Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Sep 2, 2018 - Chúa nhật 22 thường niên năm B

Sep 2, 2018 - Chúa nhật 22 thường niên năm B
Giữ  luật  với  tâm  tình

「Chúa nhật 22 thường niên năm B」の画像検索結果

Các Bạn thân mến,
Đấu trường thể dục thể thao lớn nhất thế giới có truyền thống từ rất lâu đời và cũng được các dân các nước mong chờ tham gia và đạt thành tích, đó là thế vận hội Olympic, uy tín, vĩ đại, đa dạng; hiển nhiên phải có nội qui, luật lệ nghiêm khắc, rõ ràng cho các thành viên tham gia, để bảo đảm đứng đắn, công bằng, an toàn và hiệu quả cho thông điệp muốn gởi đến mọi dân mọi nước trên toàn thế giới. Nhưng trớ trêu thay, thế vận hội kỳ nào ban tổ chức cũng phát hiện ra những vi phạm luật lệ, gian lận nội qui cách này cách khác: dùng thuốc, chất kích thích, giả vờ thua, thậm chí còn hối lộ trọng tài… và có lẽ cũng còn nhiều gian lận chưa hay không phát hiện được!
Đó là dấu trường tầm cỡ quốc tế, còn đấu trường nhỏ cấp quốc gia thì càng khó tránh sự cố tình sai phạm hơn. Như những cuộc thi hoa hậu Việt Nam hàng năm một cuộc thi luôn muốn tôn vinh về Chân Thiện Mỹ cách hoàn hảo thì gian lận cũng len lỏi vào phá quấy!
Cho biết dù luật lệ có tốt đẹp đến đâu mà mọi người không có tinh thần tuân giữ thì cũng làm mất đi ít nhiều vẻ cao đẹp ích lợi của nó. Khi đó họ trở thành người gian lận, thành những kẻ cắp!
Về kinh doanh sản xuất còn kinh khủng, nguy hiểm hơn. Bởi nó không chỉ gây  thiệt hại trước mắt, mà còn có thể giết chết sự sống. Những năm tháng gần đây, cả thế giới đã phải lên tiếng, chống đối, tẩy chay hàng hóa của Trung Quốc do cách sản xuất gian lận vô đạo đức của họ. Các nơi khác cũng chẳng trong sạch gì. Đọc những thống kê thiệt hại hằng năm của các nước về hàng giả, hàng nhái, mới thấy thật khủng khiếp, không kém những thiệt hại, tổn thất do băng đảng, tội phạm gây ra.
Và hiển nhiên sự thiệt hại tổn thất do gỉa hình, gỉa tạo về tinh thần, đạo đức tác phong con người còn nghiêm trọng và mất mát hơn nhiều. Nhất là trong vấn đề tôn giáo linh thiêng.
Đọc Tin Mừng, đôi khi chúng ta thấy thương cho dân Do Thái ngày xưa, thời thô sơ, nghèo khổ, mà họ phải tuân giữ những luật lệ tỉ mỉ cầu kỳ nghiêm khắc, nhiều khi vô lý đến gỉa tạo do truyền thống tôn giáo của họ đưa ra. Bởi đối với Do Thái giáo thì luật pháp nguyên có nghĩa:
-   Thứ nhất và quan trọng hơn cả là Mười Điều Răn.
-   Thứ hai là năm quyển sách đầu của Cựu Ước, cũng gọi là Ngũ Kinh. Hàm chứa một số qui tắc và chỉ dẫn chi tiết.
Về đạo đức, những gì được nêu lên chỉ là một loạt nguyên tắc mà người ta phải tự giải nghĩa và ứng dụng cho riêng mình. Qua thời gian dài, dân Do Thái đã bằng lòng với những việc làm ấy.
Đến thế kỳ thứ 4 và 5 TC, một giai cấp các chuyên gia luật pháp xuất hiện, được biết dưới biệt danh là"luật sĩ" (kinh sư). Nhóm người này không hài lòng với các nguyên tắc lớn về đạo đức, và trước tình hình nguy cơ luật lệ bị giảm, mất vì ngoại bang. Họ muốn khai triển, phóng đại, phân tích các nguyên tắc ấy ra thành hàng ngàn luật lệ, qui tắc nhỏ, để điều khiển từng hành động, hoàn cảnh của đời sống, hầu duy trì luật pháp nghiêm ngặt. Chúng được gọi là Luật Truyền Khẩu, vì không được viết ra.
Đó là những nghi thức, nghi lễ, luật lệ, qui tắc được xem như yếu tính của tôn giáo, tuân giữ chúng là giữ đạo, là đẹp lòng Thiên Chúa, vi phạm là phạm tội. Đặc biệt luật thanh sạch với nhiều cấm kỵ ô uế: bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo… Tiếp xúc với người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Động đến những đồ vật bị ô uế cũng sẽ lây nhiễm ô uế. Người bị ô uế không được dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Để tránh ô uế, phải luôn rửa tay, đồ vật cho sạch.
Đức Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không giữ sự trong sạch bề trong. Lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Quá chú trọng đến luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa.
 Cho đó là tôn giáo, nên tôn giáo đạo đức đã bị chôn sâu dưới một khối khổng lồ những cấm kỵ, qui tắc và luật lệ.
 Là những điều Đức Giesu chống lại. Ngài chẳng cần đụng đến một qui tắc nào trong tất cả các qui tắc ấy, nên họ xem Ngài là người xấu.
Tại đây nói lên hai khuynh hướng căn bản, ngược nhau:
-      xem đạo giáo chỉ là nghi thức, lễ nghi, luật lệ, qui tắc...
-      xem đạo giáo là yêu thương Thiên Chúa và đồng loại.
Thấy các môn đệ Đức Giesu không tuân giữ luật truyền khẩu về việc rửa tay trước khi ăn, các luật sĩ và biệt phái thắc mắc:"Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?"Đức Giesu trả lời bằng cách trích dẫn lời ngôn sứ Isaia đã tố cáo con người thời bấy giờ chỉ tôn vinh Thiên Chúa bằng đầu môi chót lưỡi, trong khi lòng họ thì xa Ngài. Nghĩa là Đức Giesu tố cáo:
1.      Sự gỉa hình:
-   Hình thức bên ngoài là cần, nhưng muốn có giá trị, cần phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị.
-   Đạo Chúa không phải hình thức, mà là tình yêu. Trọng tâm tôn giáo không hệ tại nghi thức và lề luật mà hệ tại yêu mến Chúa và anh em.
-   Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là phản ánh trung thực tâm hồn. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành.
-   Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực sống đạo, mới đưa đến gần Chúa.
-    Sau khi lên án biệt phái, Đức Giêsu giảng về điều làm cho con người ra uế tạp trước mặt Thiên Chúa là tình cảm xấu xa nuôi dưỡng trong lòng.
-   Có lòng thanh sạch là những tâm hồn đơn sơ, thấy Thiên Chúa thế nào thì nghênh đón Ngài như vậy, họ giãi bầy nỗi niềm riêng tư với Chúa bằng một tấm lòng ngay thẳng thực tế.
 -     Dĩ nhiên bất kỳ tổ chức nào cũng phải có luật lệ, nội qui, vì cần thiết và hữu ích để gìn giữ mọi người không bị lệch lạc. Nhưng coi trọng luật lệ hơn tâm lòng, và lại dùng nó để đánh gía xét đóan người khác thì qủa là một sai lầm nghiêm trọng.
-     Luật lệ, qui tắc có tính cách gò bó, ép buộc mọi người nhìn thấy rõ; còn tâm lòng thì tự do thoải mái, lại chẳng mấy ai nhìn ra.
-     Nên người ta thường hướng đến cái bề ngoài, thiếu chăm lo bề trong là lương tâm, lòng nhân ái, ý thức về sự thánh thiện, tội lỗi, và càng ít để ý tới những cái từ bên trong phát xuất ra.
-    Đức Giesu mở ra cho thấy tâm lòng mới quan trọng, còn luật lệ chỉ là hình thức diễn tả tâm lòng. Nếu tâm lòng xấu xa độc ác thì dù hình thức bên ngoài có đẹp đẽ cũng vô ích, cũng là gỉa hình.
-    Bởi thế với bất cứ ai mà đạo giáo chỉ là việc tuân giữ luật pháp, luật lệ và qui tắc bên ngoài, coi tôn giáo hoàn toàn liên hệ với lễ nghi, tuân giữ một số cấm kỵ; thì đến cuối cùng nhất định người ấy sẽ trở thành kẻ gỉa hình, chỉ diễn kịch, không thành thật trong hành động tôn giáo của mình.
-    Họ lầm rằng sẽ là người thánh thiện nếu giữ được hành vi cử chỉ bên ngoài cho đúng, còn coi nhẹ tâm lòng, tư tưởng.
-    Đó là loại luật pháp chủ nghĩa, quan tâm việc làm bên ngoài, không chú ý xúc cảm nội tâm.
-    Họ tỉ mỉ phục vụ Thiên Chúa bằng hình thức, còn lòng thì trống trơn, vi phạm lương tâm, đạo đức, bác ai. Như thế rõ ràng là gỉa hình.
-    Không nguy cơ nào nghiêm trọng hơn nguy cơ đồng nhất hóa tôn giáo với việc tuân giữ bề ngoài.
-    Không sai lầm nào khinh khủng hơn sự sai lầm đồng nhất hóa điều thiện với một số hành động gọi là tôn giáo.
-    Nếu lòng gượng ép, thù nghịch, cay đắng, ganh tị, kiêu ngạo…thì những việc tuân giữ luật lệ tôn giáo bề ngoài như thế có ích gì đâu?
-    Hiển nhiên nhiều người không muốn gỉa hình, mà chỉ vì có bề ngoài thì dễ hơn có bề trong. Và giữ hình thức bao giờ cùng dễ dàng hơn giữ những điều thuộc nội tâm. Nên không riêng gì người Do Thái thời xưa, mà cả chúng ta thời nay cũng dễ mắc bệnh chuộng hình thức hơn nội dung.
-    Hơn nữa ai cũng ghét sự gỉa dối, gỉa hình, bôi bác, nhưng nó vẫn tồn tại song song với con người, với xã hội.
-    Vì thế những kẻ gỉa hình thời nào, với lý do gì thì cũng bị Đức Giesu lên án nghiêm ngặt và anh em xa lánh.
-    Không chỉ cần ý thức mà còn phải luôn nhắc nhở mình rằng giữ đạo mà không thật lòng kính Chúa yêu người thì vô ích.
-    Tất cả những chuyện ấy cảnh cáo chúng ta đừng rơi vào chủ nghĩa đồng hoá tôn giáo với việc chu toàn những hành vi bên ngoài. Đi lễ, đọc kinh, đọc sách thánh, làm việc bố thí… tự chúng chưa bảo đảm rằng chúng ta thánh thiện. Mà phải biểu thị một thái độ nội tâm thành khẩn.
-    Vì giữ hình thức chưa phải đã giữ trọn luật. Giữ luật vì tinh thần luật mới hoàn chỉnh. Không thể thoái thác, che đậy, vì Thiên Chúa thấu suốt tận đáy tâm lòng chúng ta, Ngài đánh giá chân thật, công bình.
-   Trong xã hội ngày nay, ở một số hội đồng, ủy ban, báo chí… có những ký lục và biệt phái tự tín, vững tâm khi họ giải thích Phúc âm, muốn độc quyền hướng dẫn uốn nắn dư luận, đó là sự biệt phái tái xuất hiện dưới bộ áo mới, sự giả nhân giả nghĩa mà Đức Giêsu đã nghiêm khắc lên án.
 2.    Sự sạch, dơ:
 -    Dân Do Thái đã lấy những nỗ lực ngô nghê của loài người thay cho luật pháp của Thiên Chúa.
-     Họ không lắng nghe tiếng phán của Thiên Chúa để hướng dẫn đời sống mình, chỉ nghe theo những lý luận, những tranh cãi khôn khéo, những cách nói luẩn quẩn tinh vi, những lý giải tài tình do chuyên gia về luật pháp biên soạn.
-     Hôm nay Đức Giesu không chỉ tranh luận với các chuyên gia luật pháp về nhiều phương diện khác nhau của luật truyền khẩu như sự không thích hợp của những cách rửa tay cầu kỳ trước bữa ăn. Mà Ngài còn nói về một điều gây kinh ngạc nhiều hơn nữa.
-     Là chẳng có vật gì từ bên ngoài vào lại có thể khiến người ta ra ô uế, vì nó chỉ được thân thể thâu nhận rồi chính thân thể tự giải quyết chúng bằng các đường lối sinh lý bình thường.
-     Bởi tự chúng thì vật này nọ không thể là sạch hay không sạch dưới bất luận ý nghĩa tôn giáo nào.
-     Chỉ có con người mới có thể bị ô uế, đấy là suy nghĩ, tư tưởng, lời nói, hành động không sạch của con người. Vì nó phát suất từ tâm lòng mà ra.
-     Qủa là một giáo lý mới mẻ, một giáo lý có sức đập tan mọi sự.
-     Tiếc thay người Do Thái, nhất là Do Thái chính thống không tin như thế, họ chỉ tuân thủ vào một danh sách liệt kê dài những thứ vật không sạch cấm dùng làm thức ăn.
-     Việc ấy gây hậu qủa trầm trọng mà người ta thấy rõ ràng trong nhiều biến cố đã khiến người Do Thái chấp nhận đói khát, đau khổ, bệnh hoạn đến chết để trung thành với luật lệ.
-     Nên lời của Đức Giesu như một cuộc cách mạng, quyét sạch tất cả những điều không thích hợp, những luật lệ qui tắc phi lý mà vì đó dân Do Thái đã phải chịu thiệt hại biết bao đời người!
-    Để chứng minh, Đức Gieus liệt kê những điều mà Ngài bảo chúng vốn từ lòng người, phát xuất những ý định xấu mà ra, khiến người ta ra ô uế: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng…
-    Đây là một liệt kê khủng khiếp, đáng sợ, mà ngày nay chúng ta không còn lạ, bởi con người còn có thể xúc phạm đến Thiên Chúa, đến đồng loại và bản thân mình bằng nhiều loại tội phạm lạ lùng để lại hậu qủa ghê gớm hơn nữa.
-     Tuy nhiên cũng là lời khuyên để tránh những điều đáng ghê tởm ấy, chúng ta còn phải thận trọng, thành thật, can đảm xét lại chính tâm lòng mình.
-     Nên nhớ rằng cốt lõi trong đạo Kito không phải là việc này nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy.
-     Tuy nhiên trường học của xã hội thời nào thì người ta cũng để ý huấn luyện cái đầu hơn con tim, tâm lòng.
-     Vì quan niệm cái đầu mới biết suy nghĩ, nên đã đào tạo nên lớp trẻ tài giỏi hơn là những đứa trẻ tốt lành.
-     Phù hợp với công việc và nghề nghiệp sau này của con trẻ đòi hỏi hiệu năng hơn là lòng nhân ái.
-     Kết qủa của lối giáo dục trên đã tạo nên nền văn minh khoa học kỹ thuật tiến bộ ngày nay, rất hiệu qủa nhưng cũng rất lạnh lùng, ích kỷ và tàn nhẫn.
-     Mà đời thường thì trái tim, tâm lòng lại quan trọng hơn, bởi cuộc sống cần sự giao tiếp, tương trợ, nên đôi khi "được việc" chưa đủ, mà còn phải "được người" nữa.
-     Cầu xin cho những người có trách nhiệm và các bậc phụ huynh ý thức rằng văn minh mang lại hạnh phúc cho con người không chỉ là văn minh khoa học kỹ thuật, mà còn là văn minh của tình thương yêu nữa.
-    Bởi một trái tim xấu chứa đựng những sự xấu xa, còn một trái tim tốt chứa đựng tất cả mọi điều tốt. Nó không chỉ là một trái tim trong sạch, mà còn là một trái tim đầy đặn, chan chứa tình thương yêu.
 Lạy Chúa, khi đến với Chúa, chúng con thường mang những mặt nạ, là những hành vi đạo đức bên ngoài, còn bên trong thì trống rỗng, lạnh lẽo.
Khi đến với anh em cũng vậy, sợ bị phát hiện sự thật về mình, nên chúng con cũng cố làm ra vẻ đạo đức thánh thiện, tài giỏi, khôn ngoan.
Xin Chúa giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ đã dày cộm, nặng nề đè trên người chúng con bấy lâu, để đừng đánh lừa Chúa và anh em nữa.
Cũng xin nhắc chúng con nhớ rằng luật lệ và nghi thức là cần thiết, nhưng đừng quên điều chính yếu là luật kính Chúa yêu người, để chúng con biết làm mọi sự chỉ mong được giữ luật ấy. Vì Đức Kito Chúa chúng con. Amen ( mượn ý )
 Than men,
duyenky





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét