Coi chừng bệnh “bỗng dưng… chán ăn”
(26
Tháng 1, 2018-giadinh,net)
Chán
ăn không chỉ là cảm giác, mà còn là dấu hiệu cảnh báo của nhiều chứng bệnh. Ảnh
minh họa.
GiadinhNet - Cuộc sống hiện
đại, nhiều áp lực công việc và các mối lo toan khiến không ít người rơi vào
tình trạng căng thẳng, stress và phát hiện ra mình “bỗng nhiên” chán ăn, nhìn
thức ăn không có “cảm hứng”, dù cơ thể vẫn cần được nạp năng lượng. Theo các
bác sĩ, đó không chỉ là vấn đề “cảm xúc”, mà còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh
tật.
Chán ăn, mệt mỏi, phát hiện trầm cảm
Chị Trần Thu T (30 tuổi, ở Hà Giang) có tiếng là giáo viên tiếng Anh giỏi ở
thành phố. Lịch dạy, áp lực kiếm tiền cùng những sự lo toan gia đình, các mối
quan hệ khác khiến chị T luôn cảm thấy rất mệt mỏi. Nhưng tệ hơn, gần đây, chị
còn không có cảm giác thèm ăn, thấy chán ăn và sợ nhìn thấy thức ăn. Chỉ trong
vài tháng, chị T giảm tới 3-4kg không phanh, kèm theo mất ngủ và tâm lý buồn
chán, trống rỗng, không muốn phấn đấu vì mục tiêu gì, không thể tập trung suy
nghĩ.
“Trước đây, tôi ăn uống
bình thường, thỉnh thoảng trong đầu hiện lên một vài món ăn gì đó và quyết ăn bằng
được. Nhưng gần đây tôi còn không muốn ăn gì, không hề thấy ngon miệng. Thậm
chí, tôi nhìn thức ăn thấy ghê, nuốt vào rồi nhưng chỉ chực muốn “cho ra”, miệng
nhạt nhẽo không có cảm giác gì với thức ăn. Vốn bị đau dạ dày sẵn, chứng chán
ăn càng khiến dạ dày đau hơn, có hôm đau bò lê bò toài giữa nhà nhưng lúc đó chỉ
thấy đau mà không phản ứng gì lại được, cũng không khóc được”, chị T nói.
Được mách bảo, chị T đi
khám ở Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, với nhiều bài kiểm
tra tâm lý cùng những triệu chứng của chị, bác sĩ chẩn đoán chị mắc trầm cảm.
Do điều kiện riêng, bệnh cũng được phát hiện sớm, bác sĩ cho chị điều trị ngoại
trú bằng cách uống thuốc và thay đổi lối sinh hoạt, sắp xếp lại cuộc sống.
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện
trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân là một
trong 10 dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm, đặc biệt là nếu triệu chứng xuất hiện
liên tục từ 2 tuần trở lên, thì được xem là một trong những dấu hiệu quan trọng
chẩn đoán bệnh.
Các chuyên gia cho rằng,
nếu hệ thần kinh bị căng thẳng quá mức và kéo dài có thể dẫn tới suy nhược thần
kinh dẫn tới ngủ không sâu giấc, cơ thể mệt mỏi dẫn tới chán ăn và tình trạng
này kéo dài dẫn tới sụt cân, cơ thể suy kiệt. Trong những trường hợp này, bệnh
nhân cần tới khám chuyên khoa thần kinh, tâm thần để được bác sĩ trực tiếp thăm
khám, giải tỏa những vấn đề trong tâm lý để điều trị bệnh.
Theo các chuyên gia, tình
trạng mệt mỏi, chán ăn, sụt cân có thể do nguyên nhân thần kinh hoặc do một bệnh
lý mạn tính (lao, sốt rét, ung thư...). Trong đó, với bệnh về lao như: Lao phổi,
lao ruột, lao cột sống, lao màng phổi, lao màng bụng, lao ổ bụng… thường hay
chán ăn kèm theo sốt. Sức đề kháng và hệ miễn dịch của người bị lao thường yếu
đi, do đó vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng, nhất là vitamin, kẽm, sắt… Ngoài
ra, chán ăn cũng là một biểu hiện của bệnh về nội tiết tố, chẳng hạn như bệnh
tiểu đường, suy tuyến giáp hay suy tuyến thượng thận. Thiếu vitamin và khoáng
chất cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Thiếu sắt hoặc vitamin B12 có thể
gây ra các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, táo bón, chảy máu nướu. Ngoài ra,
nếu bị cảm cúm, viêm nhiễm cũng dẫn đến chứng “bỗng nhiên chán ăn”.
Chán ăn vì bệnh lý
tiêu hóa
Với các triệu chứng mệt mỏi,
chán ăn, ăn vào buồn nôn, sút cân có thể nghĩ tới một số bệnh lý khác như: Bệnh
lý của đường tiêu hóa như: Viêm nhiễm mạn tính của dạ dày, tá tràng hoặc do
tình trạng rối loạn hấp thu của đường tiêu hoá…
Theo TS.BS Đặng Bùi Bảo
Linh, Bệnh viện Bạch Mai, mệt mỏi, chán ăn là biến chứng thường gặp nhất của bệnh
viêm đại tràng cấp và mạn tính. Viêm đại tràng cấp có thể do vi khuẩn hoặc có
thể do virus hoặc do ký sinh trùng, đặc biệt là lỵ amíp (bệnh kiết lỵ). Viêm đại
tràng mạn tính rất khó chữa trị gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho
tính mạng người bệnh. Ngoài ra, biến chứng của bệnh này còn có thể khiến bệnh
nhân ăn không tiêu, liên tục bị rối loạn tiêu hóa (phân lúc lỏng lúc rắn, thậm
chí táo bón, đi ngoài có nhày, máu…) dẫn đến cơ thể bị suy kiệt.
Với đường tiêu hóa, ngoài
hệ thống ống tiêu hóa, còn có một số cơ quan có liên quan như: Tụy, gan và túi
mật. Khi các bộ phận này “có vấn đề” cũng dễ khiến bệnh nhân có cảm giác chán
ăn, đặc biệt là với gan. Trong đó, bệnh về gan như xơ gan và ung thư gan giai
đoạn đầu thường có biểu hiện chán ăn nhất. Đến khi bệnh nặng, bệnh nhân mới có
triệu chứng vàng da, vàng mắt, sụt cân.
Bệnh nhân V.X.C (58 tuổi,
ở Hà Tĩnh) có tiền sử uống rượu nhiều trong nhiều năm. Hai tháng gần đây, ông
thường cảm thấy ăn không còn cảm giác ngon, “nhai cơm như nhai rơm”. Thậm chí,
ông còn bỏ cơm, bỏ các món bình thường mà tìm đến… mỳ tôm sống ăn qua ngày. Đến
lúc thấy sức khỏe suy kiệt, sút cân nhanh, cơ thể luôn đòi hỏi “phải nghỉ
ngơi”, không tham gia lao động bình thường được, ông mới đi khám tại Bệnh viện
Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Kết quả xét nghiệm máu với một loạt chỉ số cho thấy
ông đã bị xơ gan giai đoạn 4, cần điều trị nội khoa bằng thuốc và điều chỉnh gấp
lối sinh hoạt, ăn uống.
Ăn ngon miệng hay không
cũng là câu hỏi thường được các bác sĩ hỏi bệnh nhân trong mỗi lần thăm khám. Bởi
trong một số bệnh, đây là tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng bệnh tiến triển như
thế nào, hiệu quả của phác đồ điều trị có ổn không. Đơn cử với bệnh viêm gan
siêu vi, nếu bệnh nhân trong những lần tái khám sau điều trị vẫn mệt mỏi, vẫn
ăn không ngon hơn, vẫn sốt… có nghĩa bệnh chưa ổn định.
Ngoài ra, bệnh thiếu máu
mạn tính cũng có thể khiến bệnh nhân chán ăn, mệt mỏi. Thiếu máu mạn tính có thể
do rất nhiều nguyên nhân gây nên nhưng đều có biểu hiện của tình trạng thiếu
máu dần dần: Cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, da xanh niêm mạc mắt nhợt, thể trạng
gầy và khi xét nghiệm máu thấy có hiện tượng thiếu máu. Một số nguyên nhân gây
thiếu máu mạn tính như: Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mạn tính, bệnh nhiễm
giun sán đường tiêu hóa, bệnh trĩ(như trĩ nội, trĩ ngoại… bệnh lý tủy xương là
nơi sản sinh ra hồng cầu như: Suy tủy, ung thư tại chỗ hay di căn...
Chán ăn kéo
dài sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, khi cơ thể không hấp thu đủ
dinh dưỡng thiết yếu để nuôi dưỡng cơ thể và ngăn cản sự tấn công của bệnh tật
cũng như quá trình lão hóa tự nhiên. Sự thiếu thốn thức ăn kéo dài cũng gây giảm
nghiêm trọng nội tiết tố gây rối loạn chức năng sinh dục, làm suy giảm hoặc mất
ham muốn tình dục.
Quỳnh An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét