Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Làm Mới Lại Đức Tin

Làm  Mới  Lại  Đức  Tin
















Bối rối nhìn lại niềm tin của mình bởi biết bao giáo điều, triết thuyết đạo, đời cứ cuồn cuộn chảy trong suy nghĩ, gây bao xáo trộn trong tâm hồn: Tôi là ai? Tôi tin gì? Tôi sẽ ra sao trong thân phận làm người và tôi sẽ đi về đâu khi cuộc đời kết thúc? Tự vấn như thế là điều rất cần thiết để ta nhận ra rằng: sống niềm tin Kitô là khẳng định một ơn gọi, vì chung quanh ta còn rất nhiều người chưa biết hoặc đã quên Đức Kitô. Giả sử một ngày kia trên thế giới không còn ai tin vào Đức Kitô nữa thì niềm tin của tôi có bị lung lay?
Đặt ra một câu hỏi như thế là cơ hội để chúng ta nhận ra chính mình trong tương quan với Thiên Chúa. Ta xác tín vào Người và sống đức tin ấy một cách ý thức, trách nhiệm hay vì thói quen, truyền thống? Có bao giờ ta tự hỏi tại sao mình không phải là một người vô thần, hay một người Phật tử hoặc theo bất cứ một tôn giáo nào khác mà lại là một Kitô hữu, một người Công Giáo? Khi đó ta sẽ nhận ra “Đức Tin” là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa.
Niềm tin của chúng ta không dừng lại hoặc kết thúc ngay khi lãnh nhận nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho một cuộc hành trình: Hành trình Đức Tin. Đức tin mà ta đã lãnh nhận cần phải được nuôi dưỡng không ngừng để có thể lớn lên và tỏa lan mỗi ngày. Nhưng thực tế không phải bất cứ ai đã lãnh nhận đức tin cũng làm cho đức tin ấy lớn lên và sinh hoa kết quả. Bởi có rất nhiều người sau khi đức tin được ươm mầm trong tâm hồn liền bị bóp nghẹt, chôn vùi đi vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, “có đạo”, “giữ đạo”,“sống đạo” và là ba điều hoàn toàn khác nhau.
Xã hội văn minh là điều tốt, khoa học tiến bộ là điều tốt. Nó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người là điều rất tốt. Tuy nhiên, nó cũng mang nhiều mặt trái và sinh ra nhiều hệ lụy như sự phân biệt giàu-nghèo, lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ… Giữa hoàn cảnh xã hội như thế, hành trình sống đức tin lắm khi là hành trình lội ngược dòng đời. Nhiều lúc khiến người ta chơi vơi khi phải chọn lựa giữa giá trị đức tin và giá trị đời thường.
Giống như một cuộc khủng hoảng kinh tế tác động đến cả người giàu lẫn người nghèo, quan chức cũng như dân thường, người buôn cũng như người bán. Trong đời sống đức tin cũng vậy, không ai có thể tự hào rằng mình có thể đi trọn con đường mà không vấp ngã dù chỉ một lần. Vấp ngã không loại trừ ai. Không chỉ những người tân tòng nhưng cả những người đạo gốc; không chỉ là giáo dân nhưng cả mục tử, tu sĩ; không chỉ người trẻ nông nổi nhất thời nhưng cả người già dạn dày sương gió vẫn vấp ngã như thường. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một lý do, không ai giống ai, không vấp ngã nào giống vấp ngã nào. Có người trẻ vấp ngã vì một lần hôn nhân đổ vỡ. Xấu hổ, ngại ngùng ngăn cản bước chân đến nhà thờ. Có người già đơn giản chỉ là bất mãn vì thấy cha xứ ngày nay chẳng giống “cụ cố” ngày xưa. Có tu sĩ đã chọn “tu là cõi phúc” nhưng lại thấy “tình là cõi tiên”. Cũng có những vấp ngã thật êm ái, thật quen thuộc đến nỗi người ta chẳng thể nhận ra mình đang chìm dần. Như cám dỗ bước trong đời tu để tìm sự an toàn và thỏa mãn tham vọng cá nhân. Hay cám dỗ bởi sự đầy đủ, dư thừa của cải nơi các gia đình: Đói thì mở tủ lạnh, buồn thì nhậu, chán thì coi tivi, rảnh thì lên mạng chuyện gẫu nên chẳng thấy Chúa đâu. Nhiều người trẻ ngày nay sống như thể họ chẳng bao giờ cần đến Giáo Hội và chẳng cần biết Giáo Hội là ai. Một điều nguy hiểm hơn là con người ngày nay dường như đang đánh mất sự trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi an vui người ta chẳng còn biết dâng lời cảm tạ, đã vậy khi gian khổ cũng chẳng thấy cần phải cậy trông. Họ có xu hướng tự mình giải quyết mọi vấn đề, khi không được thì cam chịu vậy hoặc sống leo lắt trong tuyệt vọng mà không nhớ ra rằng mình còn có Chúa và Chúa làm được mọi sự.
Thế nên, từ hai ngàn năm trước, Chúa Cứu Thế đã phải thốt lên: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất này nữa chăng?” (Lc 18,8). Đó cũng là trăn trở của Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba này: “Tái truyền giáo” – Re-evangelize. Và phải chăng mỗi người Thừa Sai Đức Tin cũng được mời gọi sống với những thao thức ấy để cùng anh chị em mình làm mới lại đức tin.
Làm mới lại đức tin, bao giờ phải làm và làm đến bao giờ? Người ta thường nghĩ “truyền giáo” là phải đi rao giảng cho người chưa biết Chúa và “thừa sai” là phải đi đây đi đó. Nhưng nếu chỉ truyền giáo như thế thôi thì cũng giống như cố gắng để vỡ đất khai hoang rồi lại bỏ hoang cho cỏ mọc vậy. Vì thế, “truyền giáo” phải song hành với “tái truyền giáo”. Nếu truyền giáo là ươm mầm Đức Tin thì tái truyền giáo là chăm sóc cho Đức Tin ấy lớn lên và sinh hoa kết quả. Truyền giáo là bước khởi đầu thì tái truyền giáo là bước liền theo sau. Truyền giáo là công việc được ưu tiên thì tái truyền giáo là công việc phải làm hằng ngày.
Không chỉ thời đại hôm nay xã hội thay đổi mới đòi hỏi việc tái truyền giáo, làm mới lại đức tin. Nhưng từ xưa, trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa đã không ngừng thực hiện công việc ấy qua các vị ngôn sứ mà dẫn đưa dân Người trở về mỗi khi lầm lạc. Và Thiên Chúa đã không mỏi mệt tái lập giao ước với họ hết lần này đến lần khác. Sau cùng, Người đã sai chính Con Một Người là Đức Giêsu Kitô đến không chỉ cho họ mà thôi nhưng còn cho nhân loại hôm qua, hôm nay và mãi về sau.
“Tái truyền giáo” làm như thế nào? Câu trả lời không khó: “Làm như Đức Giêsu đã làm”. Nhưng để thực hiện công việc ấy là điều không hề dễ dàng nếu không theo sát Đức Kitô và lấy Người làm chuẩn mực. Trong cuộc đời rao giảng, Đức Giêsu đã “làm mới lại đức tin” cho rất nhiều người với nhiều cách thức. Với người phụ nữ ngoại tình, Người đã ứng xử rất nhẹ nhàng, đầy sự thông cảm và tha thứ: “Chị hãy về bình an và đừng phạm tội nữa”. Nhưng với Phaolô, Người lại rất cứng rắn và cương quyết: “Đừng giơ chân đạp mũi nhọn kẻo khốn cho ngươi”. Với Tôma thì Người nhún nhường, chiều chuộng: “Thầy đây mà, hãy rờ xem, hãy xỏ ngón tay vào lỗ đinh Thầy đây”. Với Phêrô, Người thầm thì như tâm sự: “Con có yêu mến Thầy không?”. Để thấy chi tiết hơn một cách làm của Người, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35). Giữa lúc hai ông đang lê những bước chân nặng nề với ê chề thất vọng sau cái chết của “vị vua lý tưởng”, Đức Giêsu đã xuất hiện như một người bạn đồng hành. Người không vội vã dồn dập nhưng từ từ gợi chuyện làm quen và lắng nghe câu chuyện của hai ông. Sau đó, Người dùng Lời Chúa để giải thích các biến cố và nhóm lại ngọn lửa niềm tin trong lòng các ông. Cuối cùng, Người chia sẻ bữa tối và lập lại “dấu” riêng của Người mà thổi bùng ngọn lửa ấy lên.
Giữa cuộc sống xô bồ hôm nay, có biết bao ngọn đèn đã tắt hay cháy leo lét vì thiếu dầu, vì dông gió đang chờ được khơi lên. Nhiều khi chính ta cũng là một ngọn đèn như thế. Vì vậy, cần ý thức rằng: “Hoạt động tông đồ của người Thừa Sai Đức Tin, trước khi trở thành hoạt động hướng đến người khác, phải là đời sống chứng nhân của cầu nguyện và sám hối” (Đs, 18). Và “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen” là một sứ mạng mà Chúa Giêsu và Giáo Hội đang thiết tha mời gọi chúng ta dấn thân mạnh mẽ hơn trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Phêrô Nguyễn Văn Ba, MF


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét