CHUYỆN MỖI TUẦN – BƯỚC XIII: ĐỨC THÁNH CHA MUỐN NGƯỜI TRẺ “BIẾT KHÓC” CÙNG NHAU VÀ CHO NHAU…
Vâng, bạn trẻ thân mến,
Ở bước đời thứ XIII trong
hành trình với “Đức Ki-tô Đang Sống – Christus Vivit” này, chúng ta được Đức
Thánh Cha mời gọi “biết khóc” cùng nhau và cho nhau…
Sao vậy?
Thưa, bởi vì chủ nghĩa
“Lãnh Đạm” trong hôm nay – và có lẽ là ở mọi thời – nhưng trong hôm nay…thì có
vẻ như “rộng” hơn - “rộng” khắp…và luôn trong tình trạng muốn “đạt” đỉnh điểm
khi – giữa muôn vàn những hình thức khổ đau xảy ra từng ngày quanh chúng ta –
nhưng chúng ta hầu như không muốn biết đến, không quan tâm đến, đơn giản vì đấy
là chuyện của “người” – không phải là chuyện của “tôi”… Thế nhưng “người” là
ai? Và “tôi” là ai?
Linh mục Anh Giáo
Studdert Kennedy (1883 – 1929) có một bài thơ nhan đề “Lãnh Đạm” được Đức Đáng
Kính Hồng Y Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen trích dẫn để lên tiếng nhấn mạnh về sự
cần thiết con người phải nhiệt tình với nhau…Studdert Kennedy đã viết bài thơ
này vào thời điểm được coi là sự “vỡ mộng vĩ đại” của những năm 1920…Còn Đức
Đáng Kính Fulton Sheen thì là thời điểm “thế giới đang chịu đựng sự thờ ơ” … và
Ngài tự hỏi liệu Chúa Giê-su Ki-tô “có phải chịu đựng sự thờ ơ nhiều hơn sự thờ
ơ của chúng ta so với khi Người bị đóng đinh hay không” ? Ngài đã đọc bài thơ này để cảnh giác rằng :
Trong con người khốn cùng về mọi mặt – “Đức Giê-su trần thế - phàm nhân – và là
hiện thân của tất cả chúng ta” - vẫn liên tục phải chịu đựng tình trạng “không được một ai quan tâm đến” :
Khi Đức Giê-su bị treo dựng
đứng trên cây Thánh Giá ở đỉnh đồi Golgotha,
Người ta đóng đinh chân
tay Người…
Người ta đày đọa Người
trên con đường khổ giá,
Người ta cuộn một mão gai
và ấn vào đầu Người…
Từ đỉnh đầu cho đến bàn
chân, không biết bao nhiêu là vết thương rỉ máu…
Vì thời đó, thế gian độc
ác và chai sạn:
Người ta coi rẻ cái xác của
con người…
[……………………………]
Nhưng khi Đức Giê-su đến
thành Birmingham tráng lệ
Dân thành giáp mặt Người…mà
chẳng ai buồn để ý!!!
Họ không nỡ đụng đến sợi
tóc trên đầu Người,
Thế nhưng họ lại để mặc
Người chết dần chết mòn...trong mòn mỏi…
Thật ra họ không bao giờ
muốn Người phải đau khổ,
Vì bây giờ họ “mẫn cảm”
hơn…
Thế nhưng họ lại bỏ mặc
Người thơ thẩn một mình ngoài đường cái và dưới cơn mưa lạnh buốt…
Giê-su vẫn thầm thì cùng Cha mình:
“Lạy Cha, xin Cha tha cho
họ…vì họ lầm chẳng biết!”
Trời vẫn tầm tã mưa – cơn
mưa lạnh buốt của mùa đông ảm đạm…
Dân đâm xéo Người từ đầu
đến chân…
Ngoài đường cái kẻ qua
người lại…
Rồi ai về nhà nấy…
Mà không một ai buồn đưa
mắt nhìn Giê-su ngồi bệt dưới đất, lưng tựa vào mảnh tường lạnh…
Đang xin người ta dựng
cho Người một đỉnh Can-vê mới…
Bạn trẻ thân mến,
Đức Thánh Cha xin Giáo Hội
và Xã Hội “biết khóc” cho và vì con cái mình để thực sự là một người MẸ, bởi
“ai không biết khóc thì không phải là mẹ!” [75]… Khóc để bà mẹ Giáo Hội không
“vô cảm” trước những thảm kịch con cái mình phải gánh chịu…Khóc để bà mẹ Xã Hội
sống “đúng nghĩa một người mẹ” : “biết cách sinh thành” và “trở thành nơi hứa hẹn
của sự sống” thay vì sát hại, “biết chăm sóc con dân mình” thay vì bỏ mặc hoặc
ru ngủ người trẻ bằng những thông điệp vô bổ, những bận tâm không đâu và nhiều
điều tầm thường khác…
Kế tiếp, Đức Thánh Cha ngỏ
lởi cùng “giới trẻ được chiều chuộng hơn – kiểu loại Rich Kids”: “Cha muốn mỗi
người trong các con hãy tự hỏi: Tôi có biết khóc không?” [76] Phải, Đức Thánh
Cha muốn các bạn được Thiên Chúa Tình Yêu trao tặng một hoàn cảnh tương đối:
Hãy biết khóc – khóc cùng và cho những bạn trẻ “đang trong hoàn cảnh kém hơn
mình”… Bởi “biết khóc với và cho” giúp nhận ra một con người biết sống thương
xót và có lòng trắc ẩn…
Đức Thánh Cha cám ơn Chúa, bởi nhờ Lời của Người
– “Phúc cho ai than khóc, vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5, 4) – mà nhiều nhiều những
bạn trẻ đau khổ bỗng tìm được “lối đi” nhờ “lời hứa” ấy của Chúa…Đồng thời Đức
Thánh Cha cũng mong ước có được nhiều nhiều những cộng đoàn Ki-tô hữu luôn cố gắng
“ở bên” các bạn trẻ ấy để giúp họ biến “lời hứa” của Chúa thành hiện thực bằng
sự bao bọc chở che và những trợ giúp cụ thể [77]…
Đức Thánh Cha cảnh báo những người nắm quyền
hành tận dụng lợi thế của mình để ra giá cho những trợ giúp đối với người trẻ,
các nước giàu cũng như các tổ chức quốc tế áp đặt các quan điểm của phương Tây
về tình dục, hôn nhân, sự sống và công bằng xã hội khi có những hổ trợ cho các
nước nghèo…Họ khuyến khích nền văn hóa “vứt bỏ” nơi người trẻ…để rồi cuối cùng
chính người trẻ lại cũng trở thành “một món đồ bị vứt bỏ” [78]…
Và – trong số 79 & 80
– Đức Thánh Cha khuyến cáo bạn trẻ về nền văn hóa lợi dụng hình mẫu người trẻ
cho các chương trình quảng cáo của người lớn nhằm “cướp đi tuổi trẻ…chứ không
phải là sự tôn trọng, yêu thương và chăm sóc”… Lo lắng này của Đức Thánh Cha
làm cho người viết nghĩ đến những chương trình “người mẫu thời trang nhí” từ
sáu bảy đến mười ba mười bốn tuổi thỉnh thoảng vẫn được trình chiếu trên Truyền
Hình : những dáng đi kiều cách, những trang phục lố lăng…và những chi tiết “thuộc
lòng”…đến là tội nghiệp…mà xã hội cũng như gia đình – vì chuyện tiền bạc – đành
đánh cắp “mọi thứ” của con cái mình : sự thiên thần của tuổi thơ – nét tươi tắn
của tuổi trẻ…và sự thông thoáng của thanh xuân… Mất! Họ - những người trẻ ấy –
họ mất đi tất cả!!! Bên cạnh đó là những áp đặt của người lớn, của tập tục cũng
như những chế độ độc tài làm héo hắt, sai lệch những tư duy trẻ trung, đầy hứng
khởi và nhiều ước mơ của tuổi trẻ ngay giữa lòng quê hương, đất nước mình…
Tuần qua - ở bước đời XII
– người viết mượn chia sẻ của vài ba ngòi bút để có đôi nét về tuổi trẻ và người
trẻ Việt…Thực ra thì tuổi trẻ nào cũng đẹp và người trẻ nào cũng dễ thương…Cô
cháu – dịp họp bạn lớp 12 trước khi chia tay lên Đại Học ở Đà Lạt năm vừa qua –
đã lục tủ của ông và lôi ra ba bốn cái áo len thùng thình choàng cho ấm…rồi
“selfie”lên mạng…Vậy là bạn trẻ “bốn phương” rối rít tấm tắc…Tuổi trẻ là vậy đấy…Người
viết chỉ muốn có một thoáng nhìn về tình trạng người trẻ Việt nhằm chia sẻ với
các vị có trách nhiệm hầu trông đợi một sự “biết khóc cùng và với người trẻ” tại
môi trường sống của họ - nơi họ “di cư” để làm việc hay học hành cũng như ngay
tại Giáo Xứ quê hương của mình…Nhà thơ theo chủ thuyết xã hội người Pháp đoạt
giải Nobel năm 1901 Sully Prudhomme (1839 – 1907) có một giấc mơ dễ thương để
chia sẻ…mà người viết xin được tạm dịch như sau:
Trong mơ, bác nông dân
nói với tôi: “Làm lấy bánh mà ăn…
Tôi không nuôi anh nữa:
Cày bừa và gieo hạt đi…”
Anh thợ dệt lầm bầm: “Dệt
lấy áo mà mặc…”
Còn chú thợ hồ thì bảo: “
Cầm lấy bay…mà xây, mà trét…”
Và tôi – đơn độc một mình
– bị mọi người quay lưng…
Tôi lang thang khắp chốn
với “bản án tuyệt thông” tội nghiệp!!!
Khi tôi ngước mắt lên
cao…thầm thĩ kêu van lòng thương xót…
Thì… kìa: một bầy sư tử gầm
gừ ngay trên đường tôi đi…
Và tôi mở choàng đôi mắt
– không biết ánh bình minh kia có thật hay không…
Tuyệt quá: Những người
anh em bằng hữu vui vẻ huýt sáo theo nhịp bước những nấc thang,
Những người thợ huyên
náo…và những cánh đồng lún phún hạt mầm…
Tôi nhận ra hạnh phúc của
mình, và rằng: Trong thế giới mà tôi đang sống,
Không một ai có thể vỗ ngực
cho rằng mình không cần đến những người khác…
Bắt đầu từ ngày đó, tôi
yêu tất cả mọi người…
Vâng, thưa bạn – “Không
ai là một hòn đảo” nhưng “mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tất cả”
– Thomas Merton (1915-1968) đã quả quyết như thế…Cùng nhau và cùng với Đức
Thánh Cha, chúng ta tập để “biết khóc” cho và với những người trẻ ở trong những
hoàn cảnh đặc biệt cũng như gặp nhiều thử thách…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét