Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Sep 23, 2018 - Chúa nhật 25 thường niên năm B


Sep 23, 2018 - Chúa  nhật  25  thường  niên  năm  B
Gía  trị  của  phục  vụ.


                     https://youtu.be/-kWhlwTyspw

Các Bạn thân mến,
Tin Mừng tuần này ghi lại việc Đức Giesu cùng các môn đệ đi băng qua hồ Galile, nhưng Ngài không muốn cho ai biết, tức là Ngài không muốn đám dân đông đảo vây chung quanh, và đây có lẽ là lần đầu tiên Ngài muốn như vậy. Vì Ngài đang dạy bảo các môn đệ:"Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người." Nên Đức Giesu muốn rằng Ngài phải để lại sau lưng mình một đòan người mà những lời tuyên bố của Ngài được ghi khắc trên họ, dù trong nhóm người ít ỏi đó có kẻ phản bội Ngài; biết rõ điều đó, và Ngài vẫn nhìn thấu suốt cách Giuda vận dụng tâm trí để hành động. Vì thế khi Ngài tuyên bố"Con Người sẽ bị nộp trong tay người ta"là không chỉ Ngài thông báo một sự kiện, đưa ra một lời cảnh báo, mà còn đưa ra một lời kêu gọi cuối cùng đối với kẻ đang mưu tính kế hoạch phản bội Ngài. Thế nhưng các môn đệ vẫn chưa hiểu, tuy họ đã đóan biết được chút nào về tấm thảm kịch, mặc dù họ không thể hiểu về sự chết nhục nhã và sống lại vinh quang của Thầy mình.
Không có việc nào cho thấy rõ các môn đệ nhận thức đến đâu về ý nghĩa đích thực của chức vụ Messia bằng sự việc như trong đọan Tin Mừng tuần này:
1. "Dọc đường anh em đã bàn tán chuyện gì vậy?"
-    Chúng ta biết Đức Giesu dã nhắc đi nhắc lại, lần này là lần thứ ba về những gì đang chờ đợi Ngài ở Giesrusalem. Nghĩa là Ngài đang tiến dần về thập gía.
 -    Ngài cũng đã mặc khải cho các môn đệ biết Ngài là Đấng Messia đến cứu chuộc loài người, nhưng cứu thoát bằng con đường chịu nạn, chịu chết rồi sống lại.
 -   Tuy nhiên các môn đệ đã quen với quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách, nên các ông không thể hiểu về những lời nói của Ngài, cũng chẳng dám hỏi Ngài.
-    Vẫn nghĩ vương quốc của Ngài như một vương quốc trần gian, và chính họ là những bộ trưởng trong vương quốc ấy. Thế là họ tranh cãi nhau xem ai được quyền cao chức trọng hơn cả.
 -   Chắc chắn Đức Giesu rất đau lòng, tự thâm tâm các môn đệ vẫn biết là họ sai quấy, nên im lặng vì xấu hổ, và chẳng có lý do gì để bào chữa nên không trả lời được câu hỏi Ngài đặt ra.
  Câu chuyện xảy ra vào lúc Đức Giesu đã đi rao giảng được khoảng ba năm, sắp tới thời kỳ Ngài kết thúc sự nghiệp ở trần gian.
  Tất nhiên chuyện tranh cãi này chẳng tốt đẹp gì, nó chứng tỏ các ông chưa thấm nhuần giáo huấn của Đức Giesu, cũng chưa hiểu gì về sứ mạng của Ngài.
 -   Điều này khiến chúng ta suy nghĩ: khi các môn đệ tưởng Đức Giesu không nghe được, không nhìn thấy được thì việc tranh cãi nhau xem ai lớn nhất có vẻ hấp dẫn, nhưng khi phải tranh luận trước mặt Ngài, họ thấy mọi sự thật vô nghĩa.
 Cũng là bài học để chúng ta biết đem mọi sự đặt dưới mắt Chúa, thì đời sống trên thế gian này sẽ trở thành khác hẳn. Nếu trong mọi sự chúng ta đều hỏi xem mình có thể làm việc này việc nọ dưới mắt Đức Giesu đang nhìn, nghe mình không, hẳn chúng ta sẽ tránh được biết bao việc làm, lời nói đáng tiếc.
 Nhưng sự thật lại chẳng bao giờ có chữ “nếu” trong niềm tin Kito giáo. Bởi mọi việc chúng ta làm, mọi tư tưởng, lời nói, đều được phơi bầy trước mặt Thiên Chúa, mà do thiếu niềm tin, chúng ta không nhận ra hoặc nhận không rõ mà thôi.
 Dịp này Đức Giesu đã dạy cho các môn đệ một bài học về chức vụ quyền thế.
-   Trong đó cần cảnh giác ganh ghét vì nó đưa đến tai hại cho:
      a) chính bản thân người ganh ghét:
  • tự nung nấu ruột gan mình bằng ngọn lửa khó chịu âm ỉ. Thấy người dở, xấu, sai quấy hoặc hay, tốt, thành công cũng đều khó chịu. Thành ra tâm trạng luôn bất an, tự làm mình buồn đau.
  • tự làm giảm giá trị, tư cách của mình. Đặt mình vào thế tranh đua với người nên bực tức khổ sở trước thành công của người, là dấu mình thua lỗ, tư cách cũng thấp kém.
    b) người bị ganh ghét: làm người ta buồn khổ cách bất công. Bởi họ hay, tốt, giỏi nhưng lại khổ vì mình. Họ lâm vào hoàn cảnh khó xử: một bên là công việc phải làm cho hay tốt, mà càng tốt hay thì càng bị mỉa mai.
   c)  tập thể: người ganh ghét như con sâu, con vi trùng độc hại, âm thầm hiểm độc phá hoại tập thể, làm mất đoàn kết, bình an, hăng hái.
-   Những tai hại ấy dù không nói ra thì ai cũng nhận thấy. Nhưng khó là nhiều khi bị tính ganh ghét xâm nhập, nhưng không biết mình có tính xấu ấy. Nên người ta ganh ghét nhau mà thường không hay biết, không ngờ.
-   Dấu hiệu rõ ràng nhất của tính ganh ghét là thấy người khác thành công, thì buồn bực khó chịu, thấy người thất bại thì vui sướng.
-   Vì thế cần phải hết sức khiêm nhường mỗi khi xét mình, kiểm điểm dời sống để tránh tối đa tính nết nguy hiểm này.
2. Cách giải quyết của Đức Giesu:
-   Trước sự làm thinh của các môn đệ, Đức Giesu đã giải quyết thật nghiêm chỉnh, Tin Mừng ghi lại:"Đức Giesu ngồi xuống, gọi nhóm mười hai lại mà nói"
-    Đây là thái độ của một rabi thật sự dạy dỗ với tư cách một rabi, các bậc thầy dạy bảo học trò cũng thường làm như vậy.
-    Ngài nói:"Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."
-    Nói như thế không phải Đức Giesu muốn xóa bỏ cao vọng, nhưng Ngài chỉ muốn tái tạo và thăng hoa cao vọng.
-    Bởi cao vọng không phải là điều sai trái, sống thì phải biết đặt mục tiêu cho công việc, làm thì phải thành công.
-   Tuy nhiên cao vọng có thể vượt qúa tầm kiểm soát của mình, khiến chúng ta quên tất cả để chỉ biết chạy theo những ước vọng.
-    Còn có thể khiến chúng ta đối xử với người khác cách bất công, tàn nhẫn.
-   Nên nhớ cẩn thận cân nhắc xem những gì mình phải hy sinh để chạy theo cao vọng.
-    Bởi người ta có thể hy sinh cuộc sống gia đình, tình yêu, sự công bằng, sự khả ái, có khi cả cuộc sống của đời mình.
-   Vì thế Đức Giesu lên án cao vọng sai, hão huyền, làm hại chính mình và những người liên quan, biến chúng ta thành ích kỷ, ganh ghét, chia rẽ, mất tình thương, và nhiều điều xấu khác.
-    Những tranh giành xâu xé khủng hoảng về vấn đề kinh tế, chính trị, giáo hội, hoặc con người, phần lớn có thể giải quyết nếu mọi người đều sống vì những gì mình có thể làm cho tha nhân, phục vụ quốc gia, giáo hội, tôn trọng nhau, chứ không phải để thâu góp, vơ vét, gây uy tín, củng cố địa vị của mình.
-     Đức Giesu đã đem cao vọng phục vụ để thay thế cho tham vọng thống trị, đem cao vọng giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ mình.
-     Đây không phải là quan điểm lý tưởng không thể thực hiện, mà là quan điểm hết sức phù hợp với lương tri.
-     Chúng ta thấy những con người thực sự vĩ đại, những con người luôn được loài người nhớ ơn vì đã thực sự đóng góp cho đời, là những người sẵn sàng phục vụ đất nước, con người, xã hội, tôn giáo…bất cứ khi nào, ở đâu, chứ không phải những người bon chen leo được đến đỉnh các nấc thang của xã hội, đất nước rồi thôi.
-     Khi Đức Giesu đề cập đến tính cách vĩ đại và gía trị tối cao của một người có cao vọng là Ngài thiết lập một trong những chân lý thực tiễn quan trọng nhất về cách sống ở đời.
-    Ở đây Đức Giesu vẫn đề cập đến vấn đề cao trọng xứng đáng và tham vọng bất chính.
-    Để minh họa, Ngài đưa ra hình ảnh một em bé. Đó là một con người mà ai nhìn vào cũng thấy dễ thương, muốn ôm hôn, cho bánh kẹo hoặc giúp đỡ. Mà không đòi hỏi điều gì nơi em, chỉ vì thương nên muốn cho cái này cái nọ mà thôi.
 -    Bởi em bé đơn sơ, trong sáng, chẳng có gì, chẳng biết làm gì, cũng chẳng làm được gì, chẳng ảnh hưởng đến ai; mà luôn cần tất cả và mong người ta làm cho nó.
 -    Tình thương và những việc làm này vô vụ lợi, không mong đền đáp, trả ơn.
 -    Vì thế Chúa phán
:"Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
-    Chúng ta hãy nhìn đến sự phục vụ từ hai quan điểm của:
      .  người có nhu cầu:  kinh nghiệm cho thấy chúng ta sẽ khoan khoái vui vẻ, tinh thần phấn khởi khi được đối xử lịch sự, thân tình: khi được một ai đó vui vẻ mở cửa cho, được một bạn trẻ ân cần giúp bước lên xe bus, được một thanh niên nhẹ nhàng nhường chỗ trong hội trường…
Rõ ràng khi được phục vụ làm cho khuôn mặt chúng ta rạng rỡ. Làm cho chúng ta cảm thấy có người quan tâm lo lắng cho. Có người thương mến.
      .   người giúp đỡ:  làm họ tự hào, vui vẻ, gương mặt họ rạng rỡ hơn cả khuôn mặt của những người được sự giúp đỡ. Vì họ đã làm được một việc, đã làm cho ai đó vui vẻ thoải mái…
-    Đó là những niềm vui thật đơn giản, phát xuất từ điều mà chúng ta thường quên, thường không thấy. Nên là điều chúng ta cần được nhắc đi nhắc lại luôn luôn.
-    Có một bức tranh của ai đó đã mô tả cảnh “phát chẩn” cho những người nghèo. Nhưng điều đáng chú ý nhất trong bức tranh là một trong những người nghèo đứng xếp hàng. Ông ta có vòng hào quang trên đầu. Nhìn kỹ lại thì đó là Đức Giêsu. Và điều này cho chúng ta thấy lý do mà khuôn mặt những người giúp đỡ lại rực rỡ hơn những người được giúp đỡ. Chính vì khi giúp đỡ người nghèo, họ khám phá ra Đức Giêsu đang ở trong thế giới ấy. Ngài ở ngay trong những người có nhu cầu cần được giúp đỡ.
-    Vì chính Đức Giêsu đã nói: "Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy!" (Mt 25:35-36, 40).
-   Nên chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi chúng ta tìm cách phục vụ người khác.
-    Ở đây còn có một cảnh cáo:
         .  Thật dễ làm bạn với những người có thể giúp đỡ chúng ta, những người mà tiếng tăm của họ có lợi cho chúng ta. Cũng để cho chúng ta tìm làm quen với những người được mọi người chú ý tôn trọng. Ưu đãi những người có quyền thế địa vị.
         .  Cũng rất dễ cho chúng ta tìm cách xa lánh những người đang sa cơ thất thế, nghèo khó, không ai để ý, cần được chúng ta giúp đỡ.
-     Thật ra Đức Giesu đã dạy chúng ta không nên tìm cách kết thân với những người có thể giúp đỡ chúng ta việc này việc nọ, mà nên kết thân với những ai cần được chúng ta giúp đỡ. Vì làm thế là chúng ta đã tìm cách kết thân với chính Ngài.
 3.  Bài học về gía trị con người:
-    Đức Giesu muốn nói: trong Nước Trời, không ai để ý đến địa vị lớn, nhỏ, mà phải để ý:
         .   đến phục vụ, càng có chức vụ cao thì càng phải phục vụ nhiều. Như hình ảnh người tôi tớ phục vụ chủ.
       .   thứ đến là phải để ý đến thái độ vô tư phục vụ mọi người, không phân biệt, không đòi hỏi điều gi. Như hình ảnh phục vụ trẻ nhỏ.
-      Lời dạy của Đức Giesu là một bài học bất ngờ, bởi nó không giống quan niệm của người đời từ xưa đến nay về người lớn nhất, người quyền thế sang trọng, kẻ nhỏ, kẻ hèn kém, kẻ hầu hạ.
-     Ngài đưa ra tiêu chuẩn để đánh gía chính xác về một con người, ấy là sự phục vụ:
        .  ai biết phục vụ và phục vụ nhiều là người lớn. Người ở địa vị cao mà biết phục vụ thì mới là người lớn thật sự.
          .  ai không phục vụ là người nhỏ, và người ở địa vi thấp mà không phục vụ thì đúng là người nhỏ, người hèn kém.
-   Nghĩa là gía trị của một con người không phải do địa vị, thân thế, sự nghiệp tạo nên, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.
-   Con trẻ, trẻ nhỏ ở đây tiêu biểu cho người chất phác, khiêm hạ, tầm thường, không quan trọng, không đáng kể, người nghèo hèn, tật nguyền, bị bỏ rơi, cần nhiều sự giúp đỡ. 
-   Đức Giesu muốn đồng hóa với những người bất hạnh ấy, để khi đón tiếp họ, chúng ta hoàn toàn vô vị lợi, không đòi hỏi gì.
-   Đây là thông điệp Đức Giesu gởi tới nhân loại.
-   Để người lớn không dùng quyền lãnh đạo, cai trị, tạo hình ảnh này quyền bính nọ.
-   Chỉ biết dùng con tim, trí óc phục vụ trong yêu thương.
-   Thời nay hơn bao giờ hết, rất cần những người theo kiểu mẫu này hầu tất cả đều phục vụ khiêm tốn, và yêu thương chân thành.
-    Đó là điều Đức Giesu dạy trong bài học bất ngờ hôm nay, để chúng ta cũng phải cư xử với mọi người theo kiểu chúng ta cư xử với một em bé, nghĩa là yêu thương phục vụ hoàn toàn vô vụ lợi.
-     Phục vụ như thế là phục vụ Chúa, xứng đáng làm môn đệ của Ngài.
-    Bài học thật dễ hiểu, nhưng lại khó thực hành phải không các Bạn? Vậy hãy tin tưởng trông cậy nơi Chúa, Ngài sẽ dạy chúng ta biết khiêm nhường phục vụ như Ngài.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, nơi khuôn mặt khốn khó của tất cả những người bị thử thách:
-      những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu lời Chúa;
-      những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
     những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm con tim hiểu biết, yêu thương;
-      những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng còn trong tinh thần nữa.
-      bằng cách thực thi lời hy vọng này:"điều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta." Amen. (Mẹ Teresa Calcutta)
 Than men,
duyenky



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét