NỐT TÌNH
( Chúa Nhật IV Mùa Chay, năm B)
“Chỉ mong con yêu Ngài đến
chết, bởi vì Ngài tự nguyện chết vì yêu con” (Thánh Phanxicô Assisi). Một ước
muốn tuyệt vời, xem chừng đơn giản nhưng lại khá nhiêu khê!
Tình yêu luôn quan trọng trong cuộc sống, cả đời
thường và tâm linh, vì ai cũng muốn “yêu” và “được yêu”. Không ai định nghĩa được
tình yêu, vậy có thể ví nó như cái gì để dễ hiểu? Người Ấn Độ có cách so sánh độc
đáo: “Tình yêu giống như một dây leo, nó sẽ khô héo và chết đi nếu không có gì
để nó quấn quýt”. Quả thật, cuộc sống không có tình yêu thì không còn là cuộc sống
nữa. Tình yêu vô hình nhưng khả dĩ cảm nhận, và nó là báu vật: “Tình yêu thương
là tài sản quý giá nhất của con người” (Ngạn ngữ Ả Rập).
Tông đồ trẻ Gioan đã được tựa đầu vào ngực
Chúa Giêsu và được mệnh danh là người-môn-đệ-Chúa-yêu, ông xác định: “Thiên
Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8 và 16). Và ông nhấn mạnh: “Tình yêu cốt ở điều này:
không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương
chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga
4:10).
Trong cuộc sống, khi nói đến vấn đề vô ân bạc
nghĩa, người Việt thường nói: “Khi vui chẳng nhớ tới ai, đến khi nóng cứ trái
tai mà sờ”. Cái trái tai cần thiết mà luôn bị lãng quên. Chúng ta cũng thường đối
xử với Chúa theo kiểu như vậy. Nhưng Ngài vẫn “làm ngơ”, coi như không biết, vì
tình yêu thương của Ngài luôn bao la, là bản trường ca đầy những Nốt Tình kỳ diệu
dệt thành Giai Điệu Xót Thương tuyệt vời nhất để chúng ta tận hưởng. Khối Thánh
Tình đó của Ngài được phát xuất từ Thánh Tâm, Nguồn Mạch Yêu Thương, và đó cũng
chính là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài.
Hôm nay, vậy là chúng ta
đã đi được nửa chặng đường của Mùa Chay. Xin mạn phép nhắc lại một chút cho dễ
hiểu: Chúa Nhật IV Mùa Chay còn được gọi là Chúa Nhật Vui (Lætare), với lễ phục
màu hồng, xuất phát từ ca nhập lễ trong ngày này (Lætare Jerusalem – Hãy vui
lên hỡi Giêrusalem). Niềm vui này dẫn chúng ta tới đỉnh Đồi Sọ để cùng chết với
Thầy Chí Thánh.
VÌ LÀ TỘI NHÂN…
Thánh Vịnh gia xác định:
“Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv
51:7). Đó là “kiếp tội nhân” của mọi phàm nhân. Tất cả chúng ta đều là những hạt-bụi-nhỏ-nhoi-và-yếu-hèn,
đều là những tội nhân, ngay cả những người công chính cũng vẫn phạm sai lầm mỗi
ngày 7 lần (x. Cn 24:16).
Thật vậy, sách Sử Biên
Niên nói: “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất
trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa
đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế” (2 Sb 36:14). Do đó, Thiên Chúa không
ngừng sai sứ giả của Ngài đến cảnh cáo, vì Ngài hằng thương xót dân và thánh điện
của Ngài. Thế nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời
Ngài và chế giễu các ngôn sứ của Ngài. Dân Chúa phạm tội tăng theo cấp số nhân,
dân Chúa cũng chính là chúng ta. Và rồi Thiên Chúa buộc lòng phải bừng bừng nổi
giận mà trừng phạt dân Ngài đến vô phương cứu chữa. Nhưng Ngài trách phạt chúng
ta vì yêu thương, vì thương xót, chứ không vì ghét bỏ, để chúng ta có thể “sáng
mắt” và giác ngộ mà nhận ra những sai lầm thái quá của mình.
Chuyện kể trong sách Sử
Biên Niên thế này: Ngày xưa quân Canđê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành
Giêrusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý
giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon; họ
trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba Tư ngự trị.
Theo “luật nhân quả” thì “gieo gì gặt nấy”, và chúng ta cũng thường nói: “Gieo
gió thì gặt bão”. Hình phạt là hậu quả từ sự ngang ngược của chúng ta: Lỗi tại
tôi mọi đàng – một hệ lụy tất yếu!
Chỉ vì to gan, lớn mật,
coi trời bằng nắp bia, dám phạm tội phản nghịch Thiên Chúa mà dân chúng phải đi
đày. Khổ nên buồn, buồn nên nhớ quê hương, thế nên dân chúng than thở thảm thiết:
“Bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion; trên những cành dương liễu,
ta tạm gác cây đàn” (Tv 137:1-2). Mỗi người trong chúng ta cũng đã bao lần tự cắt
mối dây liên lạc với Chúa vì phạm tội, đến lúc ở “bước đường cùng” rồi thì
chúng ta chỉ còn biết năn nỉ ỉ ôi: “Xin Chúa thương xót chúng con”. Lời cầu
nguyện này không chỉ được chúng ta đấm ngực và kêu xin trong thánh lễ hằng ngày
mà còn nhiều lần khác trong ngày. Rõ ràng “cứ trái tai mà sờ”. Thật tồi tệ, thế
nhưng lại là tốt, bởi vì Thiên Chúa tươi cười khi thấy chúng ta biết sám hối!
Cây muốn lặng mà gió chẳng
ngừng. Đã khổ sở vì lòng ray rứt, dân chúng còn bị bọn lính canh “khiêu khích”
để chạm vào vết thương lòng đang sưng tấy: “Hát đi, hát thử đi xem! Sion nhạc
thánh điệu quen một bài!” (Tv 137:3). Ui da, vần thơ lục bát êm đềm thế mà sao
nhức buốt quá! Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Buồn não lòng như
vậy thì còn đâu hứng khởi mà hát xướng, dù là bài ca kính Chúa Trời? Và rồi
lòng lại dặn lòng: “Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn
thành tê bại! Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm, nếu ta không hoài niệm, không còn
lấy Giêrusalem làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn” (Tv 137:5-6). Con cái chẳng
bao giờ rời khỏi cha mẹ, chúng ta cũng chẳng bao giờ thoát khỏi Thiên Chúa. Chắc
chắn như thế!
…NÊN CẦN TÌNH CHÚA
Thiên Chúa là Đấng THẤU
SUỐT mọi sự (1 Sbn 28:9b; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22;
2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc
23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 2:10; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20), Ngài
biết rõ chúng ta đau khổ vì đã chống lại Ngài, nhưng Ngài vẫn “làm như không
hay biết” vì muốn chúng ta tự nhận thức và sám hối thật lòng. Chừng nào chúng
ta “đầu hàng vô điều kiện” thì Ngài sẽ ra tay ngay. Thánh Phaolô trần tình:
“Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta
đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep
2:4-5). Ôi, chúng ta thực sự hạnh phúc vô cùng, nhưng đừng ảo tưởng mà cho rằng
Thiên Chúa “phải” yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta vì thương xót
chúng ta, “chính do ân sủng mà chúng ta được cứu độ” (Ep 2:5), chứ chúng ta chẳng
là gì mà Ngài phải bận tâm!
Tất cả là hồng ân. Ngài
không chỉ cứu độ chúng ta mà còn “cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự
trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2:6). Ngài tỏ lòng nhân hậu đối với
chúng ta trong Đức Kitô Giêsu, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau thấy ân sủng dồi
dào và phong phú của Ngài. Thánh Phaolô tái xác định: “Chính do ân sủng và nhờ
lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ
của Thiên Chúa, cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện”
(Ep 2:8-9). Quả thật, chúng ta không hề có mảy may gì để mà hãnh diện!
Đó là điều vừa mặc nhiên
vừa minh nhiên, bởi vì “chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, được dựng nên
trong Đức Kitô Giêsu”, và chúng ta có trách nhiệm “sống mà thực hiện công trình
tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:10). Đó là sự công bình hoàn
toàn hợp lý!
Qua sách Dân số, chúng ta biết rằng, từ núi
Horép, dân Chúa lên đường theo đường Biển Sậy (Sea of Reeds, còn gọi Biển Đỏ –
Red Sea), vòng qua lãnh thổ Êđôm, trong cuộc hành trình qua sa mạc, với lương
thực duy nhất là “món” mana, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn nên kêu trách Chúa và
ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết
trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán
ngấy thứ đồ ăn vô vị này!” (Ds 21:5). Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn khiến nhiều
người chết. Thấy vậy, dân chúng hoảng sợ quá nên đành phải cầu xin ông Môsê:
“Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn
cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi” (Ds 21:7). Ông Môsê cầu nguyện,
và Thiên Chúa “mủi lòng” nên bảo ông đúc một con rắn bằng đồng, đem treo lên
cây cột, và “hễ ai bị rắn cắn mà NHÌN lên con rắn đồng thì ĐƯỢC CỨU SỐNG” (Ds
21:9).
Biểu tượng ơn cứu độ thời
Cựu Ước là “con rắn đồng treo trên cây cột trong sa mạc”, biểu tượng ơn cứu độ
thời Tân Ước là “Đức Kitô bị treo trên Thập giá”, để “ai tin vào Ngài thì được
sống muôn đời” (Ga 3:15). Lời hứa đó là niềm hy vọng chắc chắn đối với chúng
ta, nhưng tất cả đều là hồng ân, và nhờ Lòng Chúa Thương Xót. Thật vậy, Thiên
Chúa không hề tiếc chúng ta điều gì: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban
Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”
(Ga 3:16).
Ôi, Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa quá đỗi lớn lao, ngoài sức tưởng tượng của nhân loại: “Thiên Chúa
sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế
gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:17). Thiên Chúa công minh chính
trực (Dcr 9:9b; Hc 5:3; Br 2:6; Br 2:9; Đn 9:14; Tv 7:18; Tv 9:9; Tv 11:7; Tv
25:8; Tv 67:5; Tv 146:7), không thiên tư tây vị bất kỳ ai, không “ưu tiên” người
“có thế giá”, cũng chẳng “chèn ép” người cô thân – dù là người cùng đinh nhất
thế gian: “Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì
bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:18). Đó
là sự công bằng – vừa minh nhiên vừa mặc nhiên.
Đâu là nguyên nhân của bản án? Rất đơn giản:
“Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì
các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3:19). Thiên Chúa giải thích: “Ai làm điều ác
thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê
trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ:
các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3:20-21). Rất rõ
ràng, rất rạch ròi!
Còn chúng ta? Trách nhiệm
của chúng ta là gì? Đó là “thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị
cho chúng ta”, nếu ai hoàn thành tốt thì “việc của người ấy đã được thực hiện
trong Thiên Chúa”. Một hệ lụy rất lô-gíc và quá tuyệt vời! Nếu vậy, mỗi chúng
ta sẽ trở thành một “nốt tình” trong bản tổng phổ của bài “Trường ca Lòng Chúa
Thương Xót”.
Tuy nhiên, Thánh Phêrô cảnh
báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như
sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Ma quỷ rất tinh quái, đủ
mánh khóe để đưa chúng ta vào tròng, thế nên phải luôn cảnh giác như Thánh
Têrêsa Hài Đồng: “Ma quỷ thường hay đánh lừa những linh hồn quảng đại bằng cách
thúc đẩy họ bước vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại sức khỏe vừa khiến họ
không thể chu toàn bổn phận, đồng thời lại lấy đó làm tự mãn”. Đáng sợ là nó
làm cho chúng ta cảm thấy mình đạo đức, vì thế mà kiêu ngạo và khinh người
khác.
Ba thù rất đáng quan ngại,
mỗi loại có “chiêu” riêng, vì thế mà phải ăn chay để khuất phục chúng. Chịu khó
ăn chay một chút nhưng được nhiều ích lợi. Thánh GM TS Augustinô cho biết: “Ăn
chay tẩy sạch linh hồn, nâng cao tâm trí và thể lý, làm cho tâm hồn khiêm nhường
và hối hận, phá tan những ham muốn trần tục, kiềm chế nhục dục, và thắp sáng lửa
tinh tuyền. Hãy đi vào nội tâm của chính mình”. Cố vượt qua chính mình và phải
cậy nhờ vào Đấng toàn năng: “LẠY CHÚA TRỜI, XIN TỚI GIÚP CON! – DEUS, IN
ADJUTORIUM MEUM INTENDE! – O GOD, COME TO MY ASSISTANCE!”.
Dù ở vào hoàn cảnh nào
thì cũng “đừng sợ!”, bởi vì chúng ta luôn có Chúa Giêsu đồng hành và cùng chiến
đấu với chúng ta. Tưởng cũng cần biết điều thú vị này: Thành ngữ “đừng sợ” được
đề cập 365 lần trong Kinh Thánh, với các sắc thái khác nhau. Như vậy, trong suốt
cả năm, mỗi ngày chúng ta đều được Thiên Chúa động viên trong các trường hợp
khác nhau với mệnh lệnh: “ĐỪNG SỢ!”. Tạ ơn Chúa!
Lạy Thiên Chúa, còn biết
bao người chịu đau khổ đủ cách và đủ mức ở khắp nơi trên thế giới này, xin Ngài
thêm sức và cứu thoát họ. Thưa Ngài, con là kẻ bạc tình bạc nghĩa – với Ngài và
với tha nhân, chỉ lo ngoại tại mà quên nội tại, nói nhiều mà chẳng làm được bao
nhiêu, xin Ngài đại lượng tha thứ. Xin ban ánh sáng Thánh Linh để thức tỉnh
lòng con và giúp con biết sống khiêm nhường để có thể thực sự trở nên lợi khí của
Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
+ Suy tư với VẾT MÒN:
https://www.youtube.com/watch?time_continue=16&v=0084qXu0S-M
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét