Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

CON BẠN CÓ NHÚT NHÁT KHÔNG? ĐÂY LÀ CÁCH BẠN CÓ THỂ GIÚP CHÚNG

 

CON  BẠN  CÓ  NHÚT  NHÁT  KHÔNG?  

ĐÂY  LÀ  CÁCH  BẠN  CÓ  THỂ  GIÚP  CHÚNG

Edifa




Với một chút hướng dẫn, trẻ có thể vượt qua sự rụt rè.

Adam 6 tuổi, mới vào lớp một. Cháu ước mơ trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nhưng trên sân chơi, cháu lại chỉ thích nhìn những đứa trẻ khác chơi. “Con không thể chạy đủ nhanh,” cháu giải thích với Priscilla, mẹ của cháu, khi cháu say sưa kể cho mẹ nghe về buổi chơi sau giờ học. Priscilla nói: “Cháu nói nhiều, đôi khi nói quá nhiều khi ở nhà với những người mà cháu biết rõ,” cháu là một cậu bé vui vẻ, dễ gần và được bạn bè quý mến. Tuy nhiên, cháu đã trải qua ba năm ở trường mầm non mà hầu như không nói được một từ nào ”.

Gần đây, Adam đã bắt đầu giơ tay và tham gia vào giờ học. Priscilla nói: “Tôi đã rất ngạc nhiên và vô cùng hạnh phúc khi giáo viên của cháu nói với tôi điều đó. Priscilla chú ý đến hành vi của Adam mà không quá kịch tính hóa, cô cho rằng sự nhút nhát của cháu là do một số yếu tố: “Khi còn nhỏ, chồng tôi cũng bị coi là nhút nhát, nhưng anh ấy không khó chịu; anh ấy chỉ đơn giản thích quan sát hơn.” Tính khí của anh ấy có thể bị ghi dấu bởi việc anh ấy đã được nuôi dưỡng một mình với một bảo mẫu trong một thời gian dài.

Hàng năm trong lớp của Catherine Nivet có những đứa trẻ nhút nhát. Là một giáo viên mẫu giáo trong khoảng 30 năm, cô phân biệt giữa học sinh dè dặt và học sinh nhút nhát. “Một học sinh dè dặt, thoạt đầu tính tình không cởi mở với người đi cùng, và cần thời gian quan sát để tạo ra những kết nối phù hợp. Còn học sinh nhút nhát sẽ thực sự rút lui, biến mình trở nên thật nhỏ bé, như muốn biến mất, sợ gây ấn tượng xấu, hoặc lỡ làm điều gì sai trái.”

Là cha mẹ, bạn sẽ làm gì khi con bạn ở trong góc nhà trong khi những trẻ khác vui chơi với nhau, khi con bạn từ chối chào hỏi hoặc có những cơn lo lắng khó hiểu trong những tình huống không nguy hại gì, hoặc khi chúng vắng nhà?

Đừng hoảng sợ, hãy chú ý đến những dấu hiệu nhỏ

Priscilla nói: “Tôi cố không thúc bách cháu. Hơn cả việc ra lệnh cho cháu ra ngoài chơi với những trẻ khác, cô thích trấn an cháu và khiến cháu thoải mái hơn, tin rằng nhút nhát là một triệu chứng của lo lắng. Tôi biết rằng các nghi lễ rất quan trọng đối với cháu: vì vậy tôi cẩn thận không quên ôm cháu vào buổi sáng khi tôi đưa cháu đến trường, vì tôi biết rằng buổi sáng của cháu tùy thuộc vào cái ôm ấy.” Tuy nhiên, cô quan sát để đảm bảo rằng con trai mình không bị cuốn sâu vào tính nhút nhát này, bởi vì cô cảm thấy rằng đó có thể là một “sự cám dỗ đi theo lối thoát dễ dàng”.

Catherine Nivet khuyên các bậc cha mẹ không nên hoảng sợ và chú ý đến những dấu hiệu nhỏ cho thấy đứa trẻ đang học tốt: “Khi bạn quan sát một đứa trẻ lém lỉnh, luôn luôn có những lúc chúng thư giãn và thoát ra khỏi vỏ bọc của mình, trở lại chính là mình. Đó là lúc bạn có thể khuyến khích chúng, và xem coi điều gì khiến chúng quan tâm. Tôi nghĩ rằng thật là tốt khi tạo ra những khoảng thời gian mà đứa trẻ cảm thấy thích bằng các hoạt động như đọc sách, thể thao, vẽ hoặc bất cứ điều gì mà chúng có thể thể hiện bản thân cách thoải mái. Từng chút một, đứa trẻ sẽ quen và yêu mình hơn”. Nhờ cái nhìn ân cần mà chúng nhận được, những đứa trẻ nhút nhát cần “biết rằng ai cũng có phần của mình trên thế giới: chúng quan trọng, chúng có những thứ cần mang đến cho người khác.

Tránh phóng tầm nhìn của chính bạn lên con bạn

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn hỗ trợ con bạn bắt đầu bằng cách tự mình làm hết mọi việc? Anne-Astrid bị thuyết phục về điều này. Cô con gái lớn 7 tuổi của cô “bắt đầu nhõng nhẽo, nhai tay áo len hoặc không muốn nhìn thẳng vào mắt người quen mới. Tôi nhận thấy rằng nhiều đứa trẻ nhút nhát mà tôi quen biết là đàn anh đàn chị. Có lẽ, một cách vô thức, quá nhiều áp lực đang đè lên chúng”, cô băn khoăn. “Tất cả chúng ta đều muốn con mình trông đẹp, biết chào hỏi. Nhưng tôi cảm thấy rằng tốt hơn hết là tôi nên tránh xa điều đó, ngay cả khi một số người có thể thấy điều đó thật thô lỗ. Tôi tự nhiên muốn giúp cháu, nhưng điều quan trọng nhất để giúp cháu trưởng thành, đó là tình yêu mà chúng tôi dành cho cháu, không phán xét cháu.”

Tránh áp đặt những ý tưởng của riêng bạn lên con cái là điều mà Helen đã phải đối mặt, là một bà mẹ ba con, hai người con trong đó “khó tiếp cận với nhau, khó hòa nhập với cộng đồng và nói chuyện trong lớp”. “Lúc đầu, tôi thấy rất khó chấp nhận điều đó,” cô nói. “Nhưng sau đó tôi cảm thấy mình bị cuốn vào suy nghĩ chung của mọi người rằng người lớn thường bị thu hút bởi những đứa trẻ táo bạo, thậm chí xấc xược hơn là những đứa trẻ kín đáo hơn. Người lớn, có những người là lãnh đạo và có những người là làm theo. Tại sao chúng ta không thừa nhận có điều tương tự nơi những người trẻ hơn?”   Helen trò chuyện rất nhiều với các con: “Chúng tôi cố gắng nói ra nỗi sợ hãi của mọi người thành lời. Chúng tôi nói về các cháu và cười vui về các cháu, mà không cần phải dùng những từ ngữ thô tục!” Vì tính nhút nhát cũng là một triệu chứng của sự khó tự tin, cô ấy lặp lại với các con: “Con không giống như những gì người khác nghĩ”.  Cô tin rằng tính khí dè dặt của các con có nhiều mặt tích cực: “Nhờ những cuộc thảo luận mà chúng ta có với tư cách là một gia đình, tôi hy vọng rằng các con sẽ đạt được tự do về tinh thần, và chúng sẽ nhận thức được rằng người ta không bao giờ nên hạ giảm giá trị của bất cứ ai theo như cách chúng ta nhận thức về họ.” [1]

Cách vượt qua sự nhút nhát và kết bạn

Có thể khó thoát ra khỏi vỏ bọc của bạn, nhưng thay đổi là có thể!

Bạn có phải là một trong số những người muốn kết bạn nhưng bạn bị đơ trong cuộc trò chuyện và không thể nói ra lời nào không? Tham dự một sự kiện xã hội khi bạn không quen biết ai có vẻ là một thử thách bất khả thi? Nếu vậy, đây là một số công cụ có thể giúp bạn vượt qua sự nhút nhát và các tình huống xã hội khó khăn.

1. Những người nhút nhát có thể vượt qua khó khăn này nếu họ đặt tâm trạng mình vào đó.

Tính nhút nhát là một đặc điểm bạn có thể thay đổi. Bạn có thể không trở thành một kẻ hướng ngoại thiếu kiềm chế, nhưng bạn có thể giữ cho sự nhút nhát của mình không trở thành một trở ngại đau đớn khi tương tác với người khác. Để làm được điều này, bạn phải thực hiện một bài tập cá nhân bao gồm việc chấp nhận rằng bạn nhút nhát và đồng thời nhận ra rằng sự nhút nhát là một vấn đề đối với bạn: Bạn có thể nghĩ về những lần nhút nhát lặp đi lặp lại đã hạn chế kinh nghiệm sống của bạn như  thế nào.

2. Thay đổi là một quyết định tự do.

Những người nhút nhát sẽ không thể vượt qua khó khăn nếu họ luôn cố chấp và nghĩ rằng họ không thể thay đổi, hoặc nếu họ biện minh cho sự nhút nhát của mình bằng cách nói, "Đó là cung cách của tôi." Mọi người được tự do và sự tự do đó cho phép chúng ta thay đổi hành vi của mình. Nếu bạn cho rằng mình nhút nhát nhưng lại muốn kết bạn, hãy đặt ý chí của mình vào hành động và quyết định thay đổi.

3. Đừng để trí tưởng tượng làm suy giảm nỗ lực của bạn.

Trí tưởng tượng của chúng ta có thể là kẻ thù của chúng ta: Chúng ta tưởng tượng rằng nếu chúng ta mở miệng trong một cuộc trò chuyện, chúng ta sẽ tự làm cho mình ngu ngốc. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không thể vượt lên trong dịp này. Nhưng nếu bạn chưa mở miệng, thì điều đó đã không xảy ra, và nó chỉ nằm trong tâm trí bạn. Hãy xua tan những suy nghĩ và viễn cảnh tưởng tượng đang kìm hãm bạn. Chúng không có thật và chúng khiến bạn thất bại.

4. Hãy tập trung vào bản thân.

Sự nhút nhát có thể khiến một số người trở nên thu mình. Sự thu mình đó tạo ra các tình huống tưởng tượng có thể không bao giờ xảy ra và tạo ra các bóng ma. Điều tốt nhất là không nghĩ về bản thân và tập trung vào người khác và những gì bạn sẽ làm.

5. Chuẩn bị tinh thần cho tình huống.

Nếu bạn sắp có một cuộc trò chuyện, hãy nghĩ về một số câu hỏi bạn muốn hỏi người kia. Nó cũng có thể giúp xác định trước những điểm nào chung (nơi bạn đã học, sở thích, quê quán của bạn, đội thể thao bạn thích…). Đây là những chủ đề bạn có thể nói chuyện một cách tự tin hơn. Đừng quá coi trọng trí tưởng tượng của bạn và hãy chú ý nhiều hơn đến người khác.

6. Đừng sợ trông có vẻ xấu xí.

Hãy thư giãn và đừng coi cuộc trò chuyện có tầm quan trọng hơn nó thực sự vốn có. Cuộc sống của bạn không phụ thuộc vào cuộc trò chuyện đó, vì vậy bạn có thể nói lên ý kiến ​​của mình. Điều quan trọng là bạn phải luôn là chính mình và không cố gắng tạo ra một mặt nạ để giữ thể diện mà thôi.

7. Dựa vào những người bạn tin tưởng.

Thực hành trước với gia đình của bạn và trong nhóm những người bạn tin tưởng, chẳng hạn như đồng nghiệp.

8. Chuyển sang giúp đỡ người khác.

Bước ra ngoài chính mình giúp chúng ta biết những câu chuyện của người khác rõ hơn, và chúng ta trở nên đơn giản và ít phức tạp hơn. Điều này khiến chúng ta quên đi bản thân và cho phép chúng ta giúp đỡ những người cần giúp đỡ. Hãy bắt đầu bằng cách tiếp cận những người truyền cảm hứng cho bạn sự tự tin nhất và đừng ngại cứ là chính mình.

9. Tìm kiếm những môi trường phù hợp với bạn.

Sử dụng sở thích của bạn để tìm những người có cùng sở thích với bạn. Bạn cũng có thể cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp với những người trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

10. Mạng xã hội có thể là một bước khởi đầu.

Thông qua Instagram, Facebook hoặc Twitter, bạn có thể tìm thấy những người bạn muốn gặp. Đó là một cách để gần gũi hơn và khám phá những điểm chung. Phương tiện truyền thông xã hội có thể là bước đầu tiên để hướng tới tình bạn thực sự.

Nếu không có cách nào trong những cách này giúp bạn bỏ được thói tật ấy và bạn vẫn bị áp đảo bởi sự nhút nhát của mình, bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Một nhà tâm lý học có thể giúp bạn vượt qua bất cứ điều gì đang kìm hãm bạn, để cuối cùng bạn có thể làm được điều mà bây giờ dường như là không thể.

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ.

[1] Sophie the Pivain,  https://aleteia.org/cp1/2020/12/23/is-your-child-shy-heres-how-you-can-help/

[2] Dolors Massot,  https://aleteia.org/2020/01/27/how-to-overcome-shyness-and-make-friends/

Tác giả:  Phêrô Phạm Văn Trung (chuyển ngữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét