Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

VÒNG XOAY - Chuá nhật 25 thường niên nam B-


VÒNG  XOAY
 (Chuá nhật 25 thường niên nam B-Tramthienthu)


Có nhiều loại vòng – cả tốt và xấu, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cái vòng thì hình tròn, tròn thì cứ lòng vòng, và người ta gọi là “vòng xoay”, nó cũng chính là cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời liên quan chữ Danh. Vòng xoay có khi hóa thành vòng xoáy. Loại “vòng đời” rất đáng sợ, nó được tiền nhân mô tả thế này: “Cái vòng danh lợi cong cong – kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”. Cứ thế, và cứ thế. Mệt thật! Và từ đó có thể xảy ra chiến tranh – cả lạnh và nóng.
Cuộc đời phàm nhân thật là phức tạp, thế nhưng chắc chắn rằng “cái vòng luẩn quẩn” đó không tại Thiên Chúa, mà tại chính chúng ta. Ngày xưa, trường hợp tháp Babel là đại họa đối với con người, nhưng đó không phải là thiên tai mà là nhân tai, là tội kiêu ngạo và ích kỷ của con người. Ngày nay cũng như vậy, tự con người tạo ra các tai họa, tự tạo ra ngày tận thế – chứ không phải do Thiên Chúa, mà lại cứ đổ lỗi cho Ông Trời và nói là “thiên tai”. Thánh Lm Arnold Janssen (1837-1909, sáng lập Dòng Ngôi Lời – SVD, Societas Verbi Divini) xác định: “Mặc dù ý Chúa KHÔNG PHÙ HỢP với bạn thì vẫn LUÔN ÍCH LỢI cho bạn”.
Với bản chất con người, ai cũng “máu” lắm (nhiều loại máu), thả ra cũng chẳng ai vừa: “Kẻ tám lạng, người nửa cân”. Cứ theo lẽ thường thì chẳng ai hơn/kém ai. Ai cũng thích được khen chứ chẳng ai thích bị chê. Nghĩa là con người rất thích có DANH, gọi là “háo danh”, như chí sĩ Nguyễn Công Trứ (1778–1858, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, là nhà quân sự, nhà kinh tế và nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại) đã xác định: “Làm trai đứng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông”. Chữ DANH đối với nam giới càng “to lớn” hơn!
Kể cũng lạ (mà cũng chẳng lạ), bởi vì có mối liên quan “thân thiết” giữa DANH và LỢI – gọi là Danh Lợi. Chưa có cái “danh” thì tìm cách có, có “danh” rồi thì tìm cái “lợi”. Có những người mê “danh” đến nỗi sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để “chạy” bằng cấp, chức tước, địa vị,… Thậm chí có người còn dám bán rẻ lương tâm để mua lấy cái “danh”, ngay cả tình nghĩa trong các mối quan hệ cũng chỉ là “chuyện nhỏ”, như người ta “đùa mà thật” thế này: “Tình cảm là chín (chính), tiền bạc là mười”. Điều tất yếu ư? Có thể. Bởi vì “con gà còn tức nhau tiếng gáy” kia mà! Có lẽ dày dạn kinh nghiệm nên cụ Nguyễn Công Trứ mới chua chát nhận định: “Thế thái nhân tình gớm chết thay, Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy”, hoặc: “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược, Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”. Chua chát lắm!
Thẳng thắn mà nói thì tiền chẳng là gì, chỉ là những tờ giấy có cấp độ giá trị khác nhau theo những con số mà con người quy ước với nhau, chứ tự nó không có giá trị. Thế nhưng người ta coi “tiền là tiên, là Phật, là sức bật của con người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của người già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý”, do đó mà nó có thể “thay trắng, đổi đen” mọi thứ. Xã hội ngày nay rất rõ nét, đặc biệt là ở Việt Nam. Thật là kinh khủng! Chiến tranh tàn khốc xảy ra cũng chỉ vì danh lợi. Cái lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo, thế nên: Thật thà bị ghét bỏ, nghèo khó bị miệt khinh, thông minh bị trù dập – nhưng gian ác được yêu thương, giàu sang được đề bạt, khoác lác được đề cao. Đời là thế! Than ôi, thế thái nhân tình Cười ra nước mắt nên mình thương ta!
Mọi thời và mọi nơi đều có người lành, kẻ dữ. Thời Cựu Ước, những người dã tâm đã hùa nhau: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo” (Kn 2:12). Họ còn ranh mãnh và mỉa mai: “Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào” (Kn 2:17). Người chính trực luôn bị ghét, người theo Chúa cũng bị “dè chừng”, thậm chí còn bị sát hại. Và rồi kẻ xấu toan tính: “Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào” (Kn 2:18-19). Cuối cùng, họ quyết định: “Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm” (Kn 2:20a). Nhưng đó chỉ là “sai lầm của phường vô đạo” (Kn 2:20b).
Tuy nhiên, người công minh chính trực vẫn chẳng sợ gì. Cây ngay không sợ chết đứng như Từ Hải, vì họ luôn vững tin vào Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ, lấy quyền năng Ngài mà xử cho con. Lạy Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu, lắng tai nghe lời con thưa gửi” (Tv 54:3-4). Phường kiêu ngạo có nổi lên chống đối, hay bọn hung tàn tìm hại mạng sống người công chính, dù chúng không kể gì đến Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn độ trì và nâng đỡ những tôi trung và hiền tử của Ngài, vì Ngài là Đấng đời đời thành tín.


Mặc dù vui – buồn, sướng – khổ, hạnh phúc hay bất hạnh, người thật lòng theo Chúa vẫn một lòng một dạ chân thành thân thưa: “Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài, thật danh Ngài thiện hảo” (Tv 54:8). Đó là cách sống của những người thực sự TRƯỞNG THÀNH TÂM LINH. Ước gì mọi người đều biết sống như vậy!
Thật thú vị với cách phân tích của Thánh Giacôbê: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3:6). Một cách suy luận lô-gích và minh nhiên. Và ngài kết luận: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là THANH KHIẾT, sau là HIẾU HOÀ, KHOAN DUNG, MỀM DẺO, đầy TỪ BI và SINH NHIỀU hoa thơm trái tốt, KHÔNG thiên vị, cũng CHẲNG giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính” (Gc 3:17-18). Phàm nhân chúng ta gọi đó là “luật nhân quả”, gieo gì gặt nấy: Tư tưởng ước muốn hành động thói quen tính cách số phận. Từ ngàn xưa, Kinh Thánh đã xác định: “Gieo gió thì phải gặt bão” (Hs 8:9). Thánh Phaolô nói: “Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời” (Gl 6:8).
Đúng là “XẤU hay làm TỐT, DỐT hay nói CHỮ”. Thế mới rắc rối, thế mới gây xung đột. Thánh Giacôbê đặt vấn đề: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những KHOÁI LẠC của anh em đang GÂY CHIẾN trong con người anh em đó sao?” (Gc 4:1). Và rồi thánh nhân đúc kết một cách vô cùng thẳng thắn: “Anh em HAM MUỐN mà không có, nên anh em CHÉM GIẾT; anh em GANH GHÉT cũng chẳng được gì, nên anh em XUNG ĐỘT với nhau, GÂY CHIẾN với nhau. Anh em không có, là vì anh em KHÔNG XIN; anh em XIN MÀ KHÔNG ĐƯỢC, là vì anh em xin với TÀ Ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4:2-3).
Công bình mà nói thì nhận xét của Thánh Giacôbê “chạm” đến bất kỳ ai, đến bất kỳ cương vị nào, đến tận mọi ngõ ngách sâu thẳm nhất của lòng dạ và tư tưởng con người. Thật vậy, đôi khi chúng ta ÍCH KỶ NGAY TRONG LỜI CẦU NGUYỆN của mình (như dụ ngôn hai người cùng cầu nguyện trong Đền Thờ – Lc 18:9-14), thậm chí còn dám “ngã giá” và “ra điều kiện” với chính Thiên Chúa mà cứ tưởng là mình… đạo đức và thánh thiện lắm. Ôi, nguy hiểm quá chừng!
Thánh Máccô cho biết một lần nọ, Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê, nhưng Ngài không muốn cho ai biết, vì Ngài đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết chết, Ngài sẽ sống lại” (Mc 9:31). Nhưng các ông không hiểu lời đó, vả lại các ông LO SỢ nên KHÔNG DÁM hỏi lại Ngài. Bao tháng ngày theo Thầy đi khắp mọi nơi, tới từng hang cùng ngõ hẻm, ăn dầm nằm dề với Thầy, thế mà các môn đệ vẫn “như người trên cung trăng”, lơ ngơ mà chẳng hiểu Sư Phụ có ý nói gì. Đã không hiểu mà lại không dám hỏi. Lạ thật! Nhưng phàm phu tục tử là thế, chúng ta cũng vậy, chẳng hơn gì đâu! Chúa biết thừa, nhưng Ngài vẫn thông cảm và lại càng thương các “ngu đệ” hơn. Tội lắm, thương lắm, thương tới cùng luôn (Ga 13:1).
Sau đó, Thầy trò cùng đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Sư Phụ Giêsu hỏi các đệ tử: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” (Mc 9:33). Hỏi để mà hỏi, hỏi cho có chuyện, hỏi để họ bớt… run, chứ Ngài biết tỏng, biết rõ mười mươi như “đi guốc trong bụng” từng người! Nhưng các ông nín thinh như ngậm tăm, vì Thầy nói trúng phoóc tim đen rồi. Rõ ràng khi đi đường, các ông đã CÃI NHAU xem ai là người LỚN HƠN. Tranh giành địa vị, tranh chấp ngôi thứ, tranh nhau cái DANH cốt để mong có cái LỢI. Không thể nào biện hộ, dù chỉ nửa lời. Cái “vòng kim cô” Tham-Sân-Si khó gỡ ghê!
Thầy Giêsu biết các môn đệ chưa thể “thoát tục”, Ngài ngồi xuống và gọi họ lại mà nói: “Ai muốn làm người ĐỨNG ĐẦU thì phải làm người RỐT HẾT, và làm người PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI” (Mc 9:35). Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9:37).
Một cách so sánh đầy triết lý và thần học, với chuỗi lô-gích: TIẾP NHẬN trẻ nhỏ TIẾP NHẬN Chúa Giêsu TIẾP NHẬN Chúa Cha. Hay quá! Nhưng có lẽ chúng ta chưa thể hiểu đúng, hoặc không dám hiểu, thậm chí có thể là không muốn hiểu. Nhưng đừng quên điều này: Chúa Giêsu luôn thực tế, mạch lạc, rất hiếm khi bóng gió xa xôi (khi dùng dụ ngôn). Thế nhưng với “đầu óc bã đậu”, chúng ta cảm thấy khó lĩnh hội thấu đáo để có thể thực hành những bài học “đơn giản” của Ngài là SỐNG YÊU THƯƠNG và PHỤC VỤ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Chính Ngài đã LÀM rồi mới NÓI.

Chẳng dễ gì thoát khỏi vòng danh lợi và vòng kiềm tỏa của nó, nhưng không thoát thì không xong. Làm sao đây? Chỉ có cách làm theo “mẹo” của Chúa Giêsu: “Nếu anh em không TRỞ LẠI mà NÊN NHƯ TRẺ NHỎ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Danh lợi chỉ là thứ tạm bợ, chóng qua, thế mà người ta vẫn tìm mọi thủ đoạn để giành giật bằng mọi giá. Đó là loại “giàu” khiến người ta khó vào Nước Trời nhất. Cụ Nguyễn Công Trứ nhận định: “Ra trường danh lợi vinh liền nhục, Vào cuộc trần ai khóc trước cười”. Chí lý thay, độc đáo quá, tuyệt vời lắm!
Có mối liên quan kỳ lạ: “Không có TÌNH YÊU và HÀNH ĐỘNG thì người thông thái nhất cũng chẳng là gì” (Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu). Thánh Juliana Norwich phân tích: “Chân lý ngắm nhìn Thiên Chúa, sự khôn ngoan chiêm ngưỡng Thiên Chúa, từ hai thứ đó phát sinh cái thứ ba là niềm vui thánh thiện tuyệt vời nơi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu”. Thật chí lý khi Kinh Thánh nhắc nhở: “Làm xong một việc thì tốt hơn mới bắt đầu, nhẫn nại thì tốt hơn huênh hoang tự đắc. Chớ vội để cho lòng mình nổi giận, vì chỉ người ngu mới nuôi giận trong lòng” (Gv 7:8-9).

Lạy Thiên Chúa, xin biến đổi tâm hồn chúng con từng giây phút, để chúng con đừng giành nhau những thứ không phù hợp với Tin Mừng của Ngài, trái ngược với Nước Trời. Xin thúc đẩy chúng con không ngừng biết YÊU THƯƠNG và PHỤC VỤ đúng Tôn Ý Ngài. Trong khi phục vụ, đôi khi công việc có thể khiến chúng con cảm thấy cô đơn và nhàm chán, thậm chí còn bị hiểu lầm, xin giúp chúng con kiên tâm và tín thác vào Ngài, xin cho tâm hồn chúng con luôn bình an trong Ngài để ý Ngài nên trọn, tất cả xin vì Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét