Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Cử hành giao ước


Cử  hành  giao  ước
Fri, 15/05/2020 - Lại Thế Lãng dịch

Trong một số nhà thờ, khi bầu trời trong sáng, những người cử hành Thánh lễ có thể được chiêm ngưỡng một mảng sáng màu sắc khi tia nắng mặt trời chiếu qua cửa sổ. Trông giống như là cầu vồng – một hình ảnh tuyệt vời về giao ước tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó là một tình yêu chúng ta mừng kính mỗi khi nhận được Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.

Xuyên suốt trong Kinh thánh, Thiên Chúa luôn muốn có một mối quan hệ giao ước với chúng ta. Chúng ta thấy điều đó trong câu chuyện của A-đam và E-và, Nô-ê, Abraham và Sa-ra, Mô-sê, Rút và Đa-vít. Ước muốn của Thiên Chúa về một giao ước là hiển nhiên trong các vị tiên tri, là một chủ đề trung tâm trong sách Phúc âm, được giải thích trong những lá thư và đạt đến đỉnh cao trong sách Khải Huyền. Ở khắp nơi chúng ta đều thấy bằng chứng rằng Thiên Chúa không ngừng giao ước với chúng ta và Ngài kêu gọi chúng ta cũng giao ước với Ngài.

Khi chúng ta tiếp tục khám phá những hình ảnh khác nhau trong phép Thánh Thể, chúng ta muốn dành bài viết này để nhìn xem phép Thánh Thể mạc khải giao ước của Thiên Chúa như thế nào và phép Thánh Thể làm gia tăng cam kết của chúng ta đối với giao ước ra sao.

Một Thiên Chúa trung thành
Trong cốt lõi, giao ước của chúng ta với Thiên Chúa liên quan đến trách nhiệm của cả hai bên. Về phía Thiên Chúa, Ngài hứa sẽ là Thiên Chúa của chúng ta – để tỏ mình ra với chúng ta, để đặt lề luật của Ngài trong trái tim chúng ta, để tha thứ cho chúng ta, để ban cho chúng ta Thần khí của Ngài, để chăm sóc chúng ta. Về phía chúng ta, Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta là dân của Ngài – để yêu mến Ngài, để trung thành với Ngài, để đến với Ngài hầu được giúp đỡ, để nói không với cám dỗ và để tuân giữ các giới răn của Ngài.

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng giao ước về phần Ngài và rằng chúng ta đã không trung tín như vậy. Tình yêu của chúng ta dành cho Ngài rất thất thường. Chúng ta không luôn tuân giữ các giới răn của Ngài. Chúng ta đã thờ ngẫu tượng. Chúng ta đã gây tổn thương cho nhau. Nhưng thay vì quay mặt đi và từ bỏ chúng ta, Cha trên trời tiếp tục đưa tay ra với chúng ta. Ngài tiếp tục tìm cách đưa chúng ta về với Ngài và giúp chúng ta sống phần giao ước của chúng ta.

Hãy nghĩ về câu chuyện của Hô-sê và vợ ông, Gô-me (Hôsê 1: 3). Gô-me đã phản bội Hô-sê và điều này đã gây cho ông nhiều đau khổ. Nhưng Thiên Chúa đã dùng mối quan hệ đau đớn này để dậy cho Hôsê hai điều. Thứ nhất Ngài giải thích rằng dân It-ra-en đã đối xử với Thiên Chúa giống như Gô-me đối xử với Hô-sê. Thứ hai Ngài bảo Hô-sê nhận Gô-me trở lại và hòa giải với bà. Ngài bảo Hôsê hãy yêu thương Gô-me giống như Thiên Chúa yêu thương dân It-ra-en bất trung. Đó là lý do tại sao trong nhiều thế kỷ, câu chuyện của Hô-sê và Gô-me đã được xem như là một mô hình thu nhỏ của câu chuyện về giao ước tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Nhưng câu chuyện này đã thay đổi đáng kể khi Chúa Giêsu đến thế gian. Cuối cùng, trong Ngài, Thiên Chúa đã tìm được Đấng sẽ duy trì giao ước trong mọi cách. Không môt lần Chúa Giêsu vi phạm giao ước về phần Ngài. Không một lần Ngài phạm tội. Điều gì nữa, khi chúa Giêsu bẻ bánh và chia sẻ rượu trong bữa Tiệc ly, Ngài đã thực sự trở thành giao ước mới giữa Thiên Chúa và chúng ta. Khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết, Chúa Giêsu đã chuẩn nhận một giao ước mới với Thiên Chúa cho tất cả chúng ta. Ngài trở thành Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Gioan 1: 29).

Đây là cách chúng ta cử hành mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ. Bằng cách qui tụ chung quanh bàn Thánh, chúng ta đang ôm trọn giao ước của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta đang hứa sẽ trung tín với Thiên Chúa khi chúng ta tôn vinh sự trung thành của Ngài đối với chúng ta. Và khi chúng ta thực hiện, Thiên Chúa viết giao ước của Ngài trong trái tim chúng ta và hứa rằng Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta.

Hãy cho là đủ
Giao ước mới vừa là một biến cố lịch sử đã diễn ra trên thập giá và một bí tích của ân sủng vượt qúa thời gian và không gian. Đúng là sự hy sinh của Chúa Giêsu sẽ không bao giờ được lập lại. Chỉ xẩy ra một lần cho mãi mãi (Do thái 10: 14). Nhưng Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta hồi tưởng và sống lại sự hy sinh này khi chúng ta cử hành Thánh Thể (1 Côrintô 11: 24). Như Maria đã từng làm, chúng ta có thể cũng muốn hỏi Chúa “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào” (Luca 1: 34). Có lẽ những lời của một Giáo Phụ có thể giúp chúng ta.

Thánh Gioan Damascene có lần đã viết “Bạn hỏi làm sao bánh có thể trở thành Thân thể Chúa Kitô và rượu . . . Máu Chúa Kitô. Tôi sẽ nói cho bạn biết: Chúa Thánh Thần đã đến trên bánh và rượu và hoàn thành những gì vượt qúa lời nói và ý nghĩ. Hãy cho là đủ để hiểu rằng đó là bởi Chúa Thánh Thần mà Chúa qua Ngài và trong Ngài đã trở nên xác thịt.

Như Gioan Damascene đã thừa nhận, chúng ta có thể không bao giờ hoàn toàn hiểu được màu nhiệm Thánh Thể. Nhưng chúng ta không nên để điều đó ngăn cản chúng ta nhận những ơn lành của mầu nhiệm này. Có lẽ đã đủ để biết rằng Chúa Giêsu đã nói với chúng ta làm việc này để nhớ đến Ngài. Có lẽ đã đủ để tin rằng ăn Mình và uống Máu Chúa có thể có một tác động làm thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Bảo vệ khỏi tội lỗi
Một trong những chế độ ăn kiêng ngày nay được gọi là “ăn kiêng giải hóa”. Chế độ ăn uống này tập trung vào các loại thực phẩm giúp đốt cháy ca-lo nhiều hơn là chúng ta tiếp nhận: cà rốt, cần tây, măng và những loại như thế. Chế độ “ăn uống giải hóa” hứa hẹn chúng ta sẽ thực sự giảm cân khi chúng ta ăn uống.

Sự so sách có thể không được hoàn hảo lắm, nhưng chúng ta có thể thấy có sự tương đồng giữa chế độ ăn kiêng này và Thánh Thể. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta nhận được sức mạnh để chiến đấu chống lại tội lỗi. Chúng ta càng tham dự vào Thánh Thể chúng ta càng có khuynh hướng để tội lỗi bị thiêu rụi. Nói cách khác khi chúng ta ăn Bánh hằng sống chúng ta sẽ “giảm cân đối với tội lỗi”.

Khi Chúa Giêsu nói “đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26: 28) Ngài đang hứa không chỉ tha thứ nhưng cũng bảo vệ chúng ta nữa. Quay lại ở Ai Cập khi Thiên Chúa bảo dân chúng chuẩn bị cho thần chết, Ngài bảo họ lấy máu từ chiên Vượt qua bôi lên “khung cửa”. “Thấy máu” Thiên Chúa hứa “Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương” (Xh 12: 7, 13).

Hãy xem, nếu Thiên Chúa đã dùng máu của một con chiên để bảo vệ dân Ít-ra-en, những người đã dự phần vào cùng một con chiên. Lẽ nào Ngài không bảo vệ chúng ta khỏi những tác hại của tội lỗi khi chúng ta ăn Thịt và uống Máu Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa? Vì vậy khi chúng ta rước Chúa Kitô trong Thánh lễ, chúng ta không chỉ nhắc lại một giao ước hợp lệ mà chúng ta đang đặt mình vào cánh tay mạnh mẽ và yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta đang nói rằng chúng ta thuộc về Ngài và rằng chúng ta tin tưởng Ngài sẽ bảo vệ chúng ta.

Bí tích hiệp nhất
Bây giờ đến một vấn đề khó khăn. Vì tất cả những gì Thánh thể đã làm cho chúng ta và tất cả những gì có sẵn trong giao ước mới, tại sao Giáo hội lại ở trong tình trạng như hiện nay? Tại sao có qúa nhiều chia rẽ? Tại sao sự ích kỷ, tính tự mãn và sự bất tuân khiến chúng ta tách rời khỏi nhau?

Những câu trả lời cho những câu hỏi này là rất dài và phức tạp, nhưng có một điều rất rõ ràng: Sự hiệp nhất trong Giáo hội xẩy ra và làm sâu sắc hơn mỗi khi tín hữu làm tăng sự biết ơn đối với Thánh Thể. Thật ra Thánh Thể luôn được gọi là “Bí tích Hiệp thông”. Mỗi tấm bánh chúng ta ăn được làm ra từ hàng ngàn hạt lúa mì. Mỗi chén rựơu chúng ta uống được tạo thành từ hàng trăm trái nho. Tuy nhiên khi chúng ta ăn Mình và uống Máu Chúa Giêsu, tất cả chúng ta cùng ăn một Thánh Thể. Tất cả chúng ta đều tham dự vào một giao ước vĩnh cửu. Và giao ước đó có sức mạnh để đoàn kết chúng ta. Và nếu chúng ta vẫn còn mở lòng ra, giao ước đó có sức mạnh tạo chúng ta thành một người, một thân thể của Chúa Kitô.

Cũng giống như Chúa Giêsu và Cha Ngài là một – không tách rời bởi sự chia rẽ, bất tuân hay thờ ơ, nhưng ràng buộc với nhau trong một giao ước của tình yêu và lòng trung thành. Thánh Thể là sức mạnh của Thiên Chúa đưa chúng ta đến mức độ hợp nhất sâu xa hơn. Thánh Thể làm cho chúng ta, những thành viên riêng rẽ của Giáo hội như là những hạt lúa miến của tấm bánh được nướng trong một ổ bánh hay là nho được ép vào trong một chén. Thánh Thể nhào nắn chúng ta, nghiền nát chúng ta và biến chúng ta thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền như Đức Chúa Cha mong muốn.

Khi chúng ta cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu trong mùa Phục sinh này hãy xin Chúa Thánh thần thức tỉnh chúng ta trong một mong ước sâu sắc hơn cho sự hiếp nhất và yêu thương. Xin Thiên Chúa tiếp tuc ban ơn lành cho chúng ta và toàn thể Giáo hội khi chúng ta cùng chia sẻ Bánh hằng sống./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét