Thứ năm, 11/2/2021, VnExpress.net
Chào xuân Tân Sửu
Người Việt chào đón năm mới khác với mọi năm khi đêm giao thừa không còn cảnh dòng người chen chân ở trung tâm các đô thị lớn. Hà Nội chỉ có một điểm bắn pháo hoa phục vụ người dân xem qua truyền hình.
- Ngày 11/2/2021
- 0h15
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc thư chúc Tết
Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước.
Xuân Tân Sửu 2021 đang rộn rã về trên đất nước Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta! Vào thời khắc giao thừa thiêng liêng và đầy cảm xúc này, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thân ái gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Tôi cũng xin gửi tới bạn bè năm châu, nhân dân các nước lời chúc hoà bình, hữu nghị, hợp tác, tiến bộ và phát triển.
Năm Canh Tý 2020 vừa đi qua với biết bao nhiêu các sự kiện trọng đại đáng nhớ, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa kết thúc thành công tốt đẹp, rực rỡ.
Trong năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật: Kinh tế tiếp tục phát triển; chính trị xã hội ổn định; an ninh, quốc phòng được bảo đảm; hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Điểm nhấn là vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 có hiệu quả, vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội; chuẩn bị và tổ chức rất thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, để lại những ấn tượng rất tốt đẹp, góp phần củng cố và tăng thêm niềm tin, lòng tự hào dân tộc, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương, trân trọng cảm ơn đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước về những đóng góp to lớn vào những thắng lợi và thành công trong năm qua.
Bước sang năm mới Tân Sửu 2021 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; với ý chí và quyết tâm vươn lên phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy ý chí, quyết tâm và những thành quả của năm Canh Tý 2020, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ hơn nữa công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, giành nhiều thắng lợi mới, to lớn hơn nữa, vẻ vang hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa muôn vàn thân yêu của chúng ta.
Chúc toàn thể đồng bào, đồng chí, mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam sang năm mới có nhiều sức khoẻ, niềm vui, hạnh phúc và thành công!
Mừng Xuân mới khí thế mới, thắng lợi mới!
Nhà nhà vui tươi, người người hạnh phúc!
Chào thân ái và quyết thắng!
- 0h00
Pháo hoa trên bầu trời Hà Nội
- Ngày 10/2/2021
- 23h50
Nhiều người Đà Nẵng đón giao thừa bên sông Hàn
Nhiều người dân Đà Nẵng ra điểm trang trí hoa xuân ven sông Hàn dạo chơi chờ thời khắc Giao thừa. Năm nay đường hoa được trang trí đẹp mắt, với các tiểu cảnh xen lẫn mô hình linh vật của năm Tân Sửu. Hầu hết mọi người đều chấp hành đeo khẩu trang, chỉ tháo ra khi chụp ảnh lưu niệm. Số lượng người cũng không tập trung quá đông, chủ yếu đi chơi theo gia đình.
Chị Nguyễn Thị Nga, 34 tuổi (trú quận Hải Châu), cùng chồng và hai con gái ra dạo chơi ở điểm trang trí hoa Tết trước toà nhà HĐND TP Đà Nẵng, cho biết đây là thói quen của gia đình. "Năm nay thành phố huỷ bắn pháo hoa đêm Giao thừa để đảm bảo công tác phòng chống dịch, công viên cũng không mở cửa nên không khí có chùng xuống hơn so với năm trước", chị nói và mong muốn "năm mới mọi người cùng mạnh khoẻ"".
Trên đường phố Đà Nẵng, không khí vắng vẻ hơn những năm trước. Đường Lê Duẩn nối về trung tâm thành phố cũng không bật đèn điện trang trí năm mới. Nhiều người dọn mâm cúng giao thừa sớm. Nhộn nhịp nhất là một số quán cà phê, quán nhậu còn mở cửa. Nhiều người không có nhiều điểm vui chơi đã chọn quây quần bên người thân, bạn bè trong quán xá.
- 23h47
Người Sài Gòn đến chùa cầu an đêm giao thừa
23h45 tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, nhiều người đến thắp hương, dâng hoa cầu an mong sự an lành đến với bản thân và gia đình năm mới. Nhiều người đứng cầu khấn, lặng lẽ chờ thời khắc giao thừa. Để phòng dịch, nhà chùa liên tục phát loa nhắc "Xin quý phật tử hoan hỷ đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi vào chùa. Quý phật tử vui lòng chỉ thắp ba nén nhang". Nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang cũng được chuẩn bị sẵn ở cửa ra vào.
Chùa Vĩnh Nghiêm rộng khoảng 6.000 m2, được xây năm 1964 và là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại TP HCM. Nơi này là địa điểm nhiều gia đình thường đến vào thời khắc giao thừa hoặc đi chùa đầu năm sáng mùng 1 Tết. "Lên chùa lễ Phật giúp suy nghĩ an yên hơn và mong chờ những điều tốt lành sẽ đến vào năm mới", bà Phương Lan, ngụ quận 4 nói.
- 23h45
Lời nhắn gửi hậu phương từ chốt chống dịch
Cách giao thừa 30 phút, đại úy Hoàng Văn Toán, Chốt kiểm soát mốc giới 457 (Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang) gọi video về cho vợ sau phiên tuần tra dọc đường biên. Đồng đội ngồi bên, đốt một đống lửa sưởi ấm trong đêm xuân lạnh 6 độ C. Anh hỏi mấy mẹ con đón giao thừa tới đâu, và dặn vợ "Cứ yên tâm, chồng ở trên này vẫn tốt, không thiếu thốn gì". Cán bộ chiến sĩ thay nhau gửi lời chúc đến gia đình anh Toán ở Bắc Quang (Hà Giang). "Vợ xin chúc chồng và anh em đơn vị, các anh trên chốt đón Tết mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh cứ yên tâm công tác", vợ anh đáp lời.
- 23h40
Tết vắng lặng của người Việt ở Mỹ
Ông Nguyễn Dục, 54 tuổi, ở thành phố Wylie, tiểu bang Texas (Mỹ) cho biết, lúc này đang là buổi sáng. Thời tiết rất lạnh và rét. Bên ngoài, đường phố vắng lặng.
Ông Dục cho hay, khu ông sống có nhiều cửa hàng bán món ăn, thực phẩm của Việt Nam và có cả bánh Tét. Mọi năm, đêm giao thừa ông và vợ sẽ đi mua vài thứ bài trí cúng, cho có không khí Tết. Tuy nhiên lần này thời tiết khắc nghiệt, nên họ không thể đi mua sắm và phải nghỉ làm ở nhà trong nhiều ngày. "Chúng tôi chỉ tận dụng lại thực phẩm trong nhà gồm cá, thịt, măng khô... và vợ nấu vài món ăn Việt để cúng", ông nói.
Gia đình ông Dục định cư Mỹ được 6 năm. Hồi tháng 10/2019, họ về quê nhà tại tỉnh Thừa Thiên Huế và dự tính năm nay sẽ về đón Tết tại quê hương. Thế nhưng, ảnh hưởng Covid-19, khiến mọi kế hoạch bị đảo lộn. Suốt một năm qua, họ nhiều lần bị đứt quãng công việc, liên tục ở nhà.
Ông nói, trong dịp Tết không được về Việt Nam rất buồn. Hơn nữa, ông còn cha già ngoài 80 tuổi, còn các em đi làm xa và dịch bệnh bùng phát nên không ai về cùng cha những ngày này, nên càng buồn hơn.
Từ nhiều hôm trước, vợ chồng ông Dục nhờ người thân ở quê mua sắm Tết cho cha và liên tục điện thoại để ông được an lòng. Năm mới, ông Dục gửi lời chúc đến mọi người, đến gia đình của mình và mong mọi thứ bình an.
Trong căn nhà nhỏ ở TP Clarksville, bang Tennessee, Mỹ, anh Sơn Bùi xin nghỉ làm một ngày để cùng con gái tự tay trang trí không gian Tết. Một cành cây khô được anh chặt ngoài vườn, đính thêm những bông hoa giả màu vàng, kèm câu đối đỏ, giống hệt như cành hoa mai. Anh Sơn cho biết đây là năm thứ 4 ở Mỹ. "Năm nào tôi cũng tranh thủ về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình nhưng năm nay ở đây vì Covid-19", anh nói.
- 23h30
Bình Dương
22h, UBND TP Thuận An quyết định tháo gỡ khoanh vùng y tế vòng ngoài tại chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú sau 6 ngày phong tỏa. Địa phương này chỉ giữ lại cách ly tòa nhà C2, nơi ở của hai bệnh nhân 1979 (nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất) và 1980 (em "bệnh nhân 1979") với khoảng 600 người, cách ly đến 20/2 theo quy định.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết khu vực dỡ phong tỏa vẫn thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Sau khi công bố quyết định thu hẹp phạm vi phong tỏa, nhiều chốt chặn, hàng rào đã được lực lượng chức năng tháo gỡ, thu dọn. Người dân hò reo, vui mừng đón giao thừa.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu sàng lọc trong cộng đồng đối với khu dân cư Ehome 4, sử dụng phương pháp mẫu gộp. Kết quả, 73 trường hợp F1, 39 trường hợp F2 của "bệnh nhân 1980" và 87 mẫu gộp của 236 người dân đều âm tính nCoV.
- 23h20
Bà Rịa - Vũng Tàu: Cứu người bị tai biến trong đêm 30 Tết
Đêm giao thừa, Câu lạc bộ hỗ trợ sự cố giao thông miễn phí TP Bà Rịa nhận cuộc gọi của người dân đề nghị hỗ trợ đưa người thân bị tai biến. 6 thành viên trong đội tức tốc lên đường. Hơn mười phút sau, người phụ nữ lớn tuổi được xe cứu thương của đội đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Vừa xong việc, điện thoại của nhóm liên tục đổ chuông và một người đi đường bị hỏng xăm được trợ giúp. Nhận lời cám ơn, họ chúc người gặp sự cố một năm mới sức khỏe và may mắn.
Hai năm qua, câu lạc bộ gồm 14 thành viên thay phiên nhau hỗ trợ người đi đường ở TP Bà Rịa và vùng lân cận gặp sự cố, tai nạn hàng đêm từ 9h tối đến 3h sáng hôm sau. Năm nay, nhóm làm việc xuyên Tết. "Được giúp người dân gặp nạn trên đường, nhất là trong những ngày Tết là niềm hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi", anh Nguyễn Tấn Phúc, thành viên trong câu lạc bộ nói. - 23h00
TP HCM: Chuyến xe cuối cùng đưa người dân về quê ăn tết
Tại bến xe miền Đông, chuyến xe cuối cùng năm Canh Tý đưa khách về quê đón tết đã khởi hành lúc 23h. Vẻ mặt háo hức sau khi đã yên vị trên giường nằm của chiếc xe 29 chỗ chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, lập trình viên cho biết, ban đầu chị có ý định không về Đà Lạt do lo sợ sẽ bị cách ly và ảnh hưởng đến công việc nhưng đã đổi ý vào phút chót.
"Mẹ tôi ở nhà một mình gọi điện khóc nên đã quyết định mua vé về quê cùng mẹ", chị Trâm nói và cho biết sẽ tự giác cách ly tại nhà để đảm bảo phòng chống dịch. Đi cùng chuyến xe với nữ lập trình viên, một nam hành khách khác cho biết, do giải hoàn thành công việc vào lúc 21h ngày 30 Tết nên phải bắt chuyến xe cuối cùng về quê.
Để khích lệ tinh thần của hành khách, ông Phạm Viết Nghĩa, đại diện bến xe miền Đông đã tặng một người phần quà cùng lì xì trước thời khắc xe khởi hành. Nhiều năm liền đón giao thừa trên cabin, tài xế Thành (52 tuổi) cho biết, tình hình dịch bệnh năm nay đã khiến người khách về quê ít đi nhiều. "Khi chạy vào đêm giao thừa. Tôi thấy trọng trách lái xe an toàn của mình lớn hơn. Khi thấy khách đã về tới nhà tôi thấy vui lắm", ông Thành nói.
- 23h00
Trực kiểm soát y tế đêm giao thừa ở TP Chí Linh
Bên trong ổ dịch TP Chí Linh (Hải Dương), hàng trăm chốt kiểm soát y tế trực thông Tết. Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết, mỗi chốt trực gồm 4 lực lượng quân sự, công an, y tế và tình nguyện viên. Những người này được chia thành 3 ca trực mỗi ngày kể cả trong những ngày Tết để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. "Chúng tôi đang đi đến các chốt trực để động viên các lực lượng khi phải làm việc xa nhà nhà, xa gia đình trong thời khắc giao thừa cũng như những ngày Tết sắp tới" ông Hưng nói.
- 23h00
TP Vinh
Gần 23h trời se lạnh, đường phố TP Vinh khá đông xe cộ song mật độ ít hơn so với đêm hôm qua. Dọc đường Trần Phú, đại lộ Lê Nin, Phan Đình Phùng, Lê Mao... vẫn còn nhiều hàng quất, đào bày bán. Một số khách cho hay, họ đợi đêm cuối năm mới đi mua nhằm tìm hàng hạ giá. "Loại quất những ngày trước giá một triệu đồng mỗi chậu thì hôm nay hạ xuống 700.000 đồng", anh Phạm Văn Huy, chủ buôn quất nói.
Khuôn viên quảng trường Hồ Chí Minh ở trung tâm thành phố Vinh đêm nay vắng vẻ, khác với cảnh chen chân chờ xem pháo hoa những năm trước.
UBND tỉnh Nghệ An đã hủy bắn pháo hoa tại hai điểm ở thành phố Vinh, trong đó có một điểm tại quảng trường. "Năm trước tôi đưa vợ con ra quảng trường cùng với nhóm bạn thân đợi xem thời khắc bắn pháo hoa, chúc tụng nhau năm mới trước khi trở về nhà. Năm nay mọi người đều nói với nhau chỉ chúc nhau qua tin nhắn và gọi điện để phòng Covid-19", anh Đồng Quang Vinh, trú thành phố Vinh, nói.
- 22h55
Người dân Bình Thuận đón giao thừa tại nhà
Hưởng ứng lời kêu gọi của ngành y tế, người dân Bình Thuận không tụ tập đông người trong những ngày Tết nguyên đán để phòng dịch.
Tại xã Trà Tân (huyện Đức Linh), đa phần người dân trong đêm 30 Tết ở nhà, hạn chế ra đường. Ngày cuối cùng của năm ít xe cộ xe đường như mọi năm. Người dân quanh quẩn trước sân, chờ đón thời khắc giao thừa.
Ông Phạm Ngọc Thành, 52 tuổi (thôn 5) sau khi đi ăn tất niên bên nhà hàng xóm, ông ra trước sân nhà ngắm nghía những cành hoa mai vừa bung nở vàng rực đón chào xuân mới. "Tôi quê ở Quảng Bình vào Nam lập nghiệp hơn 30 năm, ngắm mai vàng nở vào đêm giao thừa thực sự thú vị", ông Thành nói.
Người Công giáo địa phương cũng vừa dự lễ tất niên tại Nhà thờ Khiết Tâm trở về. Họ chuẩn bị làm mâm cơm đón giao thừa theo phong tục truyền thống người Việt, cầu mong chúa xuân chúc lành mang an vui đến cho muôn nhà.
"Tống cựu nghinh tân, ai cũng mong những xui rủi của dịch bệnh năm cũ sẽ qua mau để người dân Việt Nam được yên lành", bà Đào Thị Kim Xuyến, người dân Trà Tân mong ước. - 22h50
Công viên Lý Tự Trọng bên sông Hương vắng người
Công viên Lý Tự Trọng bên dòng sông Hương thưa vắng người trong đêm 30. Công nhân môi trường và công trình đô thị bắt đầu công thu gom rác thải khi chưa đến 24h. Chị Nguyễn Thị Thu Sương, 36 tuổi, TP Huế, cho biết năm nay không khí đón giao thừa hơi tẻ nhạt khi các chương trình nghệ thuật chào đón năm mới đã bị hủy bỏ. " Mọi năm, tôi đều ra đây chờ xem pháo hoa xong mới về nhà. Năm nay pháo hoa không bắn, chương trình văn nghệ mừng năm mới cũng hủy nên tôi đưa hai con ra công viên ngắm đài phun nước rồi về" chị Sương nói và cho biết, mong năm mới dịch bệnh Covid-19 sẽ được khống chế.
Trên phố, nhiều người dân ở TP Huế cũng bắt đầu bày biện mâm cổ cúng giao thừa. Một số gia đình cúng sớm để đi ngủ thay vì chờ đón thời khắc năm cũ chuyển sang năm mới.
- 22h50
Hàn Quốc
Chị Lại Thị Thêu, 30 tuổi, cho hay sau 5 năm sang Hàn Quốc lần đầu tiên không về quê đón Tết. Xa quê vào dịp cuối năm, Thêu thấy trống trải, cô đơn. Nữ sinh viên đang học Ngữ Văn Hàn, Đại học Kyonggy, Hàn Quốc. Tại thành phố Suwon, nơi cô sống hơn 12h và đang âm 1 độ. Trời rất lạnh.
Thêu thuê căn phòng khá nhỏ, hơn 20 m2. Xung quanh có nhiều người Việt nhưng do dịch và lệnh cấm tụ tập quá 5 người nên Thêu phải học online và ít gặp bạn bè.
Hôm nay, Thêu mua một ít trái cây, cắm hoa, rồi gọi cho người thân là cha mẹ và em gái đang ở tỉnh Bình Phước. Thêu miêu tả, qua cuộc gọi, mọi người đều buồn. Tuy nhiên, ba mẹ động viên, nói rằng do dịch xa cách, mong dịp tới khi có thời gian cả nhà xum vầy. "Mình thấy cả nhà khỏe mạnh, ở đây cũng an tâm hơn", Thêu nói và cho hay khi dịch được khống chế, các chuyến bay được kết nối thì mong muốn về thăm gia đình.
- 22h35
Tết tại biên giới Hà Tĩnh
Tại Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), đóng ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, hàng chục cán bộ, chiến sĩ trực chốt tại đây đã gom củi lại để chuẩn bị đốt lửa trại.
Đại úy Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cho biết quân số của đơn vị chỉ về ăn Tết 20%, còn lại trực chiến. Trạm duy trì 8 chốt để ngăn người vượt biên, trong đó 6 chốt ở hai bên cánh gà cửa khẩu hai chốt còn lại đặt ở dọc quốc lộ 8A (mỗi chốt tùy vào địa hình sẽ bố trí từ 8 đến 20 người).
"Khoảng nửa tiếng, trinh sát lái xe máy từ Trạm kiểm soát đi xuống địa bàn lân cận để tuần tra. Cán bộ chiến sĩ xác định, bên cạnh đón năm mới thì nhiệm vụ ngăn người vượt biên vẫn là trên hết, bởi dịch bệnh đang phức tạp, không thể chủ quan", đại úy Hùng nói. Trước đó, ngày hôm qua, Trạm biên phòng cửa khẩu Cầu Treo đã tổ chức gói 160 chiếc bánh chưng, chuẩn bị sẵn thực phẩm để đón năm mới và làm nhiệm vụ xuyên Tết.
- 22h35
Đồng Nai
22h15, thời tiết TP Biên Hòa mát mẻ. Do ảnh hưởng của Covid-19, toàn tỉnh thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội nên nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật, bắn pháo hoa phải dừng.
Tại đường hoa chừng 200 m nằm xen giữa công viên đi bộ Nguyễn Văn Trị bên sông Đồng Nai, người dân vẫn tham quan, chụp ảnh làm kỷ niệm. Đường hoa năm nay được làm đơn giản, không hoành tráng cầu kỳ như mọi năm.
Trong khi đó, một số tuyến đường trung tâm Biên Hòa trở nên vắng vẻ hơn khi các quán nhậu, karaoke... buộc phải đóng cửa theo quyết định của UBND tỉnh ngày 9/2. Chị Trần Thị Lan Anh (27 tuổi, quê Nghệ An) cùng bạn trai đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đi chơi ở đường hoa thay bằng ở nhà. "Do lương thưởng giảm so với mọi năm nên tôi quyết định ở lại, ra Tết sẽ thu xếp thời gian về quê. Sang năm mới chỉ mong gia đình bình an, thế giới vượt qua khỏi đại dịch", chị Lan Anh nói.
Theo Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, khoảng 45.000 công nhân, lao động ngoại tỉnh không về quê đón Tết Tân Sửu 2021. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay các cấp công đoàn đã trao tặng hơn 4.700 phần quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm liền không có đủ điều kiện về quê đón Tết. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết trong năm 2020, Covid-19 xảy ra phức tạp trên thế giới nên đã gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai. Điều này đã khiến thu nhập của nhiều công nhân lao động cũng bị giảm so với nhiều năm trước. Trước tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo Đồng Nai mong muốn trong những ngày trong và sau Tết, công nhân tiếp tục thực hiện tốt các quy định về phòng, chống Covid-19, nhằm chung tay cùng cả nước và Đồng Nai vượt qua đại dịch.
- 22h30
Quảng trường tại TP Hạ Long vắng người
Quảng Trường 30/10, TP Hạ Long khá vắng vẻ, chỉ một số bạn trẻ đi dạo ở đây. Các tuyến đường trung tâm TP Hạ Long cũng ít phương tiện di chuyển. Một số quán cà phê mở cửa nhưng ít khách. "Lần đầu tiên em thấy đêm giao thừa mà khu vực quảng trường 30/10 lại vắng người đến vậy. Mọi năm khu vực này thường tổ chức chương trình nghệ thuật đón năm mới. Năm nay Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mọi người cũng hạn chế ra đường. Em mong sang năm mới dịch bệnh sẽ qua đi", Ngọc Lan 24 tuổi, TP Hạ Long nói.
- 22h25
Nha Trang
- 22h18
Hành khách đợi chuyến tàu cuối năm ở ga Hà Nội
Hơn 10 hành khách ngồi tại sảnh chờ Ga Hà Nội để đón chuyến tàu Bắc - Nam cuối cùng của năm Canh Tý. Bạn Việt Đức (20 tuổi) quê Quảng Bình là sinh viên một trường quân đội vừa hoàn lịch trực Tết bắt chuyến tàu cuối cùng khởi hành lúc 22h. Đây là năm đầu tiên Đức không ăn bữa cơm chiều 30 cùng gia đình, tàu đến Quảng Bình cũng đã qua thời điểm giao thừa.
"Năm mới tôi mong muốn mọi người bình an, dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống sớm ổn định trở lại", bạn Đức bày tỏ và nói trong 10 ngày nghỉ phép sẽ ở bên gia đình, hạn chế ra ngoài đường, gặp mặt để đảm bảo an toàn phòng dịch.
- 22h10
Bà Rịa -Vũng Tàu tiết trời mát mẻ, hàng trăm người đổ về hội hoa xuân trên đường Phạm Văn Đồng (TP Bà Rịa) vui chơi. Cảnh đông đúc không bằng mọi năm. Tại đây lực lượng chức năng chốt chặn yêu cầu người dân đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào cổng.
Chị Nguyễn Thùy Trang (35 tuổi) cho biết, năm qua công việc nhiều xáo trộn và khó khăn nên Tết đến không sắm sửa gì nhiều. Ngày cuối năm, chị làm mâm cúng tất niên, gia đình quây quần bên nhau. "Cuộc sống hiện tại của vợ chồng tôi khá khó khăn nên sẽ đón cái Tết đơn giản nhất có thể", chị Trang nói.
Cạnh đó, Lê Thị Vân Minh (16 tuổi) mặc bộ đồ hình gấu mời một vài người đang chụp ảnh mua kẹo. Nữ sinh lớp 10 cho biết, chia tay ba, mẹ dắt em vào TP Bà Rịa thuê trọ sống nhiều năm nay. Mẹ làm thuê bằng đủ thứ nghề nuôi em khôn lớn. Ba năm qua, khi mẹ bệnh không thể lao động nặng, em tranh thủ những ngày nghỉ Tết, lễ và thời gian rảnh đi bán ở các quán nhậu, công viên kiếm tiền trang trải việc học.
"Dịch bệnh khiến mọi người ít đến nơi công cộng hơn và dường như đắn đo hơn khi mua các món hàng vặt nên khoản tiền em kiếm được ít hơn", Minh nói. Nữ sinh mong ước năm mới hai mẹ con khỏe mạnh, công việc tốt hơn.
- 22h00
Tết của người xuất khẩu lao động
22h (tính theo giờ Việt Nam), anh Nguyễn Văn Sơn (quê Thanh Hoá) và bạn cùng phòng Lê Quốc Hải (quê Bến Tre) đang ở thành phố Matsuyama, tỉnh Ehima (Nhật Bản), quyết định đi ngủ sớm. Những năm trước, dù múi giờ lệnh 2 tiếng đồng hồ, Sơn vẫn cùng các công nhân lắp ráp máy nông nghiệp ở chung khu trọ vẫn mở tiệc, tự làm những món ăn ngày Tết và chờ thời khắc Giao thừa để gọi điện về Việt Nam chúc Tết người thân.
Năm nay do ảnh hưởng của Covid-19, địa phương thực hiện cách ly xã hội, nên ngoài đường không một bóng người. Ở khu Sơn ở, mỗi ngày đều có hàng trăm ca mắc Covid-19. Ảnh hưởng của dịch bệnh, các công nhân cũng bị giảm giờ làm và thu nhập. Tết năm nay, Sơn được bạn gái cùng đang xuất khẩu lao động ở thành phố Hyrosima gửi tặng bánh chưng, do các nữ công nhân ở đây cùng nhau gói. Đó là tất cả hương vị món ăn ngày tết của chàng thanh niên 26 tuổi.
"Thực sự rất nhớ nhà", Sơn chia sẻ. Năm mới này, Sơn mong muốn dịch bệnh được kiểm soát để được về quê với gia đình. Cậu đã hết hợp đồng lao động sáu tháng qua, nhưng bị mắc kẹt do chưa nối lại các chuyến bay.
- 21h55
Tết ở nơi điều trị bệnh nhân Covid tại Đà Nẵng
Bác sĩ Lê Thành Phúc - Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, cho biết các nhân viên y tế đang chuẩn bị để lúc 23h, Bộ Y tế giao ban trực tuyến, báo cáo về tình hình Covid-19 tại đầu cầu Bệnh viện Phổi và một số bệnh viện khác trên cả nước.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị cho 11 bệnh nhân Covid-19 (nhập cảnh).
"Tết hay không Tết thì các ekip vẫn làm việc bình thường", bác sĩ Phúc nói và cho biết trước Tết bệnh viện đã luôn phiên cho đội ngũ bác sĩ nhiều tháng điều trị cho các bệnh nhân được về cách ly và ăn Tết với gia đình.
Các bác sĩ sẽ vào bệnh viện làm việc 14 ngày, sau đó ra cách ly, luôn chuyển thường xuyên. Món ăn ngày Tết vẫn diễn ra ở căng tin, với các suất ăn theo quy định. Năm nay, bệnh viện trang trí 10 chậu cúc dọc các hành lang, khuôn viên và một cây quất ở sảnh chính như mọi năm.
"Khác của Tết năm nay so với những năm trước là có bệnh nhân Covid", bác sĩ Phúc nói thêm. Lãnh đạo thành phố đã ủng hộ, tặng quà bằng tiền mặt để động viên các bác sĩ làm nhiệm vụ ở Bệnh viện Phổi. Bác sĩ Phúc nói rất nhiều đồng nghiệp của mình cũng đang ở tuyến đầu chống dịch, không ăn Tết, trong đó một đoàn nhân viên y tế của Đà Nẵng đang ở Gia Lai để hỗ trợ địa phương truy vết, cách ly các ca bệnh. "Trước thềm năm mới, điều tôi mong muốn nhất là anh em có sức khoẻ, đoàn kết để chiến thắng Covid-19", bác sĩ Phúc nói thêm.
- 21h55
TP HCM
Đêm 30 Tết, nhiều em nhỏ đeo khẩu trang, được bố mẹ chở ra phố đi bộ Nguyễn Huệ và khuôn viên trước Nhà hát Thành phố nô đùa.
- 21h50
Tuần tra biên giới trong đêm giao thừa
Khi người dân thành phố đổ ra đường, ngồi trước tivi xem Táo quân, bộ đội biên phòng vẫn tuần tra chống xuất nhập cảnh trái phép nơi biên cương phía Bắc. Hơn 21h, từ chốt kiểm soát mốc giới 457, đồn biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang), thượng úy Nguyễn Xuân Cháng cho biết tổ công tác chuẩn bị đi tuần tra theo kế hoạch và sẽ kéo dài qua đêm giao thừa. Hoạt động kiểm soát biên giới thậm chí còn siết chặt hơn ngày thường, đề phòng người lợi dụng đêm giao thừa vượt biên trái phép hoặc kẻ gian xâm phạm an ninh biên giới.
Từ 28 Tết đến nay, bộ đội trên chốt "dễ thở" hơn khi lao động ngưng đổ về qua đường mòn, lối mở. Trước đó, đồn vẫn tiếp nhận công dân nhập cảnh trái phép Trung Quốc trao trả về. Chốt kiểm soát Covid-19 nằm ở độ cao 1.700 m thuộc xã Thượng Phùng. Nhiệt độ đêm nay còn 6 độ C, thấp hơn miền xuôi khoảng chục độ. "Rất rét", anh Cháng nói. Đêm giao thừa trên chốt năm nay không có hoa đào, nhưng đầy đủ mâm ngũ quả, bánh chưng, mứt dừa... các đoàn thể tặng.
"Dù Tết đến xuân về, chúng tôi vẫn sẽ tuần tra bảo vệ vững chắc biên giới, để nhân dân cả nước đón năm mới an toàn", thượng úy Cháng nhắn nhủ. Trước thềm năm Tân Sửu, điều ước của người lính trên chốt không gì khác ngoài "năm mới hết dịch, để cuộc sống trở lại bình thường, nhà nhà được đoàn tụ".
- 21h45
Hà Nội
Lúc 20h45, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đến dâng hương tại Tượng đài Lý Thái Tổ; thăm hỏi chúc Tết đại diện người cao tuổi, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động TP Hà Nội.
- 21h40
Gia Lai, người dân mong dịch bệnh sớm qua
21h, thời tiết Pleiku se lạnh, nhiệt độ 18 độ C. Hàng trăm người dân mặc áo ấm, đeo khẩu trang đổ về quảng trường Đại Đoàn Kết chụp hình.
Đường phố Pleiku đêm nay đông đúc hơn mấy ngày dịch bệnh mới bùng phát hồi đầu tháng 2, điện đường sáng trưng. Nhiều quán cà phê vẫn còn mở đón khách. Một số cửa hàng thời trang vẫn chưa đóng cửa.
Anh Ksor Lành, 35 tuổi, ở huyện Chư Păh chở con trai lên phố từ sớm. Hai bố con loanh quanh sắm sửa quần áo, giày dép. Đến tối, họ đến đường hoa ở quảng trường Đại Đoàn Kết chụp hình, và mua cá viên chiên ăn. Anh Lành bảo, năm vừa qua cà phê mất mùa, mất giá, dịch bệnh kéo dài, vợ chồng anh phải làm thuê làm mướn khắp nơi, lo cho hai đứa con ăn học."Mong muốn sang năm mới, dịch bệnh được kiểm soát để người dân yên tâm làm ăn", anh Lành nói.
Trong đợt dịch bệnh bùng phát 15 ngày qua, Gia Lại đã ghi nhận 27 ca Covid-19, là vùng lớn thứ năm cả nước sau Hải Dương (383), Quảng Ninh (59), TP HCM (34), Hà Nội (29).
- 21h30
TP Thủ Đức giao thừa vắng người
Nhiệt độ ngoài trời khoảng 27 độ C. Thời tiết mát mẻ nhưng các tuyến phố khá vắng lặng, thưa người. Khu vực cao ốc Landmark 81 (quận Bình Thạnh) - nơi trước đó dự kiến bắn pháo hoa tầm cao đêm giao thừa tại thành phố, chỉ chủ yếu nhộn nhịp tại một số điểm mua sắm, vui chơi... Các tuyến đường xung quanh như Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Sài Gòn... không có nhiều xe qua lại.
Ngã tư Hàng Xanh, nơi vốn luôn đông đúc người qua lại nhưng tối nay dòng xe thưa thớt. Một số tiểu thương bán bóng bay hình thú, đồ chơi trẻ em... chỉ lác đác người mua. Điều này trái ngược hình ảnh chen chúc, nhộn nhịp đêm 30 Tết Dương lịch, cách đây hơn một tháng.
Tương tự tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức), các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ, công viên nóc hầm vượt sông..., cũng thưa người qua lại so với dịp Tết các năm. Dọc các tuyến đường này, giao thừa năm ngoái chật kín người cùng hàng quán nhộn nhịp.
"Ở Sài Gòn 11 năm, lần đầu tôi thấy không khí đón giao thừa khác lạ đến vậy. Không pháo hoa, không sự kiện công cộng, không quán nhậu, không ngột ngạt do kẹt xe...", anh Thế Khanh, ngụ TP Thủ Đức nói và cho biết do đường vắng, lần đầu anh chở vợ bằng xe máy đi dạo qua các tuyến phố ở trung tâm Sài Gòn đêm giao thừa.
Đứng trên cầu Thủ Thiêm, Song Anh, 24 tuổi, nói vừa rồi cô dự định về Tết sau hai năm xa nhà, nhưng Covid-19 bùng phát nên quyết định ở lại Sài Gòn. Đêm nay cô gọi điện về nhà chúc Tết gia đình, cầu mong sức khoẻ cùng những điều an lành nhất đến người thân năm mới. "Chỉ mong dịch bệnh đừng căng thẳng thêm, ra Tết tôi sẽ về thăm gia đình", Kim Anh nói.
Trước đó khoảng 21h tại một số khu dân cư gần đường Trần Não (TP Thủ Đức), pháo hoa do người dân tự bắn lên bầu trời với khoảng cách thấp. Nhiều người làm các bàn nhậu bên vỉa hè, ăn uống chờ đón Tết. Trong khi tại khu vực chùa Ôn Lăng (quận 5), đông người tập trung đi cầu an. "Năm nay dịch bệnh hoành hành, tất cả các ngành nghề đều ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ mong qua năm mới, mọi thứ tốt hơn", ông Hữu, ngụ quận 5 nói.
- 21h30
Khánh Hòa thưa thớt người ở trung tâm
Thời tiết đêm cuối năm ở Nha Trang khá đẹp. Người dân xuống đường ngắm phố phường đều mang khẩu trang để phòng dịch. Ở Quảng trường, người dân đến vui chơi, song không cảnh đông đúc như mọi năm.
Anh Lê Văn Đại, 31 tuổi, đưa con gái 2 tuổi đi dạo phố. Cô bé được bố khoác thêm áo ấm. Anh Đại cho hay, vào dịp cuối năm thường đưa cả nhà dạo phố, chụp ảnh lưu niệm. Tuy nhiên, lần này dịch bùng phát, anh chỉ đưa con gái đi lòng vòng, mua cho con quả bóng bay rồi về. "Cả một năm ảnh hưởng dịch bệnh, chả làm được gì. Hy vọng năm mới dịch bệnh được khống chế để ổn định".
Còn tại các điểm vui chơi, trưng bày lồng đèn trong trung tâm thành phố cũng thưa thưa thớt người. Cảnh đông vui mọi năm không còn. Nhiều người đi qua, ghé chụp ảnh rồi rời đi. Một số người tới các điểm trưng bày hoa xuân, chụp ảnh.
- 21h20
Công ty than ở Quảng Ninh tổ chức văn nghệ đoàn viên
Tối 11/2, tại khu nhà tập thể nhà ở của công nhân ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, Công ty than Dương Huy đã tổ chức văn nghệ Tết đoàn viên cho công nhân.
Công ty có khoảng 3.500 cán bộ công nhân, trong đó 2.000 người ở lại ăn Tết theo lời kêu gọi hạn chế di chuyển, phòng chống Covid-19 của tỉnh. Hầu hết công nhân ở trọ bên ngoài, riêng khu tập thể gồm hai tòa nhà 5 và 9 tầng có 400 công nhân.
Đại diện công ty cho biết, ngày thường các công nhân được hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày. Riêng ba ngày tết mỗi người được hỗ trợ một phần quà trị giá hơn một triệu đồng gồm bánh chưng, chả giò, nước mắm, bia... Các phòng ở khu tập thể, công ty đều mua hoa đào cho công nhân.
Thợ lò Nguyễn Văn Tùng (40 tuổi, quê huyện Thanh Hà, Hải Dương) đã có 16 năm làm việc tại Công ty than Dương Huy cho biết, đây là năm đầu không về quê ăn Tết do dịch Covid-19. "Tết không được về, nhớ vợ con lắm. Mấy hôm nay ngày nào cả nhà cũng gọi video hỏi thăm nhau. Mọi người ở nhà cũng động viên nhiều vì ở Hải Dương giờ diễn biến dịch cũng phức tạp nên tôi quyết định ở lại Quảng Ninh ăn Tết", anh Tùng nói.
Để phòng chống dịch Covid-19, Quảng Ninh có gần 10.000 cán bộ, công nhân ngành than ở tỉnh ngoài ở lại ăn Tết.
- 21h15
Thánh lễ trong đêm 30 ở Đà Nẵng
Đêm 30 Tết, người Công giáo trên cả nước sẽ đến nhà thờ dự thánh lễ tạ ơn cuối năm. Giờ làm lễ được cử hành khác nhau, trong đó nhiều giáo xứ tổ chức muộn để canh thức Giao thừa.
Tại giáo xứ Chính Trạch (Giáo phận Đà Nẵng), thánh lễ được tổ chức lúc 19h30, kéo dài hơn một tiếng, để người dân về đón Giao thừa tại nhà mình. Hơn 800 người được yêu cầu đeo khẩu trang suốt thánh lễ, sát khuẩn tay trước khi vào thánh đường.
Linh mục quản xứ Antôn Trương Gia Ninh cho biết, không riêng gì thánh lễ cuối năm mà giáo dân đến dự lễ trong ba ngày Tết bắt buộc đeo khẩu trang; hạn chế tụ tập trong dịp Tết để chung tay với cả nước phòng chống dịch.
Trong bài giảng, cha Antôn nhắc giáo dân phải biết tri ân và cảm ơn những người ở tuyến đầu chống dịch, đó là những nhân viên y tế trong bệnh viện, khu cách ly, những nhân viên trực chốt kiểm dịch... Họ không được đón Tết đoàn viên nhưng vẫn vững vàng thực hiện nhiệm vụ để người dân cả nước được đón năm mới đoàn viên.
Cha xứ Chính Trạch cũng chia sẻ với nhiều giáo dân xa quê đã quyết tâm ở lại thành phố ăn Tết, hạn chế đi lại để chung tay phòng chống dịch bệnh; nhắc nhở giáo dân cầu nguyện cho dịch bệnh sớm chấm dứt ở Việt Nam cũng như thế giới để mọi người được sống trong bình an.
- 21h02
Thừa Thiên Huế
Tối 30 Tết, gần 10 thành viên trong gia đình ông Trương Quang Ngọc, 63 tuổi phường An Đông, TP Huế cùng dùng bữa cơm tất niên cuối năm.
Đón Tết Tân Sửu, ông Ngọc đã tự tay gói bánh chưng, bánh tét để đặt lên bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ của gia đình cũng được ông lau chùi sạch sẽ, bố trí hoa quả. Hai ngày trước, anh Trương Quang Nhật, 36 tuổi ở Tuy Hoà (Phú Yên) dẫn theo con gái ra ăn Tết cùng.
Trong bữa cơm, mọi thành viên trong gia đình vui vẻ sẻ chia cuộc sống năm qua. Câu chuyện về Covid-19 được nhiều thành viên trong gia đình nhắc đến.
Sau bữa cơm tất niên, bà Hồ Thị Khánh Thu cũng tranh thủ chuẩn bị mâm cổ để tối cúng giao thừa. Ngoài mâm ngũ quả, bà cũng nấu thêm xôi chè và làm bánh lọc gói. Theo phong tục của người Huế, bà cũng chuẩn bị ít đồ vàng mã như giấy tiền, bộ đồ cúng giao thừa.
- 21h00
Người dân Sài Gòn ngắm đường hoa Nguyễn Huệ từ xa
Người dân Sài Gòn tập trung về khu vực đài phun nước của phố đi bộ Nguyễn Huệ và Nhà hát lớn TP HCM để vui chơi, chụp ảnh. Do năm nay đường hoa phố đi bộ Nguyễn Huệ đóng cửa từ 17h nên nhiều người dân phải ngắm nhìn các tiểu cảnh từ xa.
Tại nhà thờ Đức Bà, đội trật tự đô thị cùng Công an quận 1 liên tục nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi chụp ảnh, không tập trung đông người.
Cùng con trai đi chụp ảnh, chị Hằng, ngụ quận Gò Vấp cho biết, năm nay chị khá tiếc không không được xem pháo bông chào năm mới như thường lệ. " Bây giờ ưu tiên chống dịch. Hy vọng năm sau mọi thứ ổn định, thành phố sẽ bắn pháo hoa hoành tráng hơn", chị Hằng nói.
- 21h00
Huế se lạnh đêm giao thừa
Khoảng 20h30, thời tiết ở Huế hơi se lạnh. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid_19, Thừa Thiên Huế đã hủy bắn pháo hoa mừng năm Tân Sửu lúc giao thừa, người dân không còn đổ về khu vực Kỳ Đài, Đại nội nữa mà ra khu vực công viên Lý Tự Trọng bên dòng sông Hương vui chơi. Hàng nghìn người dân đã tụ tập về khu vực đài phun nước trước mặt trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm. Đây là công trình mới hoàn thành được đưa vào sử dụng. Để tạo không gian vui Tết cho người dân, công viên Lý Tự Trọng được trang trí nhiều mô hình ngộ nghĩnh với nhiều loài hoa. Chính quyền thành phố Huế cũng tổ chức chương trình văn nghệ mừng xuân tại khu vực bia Quốc Học Huế trong công viên Lý Tự Trọng.
- 20h45
Hà Nội
Đêm 30, tiết trời thủ đô se lạnh, khoảng 20 độ C, đường phố vắng vẻ hơn so với ngày thường.
- 20h40
Tết trong khu cách ly ở Hải Dương
Từ chiều 30 Tết, 9 thành viên trong phòng cách ly ở Trung tâm giáo dục thường xuyên TP Chí Linh bày bánh kẹo, bánh chưng được tặng lên bàn học đặt ngay trong phòng để cùng mọi người đón Tết.
Tình hình dịch bệnh căng thẳng nên khu cách ly không tổ chức cho các phòng giao lưu, phòng nào ở cố định phòng đó. Trong buổi chiều, nhiều người tranh thủ gọi cho người thân để chúc Tết, chúc sức khoẻ. Anh Phan Kiên (quê Hải Dương) cho biết đây không phải là lần đầu tiên đón Tết xa nhà nhưng là lần đón Tết "đặc biệt nhất".
"Không được ở cùng vợ con trong giờ phút như thế này tôi thấy rất nhớ, rất muốn về nhà nhưng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng tôi sẵn sàng thực hiện tốt việc cách ly này", anh Kiên nói.
- 20h35
Tết ở bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19
Trong khi các gia đình quây quần trong đêm 30 để đón giao thừa, nhiều nhân viên y tế - những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, đón Tết trong bệnh viện và các cơ sở cách ly. Tại bệnh viện dã chiến số 2 ở tỉnh Quảng Ninh, các bác sĩ, y tá đang điều trị cho 26 ca dương tính nCoV, và phục vụ cách ly 249 F1.
- 20h30
Người dân Cần Thơ tham quan đường hoa xuân trước giờ đóng cửa
Đường phố Cần Thơ đêm 30 Tết khá đông đúc. Để hạn chế tập trung đông người phòng chống Covid-19, TP Cần Thơ huỷ chương trình nghệ thuật đón giao thừa và bắn pháo hoa chào năm mới nên lượng người đổ ra các tuyến đường trung tâm không nhiều.
Các tuyến đường trung tâm Cần Thơ như đại lộ Hoà Bình, 30 tháng 4, 3 tháng 3, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương có lượng xe đông hơn ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng ùn ứ. Khá đông cảnh sát được bố trí tại các khu vực xung yếu để điều tiết, phân luồng giao thông.
Nhiều người đổ về khu vực cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều để tham quan đường hoa trước khi đóng cửa lúc 22h. Tại đây, tất cả đều tập trung tại khu vực cổng chính và cổng phụ, được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và phải đeo khẩu trang trước khi vào đường hoa.
Ông Nguyễn Thanh Phong ở quận Ô Môn TP Cần Thơ chạy xe máy chở vợ con vượt 20 km dạo quanh khu vực trung tâm thành phố rồi tham quan đường hoa xuân. Ông cho biết, liên tục 5 năm qua, gia đình đều xuống trung tâm đón giao thừa, xem bắn pháo hoa tầm cao. Đường phố trang hoàng đẹp mắt nhưng do dịch bệnh nên lượng người ít quá.
"Tôi tranh thủ đưa vợ con xem đường hoa vì nghe thông báo hết hôm nay sẽ đóng cửa", ông Phong nói và mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để người dân yên tâm làm ăn.
Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ tại đường cặp sông Hậu, quận Ninh Kiều, rộng 14 m, dài 240 m, gồm 40 mô hình lớn nhỏ, với hơn 50.000 giỏ hoa các loại, khai mạc tối 27 Tết (8/2), theo kế hoạch sẽ phục vụ người dân và du khách đến mồng 5 Tết (16/2). Covid-19 khiến lượng khách tham quan đường hoa giảm khoảng một nửa so với Tết năm trước.
- 20h30
Người dân Đà Nẵng xuống phố sớm
Từ chiều 30 Tết, nhiều người dân ở trung tâm TP Đà Nẵng đã đóng cửa tiệm buôn bán, dành thời gian trang trí lại nhà cửa, mua sắm thêm một số vật dụng cần cho ngày Tết. Do ảnh hưởng của dịch, không khí đón năm mới ở thành phố du lịch chùng xuống so với năm trước. Dù vậy, nhiều người đã kéo nhau đến đường hoa xuân ven sông Hàn để đi chụp ảnh, du xuân Sớm.
Chị Trần Thị Sáng, giáo viên trường THCS Lý Thường Kiệt (Đà Nẵng) cho biết 14 năm vào Đà Nẵng học đại học và đi dạy học, đây là lần đầu tiên hai vợ chồng không về quê nhà Thanh Hoá đón Tết cổ truyền cùng gia đình. "Gia đình tôi đã mua vé từ trước Tết nhưng do tình hình dịch bệnh nên quyết định huỷ vé để ở lại", chị Sáng nói.
Vì lần đầu ăn Tết xa quê nên hai vợ chồng cũng có chút bỡ ngỡ. Nhưng đã cùng nhau chuẩn bị đón Tết, từ cùng nhau dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, sắm thêm càn mai và vài chậu hoa đến việc cùng nhau gói giò, nấu thịt đông vì đây là "món ăn không thể thiếu trong ngày Tết ở quê mình".
Dù đón Tết xa nhà, nhưng hai vợ chồng thường xuyên gọi điện thoại về cho hai bên gia đình nội ngoại. "Ban đầu nghe tin nhà mình không về, ông bà nội ngoại cũng có chút buồn vì nhớ con cháu, nhưng cũng động viên vì tình hình dịch bệnh chung", chị Sáng nói.
Tết năm nay, gia đình chị Sáng dự định tới chúc Tết nhà họ hàng, bạn bè thân thiết, hạn chế tới chỗ đông người. "Sang năm mới, mình mong ước gia đình và người thân bình an, mạnh khoẻ và nhất là nhanh hết dịch bệnh để đưa con trai về thăm ông bà", chị chia sẻ.
- 19h00
Phó thủ tướng chúc Tết khu dân cư Nhà máy Z153
Chiều 30 Tết (11/2), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, chúc Tết, động viên người dân khu dân cư Nhà máy Z153 (Bộ Quốc phòng), thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Năm nay, khu dân cư này đón tất niên trong không khí đặc biệt, "trạng thái bình thường mới". Khu dân cư có hơn 1.200 nhân khẩu (đều là cán bộ, công nhân viên nhà máy Z153). Đợt Covid-19 vừa quét qua, cả khu ghi nhận 5 F0, 97 F1 đang cách ly ở Xuân Mai; F2 cách ly tại khu phố.
Vì vậy, cả khu dân cư trở nên trầm lắng, người dân hạn chế ra khỏi nhà. Nhiều gia đình chỉ còn người già và trẻ em, bởi bố mẹ đang đi cách ly tập trung, không thể về ăn Tết. Đường phố dù đã được dọn dẹp nhưng vẫn còn ngổn ngang, khi công trình cải tạo nền đường, vỉa hè đang dở dang buộc phải dừng lại để chống dịch. Cả khu vực này cũng vừa được dỡ phong tỏa mấy ngày qua.
Phó thủ tướng tới gia đình anh Nguyễn Ngọc Hà và chị Nguyễn Ngọc Tâm (đều là F1 đang cách ly ở Xuân Mai), hai cháu Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Ngọc Hân đang ở với ông bà nội.
"Chào bác! Năm mới, theo phong tục, chúng tôi đến chúc Tết gia đình. Chắc chả bao giờ có chuyện đi chúc Tết cùng nhau như thế này. Ai cũng đeo khẩu trang. Con virus này nó không trừ một ai cả. Chẳng may bị nhiễm bệnh hay phải đi cách ly là điều không ai muốn. Chỉ mong mỗi người cùng nhau đồng tâm, vững chí vượt qua khó khăn. Thực hiện tốt quy định của chính quyền địa phương, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Mình chịu khổ một chút để cả xã hội được an toàn" – Phó Thủ tướng bày tỏ và hỏi thăm hai cháu nhỏ.
Phó thủ tướng tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, chị Nguyễn Thị Lịch đều đang cách ly tập trung, hai con đã lớn (người anh đã đi làm, cậu em đang học lớp 12) tự cách ly tại nhà. Cảm động, bất ngờ khi được Phó thủ tướng đến thăm, con trai cả của anh Tuấn bày tỏ: "Lúc đầu bọn cháu lo lắm. Nhớ bố mẹ. Quen bố mẹ lo toan mọi chuyện. Giờ tết đến, cả nhà chỉ còn hai anh em.... Nhưng giờ chúng cháu cũng đỡ lo hơn vì bố mẹ gọi điện về cho biết đã 2 lần xét nghiệm kết quả âm tính. Chúng cháu cảm ơn các bác! Mong các bác cố gắng chống dịch để bố mẹ cháu sớm được về nhà".
Phó Thủ tướng động viên hai anh em yên tâm, đây là kỷ niệm không ai muốn có trong cuộc đời, nhưng sẽ còn theo mãi.
Một cán bộ khu phố cho biết, khi nhà máy ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19, lại là chủng mới "cũng thấy ghê". Nhưng ngay từ đầu, "lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Nhà máy Z153 đã nhanh chóng chỉ đạo khoanh vùng cách ly, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời làm công tác tư tưởng, động viên nên tâm lý bà con sớm ổn định, đoàn kết cùng chống dịch".
"Anh em chúng tôi, những người làm công tác chống dịch phải cảm ơn bà con. Chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ bà con có ý thức. Mỗi người dân, từ cháu nhỏ tới các bậc ông bà, cha mẹ cùng nhau đoàn kết, mỗi người một việc, đất nước mới chống được đại dịch. Mỗi người dân trong khu dân cư Z153 năm nay đón một cái tết đáng nhớ. Mỗi người là một nhân chứng sống động, gương mẫu, chấp nhận mình khổ một chút để xã hội sớm bình yên" – Phó Thủ tướng nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét