Mê tín hay đức tin
Trương Minh Cao, S.J.
Nói về “mê tín dị đoan”
là người ta nghĩ ngay đến các thầy pháp, cúng bái, đồng cốt, bùa chú, bói toán,
xin xăm, xủ quẻ, coi tướng số, đốt vàng mã, v.v. Mạng xã hội dịp tết nguyên đán
vừa qua đã truyền tải không ít những hiện tượng hay những lễ nghi và tập tục mà
nhiều người nhìn thấy như là “mê tín dị đoan”. Hiện tượng hai con rắn (được cho
là rắn thần) xuất hiện trên mộ vô danh của một “bà ăn mày” ở Quảng Bình làm cho
nhiều người đã đến xem, cúng bái và cầu xin. Số tiền quyên góp được tính đến
ngày 27/2 vừa qua là 150 triệu đồng. Ngày 25/2 vừa qua – ngày Vía Thần Tài, nhiều
người dân khắp nước xếp hàng đội mưa đi mua vàng có biểu tượng linh vật của năm
[Mậu Tuất]. Nhiều người đem vàng về cúng thần tài với hy vọng sẽ đem lại may mắn
và sung túc cả năm. Hay hàng trăm thanh niên giẫm đạp để cướp chiếu cói cầu xin
được quý tử trong lễ hội “Đúc Bụt” ở Vĩnh Phúc sáng 23/2 vừa qua. Ngoài ra, còn
vô số những hình thức bói toán khác trong dịp tế cổ truyền vừa qua, vậy mê tín
có khác gì với đức tin của người tín hữu.
Định nghĩa
Có rất nhiều định nghĩa
khác nhau về “mê tín dị đoan”. Chỉ cần tra google về “mê tín dị đoan” hay
“superstition” ta sẽ thấy hàng trăm cách nhìn về mê tín dị đoan. Phần đông các
cách nhìn này đều có những điểm tương tự với nhau nhất là khi diễn giải chữ “mê
tín dị đoan” theo nghĩa từng từ đơn của nó: từ Hán âm Việt “mê” có nghĩa là
“thiếu sáng suốt” hay “lầm lẫn”, “mơ hồ và không phù hợp lẽ tự nhiên”; từ “tín”
có nghĩa là “tin” hay “không ngờ vực”.
Theo Wikipedia thì “mê
tín dị đoan” là những niềm tin hay ý niệm phát xuất từ lòng dễ tin không dựa
trên lý lẽ hay kiến thức – nhất là không cần có bằng chứng vững vàng và đầy đủ.
Encyclopedia đi vào chi
tiết hơn và định nghĩa mê tín dị đoan là:
“Những niềm tin vô căn cứ
dựa trên sự thiếu hiểu biết hay sự sợ hãi, tiêu biểu như sự sùng bái cực đoan
các điềm gỡ, bùa phép, v.v.”
“Những quan niệm, hành động
hay nghi lễ phát xuất từ các niềm tin kể trên”.
“Bất cứ những niềm tin vô
căn cứ nào, nhất là niềm tin về vấn đề huyền bí”.
Theo Giáo lý Hội Thánh
Công Giáo, “đức tin là việc con người đáp lại Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải và
hiến mình cho con người, đồng thời ban ánh sáng chứa chan cho con người đang đi
tìm ý nghĩa tối hậu của đời mình (số 26).” Như thế, đối tượng của đức tin là
Thiên Chúa, hiện diện sống động nơi Đức Giê-su Ki-tô – Thiên Chúa làm người. Một
đức tin được ban trong ánh sáng mặc khải, có hiểu biết và có hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, đức tin đòi hỏi vượt trên sự hiểu biết, có những điều thuộc đức tin
mà khả năng tự nhiên của trí hiểu không sao giải thích được. Đôi khi những điều
ấy có thể được gọi là “phép mầu”. Tuy nhiên, mỗi một niềm tin, người ta đều tìm
thấy cho mình một lý lẽ để giải thích và biện minh cho những hiện tượng không
giải thích được. Vậy hoá ra, đức tin của người tín hữu cũng chẳng khác gì mấy
so với những điều mà ta gọi là “mê tín”! Việc rút lộc Lời Chúa đầu năm có khác
gì với xin xăm; thắp hương cúng bái thần tài thì có khác gì với hương khói và cầu
khẩn Thiên Chúa; việc kính thổ địa hay các táo có khác gì với kính các thiên thần
và các thánh?
Nguồn gốc và bản chất của mê tín
Mê tín dị đoan phát sinh và
được tích lũy từ sự thiếu hiểu biết của con người trong những niên đại mà khoa
học chưa được lập thành hay phát triển.
Bản năng tự nhiên, và nhu
cầu sinh tồn, của con người thúc đẩy họ phải tìm ra những giải thích “thỏa
đáng” cho chính họ về những hiện tượng xảy ra chung quanh. Tại sao khi thì săn
bắt được nhiều thú rừng, khi thì không? Tại sao năm nay cây trái mùa màng lại
thấp kém hơn những năm trước? Tại sao nếu sáng nào bà X vào mua hàng đầu tiên ở
cửa tiệm của mình rồi thì suốt ngày đó sẽ buôn bán ế ẩm? Tại sao cái computer
trong văn phòng của mình lại hay bị hư khi mình mặc áo màu đen đi làm?
Sự sợ hãi về các hiện tượng
thiên nhiên và “siêu nhiên” vẫn còn tác động mãnh liệt trong tiềm thức con người
ngày nay không khác gì trong ông cha họ lúc còn ăn lông ở lỗ. Những người có
nghề nghiệp càng nguy hiểm, càng bấp bênh, càng tùy thuộc vào thiên nhiên thì
thường càng có nhiều thủ tục mê tín gắn liền vào cách thức, lề lối sinh sống
hàng ngày của họ.
Đại đa số các tập tục mê
tín đều được đón nhận từ trong gia đình và sau đó được tích luỹ thêm từ môi trường
xã hội.
Có một điều sâu xa, qua
hành vi mê tín dị đoan, ta thấy rằng bản chất của con người của mọi thời đại
luôn hướng về và tìm kiếm những gì siêu việt.
Phân loại
Nói chung mê tín dị đoan có thể được chia
ra làm bốn dạng sau đây.
Dạng
thứ nhất là những nghi thức, cử chỉ xuất phát từ truyền thống
hay thói quen. Thí dụ như đi xin xăm, hái lộc trong ngày Tết, bói bài, xem chỉ
tay, xem tướng, tử vi, cúng sao giải hạn, đốt giấy tiền vàng bạc trong tang lễ,
nấu cơm canh mời ông bà tổ tiên về dùng, v.v. Đa số những mê tín dị đoan dưới dạng
nầy thường được ẩn núp sau danh nghĩa “phong tục cổ truyền” hay ngay cả “tín
ngưỡng dân gian”.
Dạng
thứ hai là những điều tốt lành cũng như những điều kiêng cử như:
cưới hỏi, khai trương, xuất hành đi xa,…
Dạng
thứ ba là những điềm tiên báo: điềm gỡ cũng như điềm tốt
như: tiếng chim cú, chim khách, gương vỡ,…
Và
dạng thứ tư là sự tôn thờ sùng bái những cá thể siêu hình
vì họ tin rằng những cá thể nầy có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe hay diễn tiến
sự việc hay kết quả thành bại trong đời sống họ hoặc có thể cứu vớt họ vào một
thế giới trường cửu nào đó sau khi chết. Thí dụ như thần cây đa, ma xó, ông Địa,
Thần Tài, v.v.
Vài đặc điểm chung của mê
tín
Hầu
hết các mê tín dị đoan đều mang một số tính chất chung.
1/ Đặc điểm chung và nổi
bật nhất của các loại “mê tín dị đoan” là người ta thường làm (hoặc tránh làm)
một hành động gì đó để mong muốn cho một sự việc gì khác xảy ra (hoặc không xảy
ra) trong khi thật sự thì hành động đi trước không tạo thành hay gây ra sự việc
theo sau.
2/ Mê tín dị đoan được
truyền bá sâu rộng trong mọi tầng lớp, mọi chủng tộc, mọi thời điểm trong lịch
sử con người.
3/ Nhiều tập tục mê tín dị
đoan bắt nguồn từ các lý do cần thiết thực dụng nhưng dần dần đều biến dạng và
mất hết ý nghĩa lẫn mục đích ban đầu.
4/ Mê tín dị đoan nầy có
khuynh hướng sinh sản ra mê tín dị đoan khác.
5/ Khi nói về “mê tín dị
đoan” là nhiều người nghĩ rằng “những người mê tín mới làm những chuyện vớ vẩn
kể trên chứ tôi thì không bao giờ…”
Voltaire cho rằng một người
mê tín cũng như một kẻ nô lệ bị trói buộc bởi những nỗi lo sợ vô cớ do chính
mình áp đặt lên cho mình. Theo ông thì trên thế giới có hai nhóm người rõ rệt:
một nhóm không mê tín, một nhóm mê tín; và ai cũng nghĩ là mình thuộc về nhóm
thứ nhất.
Tùy một người là ai mà họ
thấy cái gì là mê tín, cái gì là không.
6/ Nhiều hiện tượng, nhiều
sự kiện trong đời sống hàng ngày thường được người ta dựa trên mê tín dị đoan
mà diễn giải khác nhau (có khi hoàn toàn trái ngược hẳn nhau) tùy vào văn hóa,
phong tục địa phương.
Theo tập tục Việt Nam thì
chim cú mang đến điềm gỡ lớn (gia đình sắp có người chết) trong khi theo người
Tây Phương thì con cú mèo biểu tượng cho sự thông thái minh mẫn (vì đôi mắt to
lớn kèm với nhãn lực siêu việt có thể nhìn thấy mọi sự việc).
Ảnh
hưởng
Vài ảnh hưởng của mê tín
dị đoan lên đời sống hàng ngày là:
– Mê tín dị đoan có thể
đem đến hy vọng và hỗ trợ tinh thần trong hoàn cảnh khó khăn, bấp bênh.
– Mê tín dị đoan thường tạo
ra những sự sợ hãi, lo lắng không cần thiết.
– Mê tín dị đoan có thể
làm cho công việc bị đình trệ hay hủy bỏ vô ích.
– Người mê tín dễ bị lạm
dụng để làm tiền hay kềm chế, điều khiển.
– Những điều tai hại từ
mê tín dị đoan của một người thường làm ảnh hưởng đến những người khác chung
quanh họ.
Một vài nhận định
“Mê tín” là những diễn tả
một loại niềm tin rất quen thuộc của một người Việt Nam. Nó có nét vừa giống
nhưng cũng vừa khác với “đức tin” Công Giáo. Đức tin Công Giáo là một trong ba
nhân đức đối thần, là một ơn ban của Thiên Chúa chứ không tự sức của con người.
Đối tượng đức tin chính là Thiên Chúa tương quan cách sống động với con người,
con người kinh nghiệm được sự chắc chắn đức tin của họ (gọi là xác tín), chứ
không phải là mong lung, vô lý hay lầm lẫn và thiếu sáng suốt. Đức tin ấy nhận
được qua mặc khải, và mặc khải lớn nhất và cụ thể nhất là chính Đức Giê-su lịch
sử. Đến nỗi, người tín hữu không thể tin khác đi được.
Tuy nhiên, “Mê tín” luôn
hiện diện trong mọi thời từ cổ kim cho đến hiện đại. Đó là vì người ta vẫn tin
rằng những niềm tin này đem lại kết quả như họ mong muốn. Điều này chứng tỏ rằng,
con người mọi thời luôn cần một niềm tin. Con người mọi thời luôn có tâm thức
hướng về siêu việt. Điều đó cho thấy cội nguồn của con người thuộc về Thần
Thiêng. Một xã hội khủng hoảng niềm tin (không gầy dựng được niềm tin) dễ làm
cho nhiều người rơi và mê tin – một niềm tin mê muội. Có người ở lại trong niềm
tin sai lầm, có người đang phải tin qua nhiều trung gian khác nhau mà cứ ngỡ
như là cùng đích rồi. Ki-tô giáo nhận ra Đức Ki-tô chính là “Con đường”, là “Sự
Thật” và là “Sự sống”, và Thiên Chúa chính là Thiên Chúa duy nhất và chân thật,
ngoài Ngài ra không có Đấng nào khác, chính ngài là cội nguồn, là cùng đích của
con người. Đức Giê-su chính là Trung gian duy nhất mà chính nhờ Ngài, với Ngài
và trong Ngài, con người được đảm bảo ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh cữu.
Mê tín trở thành những
thói quen phiền toái, tốn kém. Tuy vậy đây là những thiệt thòi người ta sẵn
sàng đánh đổi để cho họ cảm thấy an tâm và “an toàn” hơn. Người ta tin tưởng một
cách nghiêm cẩn và chăm chỉ về những hiện tượng huyền bí, tuy rằng không ai thật
sự hiểu rõ nguồn gốc hay cách vận hành của chúng ra sao. Còn Ki-tô giáo thì biết
rõ mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu.
Biên tập từ bài viết “Mê
Tín Dị Đoan và Tín Ngưỡng” của tác giả Nguyễn Nhân Trí:
http://nguyennhantri.wixsite.com/tieuluan/metindidoanvatinnguong1
Trương Minh Cao, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét