Chuyện phiếm của Gã Siêu:
Nỗi lo của tuổi già
Nỗi lo của tuổi già
Chủ
nhật - 02/09/2018
Qua sự ra đi bất ngờ của cha Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai chúng
tôi xin đăng lại bài viết của cha trong tuyển tập chuyện phiếm
Gã đang cắm dùi tại một
vùng nông thôn khỉ ho cò gáy và gã bỗng nhận ra sự phát triển ghê gớm của cỏ dại.
Một thửa ruộng vừa gặt xong, chỉ cần vài ba trận mưa là cỏ dại tự nó nảy mầm và
lớn lên. Thậm chí chỉ cần múc một tí bùn dưới sông đổ lên mặt đường và thế là…a
lê hấp cỏ dại liền xuất hiện.
Từ hình ảnh cỏ dại, gã
liên tưởng tới một hình ảnh khác, cóc cần tới sự quan tâm của con người, đó là
hình ảnh của thời gian. Dĩ nhiên, chẳng ai nhìn thấy thời gian tròn hay méo,
dài hay ngắn, vì thế cho nên người ta mới so sánh, ví ví von von.
Có kẻ cho rằng thời gian
giống như chiếc bánh xe bò, đủng đỉnh quay, tuy chậm nhưng mà chắc. Chỉ quên đi
cái vèo là mấy chục năm đi đứt.
Mới ngày nào, gã mới chỉ
là một chú nhóc đầu húi cua, thế mà giờ đây sống lâu cũng được lên lão làng, ra
đường thiên hạ cũng cúi đầu chào bác, chào ông.
Mới ngày nào, chúng ta
còn trai trẻ thế mà giờ đây cũng đã bước vào buổi trưa hay buổi chiều của đời
mình. Chính vì thế, các cụ ta ngày xưa mới bảo:
– Chơi xuân kẻo hết xuân
đi,
Cái già sống sộc nó thì tới
ngay.
Có những biến cố, có những
câu chuyện, gã tưởng mới chỉ xảy ra cách đây một vài ngày hay một vài tháng là
cùng, thế mà cũng đã hai mươi mấy năm rồi, chẳng hạn biến cố ba mươi tháng tư
năm bảy mươi lăm.
Có người cho rằng thời
gian giống như một giòng sông, âm thầm lặng lẽ trôi, ngày này sang ngày khác,
tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác, chẳng chờ ai mà cũng chẳng đợi
ai. Và một khi đã trôi qua thì sẽ chẳng bao giờ trở lại. Bởi đó, thiên hạ mới
có lý khi phát biểu:
– Chẳng ai tắm hai lần
trên cùng một giòng sông.
Hay như tục ngữ cũng đã bảo:
– Thời giờ thấm thoát
thoi đưa,
Nó đi đi mãi, chẳng chờ đợi
ai.
Chính vì chẳng thèm chờ
ai mà cũng chẳng thèm đợi ai, nên thời gian mới mang một vẻ mặt lạnh lùng đến
tàn nhẫn. Dù chúng ta có níu kéo thì thời gian vẫn cứ đường ta, ta cứ đi, để rồi
dần dần vuột khỏi bàn tay chúng ta. Bởi đó thiên hạ mới bảo:
– Có tuổi trẻ nào mà
không già, có nhan sắc nào mà không bị tàn phai với thời gian.
Và như vậy, cái già như một
người khách bất đắc dĩ, tới một lúc nào đó, nó sẽ sồng sộc chạy vào cuộc đời mỗi
người, dù chúng ta không muốn. Chẳng những không muốn, mà nhiều người còn muốn
che dấu tuổi già của mình, nhất là đờn bà con gái. Bởi đó, Xuân Diệu đã viết:
– Mau với chứ, vội vàng
lên với chứ,
Em em ơi, tình non sắp
già rồi.
Thực vậy, người ta đã đưa
ra một ngàn lẻ một cách thức để giúp cho các bà các cô làm đẹp để níu kéo tuổi
trẻ cùng với cái thời xuân sắc của mình. Nào là giải phẫu, cắt chỗ này vá chỗ
kia. Nào là son phấn, bôi chỗ kia trét chỗ nọ, thậm chí còn bắt chước cả loài rắn.
Bởi vì, loài rắn trong
quá trình phát triển, thường phải lột da nhiều lần để lấy lại sức lực và sự trẻ
trung của mình. Cho nên, người ta cũng khuyên các bà các cô tới thẩm mỹ viện để
lột da mặt, hầu dung nhan được tươi mát, mỹ miều.
Thế nhưng chỉ được một
vài khoảng khắc, để rồi cuối cùng vẫn phải đối mặt với cái già: tóc bạc, răng
long…Hay như người xưa đã bảo:
– Rắn già rắn lột,
Người già người chui tọt
xào săng.
Sở dĩ người ta sợ tuổi
già vì tuổi già có những cái đáng sợ. Người ta lo tuổi già vì tuổi già có những
cái đáng lo. Trong phạm vi hạn hẹp cùng với một cái nhìn phiến diện, gã chỉ xin
đưa ra một vài cái đáng sợ và đáng lo ấy.
Trước hết là tình trạng
xuống cấp về thể xác cũng như về tinh thần. Về thể xác thì ai cũng nhận thấy.
Bác sĩ Đỗ hồng Ngọc, trong loạt bài viết cho tuổi chớm già đã mô tả như sau:
“Một sớm mai thức dậy,
người uể oải, nặng nhọc, bước vào phòng tắm, nhìn gương soi, ngỡ ngàng như vừa
gặp một người quen mà không nhớ là ai, nhìn tới nhìn lui một lúc mới nhận ra
chính là ta đó. Ta mà như không ta. Ta bỡ ngỡ nhau ở cái tuổi mới lớn năm nào,
chợt cao lên, chợt lớn lên và lạ lẫm với chính mình, chân tay lọng cọng như thừa
như thiếu, mà mày thanh mắt sáng, mà muốn làm nghiêm cũng thấy như tủm tỉm cười,
còn giờ đây cũng lạ lẫm với chính mình mà thử nhếch khóe môi tìm lại nụ cười chợt
thấy khó khăn, niềm vui thì vẫn vậy, sao mắt môi như trĩu nặng. Một nếp xếp đã
đậm theo vòng cung khóe miệng, những dấu chân chim đã hằn trên khóe mắt. Và kìa,
một vài nhánh tóc đã nhạt phai, khô quắt, mỏng tanh. Bỗng dưng thèm vẽ lại tức
khắc khuôn mặt xa lạ mà thân quen kia, trước khi tắm táp, để rồi mày râu nhẵn
nhụi lao vào cơ quan, hay đến giảng đường, xí nghiệp, công ty…”
Thì ra mình đã già. Tuổi
già âm thầm đến lúc nào mình cũng không hay, như mảnh trăng trên đầu:
– Trăng bao nhiêu tuổi
trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là
núi non.
Chuyện kể lại rằng:
Ngày xưa có một người lái
buôn thường đi những chuyến đường dài. Anh bỏ người vợ trẻ ở nhà mòn mỏi đợi
trông. Như để chuộc lại những hờ hững của mình, lần này anh hỏi nàng muốn anh
mua món quà gì cho nàng lúc trở về. Nàng lẳng lặng chỉ vào vầng trăng non cong
vút đang vắt trên bầu trời xanh trong vời vợi kia. Anh ghi nhớ và hứa chắc sẽ
mua cho nàng món quà đó dù giá có đắt đến bao nhiêu. Thế rồi ngày tháng trôi
qua, một hôm trước ngày trở về, anh nhớ lời hứa với vợ, đã nhìn lên bầu trời
trong xanh kia, vầng trăng kia, và thế là anh mua ngay cho nàng một chiếc gương
tròn, nạm những hạt kim cương lộng lẫy. Hí hửng tưởng nàng sẽ sướng vui, nhưng
thật bất ngờ, nàng nhìn chiếc gương tròn đắt giá kia mà cứ khóc mãi. Thì ra
nàng đâu có cần gương, nàng cần lược, một cái lược cài đầu cong vút như mảnh
trăng non thượng tuần xinh xắn nọ. Trăng đã già lúc nào đó vậy?
Phàm bất cứ đồ vật nào
dùng mãi thì sẽ mòn, sẽ cũ và tới một lúc nào đó sẽ bị phế thải. Chiếc áo đã
rách, thì quá lắm là vá chằng vá đụp, dùng tạm được ngày nào hay ngày đó, rồi sẽ
bị xếp xuống hàng giẻ lau. Một chiếc xe gắn máy, hay một chiếc đầu video, dùng
tới dùng lui, thì thế nào cũng phải đến lúc chúng bị hỏng hóc bộ phận này, bộ
phận kia.
Hư chút đỉnh thì sửa chữa.
Hư nhiều thì đại tu hay nâng cấp, lên đời. Còn bản thân chúng ta thì thế nào?
Năm sáu chục tuổi đời đè nặng thì làm sao còn mới, còn “gin” cho được. Với chiếc
máy, bộ phận nào hư chúng ta có thể thay bằng bộ phận khác. Nhưng với cơ thể
con người, thì thay thế những bộ phận hư hỏng còn là một chuyện nhiêu khê, rắc
rối và hao tốn, mà vẫn chưa bảo đảm được sự an toàn.
Như trên gã đã nói: sự xuống
cấp về thân xác nói chung, và của từng bộ phận trên cơ thể thì ai cũng nhận thấy.
Riêng bản thân mình thì âm thầm “gậm nhấm” nỗi xót xa cho tình trạng xuống cấp ấy.
Chẳng hạn cặp mắt: bắt đầu
xệ xuống, có quầng thâm, nét nhìn đã bớt long lanh, đã bớt tinh anh, và thỉnh
thoảng thấy ghèn xuất hiện ở hai khóe. Nhìn gần không rõ nữa, nên phải mang
kính để điều tiết…Mà đúng vậy, một lần kia, cầm tờ báo thân quen đưa lên đọc, bỗng
cứ phải đẩy dần tờ báo ra xa, xa chút nữa, rồi chỉ đọc được những cái tựa, những
dòng to. Thôi thì đành phải mua cái kính lão. Có kính lão rồi cũng nhất định
chưa lão, bất đắc dĩ mới phải đeo lên. Cho đến một hôm rồi đành mua thêm sợi
dây toòng teng vì kiếm kiếng hoài thật vất vả.
Chẳng hạn đôi tai: bắt đầu
kém tinh, khiến nhiều lúc phải lắng nghe. Và cũng do tai nghe kém thính, người
chớm già bắt đầu nói to tiếng, cộc lốc, đều đều…
Tóc thì bạc và cứ rụng dần
thành hói. Răng thì chiếc rụng, chiếc lung lay, khấp kha khấp khiểng như cầu rửa
chân. Mũi ngửi cũng tệ. Lưỡi nếm cũng dở khiến ăn mất ngon.
Đó là về những giác quan
bên ngoài, còn lục phủ ngũ tạng bên trong cũng chịu chung cùng một số phận, có
nghĩa là tim gan phèo phổi đều xuống cấp, nên mới nảy sinh những chứng bệnh hiểm
nghèo.
Chẳng hạn: mạch máu như
các ống nước xài lâu năm đã bị gỉ sét hoặc bị cứng lại, không co giãn dễ dàng nữa,
nên đâm ra cao huyết áp, dễ bị nhồi máu cơ tim, hay tai biến mạch máu não, một
là đi đứt hay là bại liệt khiến cho bản thân phải khổ đã đành, mà những người
thân yêu cũng khổ nữa.
Đặc biệt ở những người mập
phệ, ăn quá nhiều chất béo, làm cho xơ vữa đóng trong lòng động mạch. Các tuyến
mồ hôi làm việc kém hơn, dẫn tới tình trạng không thải kịp chất bẩn, dễ làm cho
cơ thể…bốc mùi. Cũng vậy, các tuyến tiêu hóa như gan mật, dịch vị cũng hoạt động
tệ hơn nên dễ bị táo bón, khó tiêu, trĩ trong trĩ ngoài…
Dĩ nhiên, gã không phải
là một chuyên viên chăm sóc sức khỏe ban đầu, nên đã mượn tạm những mô tả kể
trên của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, được đăng trên báo Kiến thức Ngày nay.
Kinh nghiệm bản thân cũng
cho gã thấy đời mình giống như một cuộc leo núi. Xuất phát từ chân núi là lúc mở
mắt chào đời, rồi cùng với thời gian, mình leo lên, leo lên mãi ở triền núi bên
này. Bốn mươi lăm là đỉnh cao, để rồi từ đó tuột dốc và xuống dần ở triền núi
bên kia.
Người xưa có câu:
– Trai ba mươi tuổi đang
xoan,
Gái ba mươi tuổi đã toan
về già.
Thế nhưng, có kẻ lại bảo:
– Trai ba mươi tuổi mà
già,
Gái bốn mươi tám đang ra
má hồng.
Cả hai câu tục ngữ trên đều
hơi phóng đại tô màu một chút. Vì thế, để trung dung, gã đã chọn bốn mươi lăm
là đỉnh cao cuộc đời như vừa mới trình bày. Thực vậy, vào tuổi này mắt gã bỗng
mờ tịt, nên phải sắm thêm một cặp kiếng lão. Dầu chưa đến độ hói đầu, nhưng tóc
gã cũng bắt đầu thưa dần.
Nếu gã nhớ không lầm thì
một văn Thổ nhĩ kỳ trong tác phẩm “ Những kẻ thích đùa” đã đưa ra hai tiêu chuẩn
để xác định cho một người thông thái, đó là phải đeo kiếng và phải hói đầu. Nếu
đích thực là như vậy thì gã đang chớm “sa-văng”, đang chớm khôn ra rồi đó.
Sự vui chưa qua thì sự buồn
lại tới. Và nỗi buồn không tên len lén đi vào lòng gã. Nỗi buồn thứ nhất, đó là
gã nhận thấy sức kéo của mình bị giảm sút một cách đáng kể.
Ngày xưa lúc còn trai trẻ,
gã ngồi gõ chiếc máy chữ cà tàng mỗi ngày tám chín tiếng đồng hồ, thậm chí có
những hôm làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, mà ăn vẫn ngon, ngủ vẫn đẫy con
mắt… Còn bây giờ, ngồi nhấn vi tính, đâu có phải vận dụng tất cả nội lực mà gõ
cho thủng mấy tờ giấy than trên chiếc máy chữ cà tàng ấy, chỉ cần đụng nhẹ khỏe
re, thế mà cũng chỉ ngồi được bốn năm tiếng đồng hồ là đã mệt nhoài, nhức nhối
đến tận lái tim. Ăn mất ngon và ngủ thì chỉ chập chờn.
Nỗi buồn thứ hai, đó là
thân thể bỗng dưng dở quẻ với đủ mọi thứ bệnh. Mà bệnh nào thì cũng là như một
bản án tử hình đã ký chờ ngày thi hành. Nào là huyết áo cao. Mà huyết áp cao
thì thể nào cũng ảnh hưởng tới tim. Mà tim đã có vấn đề thì hãy coi chừng, có
thể đứt bóng dễ như trở bàn tay. Rồi gan nhiễm mỡ, phổi bị nám, bao tử bị loét,
vân vân và vân vân.
Gã có thói quen lâu lâu tới
ông bác sĩ khám tổng quát một lần để nắm vững tình hình sức khỏe của mình. Lần
kia, sau khi đã siêu âm, ông bác sĩ lạnh lùng phán:
– Chú có hai viên sạn nhỏ
trong thận.
Gã bèn hỏi:
– Làm thế nào để tống khứ
hai cái của nợ ấy ra.
Ông bác sĩ liền kê đơn:
– Một là chú phải uống
thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Hai là chú phải vận động tay chân. Ba là
chú phải uống nước nhiều vì nước chảy đá mòn. Bốn là chú phải…cười, vì cười
cũng là một liều thuốc bổ đấy.
Chẳng hiểu vì nghe theo lời
căn dặn của ông bác sĩ hay do toa thuốc nam của mấy bà lang trọc là dùng hạt
chuối hột mà hai cái của nợ của gã bỗng lặn mất tiêu, không còn hiện hữu trong
hai trái thận thân yêu nữa.
Không phải chỉ xuống cấp
về phương diện thể xác, mà còn xuống cấp về phương diện tinh thần nữa.
Như trên bác sĩ Đỗ Hồng
Ngọc cho biết vì tai nghe bớt thính, nên những người chớm già bắt đầu nói to tiếng,
cộc lốc, đều đều…Do đó dễ sinh ra cáu gắt. Chuyện không đáng gì cũng quặu, cũng
trách, cũng giận, cũng hờn…thành thử với tuổi già thì đâm ra khó tính.
Không những khó tính, mà
người già lại thường hay quên. Ngay chính gã cũng cảm thấy như vậy.
“…Có những lúc chợt quên
mất tiêu tên một người quen, quá quen. Quên cái tên thôi, còn thì nhớ tất cả.
Khi cần nhớ thì quên, mà khi cần quên thì lại nhớ. Nhớ rất kỹ những chuyện xưa
cũ. Lạ lùng chưa. Có lúc nhắc chiếc điện thoại lên, gọi cho ai đó, định nói điều
gì thì quên tuốt, đành xin lỗi, nhầm số. Không lẽ hỏi người đầu giây bên kia,
xin vui lòng cho biết tôi đang định nói gì với bạn đó vậy”.
Nơi gã ở, có một bà cụ.
Trước kia bà cụ là một con người đảm đang, ăn nói đâu ra đấy, có bài có bổn hẳn
hoi, chứ không tào lao thiên địa. Một tay bà cụ quán xuyến hết mọi công việc
trong gia đình, thậm chí còn thay chồng làm quan. Bà cụ lo từ A đến Z, còn ông
cụ vốn mang chức chánh trương hay chánh tổng chi đó, chỉ có việc ngồi ăn cỗ,
thù tiếp các quan trên, hay ngồi xòe tổ tôm chắn cạ với bè bạn.
Thế rồi khi về già, bà cụ
bỗng dưng quên tất tật, quên tuốt luốt, thậm chí quên cả những người trong gia
đình, con cháu cụ cũng gọi là ông, là bà. Quen mà hóa ra lạ, thân mà trở thành
người dưng nước lã.
Sự khôn ngoan thưở trước
không còn nữa. Bà cụ cư xử như một đứa con nít. Có lần trong nhà thờ, bà cụ đã
giành lên rước lễ với một bà khác rồi sinh ra ẩu đả. Thấy bất kỳ chiếc dép nào,
bà cụ cũng đem về nhà, khiến cho con cháu phải mất công đem trả lại cho khổ chủ.
Có lần gã đến thăm bà cụ. Lúc ra về thì chiếc dép mất tiêu, khiến cả nhà phải
đi tìm hồi lâu mới thấy được chỗ bà cụ đã cất giấu.
Bước vào tuổi già, người
ta thường trở lại thời con nít, nhưng lại là một thứ con nít…khó thương.
Ngoài tình trạng xuống cấp
kể trên, một nỗi lo và một nỗi sợ khác của tuổi già chính là sự cô đơn. Dĩ
nhiên không phải chỉ người già, mà hầu như tất cả chúng ta đều sợ sự cô đơn.
Thực vậy, chúng ta không
thể nào sống cu ky mình ên, như một hòn đảo giữa biển khơi, hay như một pháo
đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác, trong một cộng
đoàn, trong một xã hội. Vì thế, mấy ông triết gia lẩm cẩm mới phát biểu :
– Người là một con vật có
xã hội tính.
Nếu ngựa chạy có bầy,
chim bay có bạn, thì chúng ta sống là sống với người khác. Và khi không còn người
khác để sống với, thì chúng ta sẽ rơi tõm vào tình trạng cô đơn đáng sợ và khủng
khiếp.
Cách đây ít lâu, gã có đọc
một cuốn sách mang tựa đề là “người vạn đảo”. Trong đó, tác giả kể lại cuộc
hành trình lênh đênh trên biển cả của mấy nhà thám hiểm. Tác giả cho biết:
trong những ngày cô đơn giữa trời và nước, họ rất thèm được liên hệ với thế giới
bên ngoài. Có một con chim nhỏ ngày nào cũng tới đậu trên chiếc bè của họ.
Nhưng rồi một ngày kia, con chim nhỏ không tới nữa và họ buồn tiếc như mất đi
người bạn thân thương nhất của mình.
Cô đơn là một nỗi khổ của
tâm hồn. Nó đằng đẵng và day dứt mà chỉ người trong cuộc mới cảm nghiệm được mà
thôi. Bởi vì đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Chính vì thế, tục ngữ Liên xô
có câu:
– Dù được ở trên thiên
đàng, mà chỉ có một mình, thì cũng chẳng thể nào sống nổi.
Cô đơn không phải là
không có ai, nhưng là thiếu vắng những gì thân yêu nhất, những gì hiểu biết và
cảm thông với mình nhất. Kinh nghiệm cho thấy:
– Không phải bên nhau mà
đã gần nhau. Không phải gần nhau mà đã quen nhau. Không phải quen nhau mà đã
thương nhau. Không phải thương nhau mà đã hợp nhất với nhau, bởi vì mỗi người
là một thế giới. Mỗi người là một màu nhiệm.
Đúng thế, nhiều khi đi giữa
phố chợ đông người mà chúng ta vẫn cảm thấy âm thầm lẻ loi vì không thấy được một
người hiểu mình. Có khi sống giữa con cháu mà chúng ta vẫn cảm thấy trống vắng
vì nghĩ tới tuổi già mà tủi phận.
Thực vậy, người già thường
dễ cảm thấy cô đơn hơn ai hết, sở dĩ như vậy vì các cụ cảm thấy mình bất lực,
không giúp gì được cho con cho cháu. Các cụ luôn có ý nghĩ “mình hết thời rồi”.
Những ưu tư suy nghĩ của các cụ dễ bị thế hệ sau cho là lạc hậu và lẩm cẩm. Bị
thực tại từ chối, các cụ quay về với dĩ vãng, dù biết rằng hoài cổ nhiều lúc cũng
thực là viển vông.
Đặc biệt nơi các cụ bà
thường có một cảm xúc bâng khuâng buồn bã khi con cái đã khôn lớn, không cần tới
sự chăm sóc của người mẹ. Cái cảm xúc “tổ trống” khi đàn chim con đã bay xa.
Nhiều người sống những tháng ngày hiu quạnh, cảm thấy như mình thừa thãi, vô vị…
Chính vì nghĩ tới những
ngày tháng quạnh hiu với một tương lai không mấy sáng sủa, mà nhiều cụ ông vẫn
cản đảm bước thêm bước nữa, dù tuổi đời đã đè nặng trên đôi vai của mình, như tục
ngữ đã diễn tả :
– Con nuôi cha, không bằng
bà nuôi ông.
Truyền thống gia đình tại
Việt Nam là “tam đại”, gồm ba đời : ông bà, cha mẹ và con cái cùng sống chung
dưới một mái nhà sẽ giúp cho các cụ già bớt cô đơn và người trẻ bớt lạc lõng vì
luôn được nương tựa vào nhau. Thật hạnh phúc đầm ấm khi trong bữa ăn cha mẹ biết
gắp những miếng ngon miếng ngọt cho ông bà và ban tối, con cháu được sà vào
vòng tay ông bà để nghe kể chuyện cổ tích.
Thế nhưng, hình ảnh trên
ngày càng bị mai một, không phải vì thiếu thức ăn ngon để gắp cho nhau hay ông
bà thiếu chuyện cổ tích để kể cho đàn cháu, mà vì thời gian chúng ta dành cho
nhau không đủ. Cha mẹ quần quật suốt ngày để tìm chén cơm manh áo. Con cháu bù
đầu vào sách vở học hành. Như vậy, tuy ba thế hệ cùng ở dưới một mái nhà, nhưng
chưa thật sự sống chung một tổ ấm.
Còn bên tây phương, ông
bà hay cha mẹ già thường được gửi vào viện dưỡng lão. Gã xin trích lại nơi đây
những lời phát biểu của một số các cụ già sống trong viện dưỡng lão tại Pháp,
được đăng trên báo “Phụ nũ Chủ nhật”.
Sống trong viện dưỡng lão
chẳng khác gì sống trong một nhà tù. Một bà cụ chín mươi hai tuổi đã nói :
– Suốt ngày hình như tôi
chẳng thấy một bóng dáng ai qua lại, còn con tôi thì hình như chỉ thăm tôi vào
cuối tuần, chỉ thăm độ năm phút là chào mẹ…con đi.
Do cuộc sống ngày càng
khó khăn, con cái khi có gia đình thường cho các cụ vào viện cho rảnh việc để
lo chuyện khác. Một quan chức của viện dưỡng lão Seine cho biết :
– Thật ra cho các cụ vào
viện dưỡng lão là công việc thường làm ở các nước phát triển…nhưng chỉ buồn cho
các cụ là cách đối xử của con cháu mình.
Có lần thân nhân vác đơn
kiện ban giám đốc về thái độ ngược đãi, la mắng và cộc cằn của những người giúp
việc, thì được trả lời :
– Chính cha mẹ các anh mà
các anh còn không chăm sóc huống chi là chúng tôi, người dưng nước lã.
Và như vậy, phải chăng phần
thiệt thòi luôn nằm về phía các cụ, những người già hôm nay ?
Gã siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét