Quái vật biển kỳ dị có 28.000 thấu kính trong mắt
Thứ
sáu, 15/1/2021, VnExpress.net
Đồ
họa mô phỏng một loài đại diện trong bộ Radiodonta. Ảnh: Katrina Kenny.
Nghiên cứu mới tiết lộ cấu
trúc mắt tinh vi của một trong những động vật ăn thịt xuất hiện sớm nhất trên
Trái Đất.
Tại vùng nước sâu thẳm của
đại dương, nơi ánh sáng Mặt Trời hầu như không thể chạm tới, nhiều loài động vật
đã tiến hóa để có đôi mắt to và phức tạp, giúp chúng nhìn được trong bóng tối.
Một số ví dụ có thể kể đến bao gồm mực quỷ, cá rồng Sloane hay các loài giáp
xác ăn thịt vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
Trong một nghiên cứu mới
xuất bản trên tạp chí Science Advances, các nhà cổ sinh vật học do Giáo sư John
Paterson từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Cổ sinh thuộc Đại học New England của
Mỹ dẫn đầu cho biết quá trình tiến hóa này đã diễn ra từ ít nhất 500 triệu năm
trước, dựa trên các mẫu vật Radiodonta được tìm thấy tại thành hệ địa chất Emu
Bay Shale ở phía nam Australia.
Radiodonta bao gồm các
loài động vật chân đốt ăn thịt lớn thống trị đại dương trong kỷ Cambri, cách
đây khoảng 521 - 400 triệu năm. Chúng được mô tả là những quái vật biển kỳ dị,
giống như sự kết hợp giữa các bộ phận của nhiều loài động vật khác nhau, bao gồm
hai phần phụ chứa đầy gai lớn ở phía trước đầu dùng để bắt mồi, một cái miệng
tròn có răng cưa và đôi mắt lớn, trong khi phần thân trông vừa giống mực vừa giống
tôm.
"Nghiên cứu mới tiết
lộ thêm rằng những động vật chân đốt ăn thịt này có đôi mắt thuộc dạng phức tạp
nhất trong lịch sử sự sống của động vật. Chúng sở hữu tầm nhìn sắc bén ở các mức
độ ánh sáng khác nhau trong đại dương", Paterson cho hay.
Phân tích mẫu vật hóa thạch
Radiodonta được bảo quản tốt ở Emu Bay Shale đã khiến Paterson cùng các cộng sự
vô cùng kinh ngạc khi mỗi mắt của chúng chứa tới 28.000 thấu kính, con số mà chỉ
một vài loài côn trùng như chuồn chuồn mới có thể sánh được.
Cấu trúc mắt tinh vi của
Radiodonta cho phép chúng săn lùng con mồi ở độ sâu hơn 1.000 m so với mực nước
biển, nơi hầu như không có ánh sáng Mặt Trời. Nhóm nghiên cứu tin rằng chính điều
này đã tạo nên "cuộc đua vũ trang" thúc đẩy quá trình tiến hóa.
"Bởi vì có quá nhiều
lợi thế săn mồi, đặc biệt là tầm nhìn sắc bén, Radiodonta tạo ra rất nhiều áp lực
lên con mồi, buộc chúng phải thích nghi và tiến hóa để đối phó với áp lực này nếu
không muốn tuyệt chủng", Paterson giải thích. "Chính cuộc chạy đua tiến
hóa giữa kẻ săn mồi và con mồi theo thời gian đã góp phần lớn tạo nên sự đa dạng
sinh học mà chúng ta thấy ngày nay".
Đoàn Dương (Theo
EurekAlert)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét