Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Bóng cười và những nguy hiểm khôn lường


Bóng  cười  và  những  nguy  hiểm  khôn  lường
Thứ năm, 20/9/2018-VnExpress.net

Bóng cười thường được giới trẻ sử dụng trong các quán bar, cafe vỉa hè. Ảnh: Cardiffstudent Media

Bóng cười tạo ra hưng phấn ảo giống cảm giác phê ma túy, dùng lâu dễ gây nghiện, ảnh hưởng tới hệ thần kinh và nguy hại tính mạng.
Cảm giác hứng thần nguy hiểm khi hít khí cười

Bóng cười (hay gọi là Funkyball) là quả bóng bay bơm "khí cười" Nitrous oxide (N2O), được giới trẻ coi là thú vui để giải tỏa căng thẳng. Khi người chơi dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng, hít rồi thổi ngược ra cho quả bóng to lên, khí N2O vào cơ thể tạo cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Côn - Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết khí N2O có tên quốc tế là Dinitrogen monoxide hoặc Nitrous oxide. Đây là hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ, trong chiến tranh thế giới thứ nhất được sử dụng để gây mê toàn thân cho bệnh nhân. "Ở nước ngoài, khí cười N20 được kiểm soát về nồng độ và tỷ lệ rất nghiêm ngặt", tiến sĩ Côn cho biết.

Ở nồng độ thấp, N2O vào cơ thể kích hoạt trung tâm gây cười trong não, gây hiệu ứng sảng khoái, vui vẻ duy trì trong 2-3 phút. Hiện nay trong y học chất này ít được sử dụng đơn độc mà thường phối hợp với các thuốc gây mê khác như một chất gây tê, giảm đau.

Phó giáo sư cảnh báo, khí cười tạo ra hưng phấn ảo, rất giống cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể gây nghiện, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh. Tùy theo cơ địa, bóng cười khiến người dùng lờ đờ, ngơ ngơ, đi đứng loạng choạng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim, thiếu máu. Khi ấy dây thần kinh ngoại biên cũng như thần kinh thực vật giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi. Khi đã quen cảm giác "phê" ảo giác, người dùng rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác"phê" mạnh hơn như ma túy, thuốc lắc. Thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển, thần kinh còn chưa ổn định nên lạm dụng loại khí cười này rất nguy hiểm.

“Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí cười N2O cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác”, Phó giáo sư Côn nhấn mạnh. Hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn vẫn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy. Đặc biệt, người mắc bệnh về tim mạch, hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp, hít N2O lâu có thể dẫn tới ngừng thở.

Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khí N2O do hít bóng cười trong thời gian dài. Bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện rối loạn cảm giác, giảm vận động, tê bì chân tay, đi lại không vững. Nhiều bệnh nhân bị tổn thương tủy sống, mất tủy, tổn thương hệ thần kinh do lạm dụng bóng cười.

Các bác sĩ trên thế giới cũng cảnh báo hít bóng cười hay khí cười không những ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà còn dẫn tới trầm cảm hoặc tử vong nếu lạm dụng. Năm 2010, nữ diễn viên Mỹ Demi Moore sau khi hít bóng cười trong buổi tiệc đã phải nhập viện với triệu chứng co giật, run rẩy. Cuối năm 2012, một sinh viên trường Đại học Illinois là Benjamin Collen 19 tuổi, đã tử vong vì bị ngạt khi hít bóng cười.

Phó giáo sư Côn khuyên không nên giải trí bằng bóng cười. Giới trẻ cần sáng suốt khi chọn những thú chơi có ích để không ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình. Hiện bóng cười không được xem là một loại ma túy hay chất gây nghiện nên không nằm trong danh mục cấm.

Thúy Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét