Mùa Chay, thời gian của sự biến đổi.
The
word Among Us – Lại Thế Lãng dịch- Fri, 19/02/2021
Mùa xuân là một thời gian
của sự mong đợi.
Mùa đông đang mờ nhạt và
tất cả chúng ta bắt đầu tìm kiếm những dấu hiệu của cuộc sống mới. Mặt trời ở gần
chúng ta hơn và trái đất ấm áp hơn. Chúng ta có thể cảm thấy một cảm giác mới mẻ
trong làn gió, một cảm giác như có cái gì đó tuyệt vời đang diễn ra chung quanh
chúng ta. Hoa bắt đầu nở; lá bắt đầu đâm chồi; chim chóc bắt đầu hót; thậm chí
đất đai có mùi tươi mát và có sức sống.
Đối với người làm vườn,
mùa xuân cũng là thời gian xới đất và gieo hạt. Để có một vụ mùa bội thu, chúng
ta theo dõi chặt chẽ sự nhịp nhàng của mưa nắng và để ý đến bất cứ dấu hiệu
tăng trưởng nào. Chúng ta kinh ngạc về sự huyền bí trong sự sáng tạo của Thiên
Chúa khi chúng ta suy gẫm mối quan hệ giữa đất đai, mặt trời, hạt giống và nước
khi chúng kết hợp với nhau để tạo ra sự sống mới.
Mùa Chay liên quan đến
mùa xuân và tất cả những gì nó gợi lên trong tâm trí chúng ta. Từ ngữ “Mùa
Chay” bắt nguồn từ từ ngữ lencten trong tiếng Anh cổ xưa có nghĩa là kéo dài và
đề cập cụ thể đến sự kéo dài của các ngày trong mùa xuân. Giống như sự tương ứng
của nó trong thế giới tự nhiên, Mùa Chay là mùa chúng ta trông đợi và chuẩn bị
cho sự sống mới đến. Đó là thời gian xới đất trong tâm hồn chúng ta, gieo hạt đức
tin và tình yêu, và háo hức chờ đợi thành quả những nỗ lực của chúng ta trong lễ
Phục sinh.
Bốn mươi ngày của mùa
Chay gợi lại thời gian Mô-sê ở trên úi Sinai (Xh 24: 18), bốn mươi ngày của
Ê-li-a trong sa mạc (1V 19: 8) và cụ thể hơn, thời gian thử thách của Chúa
Giêsu trong hoang địa (Mt 4: 2). Như thường lệ, Thiên Chúa mời gọi chúng ta
trong mùa Chay này hãy suy gẫm về đời sống của chúng ta cả về cá nhân và với tư
cách là dân của Ngài. Mô- sê, Ê-li-a và Chúa Giêsu đặc biệt gần gũi với Thiên
Chúa trong bốn mươi ngày suy tư và cầu nguyện. Chúng ta cũng có thể cảm nghiệm
được tình yêu thương của Chúa sâu sắc hơn khi chúng ta đến gần Ngài và suy ngẫm
về tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta trong bí tích Rửa tội và khi chúng
ta xin Ngài giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự yếu đuối của chúng ta.
Hãy nghĩ xem phải làm gì khi
trồng một khu vườn. Bạn có xới đất, gieo hạt và giám sát kỹ lưỡng cây trồng nếu
bạn không có hy vọng nào cho sự phát triển? Bạn có tiêu tốn thới gian, tiền bạc
và năng lựợng của mình để không được gì? Tất nhiên là không rồi. Chúng ta trồng
bởi vì chúng ta trông đợi một số thành qủa mang lại cho chúng ta. Với ý nghĩ
này chúng ta có thể hiểu Thiên Chúa là Cha của chúng ta đã cam kết sâu sắc như
thế nào đối với Giáo Hội. Thiên Chúa yêu thích sự sáng tạo của Ngài. Ngài yêu
thương từng người và mọi người. Ý định của Ngài là Giáo Hội của Ngài sẽ sinh
hoa kết qủa lâu dài, là không thể lay chuyển và bất tận. Đầy tình yêu thương,
Thiên Chúa mong đợi sự đáp lại hiệu quả cho tất cả những gì Ngài đã ban cho
chúng ta.
Mùa của hy vọng. Mùa Chay
là mùa của hy vọng. Niềm hy vọng của chúng ta dựa trên sự thật rằng Chúa Giêsu
đã chiến thắng tội lỗi. Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và
Ngài sẽ tiếp tục giải cứu chúng ta với quyền năng ngày càng gia tăng. Ngài khao
khát được tập hợp các con lại với nhau trong vòng tay của mình (Mc 10: 16).
Chúng ta có hy vọng vì Thiên Chúa là của chúng ta và không ai có thể chống lại
chúng ta. (Rm 8: 31-32). Ngài ở giữa chúng ta, mong muốn ban cho chúng ta mọi
thứ chúng ta cần để chúng ta ngày càng phát triển thành hình ảnh của Con Ngài
là Chúa Giêsu.
Thiên Chúa sẽ không bao
giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài sẽ chỉ cho chúng ta con đường đến ngôi nhà vĩnh cửu của
chúng ta, và khi chúng ta hành trình trên đường đi, Ngài sẽ hình thành chúng ta
trong trong thân thể Ngài. Trong lòng thương xót của Ngài, Ngài đã không để
chúng ta bơ vơ nhưng Ngài đã ban cho chúng ta những ân huệ tuyệt vời để giúp
chúng ta đi theo Ngài – đức tin và ân sủng, Mình và Máu Ngài trong bí tích Thánh Thể, những hồng ân thánh hiến
và những hồng ân thiêng liêng. Thiên Chúa của chúng ta tuyệt vời biết bao, qúa
tuyệt vời đến mức chúng ta có thể thấy đời sống của chúng ta thay đổi để phản ảnh
cuộc sống của Ngài ngày càng nhiều hơn!
Mỗi mùa Chay, Thiên Chúa
như người nông dân muốn gieo hạt trong Giáo hội và quan sát chúng nảy mầm. Ngài
nóng lòng chờ đợi để được nhìn thấy hoa trái mới, cả trong cuộc sống của chúng
ta cũng như người lân cận và cộng đồng của chúng ta. Ngài muốn nhìn thấy mọi
người trải nghiệm tất cả ân sủng và sức mạnh họ nhận được khi họ được rửa tội.
Ngài muốn Giáo hội của mình được chiếu rọi như một ánh sáng cho thế giới khi mọi
người rao truyền Phúc Âm bằng lời nói và hảnh động yêu thương.
Hạt giống của phép rửa tội.
Hãy xem cách một “tiến trình biến đổi” có thể giúp chúng ta hiểu chúng ta có thể
phát triền trong mùa Chay này như thế nào. Tiến trình bắt đầu với phép Rửa, khi
chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu trong cái chết và sự phục sinh của Ngài (Rm 6:
3-5). Trong phép Rửa, chúng ta được ban cho, dưới dạng hạt giống, mọi thứ cần
thiết để trở nên hoàn thiện như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt
5: 48); chúng ta đã được đưa từ cái chết của tội lỗi vào sự phục sinh của Chúa
Giêsu. Tất cả những điều này là công việc của ân sủng tuyệt vời của Thiên Chúa
ban cho tất cả chúng ta cách nhưng không (Tt 3: 5-6)
Phép Rửa chỉ là bước khởi
đầu cuộc đời chúng ta với Thiên Chúa. Khi chúng ta trưởng thành, Thiên Chúa muốn
chúng ta trải nghiệm thực tế và sự bảo đảm đầy hy vọng về tất cả những ơn lành
mà chúng ta đã nhận được. Giống như các bậc cha mẹ muốn thấy con cái của họ trưởng
thành, Thiên Chúa cũng muốn nhìn thấy chúng ta lớn lên trong đức tin và nhận
toàn quyền thừa kế của chúng ta như là con cái của Ngài.
Không những chúng ta chưa
trưởng thành trong đức tin mà chúng ta còn yêu đuối và dễ phạm tội. Chìm ngập
trong thế giối tội lỗi, chúng ta có khuynh hướng rối loạn “xác thịt” để phạm tội
cá nhân. Hậu qủa là cảm nghiệm của chúng ta về ân sủng của phép Rửa thường bị cản
trở bởi sự non nớt và tội lỗi cá nhân của chúng ta.
Chúa Thánh Thần muốn nuôi
dưỡng chúng ta mỗi ngày để chúng ta có thể tiến tới sự trưởng thành về mặt
thiêng liêng. Giống như Thiên Chúa bảo Ê-dê-ki-en ăn cuộn sách của lời Ngài (Ed
3: 1-4). Thần Khí muốn nuôi chúng ta bằng lời của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần
cũng mời gọi chúng ta đến gần Chúa Cha trong lời cầu nguyện và rước Mình Máu
Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể. Qua công việc độ lượng của Thần Khí chúng ta
có thể biến đổi trong dung mạo của Thiên Chúa và ngày càng yêu mến Ngài nhiều
hơn. Chúa Thành Thần sẽ cho phép chúng ta đối xử với người khác như chính chúng
ta muốn được đối xử (Mt 7: 12). Chúng ta sẽ muốn yêu thương người khác và tiếp
nhận lời kêu gọi của Chúa Giêsu để chia sẻ Phúc Âm.
Thiên Chúa biết rằng tất
cả chúng ta đều phạm tội. Với lòng thương xót của mình, Ngài muốn tiết lộ cho
chúng ta biết tội lỗi và sự bất toàn của chúng ta để chúng ta có thể ăn năn và
được cứu thoát (Ga 16: 13). Bằng cách lựa chọn hòa giải, chúng ta chọn quay
lưng với tội lỗi và hướng về Thiên Chúa. Sự hối cải dẫn đến sự hoán cải sâu sắc
hơn và niềm vui lớn hơn khi chúng ta thấy đời sống của mình trong Thần Khí trưởng
thành.
Trong tiến trình biến đổi
này, Thiên Chúa muốn tuôn đổ ân sủng của Ngài trên chúng ta. Ân sủng là sức mạnh
của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta hướng về
Chúa Thánh Thần trong lời cầu nguyện, trong thánh lễ hay khi chúng ta đọc Phúc
Âm hoặc những tác phẩm thiêng liêng khác, Thiên Chúa sẽ ban đầy ân sủng cho
chúng ta. Chúng ta trải nghiệm tình yêu của Ngài. Chúng ta nhận biết được bình
an thậm chí là hạnh phúc khi chúng ta lớn lên trong ước muốn làm vui lòng Chúa,
Đấng đã rất tốt đối với chúng ta.
Sức mạnh ân sủng của
Thiên Chúa. Ân sủng cho chúng ta khả
năng ăn năn và theo một khuôn mẫu đạo đức hơn. Nhờ sức mạnh ân sủng của Thiên
Chúa, chúng ta thấy mình càng ngày càng khó chịu với tội lỗi, thậm chí đến mức
ghét tội lỗi và tác động của nó đến cuộc sống của chúng ta và của gia đình
chúng ta. Chúng ta thấy mình cầu nguyện nhiều hơn, xin Thần Khí ban cho sức mạnh
để chống lại sự cám dỗ và quay lưng lại với tội lỗi. Khi chúng ta nhìn thấy tội
lỗi của mình, chúng ta không nản lòng; chúng ta tràn đầy hy vọng khi biết rằng
qua sự ăn năn, chúng ta có thể trở về với Chúa Cha, Đấng ban tràn đầy lòng
thương xót và bình an cho chúng ta. Chúng ta tìm kiếm sự tha thứ và hòa giải
khi biết rằng điều đó không đạt được qua sức mạnh của chúng ta mà nhờ Thần Khí
ngự trị. Tất cả những điều này là sức mạnh ân sủng của Thiên Chúa để biến đổi
chúng ta bởi tình yêu của Ngài.
Trong những ngày kéo dài
này của mùa xuân, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha ban ân sủng để chúng ta trưởng
thành trong phép Rửa và từ bỏ tội lỗi. Ngài cho ta nắng xuân cũng sẽ khiến mùa
xuân ân sủng tuôn đổ dồi dào hơn. Chúng ta chỉ cần xin, mở lòng ra và sẽ nhận
được ân sủng của Ngài.
Niềm hy vọng là sự trông
đợi chúng ta sẽ được biến đổi trong khuôn mẫu của Chúa Kitô. Tâm trí của chúng
ta có thể được đổi mới khi Thiên Chúa, Cha chúng ta uốn nắn chúng ta theo kế hoạch
của Ngài chứ không theo cách của thế gian (Rm 12: 2). Mùa Chay là thời gian mà
chúng ta có thể trông đợi Thiên Chúa thay đổi Giáo hội qua ân sủng biến đổi của
Ngài. Khi chúng ta chọn chấp nhận ân sủng của Ngài, nó sẽ trở thành một phần
trong chúng ta, biến đổi chúng ta xuyên suốt.
Mùa xuân thiên nhiên thay
đổi hàng năm. Hoa bắt đầu nở, đất đai trở lại với sức sống, khí trời trở nên ấm
áp và mời gọi. Cũng vậy, mùa Chay thiêng liêng là thời gian để tìm kiếm sự thay
đổi có ý nghĩa. Giống như Thiên Chúa tuôn đổ một mùa xuân mới của sự sống trong
cõi thiên nhiên, Ngài cũng nóng lòng tuôn đổ một mùa xuân mới của sự sống trong
tâm hồn chúng ta để canh tân Giáo hội của Ngài. Mùa Chay này khi chúng ta nhìn
lên Thiên Chúa, chúng ta hãy đặc biệt suy gẫm vè phép Rửa và về hồng ân ăn năn
với sự bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào trong đời sống của
chúng ta và trong Giáo hội của chúng ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét