Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

BỎ MÌNH… TỈNH NGỘ!


BỎ  MÌNH… TỈNH  NGỘ!
Fri, 21/09/2018 - Lm Hương Quất

1. Tớ tham dự Thánh lễ đón Cha xứ mới về nhận xứ.

Trong bài phát biểu của ông Chánh xứ thay mặt gia đình giáo xứ nghe sao lạ quá, ngộ quá, kể cả… kỳ cục quá!

Cái ‘ngộ, lạ, kỳ cục’ nằm ở chỗ này. Trong bài phát biểu không thấy lời nhắc đến Cha nguyên chánh xứ (Cha xứ cũ) mà cũng chẳng có lời cám ơn ngài mặc dù ngài đang hiện diện, mặc dù theo nghi thức nhận chánh xứ ngài mới trao Dây Các Phép cho Cha xứ mới.

Ngài chia tay giáo xứ chỉ cách đây vài ngày, còn nóng hổi… Lẽ nào!?

Xong lễ, tớ cố tình đến ngài, thắc mắc. Ngài cho biết, bài viết đã được ngài kiểm duyệt, cắt bỏ tất cả những gì liên quan đến ‘cám ơn’ ngài… và nói ông Chánh khi đọc không thêm bớt gì nữa.

 Lý do, ngài không muốn ai phải kể công, cảm ơn ngài… Ngài muốn tập chung vào Cha mới, muốn Cha mới nổi bật…

‘Lý do’ thế nghe qua tớ phục ngài thật, gương sáng quên mình, đáng để tớ học theo…

Bữa nay tớ đi chợ (lâu lâu tớ vẫn tự đi chợ kể như… đi chơi giải trí) thuộc giáo xứ ngày trước của ngài.

- Con thấy Ban hành giáo mới dở quá, làm tai tiếng cho giáo xứ quá.

- Chuyện gì mà dữ vậy. Tôi thấy Ban hành giáo mới, nhất là Ban thường vụ của giáo xứ đợt này tốt quá đi chứ!

- Hôm đấy con thấy cha đi Lễ, cha không thấy gì à…

Tớ giả ngơ ngác:

- Thấy gì? Mà có gì mà thấy, Thánh lễ bữa đó tốt đẹp quá mà !

Bức xúc của chị và theo chị của không ít Dân xứ (nếu không muốn nói còn ‘chấn động’ cả xứ) rơi đúng vào cái ‘kỳ cục…’ đã nói trước.

Theo chị ‘cái dở’ của tân Ban hành giáo dễ nguy cơ làm cả xứ mang tiếng ‘vô ơn- bạc nghĩa’. Rằng cha đã ở đây nhiều năm, có nhiều công lớn cho giáo xứ thế mà vị đại diện lại không nhắc đến, cũng chẳng được một lời cám ơn trong khi cha xứ mới vừa về, chưa ở ngày nào, chưa biết thế nào đã có những lời cám ơn- chúc mừng- chúc khen đầy trân trọng. Trong Thánh lễ đón nhận cha mới có nhiều người giáo xứ khác tham dự, rất đông dân xứ cũ của cha xứ mới tiễn ngài đi… Một lời cám ơn cho trọn lễ nghĩa khó khăn gì đâu? Liệu họ nghĩ sao giáo xứ về lòng biết ơn?

(Tớ biện giải cho ông Chánh phải đọc thế vì theo ý Cha muốn thế. Ngài vốn khiêm tốn, không muốn ai đó kể công ngài, âu cũng là điều đáng trân trọng… Được biết, ban hành giáo mới bị ngài ‘la cho một trận’ vì ‘tự ý’ lên Tòa giám mục, gặp Đức cha Giáo phận có ý xin ngài tiếp ở lại giáo xứ. Mới bị ‘chỉnh’ nghiêm khắc, giờ đố ai dám trái ý ngài !)
Tớ chợt ... tỉnh ngộ!
Bắt người khác làm theo ý mình mà không màng đến để lại ‘tai tiếng’… oan ức cho người khác về nhân nghĩa cơ bản làm người, thậm chí cả xứ Đạo liệu có ‘bỏ mình’ thật không!. Nói một vài lời cám ơn trân trọng cho đúng nhân nghĩa thì có mất mát gì…

(Nếu phim ảnh ‘nguyên bộ’ ngày nhận Chánh xứ mới này xuất hiện tên Facebook- trong thế giới phẳng, thì… ‘tai tiếng’ đầy oan khiên cho giáo xứ còn nâng cấp trên tầm… quốc tế!)

2. Ngài đến nhận Tân chánh xứ một giáo xứ rất thân quen với tớ. Cha xứ giáo xứ này đã đang là cha Linh hướng của tớ...

Cha xứ và ban hành giáo đã bàn họp về việc tổ chức ngày đón cha Tân chánh xứ là ngài, dự kiến chỉ sau hai ngày cha xứ cũ (cha Linh hướng tớ) đến nhận nhiệm sở giáo xứ khác.

Chương trình đã lên, thiệp mời đã in, đã gởi…

Khi ngài biết chuyện, ngài ‘nhất quyết’ không muốn tổ chức kiểu ‘hoành tráng’, tốn kém như thế.

 Đại loại ý ngài: ngài muốn về nhận Nhiệm sở giáo xứ mới đúng vào ngày cha xứ cũ đi nhận chánh xứ mới. Nghĩa là ngài đến nhận xứ và dâng Thánh lễ Tạ ơn vào giờ lễ bình thường như mọi ngày (4g30); sau đó ngài sẽ cùng giáo xứ đưa cha xứ cũ đi nhận chánh xứ mới, vào lúc 8- 9 giờ sáng… Tiện lợi đôi đàng!

Lý do: Ngài không muốn tổ chức rầm rộ, lại bày bàn ăn cả giáo xứ … gây tốn kém, phiền phức cho giáo dân. Ngài muốn ngày về nhận chánh xứ mới giản tiện, thầm lặng…

Tớ phục ngài về việc quên mình - ‘bỏ mình’!
Có dịp tớ ghé thăm chốn cũ thân quen này. Hỏi thăm việc tổ chức đón Cha mới… Ban hành giáo cho biết các cụ ‘la quá’ vì việc tiếp đón Cha xứ mới quá sơ xài, thắc mắc sao lại ‘hủy’ chương trình tốt đẹp cha trước đã bàn họp…

Tớ tỉnh ngộ!

Chương trình đã tiến hành, thiệp đã mời kể như đâu vào đó, thế mà giờ phút chót phải hủy vì theo ý muốn của ngài. Việc hủy ‘theo ý ngài’ không chỉ hàm ‘tiếng  oan’ cho người khác mà còn làm không ít người mang mặc cảm… có lỗi, có tội, nhất là đối với các cụ cao niên.

Tớ ‘bạo miệng’… suy diễn thế vì thử đặt mình vào các cụ vốn trọng Đạo, được coi như biểu tượng đạo đức của giáo xứ, lại một giáo xứ lớn có tầm vóc cả nhân lực lẫn kinh tế… quả là khó mà chấp nhận, nếu không muốn nói cảm thấy ‘bất kính’ ‘có tội’ với Chúa, với Đức cha giáo phận vì sự đón tiếp người của Chúa bất xứng, sơ xài đến mức thiếu sự trân trọng….

‘Hủy chương trình’ người khác để theo ý mình, thì rõ đâu phải bỏ mình!

(Thực ra, nói cho đầy đủ: Ý ngài muốn giản tiện thế song ngài vẫn để quyết định cuối cùng tổ chức theo chương trình đã định hay không cho Cha xứ cũ, cho Cha Quản hạt. Ý muốn của một Cha cố đáng kính như ngài ‘đã phán’ thì khó mà ai dám làm khác!).

Đấy là chưa nói việc quyết định theo ý ngài còn có thể gây… hiểu lầm cho các Cha trong hạt cũ. Trong Thánh lễ nhận nghi thức nhận Chánh xứ, ngoài cha Quản hạt, còn lại chỉ có hai cha trong giáo hạt cũ tham dự. Có người thắc mắc, ngài vốn bậc đáng kính, sao hạt chỉ có ‘vài cha’ hiện diện tiễn ngài. Tớ giải thích: Các cha giáo xứ khác đều có lễ sáng thường lệ trùng với thời gian ngài chọn về; hai cha tham dự được vì giáo xứ Giáo dân ít nên hôm đó không có lễ sáng…

3. Tớ nhớ lại ngày tớ nhận Bài sai đi là Chánh xứ… Thấy cha Quản nhiệm sau khi trao đổi với cha Quản hạt bàn việc tổ chức đón tiếp...hoành tráng: mang xe hơi lên tận nơi đón, rồi làm ‘mươi bàn’ chung vui… Nói thật tớ thấy ngại, thấy phiền phức cho người ta quá. Tớ nhớ hình ảnh cha thánh Gioan Vianey khi đến nhận cha sở họ Ars không người đưa đón, chỉ mình xách vani đồ riêng lặng lẽ… Thậm chỉ ngài còn hỏi đường đến giáo xứ Ars...

Ước gì được đơn giản, nhẹ nhành thanh thản như Cha thánh!

 Tớ tỏ bày ước muốn này với Cha bạn đồng môn đang phụ trách Văn phòng Tòa Giám mục.

Cha bạn nói: - Anh không làm thế được, mình đến xứ mới trong tư cách Cha xứ (chứ không phải cha phó, thực chất Cha Phụ tá) - người đại diện chính thức cho Đức cha Giáo phận đến mục vụ nơi giáo xứ … Vả lại mỗi thời, mỗi nơi khác nhau… Đón nhận Cha xứ mới cũng cần phải có nghi thức, đừng lạm dụng thái quá là được- để nói lên sự trân trọng, tôn trọng không phải cho anh mà là cho Giáo hội, trước mắt cho Giáo phận, tất cả để vinh danh Chúa… Em nghĩ anh cứ đón nhận ý kiến bề trên như ý Chúa, dù mình không muốn… Thế mới cần anh ‘bỏ mình’.

Cha Bạn giúp tớ thêm tỉnh ngộ về việc bỏ mình...

4. ‘Bỏ mình’ rất quan trọng, vì đấy là điều kiện tiên quyết của người Môn đệ ‘chính hiệu’ theo Chúa Giêsu, muốn nên giống Thầy Giêsu, do chính Ngài  yêu cầu.

Chúa Giêsu  tuyên bố: ‘Ai muốn teo Tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi’ (Mc 8,34)

Bỏ mình mà không theo Chúa thì việc bỏ mình ấy- hy sinh ấy coi chừng thừa, kém mất giá trị, nếu không muốn nói ‘phản tác dụng’, bởi dễ có nguy cơ xây đắp thêm ‘cái tôi’ kiêu ngạo.

‘Bỏ mình’ vác thập giá mình theo Chúa là lời mời gọi bỏ ý mình để sống theo ý Chúa, ngày càng để cho ý Chúa hiện diện và lớn lên trong cuộc đời mình.

Đấy là cách của vị tiền hô Gioan Tẩy giả (người được Chúa Giêsu  khen ‘trong số các phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả’ (Mt 11,11) : ‘Người phải nổi bật lên con tôi phải lu mờ đi’ (Ga 3,33)[1].

Hình như Đấng đáng kính- Đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận hay sách Gương Chúa Giêsu (?)… có nói, đại ý: Nếu chưa biết ‘bỏ mình’ thực ra mình chưa buông bỏ cái gì hết, rồi một lúc nào đó mình sẽ vơ vét lại những cái mình từ bỏ, nhiều hơn cái đã từ bỏ.

Tớ giật mình!…

‘Bỏ mình’ trong lăng kính… tỉnh ngộ trên xem ra tớ dễ sa chân. Nhân danh ‘bỏ mình’, nhân danh Chúa… nhưng coi chừng đang làm theo ý mình, phục vụ cho ‘cái tôi’ ngạo nghễ…

Thế mới hiểu ra… bi kịch Cánh chung trước tòa Tòa Chung thẩm, bởi có kẻ kêu: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm phép lạ đó sao ?’ Kết cục Chúa Giêsu không nhận ra và nghiêm trị: ‘Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!’ (Mt 7 21-21-23)  

Nhân danh Chúa mà cuối cùng Chúa không nhận ra, rõ ràng việc ta làm ‘nhân danh’ không phải theo ý Chúa mà theo ý mình.


Để kết bài ‘vụn vặt…’ xin tự nhắc nhủ lời Thầy Giêsu chí thánh: ‘Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là vào được nước trời cả đâu nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi’ (Mt 7,21)

‘Bỏ mình’ để ‘thi hành ý muốn của Chúa’ mới thực cam go, mới có giá trị Tin Mừng. Như thế bỏ mình theo Chúa là hành trình của niềm an vui, cảm nếm được ‘Phúc Thật’ ngay ở đời này.

Lm. Đaminh Hương Quất

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét