Thực chất chay tịnh là gì?
Trong mùa chay, chúng ta có nên cho con cái ăn chay không?
Wed, 24/02/2021 - Phạm Văn Trung
THỰC CHẤT CHAY
TỊNH LÀ GÌ?
Matt Hadro
Thiên Chúa đã truyền lệnh,
Chúa Giêsu đã thực hành điều đó, các Giáo phụ đã rao giảng tầm quan trọng của
việc ăn chay - ăn chay là một phần cơ bản và mạnh mẽ của đời sống Kitô hữu.
Nhưng đối với nhiều người
Công giáo ngày nay, đó là việc buộc phải làm và chỉ sau khi hành động người ta
mới nghĩ tới: một việc mà chúng ta miễn cưỡng làm vào Thứ Sáu Tuần Thánh, có lẽ
là vào Thứ Tư Lễ Tro nếu chúng ta còn nhớ. Liệu chúng ta có nhịn ăn nhiều hơn
không, đặc biệt là trong Mùa Chay, nếu chúng ta hiểu ra việc ăn chay đó hữu ích
như thế nào cho cuộc sống của chúng ta?
Câu trả lời cho điều này,
cả các vị thánh trong quá khứ và các chuyên gia ngày nay, đều nói một tiếng
"có" vang dội.
Phó tế Sabatino Carnazzo,
giám đốc điều hành sáng lập Viện Văn hóa Công giáo và là phó tế tại Nhà thờ Hiển
Dung Công giáo Hy Lạp Melkite ở Mclean, VA, cho biết.
"Và ... những người
đã chạy đua và chiến thắng là những con người, nam và nữ, cầu nguyện và ăn
chay."
Vậy thực chất,
ăn chay là gì?
Phó tế Carnazzo giải
thích rằng đó là việc “tự chế những điều tốt đẹp, để đưa ra một quyết định cho
một điều khác tốt đẹp hơn. Việc đó thường được kết hợp với việc kiêng ăn, mặc
dù kiêng ăn cũng có thể theo dạng từ bỏ các món hàng khác như sự tiện nghi an
nhàn, và giải trí ”.
Bổn phận ăn chay hiện nay
của người Công giáo La Mã là: tất cả những người trên 14 tuổi phải kiêng thịt
vào Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh và tất cả các Thứ Sáu trong Mùa Chay. Vào
Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, người lớn từ 18 đến 59 tuổi phải ăn chay -
ăn không quá một bữa ăn đầy đủ và hai bữa ăn nhỏ, cộng lại không bằng số lượng
của bữa ăn đầy đủ.
Hội đồng Giám mục Công
giáo Hoa Kỳ cho biết thêm, "nếu có thể," những người Công giáo có thể
tiếp tục việc ăn chay từ Thứ Sáu Tuần Thánh đến hết Thứ Bảy Tuần Thánh cho đến
Lễ Vọng Phục sinh.
Các ngày Thứ Sáu khác
trong năm (trừ Thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh) “là những ngày sám hối và
thời gian sám hối trong toàn thể Giáo Hội,” theo Giáo luật 1250. Người Công
giáo đã từng kiêng thịt vào tất cả các Thứ Sáu, nhưng các giám mục (Hoa Kỳ và một
số quốc gia khác, trong đó có VIệt Nam) đã nhận được sự cho phép của Tòa thánh
cho người Công giáo thay thế bằng một hy sinh khác hoặc thực hiện một hành động
bác ái thay vào đó.
Trong khi đó, những người
Công giáo theo nghi thức Đông phương lại tuân theo luật ăn chay cụ thể của giáo
hội của họ.
Trong “Tuyên bố Mục vụ về
Sám hối và Chay tịnh” năm 1966, Hội đồng Giám mục Công giáo Quốc gia đã khuyến
khích các tín hữu, vào những ngày khác của Mùa Chay, khi không bắt buộc phải ăn
chay, hãy “tham dự Thánh lễ hàng ngày và tự tuân giữ việc ăn chay”.
Tuy nhiên,
ngoài các quy định, thì thực chất của việc chay tịnh là gì?
Phó tế Carnazzo nói:
“Toàn bộ mục đích của việc ăn chay là xếp đặt lại trật tự của thụ tạo và đời sống
tinh thần của chúng ta vào sự cân bằng thích hợp”.
Carnazzo giải thích là
“những thụ tạo có thân xác ở trạng thái sau sa ngã”, thật dễ dàng để cho những
“đam mê thấp kém hơn” của chúng ta hướng về vật chất thay vì hướng về trí tuệ
cao hơn của chúng ta. Chúng ta coi những điều tốt đẹp là điều hiển nhiên và tiếp
cận chúng bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy thích, “không cần suy nghĩ, không
liên quan đến Đấng ban thức ăn cho chúng ta và không liên quan đến câu hỏi liệu
nó có tốt cho chúng ta hay không”.
Do đó, ăn chay giúp chúng
ta “tạo thêm chỗ ở cho Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta”, Đức Ông Charles
Pope, chánh xứ giáo xứ Holy Comforter / Nhà thờ Công giáo Thánh Cyprianô ở
Washington, D.C. cho biết.
“Và Chúa Giêsu đã phán với
người phụ nữ Samaria ở giếng nước rằng “những ai uống nước giếng này sẽ lại
khát. Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ
khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem
lại sự sống đời đời.” (Gioan 4:13-14).
Mặc dù nhịn ăn có nhiều
hình thức, nhưng việc ăn chay có đặc biệt quan trọng không?
“Lý do tại sao 2000 năm
Kitô giáo lại nói đến thức ăn (để ăn chay), bởi vì thức ăn giống như không khí.
Nó giống như nước, nó là cơ bản nhất,” Phó tế Carnazzo nói. “Và đó là nơi Giáo
Hội nói rằng 'hãy dừng lại ngay tại đây, tại mức độ cơ bản này, và làm chủ bản
thân mình nơi đó’. Đó là bước đầu tiên
trong đời sống thiêng liêng”.
Kinh thánh nói
gì về chay tịnh
Tuy nhiên, tại sao việc
kiêng ăn lại quan trọng như vậy trong đời sống của Hội Thánh? Và trong
Kinh thánh, cội nguồn của việc thực hành kiêng ăn này là gì?
Phó tế Carnazzo lưu ý rằng
việc kiêng ăn đầu tiên được Thiên Chúa ra lệnh cho Ađam trong Vườn Địa Đàng,
khi Thiên Chúa chỉ bảo Ađam và Evà không được ăn cây biết điều thiện và điều ác
(Sáng thế ký 2: 16-17).
Việc Thiên Chúa cấm đoán
như vậy không phải vì cái cây nó xấu. Nó được “làm ra cách tốt đẹp” như tất cả
mọi thụ tạo khác, nhưng trái của nó phải được ăn “đúng lúc và đúng cách”. Theo
cách tương tự, chúng ta kiêng khem những món hàng được làm ra để chúng ta có thể
tận hưởng chúng “đúng lúc và đúng cách”.
“Ăn chay là vũ khí bảo vệ
chống lại ma quỷ” Thánh Basiliô Cả nói.
Thánh Basiliô Cả nói: Ăn
chay là điều tốt vì đó là sự phục tùng Thiên Chúa. Bằng cách nhịn ăn trái của
cây trong vườ Êđen, Ađam và Evà sẽ trở thành những người dự phần vào Thiên tính
nhờ sự vâng lời của họ đối với Thiên Chúa. Thay vào đó, họ đã cố lấy cho bằng
được hiểu biết về điều thiện và điều ác cho bản thân và ăn trái cây, không vâng
lời Thiên Chúa và mang lại Nguyên Tội, bệnh tật và cái chết cho nhân loại.
Khi bắt đầu sứ vụ của
Ngài, Chúa Giêsu kiêng ăn kiêng uống trong 40 ngày đêm trong sa mạc và do đó
“làm ngược lại những gì đã xảy ra trong Vườn Địa Đàng,” Phó tế Carnazzo giải
thích. Giống như Ađam và Evà, Chúa Giêsu Kitô bị ma quỷ cám dỗ nhưng thay vào
đó, Chúa Giêsu vẫn vâng lời Thiên Chúa Cha, đảo ngược sự bất tuân của Ađam và
Evà và phục hồi nhân loại chúng ta.
Theo gương Chúa Giêsu,
người Công giáo được kêu gọi kiêng ăn, Cha Lew nói. Và các Giáo phụ đã rao giảng
tầm quan trọng của việc ăn chay.
Tại sao ăn
chay lại có sức mạnh đến vậy
Thánh Thánh Basiliô Cả dạy:
“Ăn chay là vũ khí bảo vệ chống lại ma quỷ. "Các Thiên thần Hộ mệnh của
chúng ta thực sự ở lại với những người đã thanh tẩy tâm hồn mình bằng việc ăn
chay.”
Tại sao ăn chay lại có
tác dụng mạnh như vậy? Phó tế Carnazzo giải thích: “Bằng cách gạt bỏ thứ vương
quốc (thụ tạo) này, nơi ma quỷ hoạt động, chúng ta đặt mình vào sự thông hiệp với
một vương quốc khác, nơi ma quỷ không hoạt động, nơi ma quỷ không thể chạm tới
chúng ta”.
Đức Giáo Hoàng lưu ý, tốt
hơn là nên sắp xếp sao cho chúng ta có thể cầu nguyện. Vì chúng ta cảm thấy đói
khát nhiều hơn khi nhịn ăn và nhịn uống, “điều đó nhắc nhở chúng ta về sự yếu
đuối của mình và giúp chúng ta khiêm tốn hơn”, Ngài nói. “Nếu không có sự khiêm
nhường và cầu nguyện thì kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa thực sự không
thể mở ra được.”
Do đó, việc thực hành này
được “Thánh Tôma Aquinô, như Ngài viết, liên kết rõ ràng với Thánh Truyền, với
đức khiết tịnh, sự trong sạch và tâm hồn trong sáng,” Cha Lew nói.
“Bạn có thể suy ra từ đó
rằng ngày nay chúng ta đang phải chiến đấu cho đức tính khiết tịnh, bởi vì rõ
ràng là chúng ta thiếu xót kiến thức giáo lý, và tình trạng này cũng có thể
liên quan đến việc từ bỏ việc ăn chay.”
Lịch sử sơ lược
về việc chay tịnh
Bồn phận kiêng ăn hiện tại
đã được quy định trong Bộ Giáo luật 1983, nhưng trong các thế kỷ trước, việc
kiêng ăn thông thường của người Công giáo được tuân thủ nghiêm ngặt hơn và thường
xuyên hơn.
Người Công giáo kiêng thịt
vào tất cả các ngày thứ Sáu trong năm, ngoại trừ thứ Sáu trong tuần Bát nhật Phục
sinh. Trong Mùa Chay, họ phải nhịn ăn - một bữa chính và hai bữa nhỏ không có
thịt - vào tất cả các ngày trừ Chúa Nhật, ngày Phục sinh. Họ kiêng thịt vào các
ngày thứ Sáu và thứ Bảy trong Mùa Chay - những ngày Chúa Giêsu chịu chết và nằm
trong mồ - nhưng được phép ăn thịt trong bữa ăn chính của các ngày khác trong
tuần của Mùa Chay.
Bổn phận kéo dài đến các
ngày khác của năm phụng vụ. Người Công giáo ăn chay và kiêng khem vào các ngày
lễ Giáng sinh và Chủ nhật Hiện xuống, và vào các Ngày tháng Mười Hai - Thứ Tư,
Thứ Sáu và Thứ Bảy sau Lễ Thánh Lucia vào ngày 13 tháng 12, sau Thứ Tư Lễ Tro,
sau Chủ Nhật Lễ Ngũ Tuần, và sau Lễ Lễ Suy tôn Thánh giá vào tháng 9 - tương ứng
với bốn mùa.
Trong nhiều thế kỷ trước,
việc ăn chay Mùa Chay còn khắc khổ hơn. Người Công giáo bỏ ăn không chỉ thịt mà
cả các sản phẩm động vật như sữa và bơ, dầu và đôi khi cả cá nữa.
Tại sao các nghĩa vụ ngày
nay trong Nghi thức Latinh lại ở mức rất tối thiểu? Phó tế Carnazzo giải thích:
Giáo hội đang đặt ra những ranh giới rõ ràng mà nếu đi ra bên ngoài những ranh
giới đó thì người ta không thể được coi là đang thực sự sống đời sống Kitô
giáo. Đó là lý do tại sao việc cố ý vi phạm các nghĩa vụ Mùa Chay là một tội trọng.
Nhưng người Công giáo có
nên thực hiện việc đền tội nhiều hơn mức tối thiểu được yêu cầu không? Thưa có,
Cha Lawrence Lew, dòng Đa Minh, hiện đang nghiên cứu về Thần học tại Viện
Nghiên cứu Đa Minh ở Washington, D.C. nói: điều tối thiểu chỉ là “những gì phải
dành cho Thiên Chúa vì lẽ công bằng”, nhưng chúng ta “được kêu gọi không chỉ để
sống công bằng với Thiên Chúa,” mà còn là “yêu mến Thiên Chúa và yêu người lân
cận.” Cha Lawrence Lew nói thêm, đức ái kêu mời chúng ta làm nhiều hơn những gì
chỉ ở mức tối thiểu mà luật Giáo Hội đề ra cho chúng ta ngày nay, tôi nghĩ vậy.”
Trong sách tiên tri
Giêrêmia chương 31: câu 31-33, Thiên Chúa hứa sẽ ghi lề luật của Ngài vào lòng
chúng ta, Phó tế Carnazzo lưu ý. Carnazzo nói thêm, chúng ta phải vượt lên trên
việc tuân theo một bộ quy tắc và yêu mến Thiên Chúa bằng cả trái tim, và điều
này liên quan đến việc chúng ta cần phải tự nguyện làm nhiều hơn những gì chúng
ta buộc phải làm.
Hãy cảnh giác với động cơ của bạn
Tuy nhiên, Cha Lew lưu ý,
việc chay tịnh “phải được thúc đẩy bởi đức ái”. Một người Công giáo không nên
chay tịnh như chuyện ăn kiêng vì lý do sức khỏe hoặc vì kiêu căng, nhưng vì
tình yêu Thiên Chúa.
Cha Lew nói: “Luôn luôn
có nguy hiểm trong đời sống thiêng liêng khi so sánh mình với người khác,” Cha
Lew trích dẫn Tin Mừng thánh Gioan khi Chúa Giêsu chỉ bảo Thánh Phêrô đừng bận
tâm đến sứ mệnh của Thánh Gioan Tông đồ mà hãy “Theo Ta.” (Gioan 21: 20-23)
Theo cách tương tự, chúng
ta nên tập trung vào Thiên Chúa trong Mùa Chay chứ không phải sự hy sinh của
người khác, Cha Lew nói.
“Mùa Chay (gọi tắt) là
mùa mừng vui ... Đó là niềm vui khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn”.
“Chúng ta sẽ thường xuyên
thất bại, tôi nghĩ vậy. Và đó không phải là một điều xấu. Bởi vì nếu chúng ta
thất bại, đây là cơ hội để chúng ta nhận ra chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên
Chúa và ân sủng của Ngài, tìm kiếm lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài, và
tìm kiếm sức mạnh của Ngài để chúng ta có thể trưởng thành trong nhân đức và
làm tốt hơn,” ông nói thêm.
Và bằng cách nhận ra sự yếu
đuối và sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa, chúng ta có thể “khám phá lại chiều
sâu của lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta và chúng ta có thể
thương xót người khác hơn”, Cha Lew nói thêm.
Từ bỏ những điều tốt đẹp
thì có vẻ khó chịu và nặng nề, nhưng một người Công giáo có thể - và nên - nhịn
ăn với niềm vui không?
“Trong lời dẫn nhập vào
Mùa Chay, Mùa Chay được nhắc đến như một mùa vui tươi,” cha Lew nói. “Và đó là
niềm vui khi mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô sâu sắc thêm, và do đó đến
gần Ngài hơn. Đó là niềm vui khi chúng ta yêu mến Ngài nhiều hơn và chúng ta
càng yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta càng đến gần Ngài hơn”.
Deacon Carnazzo nói: “Mùa
Chay nói về Thập giá, và cuối cùng là sự Phục Sinh. Nếu chúng ta “hy sinh đích
thực, thực sự cho Chúa Kitô” trong Mùa Chay, thì “chúng ta có thể đi đến ngày bị
đóng đinh đó và nói “Vâng lạy Chúa, con sẵn lòng chấp nhận thập giá với Chúa”.
Và khi chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ thấy sau ba ngày sẽ là Ngày Phục
Sinh.”
Phêrô Phạm Văn Trung.
Theo
catholicnewsagency.com. 19 tháng 2 năm 2021.
*****************
TRONG MÙA
CHAY,
CHÚNG TA CÓ
NÊN CHO CON CÁI ĂN CHAY KHÔNG?
Inès de Franclieu
Ăn chay, kiêng khem. và
những hy sinh khác có vẻ như là những điều bất tiện, nhưng chúng giúp con cái
chúng ta phát triển về mặt thiêng liêng.
Thật là luôn luôn đáng ngạc
nhiên khi thấy nỗi sợ hãi bao trùm một số người trong chúng ta vào đầu mỗi Mùa
Chay. Ý nghĩ ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh khiến người ta co
rút lại. Chúng ta quá sợ hãi việc nhịn ăn và đôi khi cố gắng thoát ra khỏi việc
nhịn ăn đó, vì cho rằng điều quan trọng nhất là xây dựng mối quan hệ bền chặt
hơn với Chúa Giêsu và bố thí cho các tổ chức từ thiện. Nhịn ăn có thể là một
thách thức đối với nhiều người trong chúng ta, là những người sống trong một xã
hội hướng tới người tiêu dùng và chưa bao giờ trải qua những cảm giác thiếu thốn
thực sự.
Nhưng chúng ta hãy cố gắng
khách quan. Giáo hội mời gọi chúng ta bày tỏ tình yêu của mình đối với Chúa
Giêsu qua việc tiết chế và kiêng ăn. Và từ bỏ bản thân vì lợi ích của người
khác không phải là biểu hiện của tình yêu của chúng ta dành cho họ hay sao?
Ăn chay
cùng với gia đình giúp chúng ta mạnh mẽ hơn
Chúng ta thậm chí có thể
nhấn mạnh rằng con cái của chúng ta tạm thời từ bỏ những món ăn ngon như sô cô
la và xem Netflix mà không có gì phải lo lắng về việc bỏ sót những gì là quan
trọng nhất. Chúng ta có thể dâng lên Chúa sự tiết chế của chúng ta như một biểu
hiện của tình yêu và sự liên đới với đau khổ của Ngài. Và khi đến lúc, chúng ta
sẽ ăn mừng Lễ Phục sinh, với một cảm giác vui mừng mới mẻ vì đã được cứu độ, được
tượng trưng bằng việc quay trở lại với tất cả những điều tốt đẹp này!
Mùa Chay là cơ hội để
hoán cải và tập trung hơn vào Thiên Chúa. Chúng ta được yêu cầu từ bỏ những thứ
vật chất để tập trung vào điều thiêng liêng. Và sự sám hối cho phép chúng ta
làm điều này. Nhưng yêu cầu những đứa con của chúng ta như vậy có là quá nhiều
không? (Hãy nhớ rằng trẻ nhỏ không nên nhịn ăn.) Điều này có thể là đánh giá thấp
chúng và đánh giá thấp khát mong tự ý của chúng muốn bắt chước Chúa Giêsu.Việc
che giấu sự thật về Mùa Chay với lũ trẻ sẽ ngăn chúng đạt được những điều tuyệt
vời bên cạnh sự hy sinh này. Không ai có thể nghi ngờ về khả năng của con cái
chúng ta khi chúng nói từ tận đáy lòng của mình: “Lạy Chúa Giêsu, chính vì Chúa
mà con làm việc này”.
Ăn chay và kiêng khem cho
phép tất cả chúng ta cảm nghiệm trọn vẹn niềm vui của Lễ Phục Sinh. Trải qua bốn
mươi ngày mà không có lấy một đôi điều chúng ta ưa thích thì có vẻ như là chuyện rất lớn, nhưng nó có thể chứng tỏ sự
trung tín và thành tâm của chúng ta. Chúng ta không mong đợi điều gì tương tự
như vậy từ những người chúng ta yêu thương hay sao?
Phêrô Phạm Văn Trung, từ
Aleteia.org.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét