ĐỜI HỦI TỦI PHẬN
Monday,
February 8, 2021
Mặc dù ngày nay đã có thuốc
điều trị bệnh phong, nhưng bệnh phong vẫn là nỗi ám ảnh kinh hồn của con người,
chẳng khác gì hiện nay con người đang kinh sợ đối với loài quỷ sứ corona vậy.
Biến chứng thể lý ảnh hưởng tinh thần, gây chấn thương tâm lý, và có thể để lại
di chứng suốt đời. Thật đáng quan ngại!
Năm 1873, bác sĩ Armauer
Hansen, người Na Uy, đã phát hiện vi khuẩn gây bệnh phong. Nó không có bào tử
nên nó không lây qua vật trung gian, chỉ tồn tại được khoảng 1-2 ngày khi nó ở
ngoài. Vi khuẩn Mycobacterium Leprae và Mycobacterium Lepromatosis làm cho da
thịt bệnh nhân thường nổi nhọt, lở loét, nặng hơn thì vết thương lõm vào da thịt,
lông mày rụng, mắt lộ ra,... Bệnh nhân phong chịu đựng sự đau nhức vào những
đêm trăng, trăng càng sáng thì họ càng đau nhức vì vi khuẩn rúc rỉa, do đó mà
Thi sĩ Phanxicô Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí, 1912-1944), trong thi phẩm Trăng
Vàng Trăng Ngọc, đã thốt lên: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho...” Trăng không
là của riêng ông mà ông vẫn muốn bán vì ông quá khổ sở vì trăng!
Đối với bệnh nhân phong,
tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần
kinh bị nhiễm trùng. Sau đó các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co rút lại, khiến đôi
tay co quắp. Ở mức độ nặng ngón tay ngón chân rụng dần. Ước vọng của họ rất đơn
giản: Khỏi bệnh. Họ khổ cả thể lý lẫn tinh thần vì bị mọi người xa lánh, kỳ thị.
Ngày nay, bệnh phong đã trị được, nhưng người ta vẫn “ngại” khi tiếp xúc với bệnh
nhân phong.
Nếu có dịp đến Trại Phong
Di Linh (Djiring), người ta có thể cảm thấy các bệnh nhân phong thật đáng
thương. Họ có vẻ ít nói với vẻ ngần ngại lắm. Có lẽ họ không dám tin rằng người
đối diện với họ không ác ý, vì trong tâm trí họ đã in sâu “ấn tượng xấu” rồi.
Trại Phong Di Linh do ĐGM Cassaigne (1895-1973), thường được gọi thân thương là
Cha Sanh, thuộc Hội Thừa Sai Balê, thành lập. Ngài đến Di Linh năm 1927, lập Trại
Phong năm 1929. Ngài sinh ngày 30-01-1895 tại Grenade (Pháp), thụ phong linh mục
ngày 19-02-1925, được bổ nhiệm làm giám mục chánh tòa Saigon, lễ tấn phong giám
mục diễn ra tại Nhà Thờ Đức Bà ngày 24-6-1941. Ngài được mệnh danh là “Tông Đồ
của Người Cùi.” Thật đúng với khẩu hiệu giám mục của ngài là “Caritas et Amor”
– Bác Ái và Yêu Thương.
Từ xa xưa, bệnh phong đã
xuất hiện. Thời Cựu Ước, Đức Chúa phán với hai ông Môsê và Aharon: “Khi trên da
thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong
hủi, người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế Aharon hoặc với một trong các tư tế,
con của Aharon.” (Lv 13:1-2) Tại sao vậy? Kinh Thánh giải thích: “Tư tế sẽ khám
người ấy: nếu nhọt ở vết thương có màu trắng đỏ nhạt ở chỗ sói đầu hoặc sói
trán, trông giống như phong hủi da thịt, người ấy bị phong hủi: người ấy ô uế.
Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế, nó bị vết thương ở đầu.” (Lv 13:43-44) Bệnh
nhân mà hóa nạn nhân, bởi vì họ không chỉ khổ về thể lý mà còn khổ về tinh thần,
có thể nói đó là điều sỉ nhục đối với họ. Thật khổ sở vô cùng!
Quả thật, thời đó người
ta lập ra “quy chế người phong hủi” rất khắt khe và tàn nhẫn: “Người mắc bệnh
phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu
còn mắc bệnh thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi
bên ngoài trại.” (Lv 13:45-46) Ngày nay, cái quan niệm tàn nhẫn đó vẫn chưa thể
“tẩy não” hoàn toàn được. Cũng là con người với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và
nhân quyền, nhưng bệnh nhân phong chịu thiệt thòi vì bị rẻ rúng thái quá!
Nhìn những bệnh nhân cùi
thật là đáng thương, thậm chí có người còn thấy sợ. Chứng phong cùi thể lý mà
còn đáng quan ngại như vậy, chắc chắn phong cùi tâm linh còn đáng sợ và đáng
thương hơn. Ai trong chúng ta cũng đã từng bị chứng “phong cùi” này, thế nhưng
chúng ta thật diễm phúc vì được Đại Bác Sĩ Giêsu chữa trị. Thánh Vịnh gia nói:
“Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh
phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.” (Tv
32:1-2) Dạng diễm phúc này đôi khi chúng ta không để ý, nhưng thực sự là niềm hạnh
phúc khôn tả, vì được Thiên Chúa chúc phúc và được ôm vào lòng.
Cảm nhận được như vậy thì
chắc hẳn người ta không ngần ngại hoặc lần lữa đến với Lòng Chúa Thương Xót –
Bí tích Hòa Giải: “Con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của
con. Con tự nhủ: ‘Nào ta đi thú tội với Chúa’ và chính Ngài đã tha thứ tội vạ
cho con.” (Tv 32:5) Và rồi không thể không chia sẻ với người khác về niềm vui
thánh thiện đó: “Hỡi những người công chính, hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo!” (Tv 32:11) Chỉ cần thành tâm sám
hối thì tội gì Ngài cũng bỏ qua hết cho chúng ta: “Lòng thương xót của Ta lớn
hơn tội của con và toàn thế giới.” (Nhật Ký Thánh Faustina, #1485)
Thánh Cyril Giêrusalem
nói: “Tội lỗi là sự dữ đáng kinh sợ, nhưng với người biết sám hối thì rất dễ chữa
lành.” Thánh Catarina Siena phân tích: “Phạm tội là con người, nhưng ngoan cố
trong tội là ma quỷ.” Có Chúa thì có tất cả, mất Chúa thì trắng đời.
Bất cứ người nào có Chúa
thì không còn ham mê điều gì khác ngoài Chúa, và họ làm gì cũng chỉ muốn tôn
vinh Ngài Đúng như Thánh Phaolô khuyên: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc
gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Anh em đừng làm gương xấu cho
bất cứ ai, dù là cho người Do Thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của
Thiên Chúa; cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi
người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.”
(1 Cr 10:31-33) Người biết sống vì Chúa thì cũng biết vì tha nhân, bởi vì thước
đo lòng mến Chúa là lòng yêu người. Vả lại, “ai nói yêu mến Chúa mà lại ghét
tha nhân thì là kẻ nói dối.” (1 Ga 4:20) Ước gì mỗi chúng ta có thể nói được
như Thánh Phaolô khi chúng ta tâm sự với người khác: “Anh em hãy bắt chước tôi,
như tôi bắt chước Đức Kitô.” (1 Cr 11:1) Thế thì thật tuyệt!
Trình thuật Mc 1:40-45 (≈
Mt 8:1-4; Lc 5:12-16) nói về việc Đức Giêsu chữa người bị phong hủi. Hôm đó có
một bệnh nhân phong đến gặp Ngài và quỳ xuống van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có
thể làm cho tôi được sạch.” Chữ “nếu” ở đây không phải là nghi ngờ, mà chỉ là
“một cách nói” mà thôi. Chắc hẳn người này đã rất khổ sở vì chứng phong, khổ đủ
thứ, và anh rất muốn được khỏi để không bị xã hội xa lánh, ruồng bỏ. Anh đến cầu
xin với Chúa Giêsu, chứng tỏ anh vững tin Ngài là Đấng uy quyền. Anh tin thật
chứ không mê tín dị đoan hoặc xin theo phong trào như nhiều người khác. Vấn đề
quan trọng là niềm tin chân thành và vững vàng, vì điều đó như điều kiện ắt có
và đủ để được Thiên Chúa thương xót.
Thật vậy, Chúa Giêsu nghe
anh nói thì Ngài chạnh lòng thương, rồi giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn,
anh sạch đi!” Thật hạnh phúc cho anh vì ước muốn của anh hoàn toàn hợp ý Chúa.
Và ngay lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. Anh đã được toại nguyện nhờ
lòng tin chân thành và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã
nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả,
nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, hãy dâng những gì
ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Ngài bảo anh “coi chừng”
vì anh có nói ra cũng chẳng ai tin, những kẻ có quyền hành chỉ muốn tìm dịp để
bắt giết Ngài, và cũng chưa đến giờ của Ngài. Nhưng làm sao anh ta có thể im lặng
được khi sự sung sướng đang dâng cao, tất nhiên anh cũng muốn người khác biết
anh đã sạch phong hủi, tức là anh muốn người ta không xa lánh và miệt khinh anh
nữa. Vì thế, vừa ra khỏi đó thì anh bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi,
đến nỗi Ngài không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi
hoang vắng ngoài thành.
Danh tiếng nổi như cồn,
Chúa Giêsu có đi đâu thì người ta cũng tìm cho bằng được, bởi vì họ đã tận mắt
thấy anh chàng phong cùi hôm nào đã khỏi hẳn. Vô cùng lạ lùng! Thế là dân chúng
từ khắp nơi kéo đến với Ngài, đông như trẩy hội, như nước lũ chảy nhanh và mạnh.
Không thể nào tưởng tượng nổi!
Là con người, ai cũng có
những ước mơ, hoài bão, thậm chí là tham vọng. Dù ước vọng lớn hay nhỏ cũng là
ước vọng – cho chính mình và cho người khác, nhất là cho những người thân yêu.
Ước vọng có thể cao thượng, bình thường hoặc tầm thường, nhưng vẫn là ước vọng.
Thi văn sĩ kiêm lý luận phê bình Samuel Johnson (1709-1784, Anh quốc) nhận định:
“Mỗi người đều giàu có hay nghèo khổ tùy thuộc tỷ lệ giữa niềm ước vọng và sự
thỏa mãn của mình.” Mức độ và ý hướng của ước vọng khác nhau tùy mỗi người, chắc
hẳn biết “ái mộ những sự trên trời” là ước vọng tốt lành trong cuộc đời tín
nhân.
Thánh Vịnh gia nói: “Ngài
nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn; Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ, để
bênh kẻ mồ côi và người bị áp bức, khiến cho kẻ mang thân cát bụi, chẳng còn khủng
bố ai.” (Tv 10:17-18) Thiên Chúa biết rõ mọi ước vọng thầm kín của chúng ta,
(Tv 38:10) bởi vì Ngài thấu suốt mọi sự. (1 Sb 28:9b; Gđt 8:14; Et 4:17d; Et
5:1a; 2 Mcb 6:30; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv
139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr
10:12; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 2:10; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20)
Lạy Thiên
Chúa chí nhân chí thánh, chúng con muốn sạch nhưng lại tự vấy bẩn đời mình, thậm
chí còn ghê gớm hơn chứng bệnh phong, xin Ngài chữa lành chúng con. Xin hướng dẫn
cách tiếp cận với những người hèn mọn trong xã hội, trong Giáo Hội, và dạy
chúng con cách nâng dỡ họ theo khả năng của chúng con. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét