Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Nuôi con “7 điều không trách


Cổ  huấn:  Nuôi  con  “7  điều  không  trách”
Thiên Cầm•Chủ Nhật, 17/05/2020 • trithucvnnet

 

(Ảnh: unsplash)


Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, phương thức giáo dưỡng con cái của mỗi bậc cha mẹ cũng khác nhau. Trong “Thái Bình Kinh” có đề cập rằng: “Con người từ khi sinh ra đến khi già đi, cho tới khi có con cháu của riêng mình, là cha mẹ của người khác, thì đều không dễ dàng.” Là cha mẹ, muốn giáo dưỡng tốt con cháu mình, thì thường ngày đã phải chú trọng tới phương pháp giáo dục, giúp trẻ có thành tựu của riêng mình. Do đó, về phương diện nuôi con, giáo dục con cái, cần chú trọng tới “thất bất trách”, bảy điều không trách mắng con trẻ.

Chốn đông người không trách
Cổ nhân có câu rằng: “Ti ấu hữu quá, thận kỳ sở dĩ trách nhượng chi giả”, nghĩa là khi con trẻ mắc lỗi, không nên trách mắng chúng giữa chốn đông người.

Bởi lẽ thường giáo huấn, chì chiết trẻ trước mặt người khác, hoặc coi chuyện xấu của trẻ thành trò đùa mà kể đi kể lại cho người khác, sẽ khiến trẻ xấu hổ. Điều này không chỉ tổn hại tới sự tôn nghiêm của trẻ, mà lâu ngày còn khiến trẻ trở nên chai lỳ, sẽ không cảm thấy hối lỗi, chỉ coi đây như chuyện bình thường, vô tình sẽ cường điệu thêm hành vi sai lầm của trẻ.

Hối lỗi không trách
Khi trẻ cảm thấy xấu hổ và hối lỗi, cha mẹ cũng không nên tiếp tục phê bình và trách mắng. Nuôi dưỡng con cái cần đặc biết chú ý điều này, vì nếu không sẽ gây ảnh hưởng phụ diện sâu hơn cho tâm lý trẻ, không có lợi cho sự trưởng thành lành mạnh của trẻ. Nhân vô thập toàn, điều quan trọng nhất và đáng quý nhất của con người là biết nhận sai và sửa lỗi.

Đêm hôm không trách
Trước khi con cái đi ngủ, cha mẹ phải nhớ kỹ không được trách mắng chúng. Bởi lẽ đã đến khoảng thời gian trẻ chuẩn bị đi ngủ, nếu lúc này các bậc phụ huynh trách mắng sẽ khiến trẻ đi ngủ trong tâm trạng buồn bã, lạc lõng. Như vậy hoặc là trẻ sẽ không thể ngủ được, rất có thể sự việc chưa được giải quyết xong, thì sức khoẻ của trẻ đã bị hao tổn trước rồi.

Ăn uống không trách
Cùng với nhịp sống tăng nhanh, thời gian cha mẹ và con cái ở bên nhau ngày càng ít đi. Lúc này, ba bữa cơm canh hàng ngày, đặc biệt là bữa tối đã trở thành cơ hội hiếm có để cả nhà gặp mặt nhau.

Cha mẹ có thể đột nhiên nhìn thấy hoặc nghĩ tới vấn đề gì của con, và “tranh thủ thời gian” giáo dục chúng. Nhưng cách làm này không những sẽ ảnh hưởng tới cảm giác thèm ăn của trẻ, mà còn dẫn tới tình trạng tỳ vị hư nhược. Hơn nữa nếu là trẻ nhỏ thì vừa ăn vừa khóc dễ khiến đồ ăn rơi vào thanh quản, khiến trẻ bị sặc.

Ngoài ra, điều này còn phá hoại khoảng khắc yên bình của gia đình, khiến trẻ cảm thấy ăn cơm với cha mẹ là một chuyện vô cùng thống khổ, tạo thành áp lực tâm lý và khoét rộng thêm hố sâu ngăn cách.

Cao hứng không trách
Khi con cái đang vô cùng cao hứng cũng không nên trách mắng chúng. Khi con người vui vẻ mà bị trách mắng sẽ gây ra phản ứng tâm lý ngược, hết sức không tốt. Đương nhiên việc nhắc nhở một cách thích đáng cũng là điều nên làm, nhưng đạo lý lạc cực sinh bi, vui quá hoá buồn cha mẹ cũng cần nhớ kỹ để nhắc nhở con.

Bi thương không trách
Không ít bậc cha mẹ sẽ cảm thấy bất lực, bất an, thậm chí chán ghét, phẫn nộ khi trẻ khóc lóc. Kỳ thực, khóc là quá trình tất yếu giúp trẻ chữa lành viết thương về tình cảm. Lúc này nếu cha mẹ càng trách mắng trẻ sẽ càng cảm thấy nặng nề hơn, khiến tinh thần suy sụp và trở nên tự ti.

Cha mẹ phải thấu hiểu nhu cầu được khóc của trẻ. Nếu trẻ khóc vì bị ngã, chỉ cần ôm con vào lòng và nghe con khóc. Đợi tới khi trẻ khóc đủ rồi, đã tìm lại được cảm giác an toàn và tự tin thì hãy nói với con rằng: “Chỗ con vừa ngã khi nãy có nước” là đủ. Trẻ cũng sẽ tự tin trả lời rằng: “Lần sau con sẽ cẩn thận hơn. Mẹ yên tâm!”

Đau ốm không trách
Khi trẻ con đau ốm không nên trách mắng chúng. Khi ốm yếu là lúc con người cảm thấy yếu đuối nhất. Lúc này thứ con cái cần hơn là sự quan tâm và tình cảm ấm áp của cha mẹ, điều này còn hữu hiệu hơn bất kỳ loại thuốc nào. Thậm chí nó còn giúp con nhìn ra lỗi lầm của mình ngay cả khi cha mẹ không trách.

Nuôi con không chỉ nằm ở việc cho con được ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp, mà quan trọng hơn là thấu hiểu tâm lý của trẻ. Một phương pháp nuôi con đúng đắn sẽ giúp trẻ luôn sẵn sàng kết nối và mở lòng với cha mẹ, khiến gia đình thực sự là mái ấm, là bến đậu bình yên trong tâm hồn trẻ.

Thiên Cầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét