Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

Tản Mạn Con Trâu Năm Tân Sửu

 

Tản  Mạn  Con  Trâu  Năm  Tân  Sửu

Sun, 07/02/2021 - Lm Nguyễn Hữu An

 

Theo Âm lịch, Trâu xếp hàng thứ nhì trong 12 con giáp. Tại sao con Trâu lại đi ngay sau con Chuột? Một anh nhỏ xíu, một anh to đùng. Một anh khôn lỏi, lúc luồn sâu lúc leo cao, lúc thập thò, gây tai hại, sinh sản nhanh. Một anh ngu trung, to đầu mà dại, mạnh mẽ mà bị xỏ mũi. Hai con giáp này xếp liền nhau phải chăng có ý nói, bên cạnh anh ngu trung thường xuất hiện lũ lưu manh, lợi dụng, cơ hội???

Theo huyền sử ngày xưa anh hùng Đinh Bộ Lĩnh thuở còn bé đã cùng đám trẻ chăn Trâu trong vùng Hoa Lư cưỡi Trâu rước cờ lau tập trận. Sau này ông là người đã dẹp loạn 12 sứ quân và năm 968 lên ngôi hoàng đế,lập nhà Đinh xưng hiệu Đinh Tiên Hoàng đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình) lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Trâu trong thành ngữ ca dao

Trâu là loài súc vật rất hữu ích cho giới nhà nông cày cấy ruộng đồng. Trâu là biểu tượng cho hình ảnh cần cù, chăm chỉ và khoẻ mạnh. Con Trâu kéo cày bừa trên ruộng đồng hay con trâu đứng nằm gặm nhai trên bãi cỏ hoặc đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm giác thị vị thanh bình miền quê Việt Nam.

Người nông dân trìu mến con trâu “đầu cơ nghiệp” hơn cả con chó trung thành. Trâu được nhắc nhở nhiều qua các câu thành ngữ truyền lại từ ngàn xưa. Câu "trâu lấm vấy quanh" thường dùng để chỉ những kẻ làm sai nhưng lại ưa đổ lỗi cho người khác. Với cảnh hiềm khích, ghen ghét nhau thì có câu "trâu buộc ghét trâu ăn". Câu "trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo" chế diễu những người luôn chậm chạp nên thường hay bị thiệt thòi. Các người buôn bán thì thường ưa chèo kéo "trâu béo kéo trâu gầy" để nâng giá hàng lên. Hay có khi lường gạt theo kiểu "mua trâu, vẽ bóng". Có câu "thật thà như thể lái trâu, thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”. Hay ngụ ý về tình cảm nam nữ "trâu tìm cột, chứ bao giờ cột lại tìm trâu". Thành ngữ "trâu cui" thường dùng ám chỉ người hữu dũng vô mưu. Ngoài ra, lại có câu "gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu" để chỉ sức mạnh của tuổi thanh xuân. Trong truyện "thằng Bờm", trâu đã được nhắc nhở đến khi phú ông toan đem đổi "ba bò, chín trâu" để lấy gói xôi của Bờm. Trâu gắn liền với người nông dân, với thửa ruộng luống cày. Trâu còn gắn bó với các em bé chăn trâu. Hình ảnh các em bé mục đồng vừa chăn trâu vừa thổi sáo đã được gợi nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao nhiêu hoạ sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ. Nhiều tác phẩm xoay quanh đề tài "Ngư, Tiều, Canh, Mục". Chỉ tiếc rằng loài Trâu vốn thiếu cảm nhận về mặt nghệ thuật, cho nên chung quy cũng chỉ là “đàn gẫy tai trâu” mà thôi. Bản tính vốn hiền lành, nhưng đôi lúc Trâu lại bị loài người lôi cuốn vào các cuộc chiến. Ngày xưa, sau khi gặt hái xong, thường có tục lệ Chọi Trâu để giải trí…

Trong ca dao nói về hình ảnh con Trâu đi đôi với đời sống hằng ngày của con người: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”; “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà.Trong ba việc ấy ắt là khó thay”. Con Trâu và em bé chăn Trâu gắn bó thân thiết với nhau, gần gũi với trâu, vui đùa với trâu, tắm trâu, phơi áo trên lưng trâu, thả diều:"Trâu ơi ta bảo trâu này.Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta. Cấy cày nối nghiệp nông gia.Ta đây trâu đấy ai mà quản công”…

Trâu với hai đặc tính nổi bật

Trâu với hai đặc tính nổi bật là hiền lành chăm chỉ làm việc và sức mạnh chịu khó kéo cày.

Xuân Tân Sửu, ai cũng mong được muôn ơn phúc của Chúa, đặc biệt là mối phúc hiền lành. Vì khi sống hiền lành, chúng ta sẽ được đất hứa làm gia nghiệp. Người hiền luôn được tâm an. Người hiền lành thì luôn có tâm hồn đơn sơ, chân thật, không ích kỷ, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, nhưng biết dấn thân và sống vì người khác. Cuộc sống của người hiền lành sẽ luôn tràn đầy niềm vui, sẵn sàng chấp nhận sự thua thiệt nhưng không nhu nhược. Ôn nhu, lương thiện, cung kính, cần kiệm, khiêm nhượng là năm đức tính cao đẹp của con người. Người ôn hòa thì tướng mạo hiền lành. Người hiền lương thì tâm thiện. Người cung kính thì bên trong nghiêm túc, thanh sạch. Người cần kiệm thì không xa hoa lãng phí. Người khiêm nhượng thì biết nhường nhịn. Người hiền lành có năm loại mỹ đức này thì ở thời khắc nào, nơi chốn nào cũng giúp người, làm việc thiện.

Với đặc thứ hai của con trâu, ai cũng ước ao được luôn sức khỏe chịu khó chịu khổ, đây là ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi có ơn sức mạnh, chúng ta sẽ đạt tới đỉnh cao của sự điềm đạm, của lòng đạo đức và tinh thần bất khuất của bậc chí nhân. Người quân tử biết nhường nhịn, đây không chỉ là một loại trí tuệ mà còn là một loại ý chí ngoan cường. Nhờ ơn sức mạnh, chúng ta luôn có sự can đảm, cương trị và bền chí để vượt qua mọi trở ngại, chiến thắng mọi cám dỗ và nỗi sợ hãi để biết sống vươn lên với sự nhiệt tình mới, nghị lực mới và sức mạnh mới để sẵn sàng quảng đại dấn thân phục vụ và luôn trung thành với Chúa, với Tin Mừng.

Biểu tượng “hòa hợp”

Ca dao mô tả một bức tranh tiêu biểu của đời sống xã hội nông nghiệp: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa...Khung cảnh “hòa hợp” giữa các thành viên trong một gia đình thôn quê xưa. Sự hòa hợp giữa người với người (Chồng cày vợ cấy). Sự hòa hợp giữa người và vật (Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa). Sự hòa hợp không chỉ gợi lên cuộc sống yên vui mà còn ngụ ý về sự gắn kết giữa các thành viên đang tích cực tham gia vào đời sống, tạo nên sự sống. Sự hòa hợp giữa người chồng và người vợ “thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”. Sự gắn kết giữa người và vật, giữa nhà nông và con trâu.

Đón năm mới Tân Sửu, chào đón một năm mới hòa hợp. Hiệp nhất trong sứ mạng loan báo Tin mừng của Giáo Hội. Tất cả mọi người, từ giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, nối kết và hiệp nhất với nhau, trên nền tảng Lời Chúa, tạo nên sự hiệp thông trong Giáo Hội. Trên cơ sở mối hiệp thông sâu xa đó, mọi thành phần Dân Chúa hợp tác với nhau và cùng nhau dự phần vào mọi sinh hoạt của đời sống Giáo Hội. Đó là sức sống của nội tại của thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Sức sống của hiệp thông và cộng tác. Hiệp thông và cộng tác xây dựng một Giáo Hội không ngừng tăng trưởng cho đến tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (Ep 4,13).Các thành phần Dân Chúa tại Việt Nam luôn không ngừng xây dựng mối gắn kết và sự hòa hợp trong xã hội.Sự gắn kết và hòa hợp được xây dựng trên nền tảng của sự thật và lẽ phải, của công bình và bác ái, của thái độ tôn trọng lẫn nhau giữa mọi người và mọi thành phần trong cộng đồng. Nhờ đó, Dân Chúa cùng với anh chị em của mình đóng góp trí tuệ và lương tri vào việc xây dựng một xã hội nhân bản hơn.

Theo niềm tin dân gian, con trâu trong 12 con giáp mang lại may mắn, sung túc và thịnh vượng. Người tuổi Sửu là người cần cù, siêng năng, chậm nhưng chắc trên con đường sự nghiệp. Loài trâu mang các đặc điểm siêng năng, cần cù, mạnh khỏe. Vì thế, khi đi vào thế giới biểu tượng, con người liên tưởng hình ảnh con trâu với các đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, ngoan ngoãn, sung túc, thịnh vượng.

Xuân Tân Sửu với tinh thần phục vụ không biết mệt mỏi như con trâu đi cày. “Cày như trâu” được hiểu theo nghĩa tốt, để khi như con trâu sau một vụ mùa vất vả nằm nhai lại cỏ khô thấy vui mừng vì cánh đồng lúa chín vàng là kết quả của bao lao công vất vả của con trâu đi cày.

Xin chào đón Tân Sửu. Chào đón niềm hy vọng hướng đến một năm mới mọi người sống với nhau hiền hòa, dồi dào sức khỏe, chăm chỉ học hành, chuyên cần làm việc và luôn hòa hợp yêu thương nhau.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét