Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Tông đồ của Hy vọng


Phanxicô  Nguyễn  Văn  Thuận,  Tông  đồ  của  Hy  vọng
Sun, 21/06/2020 - Bob French - Lại Thế Lãng dịch



Tên thẩm vấn viên Cộng sản không thể chịu đựng được nữa “Hãy thừa nhận đi!” hắn hét lên với vị giáo sĩ “Anh là một phần của âm mưu Vatican! Anh không là gì hơn là tay sai của Đế quốc!”. Nhưng vị Tổng Giám Mục Sài Gòn mới được chỉ định Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã trả lời nhẹ nhàng và thẳng thắn “Không. Tôi sẽ không thừa nhận bất cứ điều gì”.

Đức cha Thuận bị bắt giữ ngay lập tức. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời. Trong mười ba năm tiếp theo đó Ngài bị giam giữ và trải qua đau khổ khủng khiếp trong thân xác, tâm trí và tinh thần. Nhưng Thiên Chúa đã dùng sự thử thách đó để biến Ngài thành một tông đồ của hy vọng, người mà cả cuộc đời đã tuyên xưng chiến thắng của Phúc âm Chúa Kitô trong sự thất vọng và nhầm lẫn của chủ nghĩa vô thần và duy vật.

Chuẩn bị cho đau khổ

Rõ ràng Thiên Chúa đã chuẩn bị Ngài cho lời mời gọi này. Lớn lên ở thành phố Huế của Việt Nam trong những năm 1930, Ngài đã học được giá trị của sự hy sinh từ gia đình. Tất cả đều là những người Công giáo đạo đức, bền bỉ trong đức tin cho dù bị ngược đãi mãnh liệt. Họ cũng tin tưởng rằng phục vụ đất nước là một bổn phận. Nhiều người trong gia đình là những lãnh tụ nổi bật, những người đã đóng vai trò quan trọng trong tương lai của Việt Nam – bao gồm người bác thông thái Ngô Đình Diệm, người đã trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam.

Về phần mình, Ngài quyết định phục vụ tha nhân bằng cách trở thành một linh mục. Ngài gia nhập chủng viện khi mới mười ba tuổi và đã được truyền cảm hứng sâu sắc bởi sự thánh thiện của các cha giáo ở đó. Đọc đời sống của các thánh như thánh Têrêsa thành Lisieux, Gioan Vianney và Phanxicô Xavie cũng đã kích thích ngài mong muốn trở nên giống Chúa Kitô.

Trong những năm để hình thành này, Ngài đã phải vật lộn với thực tế đau buồn và với cái chết rất nhiều lần. Năm 1945 trong lúc còn ở trong chủng viện, Cộng sản đã sát hại bác Khôi và người con trai của bác. Rồi không bao lâu sau ngày thụ phong linh mục năm 1953, Ngài bị mắc bệnh lao gần chết, song thân Ngài đã cầu nguyện liên tục cho Ngài và Ngài đã được khỏi bệnh cách kỳ diệu. Sau đó năm 1963 Ngài còn bị một đòn nặng khi hai người thân của Ngài, ông Diệm và ông Cẩn bị sát hại.

Hẳn là một sự phấn đấu rất cam go để Ngài có thể tha thứ cho những kẻ đã sát hại người bác và người cậu. Điều gì đã giúp Ngài làm được việc đó, về sau Ngài nói, là tấm gương của thân mẫu Ngài, người phụ nữ có đức tin dũng cảm đã cho bà sức mạnh để chấp nhận những thảm kịch này. Trước khi ông Diệm bị sát hại bà đã nói với Ngài “Mọi sự ở trong tay Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho sự an toàn của bác ấy nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng chấp nhận ý Chúa”. Sự bình thản của bà qủa là phi thường.

Ngài cũng hết lòng tận tụy với một người mẹ khác – Đức Trinh nữ Maria. Trong thời gian đang theo học ở Rôma năm 1957, Ngài có chuyến đi đến Lộ Đức, Pháp quốc. Ở đó Ngài phản ánh những lời của Maria nói với thánh Bernadette “Ta không hứa cho con niềm vui và an ủi ở đời này mà là thử thách và đau khổ”. Ngài cảm thấy những lời này là dành cho Ngài. Ngài đã đáp lại với lời cầu nguyện “Vì danh của Con Mẹ và của Mẹ, Maria, con xin chấp nhận mọi thử thách và đau khổ”.

Và vì vậy, khi bị bắt giữ trong ngày lễ Đức Mẹ lên trời năm 1975, Ngài đã biết rằng Ngài đang ở trong tay Chúa.

Quyết định yêu thương

Tuy nhiên Ngài đã rất đau khổ “Tim tôi bị xé ra từng mảnh vì tôi đã bị lấy đi khỏi những giáo dân của tôi” Ngài viết vào ngày hôm sau. Ngài đã phục vụ họ hơn hai thập niên. Trong tám năm sau cùng , là Giám mục Nha Trang, Ngài đã phải lao nhọc để củng cố các giáo xứ và mục vụ, xây dựng chủng viện mới và  phong chức cho nhiều linh mục mới. Ngài đã đứng đầu một nỗ lực cứu trợ to lớn cho hơn bốn triệu dân tỵ nạn  trong hơn một phần tư thế kỷ của chiến tranh. Bây giờ dường như công việc mục vụ của ngài đã chấm dứt.

Không bao lâu sau khi bị tống giam, Ngài đã xác định kiên trì. Ngài tự hứa “Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sẽ sống mỗi khoảnh khắc của hiện tại, tràn ngập với tình yêu”. Ngài nhận ra rằng Ngài có thể tiếp tục chăm sóc giáo dân của mình bằng cách áp dụng chiến lược của thánh Phaolô, viết những lá thư mục vụ từ trong tù. Ngài đã viết một loạt những thông điệp thiêng liêng trên mặt sau của những tờ lịch cũ, được lén lút chuyển ra ngoài và cuối cùng đã xuất bản như một cuốn sách Đường Hy Vọng.

Khi những người cai tù phát hiện ra, họ đã nhốt Ngài trong một phòng giam chật hẹp, thiếu ánh sáng và không có cửa sổ. Ở nơi đó rất khó thở đến nỗi đôi khi Ngài phải kê lỗ mũi trên nền nhà ở phía dưới cánh cửa để có được chút ít không khí. Sau mấy tháng Ngài cảm thấy hoàn toàn kiệt lực ngay cả bị mất trí nhớ. Nhiều lúc Ngài đã không thể nhớ được gì ngoài kinh Kính Mừng.

Một cách suy nghĩ mới

Tuy nhiên một ngày nọ ĐC Thuận đã có cái nhìn sáng suốt làm thay đổi cuôc sống của ngài. Ngài hiểu rằng Chúa Giêsu cũng đã tỏ ra “vô dụng” khi bị treo trên thập giá. Nhưng lúc Ngài xuất hiện bất lực nhất là lúc Ngài đạt được thành tựu “hữu ích” nhất. Ngài cứu độ toàn thể nhân loại. ĐC Thuận nghe Chúa nói với ngài “Con theo Ta, không phải công việc của Ta. Nếu Ta muốn con sẽ hoàn thành công việc được trao cho con”. Hiện thực này “mang đến cho tôi sức mạnh mới đã thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của tôi” về sau ĐC Thuận giải thích.

Thay đổi từ kinh nghiệm này, ĐC Thuận đã tìm thấy ân sủng để mang hy vọng đến những tình huống thất vọng. Trên chuyến tàu đi ra miền Bắc Việt Nam cùng với những tù nhân khác, ĐC Thuận đã nhìn thấy đó như là một cơ hội cho việc truyền giáo và Ngài đã có thể ngăn cản một người tù định tự tử. Tại Vinh Quang, một trại giam ở vùng rừng núi Bắc Việt Nam, ĐC Thuận cử hành thánh lễ với rượu có được từ “thuốc đau bao tử” và bánh được được giấu trong đèn pin. Ngài phân phối Mình Thánh Chúa cho những bạn tù Công giáo bên trong những chiếc mùng chống muỗi.

Tính vui vẻ của ĐC Thuận lan truyền rộng rãi giữa những người tù làm cho các cai tù không vừa ý. Họ liên tục chuyển Ngài đến những trại giam khác nhau và còn cho bạn tù theo dõi Ngài. Người này mặc dù phải tuân theo lệnh, anh ta cũng trở thành bạn của ĐC Thuận và còn nói với ĐC Thuận rằng anh ta sẽ cầu nguyện cho ngài, một lời hứa không bình thường đối với người Cộng sản.

Điều tương tự cũng đã xẩy ra khi ĐC Thuận được chuyển đến làng Giảng Xá. Dân làng đã nhanh chóng trở thành đồng minh của Ngài và người canh giữ Ngài đã bị chinh phục bởi sự tử tế của Ngài. Hệ thống do thám của Cộng sản trong làng đã bị thất bại, tất cả là bởi vì ĐC Thuận là nhân chứng của tinh thần bác ái Kitô giáo. Lúc ĐC Thuận sắp đi khỏi nơi này, Ngài đã cử hành thánh lễ cho hàng trăm dân làng và hai trong số những người chỉ điểm hắc ám nhất đã đến xin được xưng tội với ngài.

Nhà cầm quyền có thể làm gì trong khuôn mặt với đức tin nhiệt thành như thế? Họ lại giam ĐC Thuận đơn độc và thay đổi người canh gác để khỏi bị Ngài “lây nhiễm”. Những người lính gác không bao giờ nói chuyện với Ngài nhưng Ngài đã yêu thương họ. Ngài luôn mỉm cười với họ và kể cho họ nghe về cuộc sống của Ngài. Không bao lâu họ xin Ngài dậy ngoại ngữ cho họ và cả những bài hát thiêng liêng. Một người lính gác đã học bài thánh ca về Chúa Thánh Thần – bài lậy Thánh Thần Sáng Tạo, xin hãy đến – và anh ta đã hát bài hát này khi tập thể dục mỗi buổi sáng.

“Con muốn điều gì?”

ĐC Thuận không nghĩ Ngài có thể sẽ lại được tự do. Cơ hội của ngài không được sáng sủa. Năm 1985 sau  thỉnh cầu Vatican phong thánh cho 117 người Việt Nam tử đạo, ĐC Thuận đã được cho biết có thể sẽ không bao giờ Ngài được trả tự do. Việc làm của Vatican đã tạo ra qúa nhiều căng thẳng đối với chính quyền Cộng sản. ĐC Thuận không quan tâm. Ngài qúa đỗi vui mừng khi ĐTC Gioan Phalô II cử hành lễ phong thánh vào tháng 6/1988.

Với cùng sự nhẫn nhục ĐC Thuận nhớ lại mấy tháng sau đó khi điện thoại reo liên hồi, Ngài có cảm giác là cuộc gọi đó có liên quan đến Ngài và đã cầu nguyện với Đức Mẹ “Lậy Mẹ, nếu con không còn hữu dụng cho Giáo Hội trong trại giam này, xin ban cho con ân sủng và vinh dự được chết ở đây. Nhưng nếu Mẹ nghĩ con còn có thể phục vụ Giáo Hội theo cách nào khác, xin ban cho con ơn được trả tự do”.

Lời cầu nguyện của ĐC Thuận đã được đáp trả cách rõ rệt. Sáng hôm đó ngài được đưa đến gặp viên Bộ trưởng Công an, người này nói với Ngài rằng người Cộng sản không còn thù địch với gia đình Ngài nữa. Viên chức này hỏi Ngài có nguyện vọng gì đặc biệt không?

“Tôi muốn được trả tự do” ĐC Thuận đáp lại.

Với một chút hốt hoảng, viên chức này hỏi lại ngài “Khi nào anh muốn được trả tự do?”

“Ngày hôm nay”

Và đúng như vậy. ĐC Thuận đã được thả ra chính ngày hôm ấy. Đó là ngày 21 tháng 11 năm 1988 – ngày lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ và cũng là ngày kỷ niệm hôn phối lần thứ sáu mươi ba của song thân Ngài.

Sứ giả Hòa bình

Trong cuốn Đường Hy Vọng ĐC Thuận viết “Thiên Chúa thường dùng những thử thách và đau khổ để dậy chúng ta hiểu rõ hơn và kiên nhẫn hơn với những đau khổ của người khác”. ĐC Thuận khó có thể lường trước được có bao nhiêu cơ hội Ngài sẽ phải sống sự thật này: Ngài sẽ dành phần còn lại của đời mình chúc phúc người khác với những gì Ngài đã học được qua sự thử thách của Ngài.

Sau khi Cộng sản ép buộc Ngài rời khỏi Việt Nam, ĐC Thuận tới Vatican. Một trong những hoạt động chính thức đầu tiên là đi viếng thăm các công đồng Việt Nam trên khắp thế giới, nói chuyện với họ về cuộc sống của Ngài và khích lệ họ bằng đức tin sống động của ngài. ĐC Thuận trở thành người nói chuyện rất bình dân và viết thêm mấy cuốn sách đã trở thành những cuốn sách về tôn giáo bán chạy nhất.

ĐTC Gioan Phaolô II đánh giá cao đức tin và kinh nghiệm của ĐC Thuận, đã chỉ định Ngài vào Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Về sau Ngài trở thành chủ tịch của Hội đồng này, hoạt động nhân danh những dân tộc bị áp bức và bị loại trừ ở khắp mọi nơi. Năm 1999 ĐTC yêu cầu ĐC Thuận giảng thuyết trong dịp tĩnh tâm mùa Chay hàng năm cho giáo triều Vatican. ĐC Thuận đã nói về đề tài hy vọng, nhắc nhở người nghe rằng một phần của niềm hy vọng của Giáo Hội là ở trong sự giao hiệp của các tín hữu. “Đây là điểm mới lạ: người khác không phải là trở ngại cho sự thánh thiện nhưng là con đường để đi đến thánh thiện”.

Vào lúc ĐC Thuận được đề cử là Hồng y năm 2001, Ngài đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Sau gần hai năm bị bệnh, Ngài đã qua đời cách bình an vào ngày 16 tháng 9 năm 2002.

Qua những chứng tá của cuộc sống và những tác phẩm Ngài viết, Hồng ý Thuận tiếp tục sứ vụ của Ngài như là một tông đồ của hy vọng. Những lời cầu nguyện khải hoàn Ngài soạn nhiều năm trước trong một phòng giam ảm đạm vạch ra một con đường mà mỗi người chúng ta có thể theo khi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Kitô.

Con hát về lòng thương xót của Người trong bóng tối, trong sự yếu đuối của con, trong sự hủy diệt của con. Con chấp nhận thập giá của con, và con trồng nó, với đôi bàn tay của con, trong trái tim con. Nếu Người cho phép con được chọn, con sẽ không thay đổi gì, bởi vì Người đang ở với con! Con không còn sợ nữa, con đã hiểu. Con đang theo Người trong cuộc tử nạn và phục sinh của Người.

Vào ngày 16 tháng 9 năm 2007, dịp lỷ niệm lần thứ năm ngày qua đời của Hồng y Nguyễn Văn Thuận, Giáo hội Công giáo Rôma đã chính thức mở tiến trình phong chân phước cho Ngài./.

(Nguồn:https://wau.org/resources/article/re_francis_xavier_nguyen_van_thuan_ap...)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét