôi cũng như phải bắt đầu lại.
Yêu thương là đón nhận,
là cho đi. Không phải chỉ là những ngọt ngào, mà cũng là những đắng cay. Chẳng
yêu thương nào mà không có đau khổ. Tôi muốn nói về những yêu thương đích thực,
chính đáng.
13.
Việc các giám mục Việt
Nam mới rồi đi Rôma thăm Đức Giáo Hoàng và viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và
Phaolô là một biến cố trọng đại. Từ đó đã phát đi nhiều hình ảnh đẹp, nhiều
phát biểu hay. Nhưng một sự kiện đã gây nhiều xúc động nhất tại Việt Nam, chính
là cái chết của Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tại nhà thờ Thánh Phaolô, bên Ý.
Phải nói là cả nước đã
xúc động và tiếc thương.
Cái chết của ngài đánh động
các tâm hồn, một cách mạnh mẽ, hơn bất cứ thông điệp nào, hơn bất cứ nghi lễ
nào. Lý dó gây xúc động chính là sự ra đi của một nhân vật nổi về yêu thương.
14.
Ngài yêu thương một cách
khiêm nhường, một cách chân thành, một cách hồn nhiên. Ngài yêu thương với nhiều
bao dung, với nhiều quảng đại, với nhiều gần gũi. Ngài yêu thương mọi người,
không phân biệt tôn giáo, không phân biệt dân thường hay chính quyền, không
phân biệt giai cấp giầu nghèo.
15.
Ngài lặng lẽ trở về tổng
giáo phận của ngài, để như hạt lúa chôn vùi trong lòng đất mẹ Việt Nam. Tôi nhớ
lời Chúa Giêsu phán xưa: “Nếu hạt lúa được chôn vùi xuống đất, nó sẽ mọc lên
nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Đám tang của ngài sẽ là một biển yêu thương. Từ
đó, chúng ta sẽ nhìn về phía trước. Phía trước cũng phải là yêu thương tỏa
sáng.
Đức Cố TGM đã ra đi với
yêu thương lặng lẽ. Nhưng ngài trở về với yêu thương tràn đầy tha thiết nhắn gửi.
Long Xuyên, ngày
10.3.2018
ĐGM GB Bùi Tuần,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét