LỐI THOÁT!
Chiếc xe con đổ đầu đường, An ngờ ngợ… Làng quê đây rồi, cây phượng vĩ trơ xương vẫn đó, An còn nhớ chếch sang 45 độ đối diện là căn nhà gỗ lợp tôn của cô Trơn… Không phải, một ngôi nhà lầu khang trang, cổng phủ giàn hoa giấy đỏ rực. Thế này thì lạ quá! Trời xế trưa, nắng tháng giêng ngay ngắt, vắng vẻ. Cũng chẳng thấy đám trẻ con xúm xít chỉ trỏ mỗi lần thấy chiếc xe hơi sang trọng chạy vào làng…
Một ông già chống gậy bán vé số bên vệ đường, ho lụ khụ, An bước lại thăm hỏi. Ông già đưa sập số còn khá dầy định mời, nhưng khi ngước lên nhìn An thụt tay lại, lắc đầu không biết, vội quay mặt dải bước nhanh. Cái dáng hơi cà thọt, ngón tay cái trái cụt một đốt, quen quen… Ơ, lẽ nào lại !…
Không thể!... Không thể!...
An cảm thấy hơi ân hận vì đã không chịu báo cho gia đình biết trước. Nhẽ ra, trước khi về nước An phải báo cho mẹ. An muốn dành cho mẹ sự bất ngờ, không muốn mẹ biết sớm để mong chờ, sâu xa hơn là không muốn gia đình bận tâm, xóm làng bận tâm… Thực ra khi bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, An có gọi điện báo cho mẹ, mẹ bảo bao giờ về tới nhà để biết ra đường đón, làng đổi thay lắm, sợ không còn nhận ra. Khi nào về tới đầu làng con sẽ báo, An trả lời như thế nhưng lại đổi ý, thử xem sự đổi thay có quật ngã trí nhớ không.
Con đường thấy quen quen, lạ lạ, có vẻ lạ nhiều hơn quen. Thôi kệ, cứ theo con đường làng mới trải nhựa còn mới tinh, chạy một quãng nữa thử xem. Ngôi Nhà thờ trên triền đồi…
Đúng làng rồi! Đến đây, An có thể định hứơng về nhà dễ dàng.
@@@
Con Tâm nhà cô Trơn được đứa con kháu lắm, 6 tháng tuổi rồi. An nghe mẹ nói mà thấy cái gì nghẹn nghẹn cổ họng. Khi về quê hương, nhìn thấy giàn hoa giấy đỏ, Tâm bảo, trong các loại hoa cô thích hoa giấy nhất, đơn sơ và đoàn kết lắm, một khi đã nở là cả một chùm, một giàn, trông đẹp mê hồn; Nhìn cây phượng vĩ với bao kỉ niệm tuổi thơ, tuổi học trò. Hè nào cũng vậy, Tâm bắt An chèo hái hoa làm bướm ép vở, lấy nhài nụ móc nhau. Ai mà bị thua phạt búng tai, nếu An thua bị búng 10 cái, Tâm thua An chỉ được búng 2, nhẹ nhẹ thôi nhé!..
Tin Tâm lấy chồng An đã biết cách đây 3 năm, thì cũng chột dạ rồi thôi, công việc nghiên cứu ở NASA[1] cuốn hút không còn một khoảng trống để mơ mộng, nhưng khi về nhà, chân chạm vào đất mẹ, mắt đụng bao kỉ niệm, nhất là nghe tin nàng có con, lại khác. An cảm thấy một cảm giác lạ, nếu nói buồn thì không hẳn, nói ghen thì hơi quá…
Lòng dạ con gái thật lạ, mới đó đã khác, đổi thay.“Anh đi du học, chỉ tập chung học thôi nhé, không được quen cô nào. Tâm đợi An về đấy!”… Bây giờ thì mất nàng rồi, mất vĩnh viễn!
“Mình đang nghĩ gì đấy nhỉ, sao lại trách người ta, lỗi của mình chứ, 100%!”. Cọc đã đi tìm trâu, Tâm đã xé rào tỏ bày trái tim bước trước, can đảm đến thế mà trâu vẫn dửng dưng, trái tim An vẫn gỗ đá. Thì, An cũng có chút cảm tình, yêu thì chưa… “Đừng có đợi, nếu thấy người nào được cứ lấy, An chỉ coi tâm như bạn thôi”. An đã chẳng trả lời cương quyết, minh bạch thế còn gì! Nghĩ cũng lạ, người mình chỉ có cảm tình, chưa yêu, chưa muốn thuộc về mình nhưng khi đã thuộc hẳn về người khác tự dưng thấy cái gì đó khó chịu, cảm giác bị thua trận! “Cái Tâm vừa được nết, vừa đẹp người, nhà có thêm cô con dâu thế thật phúc…”. Dường như mẹ cũng tiếc tiếc khi Tâm đi lấy chồng. Mừng cho con Tâm, nó gởi thân chỗ cũng xứng đáng.
Nơi thôn xóm, An và Tâm thường được các bậc cha mẹ lấy ra làm gương răn đe con cái trong học tập.“Mày nhìn anh An con bà Ngọc, chị Tâm con bà Trơn xem, con cái người ta học thế mới gọi là học, năm nào cũng giỏi, giỏi cấp tỉnh, cấp nhà nước, còn mày chỉ có tài ham chơi. Học dốt mai mốt cho mày đi gắp phân bò mà sống…”.
12 năm học chung lớp, chung trường hai người giỏi toàn diện, Tâm nổi trội văn, ngoại ngữ, An thì xuất sắc về các môn tự nhiên. Hai đứa cùng vào đại học, một theo ngành xã hội, một tự nhiên. Gia đình tự hào, làng xóm vui lây, đầu tiên nơi miền quê nghèo có hai người con vào đại học, lại giỏi nữa, thế thì hãnh diện với cường quốc năm châu quá đi chứ! Mà hãnh diện với cường quốc năm châu thật. An nhận được học bổng nghiên cứu sinh từ một trường đại học danh tiếng của Mỹ, được giữ lại trường, rồi được mời vào NASA làm việc. Đất nước mình còn nghèo, yêu quê hương không phải cứ chân chạm đất quê hương mới là yêu…. Mẹ An đã trả lời, đại khái như thế khi được hỏi ý kiến.
@@@
An chợt nhớ ông già bán vésố, nhớ đến lão Phểu. Cuộc đời lão đã rơi tới đáy của bi thương rồi con ạ. Thế ư? Một tỉ phú của làng Hương Quất, từng tuyên bố khi nào sông Đồng Nai cạn, tao mới hết tiền, bây giờ cô thân cô thế, không nhà cửa, ngày ngày thất thểu bán vé số sống qua ngày!?
Thực ra gia đình lão cũng từng nghèo, nghèo đến mấy đời thì không biết, nhưng lão biết rõ từ đời ông nội. Lão không chấp nhận cái nghèo. Mà khi người ta không chấp nhận tức sẽ bất mãn. Nghèo đã là một cái khổ, gánh thêm cái bất mãn thì cái khổ nhân gấp đôi, hơn gấp đôi… Và để thoát nghèo lão phải lao động cật lực, nhưng lão lại không có học, gia tài lớn nhất lão có là sức khỏe, khoẻ như con trâu. Trâu thì thích cày ruộng, nhưng “con trâu” có trí khôn của lão lại nhận ra rẫy ruộng là vòng luẩn quẩn vây tròn người ta trong kiếp nghèo. Lão phải làm một cuộc cách mạng!.. Ruộng vườn lão giao tất cho vợ con, lão đi làm thuê, làm bốc sắt thường trực cho một vựa phế liệu, mong mãi một ước mơ vớ được hũ vàng, hay hũ đồ quý như câu truyện đọc trên báo về người mua phế liệu ‘trúng mắn’ vớ được hũ tiền cổ, bán hàng tỉ…
Nhưng do lão bất mãn, phải mượn rượu để quên đời. Khi rượu vào thì lão quên đời thật, quên tất cả, thậm chí ngay cả vợ con. Lão cứ ngỡ vợ con là đứa ở, người dưng nước lã, là gánh nặng kéo lão mãi chùi chũi trong cái nghèo. Thế là lão tha hồ chửi mắng, đánh đập vợ con. Ngày nào cũng nghe tiếng ầm ĩ từ nhà lão xuất ra, riết rồi quen tai. Một ngày mà lão chợt quên không chửi, bỗng nhiên làng xóm thấy thiếu thiếu một cái gì đấy. Mà lão cũng tài thật, luôn tìm được những lý do chính đáng để gây chuyện với vợ con….
Những lúc rảnh rỗi mà không say rượu (điều này hơi bị hiếm) lão cũng thấy thương thương vợ con. Lão la đánh vợ con không phải vì rượu đâu, chung quy tại cái nghèo. Vạn tội bất như bần mà lại! Nhà nghèo, đồng tiền không rủng rỉnh, chi tiêu không thoải mãi thì lòng sao cởi mở được! Một khi lòng dạ đã không cởi mở, dễ bực, dễ chửi lắm. Cái nghèo cũng làm vợ lão bủn xỉn, cay cú. Đã gầy đét, xấu xí lại thêm mấy cái tính bẩn ấy nữa, ai chịu cho được! Con cái lại lếch thếch, bẩn thỉu, nhìn thấy đã phát bực… Giá mà nhà lão có nhiều tiền, chẳng cần giầu, chỉ kha khá thôi thì biết. Những ước mơ - cũng chẳng to tác gì, dần dần được chấp cánh, biến thành hiện thực…
Bao giờ lão hết nghèo nhỉ ? Kinh nghiệm của tiền nhân, không ai giầu ba họ, khó ba đời xem ra đã loại trừ lão rồi! Hu, hu… không thế thì đời lão- chí ít là đời thứ ba phải hết khó nghèo chứ! Nói “chí ít”, vì lão biết chắc, cái nghèo đã đeo bám từ đời ông nội. Nghe đâu đời ông cụ, ông sớ gì cũng nghèo mạt nhệp, hình như có người còn chết đói. Nếu thế cái nghèo lì quá, đeo đuổi dòng họ lão có đến 5 đời. Năm đời rồi, mà cái nghèo vẫn chưa chịu buông tha. Cứ nhìn vào thực tế thì biết, chỉ lo trang trải cho cái ăn, cái mặc đã phát sốt …
Bao giờ lão mới hết nghèo? Không chừng cái nghèo còn kéo đến cả đời con, bon qua đời cháu… Cứ nghĩ đến đời mình mãi luẩn quẩn trong đói nghèo, lão lại buồn bực, lại thấy tuyệt vọng, lại muốn quên đời, lại uống rượu, lại lôi vợ con ra hành hạ…
Một buổi sáng, như bao buổi sáng khác, lão dậy, ra giếng đánh răng. Lão hớp một hụng nước, ngửa cổ súc òng ọc. Bọt trắng kem P/S bám chung quanh miệng, dính đầy trên ria mép. Bất chợt, “uỵt”, một con chim sẻ rơi xuống ngay trước mặt. Con mèo đen nhà lão hình như đã chờ sẵn, chạy ra táp con chim, rồi đùa, rồi vờn, rồi bất thình lình ngoặc cái đầu nhai ngấu nghiến. Lão chột da! Chim sa cá lặn, người ta nói là điềm gở, báo trước điều không may. Ờ, thử xem còn điều xui quẩy nào lão chưa gặp. Chẳng có sự bất hạnh nào bằng đói nghèo, đời lão từng trải trong đói nghèo, chẳng còn gì để sợ….
Đấy là lúc sáng, xe chở sắt chưa đến, lão cũng chưa bốc một ki sắt nào thì con Ly chạy ra, thở hổn hển, bảo bố về ngay, có một bà “giầu lắm” đi xe hơi tìm gặp. Con Ly chạy về trước, lão chẳng vội gì hấp tấp, cứ thong thả đạp xe về. Thong thả để có thời gian rà soát lại bộ nhớ xem trong dòng họ hoặc có quen ai giầu không. Không! Lão vô học, cũng chẳng có tài cáng gì…! Thế thì ai nhỉ? Và Người ta tìm có chuyện gì nhỉ?... Đúng là có một chiếc xe hơi đang đậu trong sân nhà lão. Hơn chục đứa trẻ trong xóm đang xúm lại coi, bàn tán. Con Ly đứng trong đám trẻ, ra vẻ tự hào lắm. Một người đàn bà sang trọng, một anh thanh niên đóng quần lịch sự đứng ngay gốc cây vú sữa. Lão đoán bà chủ và anh tài xế.
Mời họ vào nhà. Cái sang trọng của bà giầu, cái lịch lãm của anh tài xế làm lão có phần ngượng. Cái nghèo không những làm người ta khổ mà còn nhục nữa. Lão xấu hổ quá. Chẳng có bàn nghế ra hồn cho họ ngồi. Năm ly nước và cái khay nhôm đã két bẩn đến mấy tầng nước trà bám, trơ trẽn ngay trên mặt bàn. Bẽ mặt thật! Giá mà không có hai người lạ, thế nào lão cũng lôi vợ con ra chửi, đánh cho ra trò… Hình như họ thấy được tâm trạng lão nên làm ra vẻ tự nhiên. Đến khi lão mời nước, họ tế nhị bảo vừa uống ngoài đầu đường….Ừ, thế cũng đỡ ngại!
Một vài tuần sau sự kiện chiếc xe hơi sang trọng vào nhà lão, cả xóm lại được một phen bỡ ngỡ khi thấy ầm ầm xe chở cát, xi măng, sắt thép. Rồi lão kêu người ta phá bỏ nhà vách đất lợp lá có từ thời ông nội… Cứ nhìn vào số lượng sắt đá người ta đoán ngôi nhà lão xây chắc to lắm, không chừng đến 2-3 tầng lầu. Một thời gian khá lâu sau, chính quyền công bố vùng quy hoạch đô thị- một tấm bản to tướng đặt ngay đầu làng, nhiều người mới vỡ lẽ. Hai mẫu đất vốn bạc màu nhà lão nằm ở chỗ “ngon ơ”: Giữa ngã tư, ngay trung tâm. Nghe đâu lão bán cho nhà bà giầu cả bạc tỉ. (Mãi sau này khi dạy kèm cho con Ly, An mới biết con số chính xác, 2,5 tỉ).
Trời ạ, hai tỉ rưỡi lận! Sung sướng quá… Lão cứ ngỡ nằm chiêm bao. Á, đau! Lão cầm kìm nhéo vào da thịt. Thực mà!.. Nhưng bây giờ làm gì với số tiền khổng lồ đó nhỉ? Lão bắt đầu bàn tính với vợ cuộc sống vương đế. Trước tiên xây nhà, rồi… rồi… tiếp theo… tiếp theo… Lần đầu tiên lão thấy tâm đầu hợp ý với vợ. Ngôi nhà hai lầu dạng biệt thự ngạo nghễ mọc lên giữa xóm nghèo, thách cả xóm, chấp cả xã cũng không có căn nhà nào sang-đẹp bằng nhà lão. Cho tương xứng với ngôi nhà, lão tậu riêng cho mình một chiếc a còng (@), một Atila cho vợ, một Spacy cho thằng con trai. Mỗi người một chiếc, chẳng phiền hà ai. Khoẻ ! Riêng con Ly, lão dự định khi nào lớn (lớn theo lão là vào năm học lớp 10) sẽ mua riêng cho chiếc Atila. Bây giờ phải sống cho sung sướng bù lại cả một quãng đời nghèo khổ, mà không, cả năm đời- nếu cộng bên dòng họ nhà vợ nữa có đến chục đời cả dòng tộc nội ngoại khổ vì nghèo. Người ta chỉ keo bẩn khi cuộc sống eo hẹp, chứ tiền khi đã rủnh rỉnh, tiêu tính bạc triệu thì lòng người ta mở, đôi tay cũng rộng… Thoả thê, sướng lắm! Lão tính rồi, 1,5 tỉ xây nhà mua sắm, một tỉ gởi hẳn ngân hàng, mỗi tháng chỉ rút ăn một phần tiền lãi cũng sướng chán! Chẳng phải vất vả lao công, mỗi tháng “trời cho” không đến hơn 6 triệu đồng lãi… Một mức thu nhập mà gia đình lão không bao giờ nghĩ tới. Ngày trước lão chỉ cầu sao, thu nhập cả nhà chỉ được 500.000đ là/tháng, ổn định là gia đình yên tâm không sợ…chết đói. Nếu thu nhập cao thêm vài trăm nữa, có của dư của để…, còn gì tuyệt bằng! Thế mà, giờ đây, chẳng tốn một giọt mồ hôi, nhà lão hàng tháng dễ dàng kiếm được 6 triệu, một năm trên 70 triệu…
@@@
Nhanh thật, thoáng cái đã hơn 10 năm An xa quê hương. Đặt trong tiến trình dài hơn, rộng hơn, vũ trụ chẳng hạn thì 10 năm chẳng nhấm nháp gì, một cái hắc hơi của ông trời chứ mấy! Ông trời giận giỗi chi ai mà nhắm vào quê này ho mạnh quá, tích tắc đã làm thay đổi cả xóm làng. Mẹ An nói, 10 năm nhưng làng quê thay da đổi thịt nhanh hơn cả thế kỷ, tốt có, xấu có… Nhiều lúc thấy mẹ ngồi nhai trầu, trầm tư như nhà hiền triết, luyến tiếc một thời- tưởng như xa lắm- miền quê nghèo, đồng lúa, bụi tre nhưng thanh bình, bà con sống chân chất, nghĩa tình.
“Tưởng văn minh, tiền của dư giả… Ai dè…”, mẹ thở dài! Khi người ta còn đói cái bụng thì người ta còn cần đến nhau, xích lại nhau, luân lý đạo đức, danh dự, tự trọng còn có đất sống… Cái xã hội hôm nay cũng kỳ lắm, luân lý đạo đức bị bọn trẻ “nhổ toẹt!” xuống đất… Tháng trước mới cưới con Vinh, chưa đủ 18 tuổi nhưng cái bụng to chành bành, tưởng độn thổ mà đi, thế mà cái thằng bố nó cũng mất nết, làm đám cưới to dần, mở đến 3 đại tiệc lận. Ông chủ đại lý bia có khác! Cái con bé cũng trơ trẽn lắm, ra bàn chào ông bà, cha chú chẳng một chút ngượng nghịu, cứ cười đùa hô hố… Ngày xưa làm gì có cảnh cha con, anh em đem ra toà giành tranh, mà có nhiều nhặn gì, một vài sào đất đánh mất cả dòng máu mủ! Buồn thiệt!…. Ngày xưa làm gì có việc vợ chồng ly dị, gia đình tan vỡ, con cái dang dở, kết bè nhóm quậy phá, trộm cướp. Nghĩ đến vợ chồng thằng Quy mà xót tim gan, có thời là “điển hình gia đình văn hóa” nhưng khi bán đất, nhưng khi trong két có vài cây vàng vợ chồng lại sinh tật… Ly dị, gia tài chia đôi, con cái chia hai… Nghe đâu chồng nó đang lăng chạ với con nào trên thành phố, vợ nó theo thằng nọ sống tận Cà Mau, hai đứa con trai bỏ nhà đi giang hồ tứ chiến. Cực khổ lắm!Nhục nhã lắm!…
Làng Hương Quất còn còn giá trị, đạo nghĩa truyền thống lưu giữ được là nhờ có những người như mẹ. Ấy thế, có người cho mẹ điên (!). Nghe được mẹ chỉ cười trừ… Một việc tốt đẹp giống như một đoá hoa- “hữu xạ tất nhiên hương”, biện giải trở lên thừa thãi, lố bịch… An còn nhớ, có lần một người hàng xóm- vai chú, viết thư qua Mỹ bảo “mẹ cháu chắc chắn tâm thần nặng rồi, đương không quyết định hiến gần 2 mẫu đất -giá trị hàng tỉ đồng cho ngành giáo dục xây trường học, bỏ đi cơ hội làm tỉ phú…”.
@@@
An ra bãi tha ma tìm căn chòi lão Phểu ở. Làng cho lão dựng tạm chiếc chòi lá tú túc qua ngày. Căn chòi lá ẩm thấp, chật trội, bên trong trống hoác chẳng vật chi có giá. Một chiếc bàn gỗ thấp tè tè, bát kéo thuốc lào đã bẩn két, phía bên trong bàn là hai chiếc nghế đẩu lùn, phía ngoài miếng ván dài kê trên mấy viên gạch làm thành nghế, có lẽ cho khách ngồi. Trên lóc tủ thờ hình hai đứa con lão: thằng Tiển, con Ly. Thằng Tiển trạng tuổi An, nghe đâu bị băng nhóm xã hội đen thanh toán. Con Ly mới chết năm ngoái, nghe đâu do căn bệnh thế kỷ (sida). Hồi còn dạy kèm Ly năm cuối cấp 2 (lớp 9), thấy ham chơi An nhắc nhở kẻo rớt tốt nghiệp, Ly triết lý: “Nghĩ cho cùng kinh tế quyết định tất cả. Không có tiền thì học giỏi cũng chẳng sướng. Anh yên tâm, bố em có cách lo mà!”. An nói chuyện lão Phểu, ai dè bị gáo nước lạnh tạt thẳng mặt: Cháu đừng lo chuyện em rớt tốt nghiệp, bác đã sắp đặt cả rồi. Cho em nó học thêm để khỏi lêu lổng đấy mà!… An rút hai cây nhang nhìn di ảnh con Ly, vẫn đôi má no tròn, mũm mĩm của thời con cái nhà giầu…
...
Lão Phểu ho lụ sụ, lấy một dúm nhỏ thuốc lào vo tròn, cho vào miệng bát thuốc, sản khoái rít một hơi dài… Lão vừa nhả khói thuốc vừa ho lụ khụ- dấu hiệu ho của bệnh lao suyễn; hình như đau ngực, một tay lão ôm ngực, vẫn ho lụ khụ…
-Tôi bỏ được hết các thú đam mê, rượu chè, số đề… duy chỉ có thằng thuốc lào là không bỏ được, mấy lần chôn bát điếu nhưng chỉ được vài hôm, nhớ quá lại đào lên. Hụ, hụ… Nhịn đói được chứ không thể nhịn thuốc lào được.
Lão bảo những nhỏ nhen, đểu giả của lòng người- cái thứ trong một thời gian dài làm lão cay cú- giờ đối với lão cho là chuyện nhỏ, chẳng đáng bận tâm. Khi người ta thăng trầm qua các cung bậc của dòng nhạc trường đời, trái tim tự nhiên trưởng thành hơn, dễ chấp nhận-cảm thông hơn. Lão giơ tay vuốt bộ râu rối bời, có phần hơi bẩn, thở một hơi sâu đầy triết lý: “Sung sướng chưa hẳn là hạnh phúc, nhưng hạnh phúc chắc chắn là có sướng!”…
Ơ, lão đang nói gì nhỉ?..
“Bữa trước gặp cậu đầu đường, tôi đã ngờ ngờ. Nói thật, cũng ngại, bây giờ thì không. Chẳng có gì mà xấu hổ cả khi mình dám sống thật, sự thật do mình làm ra… Lúc nãy tôi nói hạnh phúc, sung sướng hả?… Tiền có thể làm người ta sung sướng nhưng chưa chắc làm cho ta hạnh phúc, nhất là những đồng tiền không sạch sẽ, những đồng tiền “trời cho” không phải do lao động mồ hôi của mình. Thời trước tôi giầu, sướng nhưng không bền, do đấy là tiền trời cho, mà tiền trời cho dễ xài ngu lắm, đâu tiếc mà tính toán”.
Lão hụp một hớp nước trà... “Con người đúng là con người, rõ ràng hai phần: phần con và phần người.Khi người ta lắm tiền, nhiều vật chất thỏa mãn phần con thì sướng, nhưng hạnh phúc chỉ thực sự có được khi phần người trưởng thành, trái tim triển nở”…
Lão nói quá chí lý! Con người lão thay đổi 180 độ rồi ư? Ngày trước lão đâu nghĩ thế, từng chê “bà Ngọc dại, nghèo còn sĩ”, có thằng con giỏi không biết cho nó đi làm tiền. “Học giỏi làm chó gì? Bao thằng cử nhân, bác sĩ ra trường cũng thất nghiệp, đói meo. Đời bây giờ không có quyền, không có thế giỏi cũng vứt đi. Lắm thằng dốt bỏ mẹ nhưng nhờ thế con ông cháu cụ vẫn làm quan to, nắm đầu thiên hạ… Kẻ khôn bây giờ là biết kiếm tiền. Có tiền là có quyền, là có tất cả. Đấy, tao đâu có học nhưng vẫn là “quan” đại biểu nhân dân xã, có việc giấy tờ tao giúp là xong ngay”…
Lão nhận xét có lý, thực tế có phần thế thật. Có lần, nhà nghèo quá An định thôi học đi làm -đương nhiên một chỗ làm hấp dẫn- nhưng bị mẹ nghiêm khắc: “Cấm nghỉ, nghỉ là mẹ từ con ngay! Mẹ còn sức lo được”. An còn nhớ câu nói bất hủ của mẹ: “Chịu khó học là đang lao động chân chính đấy con. Xã hội phát triển không thể không có học. Học không chỉ cho mình mà còn cho tương lai đất nước”. Lúc đấy, An không bỏ học vì sợ mẹ “từ con”, đơn giản thế thôi; chứ, thú thực, không tin lắm “tầm nhìn” của mẹ…
Lão nói chuyện xen lẫn những cơn ho, như tiếng đàn đệm vào khiến câu chuyện thành bản trường ca trầm bổng, sâu lắng. “Bây giờ, người ta thấy tôi nghèo, bán vé số tưởng khổ nhưng nói thật tôi thấy hài lòng, thoải mãi. Không biết chấp nhận những gì mình hiện có thì được cả núi vàng vẫn thấy khổ, vẫn thấy thiếu thốn”.
Qua giọng điệu và cử chỉ, An biết lão nói rất thật… Cuộc đời lão đâu còn gì, mất hết rồi, ngay cả sức khoẻ - cái quý nhất đời người cũng chập chờn, dường như đang muốn giã từ lão. Bây giờ lão yếu lắm, bệnh lao phổi hay hành hạ, có những trận ho đau đến thắt ruột. An thử hình dung, những lúc lão trở bệnh, giữa bãi tha ma vắng lặng, lão cô đơn một mình… Chà, tội lão quá, thương lão quá!..
An sực nhớ đến một người bạn, hiện đang làm giám đốc Trung tâm - Bệnh viện lao và bệnh phổi…
Dù sao lão vẫn là người tốt bụng, cần một bến đỗ bình yên sau trường đời sóng gió!
Trương Ái Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét