Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Apr 16, 2017 - Đại Lễ Phục Sinh năm A

Apr 16, 2017 - Đi  L  Phc  Sinh  năm  A
Xin  cho  con  được  gặp  Đấng  Phục  Sinh!


                               
Các Bạn thân mến,
Trong đời sống thực tế của chúng ta, Phục Sinh coi như là một cảm nghiệm được quyền năng của Đức Giêsu đang biến đổi những bi kịch trong đời chúng ta thành những vinh quang đầy mới mẻ.
Như khi theo Đức Giesu, các môn đệ đã thề nguyện đặt mọi ước mơ, gắn chặt mọi hy vọng vào Ngài; thế nhưng, khi biến cố thứ Sáu Tuần Thánh xảy ra, thì mọi thề ước, mọi hy vọng của họ đều vỡ tan tành như những mảnh vụn!
Tuy nhiên, ngay khi mặt trời mọc vào sáng chúa nhật hôm sau, Đức Giêsu đã phục sinh, hiện ra với họ, mang lại ý nghĩa mới cho cuộc sống của họ. Ngài còn rạng rỡ và sống động hơn những gì họ đã từng thấy ở Ngài trước kia. Lúc đó, quyền năng Phục Sinh bắt đầu hoạt động trong đời sống họ. Họ được biến đổi, từ một nhóm người tuyệt vọng nhút nhát, trở thành những người mạnh dạn hăng hái.
Theo lệnh Ngài, họ bắt tay loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên khắp thế giới để bất cứ nơi nào họ rao giảng Tin Mừng, quyền năng Phục Sinh cũng hoạt động trong mọi người ở đó như đã từng họat động trong chính họ: hy vọng đập tan tuyệt vọng, ánh sáng đẩy lùi bóng tối, tình thương che lấp hận thù, vui mừng thay thế khổ đau...
 Những phép lạ như thế vẫn liên tiếp diễn trong mọi thời đại đến hôm nay, nên lễ Phục Sinh kêu gọi chúng ta để Đấng Phục Sinh:
  .    thực hiện nơi chúng ta điều Ngài đã làm cho các môn đệ cũng như cho những người nghe lời họ giảng dạy sau sự Phục Sinh của Ngài.
  .    giúp chúng ta biết yêu thương, cả khi tình yêu bị đánh cắp, bị phản bội…
  .    giúp chúng ta tin tưởng trở lại sau khi niềm tin bị thoái hóa, hủy diệt…
  .    giúp chúng ta hy vọng trở lại sau khi chúng ta bị lung lay, tàn lụi, thất vọng…
  .    giúp chúng ta khởi sự trở lại sau một tấm bị kịch nào đó…
Đấy là tất cả ý nghĩa của lễ Phục Sinh, là Tin Mừng loan báo Đức Giêsu đã chiến thắng khải hoàn, hiện đang ngự giữa chúng ta và sẵn sàng làm nơi chúng ta những cuộc phục sinh cần thiết, là điều chúng ta mừng kính, tin tưởng rằng không còn gì có thể đánh ngã chúng ta được nữa, kể cả sự chết.

  A. Lễ Vọng Phục Sinh:
 Tin Mừng Thánh Mattheu kể lại rằng sau ngày Sabat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Macdala và mấy bà khác đi viếng mộ Đức Giesu. Nhưng vừa đến nơi, thì đất rung chuyển dữ dội, có Thiên Thần từ trời xuống lăn tảng đá đậy che mộ ra. Còn lính canh thì khiếp sợ. Thiên Thần lên tiếng:"Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giesu, Đấng bị đóng dinh. Người không còn ở đây, vi Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về báo với môn đệ Người."
Các bà sợ hãi, lẫn vui mừng, chạy ngay về báo tin cho các môn đệ.
 Mattheu không chi tiết như Gioan, nhưng ai cũng hiểu rằng đó là một ngôi mộ trống, là sự kiện khác với các tôn giáo khác. Vì các tôn giáo khác luôn tự hào về những di tích như xương, răng, tóc, râu…mà các tín hữu cho rằng đã tìm thấy nơi phần mộ của vị giáo chủ mình. Rồi cung kính thờ lạy các vật ấy như thánh tích, thánh vật, xá lợi…
Còn Kito Giáo khác hẳn, điều tự hào của các môn đệ là ngôi mộ trống lịch sử của Đức Giesu. Nói lên Ngài không chỉ là một con người, mà còn là Con Thiên Chúa nữa.
Bởi thế sự sống lại của Ngài chính là nền tảng của Đạo Kito mà Ngài rao truyền và khuyên giục những kẻ theo Ngài tin theo.

1.   Sống đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh:
 -    Các bà trong nhóm theo Đức Giesu khi viếng mộ của Ngài, đã chứng kiến tận mắt ngôi mộ trống và trực tiếp nghe lời các Thiên Sứ nói.
 -    Sự việc xẩy ra kinh ngạc qúa đỗi đến nỗi các bà không thể ngờ đó là sự thật.
 -    Thiên sứ nhắc họ bình tĩnh nhớ lại lời hứa của Đức Giesu, và kêu gọi họ an tâm tin tưởng, cùng mời họ vào xem chỗ Ngài đã nằm, như một kiểm tra thực tế!
 -    Từ đó đến nay, không biết bao nhiêu người đã tin vào lời các bà, các môn đệ, để được ơn bình an Phục Sinh.
 -    Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều người cảm thấy những lời hứa, những phần thưởng của Chúa Phục sinh khó thành.
 -    Sự ngần ngại ấy có thể được xua tan bằng cách đến với chính Lời của Ngài.
 -    Nghĩa là phải sống đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh. Để đạt được điều này, ngoài lòng yêu mến Chúa như Maria Mácđala, chúng ta còn cần có sự khôn ngoan như tông đồ Gioan; để tránh mê tín, cứng cỏi, cố chấp, mà nhận ra ý nghĩa của từng biến cố: cái chết trên Núi Sọ, ngôi mộ trống, những tấm khăn được xếp gọn gàng… Nhờ đó, Đức Tin được mạnh mẽ, sâu nặng, chúng ta sẽ không hốt hoảng khi bị mất mát, thất bại, tai ương, bất hạnh…

2.   Sống chia sẻ:
 -     Khi các bà trong nhóm theo Đức Giesu đã khám phá ra sự kiện Ngài Phục Sinh, thì nhiệm vụ của các bà là làm theo lời Thiên Thần:"mau về báo với các môn đệ của Người như thế này: Người đã chỗi dậy từ cõi chết."
 -    Đó cũng là mệnh lệnh cho hết mọi Tín Hữu, phải loan báo, chia sẻ ân sủng với mọi người khát khao khám phá sự kỳ diệu của Đức Giesu phục sinh, chứ không chỉ có các bà trực tiếp nghe lời truyền của Thiên Thần khi đã nhìn thấy ngôi mộ trống của Ngài.
 -    Để mọi nguoi, mọi nơi, mọi thời đại cùng được nghe Tin Mừng Phục Sinh hầu cho Nước Chúa trị đến.
-    Đừng im lặng, ngăn chặn, cầm hãm sự Đức Giêsu sống lại, bằng những phiến đá trấn ngoài cửa mộ, những băng vải trói buộc Ngài. Bởi sự sống đã chiến thắng thần chết, ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối âm u, tình yêu đã toàn thắng trên mọi hận thù, cho tất cả muôn dân được sống lại như Ngài!
-    Vì niềm vui phục sinh là quà tặng bất ngờ cho chúng ta, giống như Maria Mácđala đã có được khi tìm thấy Chúa Phục Sinh ở ngoài mộ Ngài, như các môn đệ có được khi lại nhìn thấy Thầy tại Galilê.
-    Noi gương Maria Mácđala, đã chu toàn sứ mệnh loan Tin Mừng Phục Sinh của Chúa cho các Tông đồ; mỗi người chúng ta cũng loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Ngài cho những anh em đang gặp sự đau khổ thất vọng, mất niềm tin.

3. Được gặp Chúa Phục Sinh:
 -     Sau khi sống lại, Đấng Phục Sinh đón gặp các bà và nói:"Chào chị em! Chị em đừng sợ!"
 -      Lời chào như nói hãy vui mừng lên!
 -     Thật vậy, những ai đã được gặp Đấng Phục Sinh đều được sống mãi mãi trong niềm vui vì sự hiện diện của Ngài, bởi không còn điều gì có thế phân rẽ Ngài với họ nữa.
 -     Chúng ta không được gặp trực tiếp Đấng Phục Sinh, nhưng qua Phép Rửa, biểu tượng của sự chết sống lại, chúng ta cũng được liên kết với Đức Kito Phục Sinh với tất cả những ân sủng của Ngài.
 -     Được gặp Chúa Phục Sinh là một ân huệ lớn lao. Các môn đệ khi xưa đã được ân huệ đó. Họ cảm nhận được rằng: được Chúa yêu thương, cứu độ, chọn và sai đi. Họ xác tín rằng: Không những họ được ơn Chúa yêu thương, mà họ còn được ơn biết yêu mến Chúa và yêu thương người khác.
 -    Ngày nay, con người có khuynh hướng nhấn mạnh rằng chấp nhận con đường Kito không đòi hỏi phải thay đổi qúa nhiều trong cuộc sống như vậy.
-     Điều đó ngược lại với Phép Rửa. Bởi khi chịu Phép Rửa, chúng ta như gột tẩy, chôn vùi, chết đi với đời sống tội lỗi cũ, để bước vào một đời sống mới với niềm xác tín theo Đấng Phục Sinh.
-     Khi chấp nhận Đức Kito như vậy thì sự thay đổi cuộc sống không còn chỉ giới hạn ở phương diện đạo đức, mà còn được hiệp thông và hội nhập với Ngài, với Hội Thánh của Ngài để nên hoàn thiện mỗi ngày một giống như Ngài hơn, là điều dễ hiểu.

B. Lễ Phục Sinh:
 Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại đầy đủ sự kiện Đức Giesu Phục Sinh vào ngày thứ nhất trong tuần, có hơi khác với Thánh Mattheu một chút ở chi tiết chỉ bà Maria Macdala đi đến mộ, thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bà liền chạy về báo tin cho Phero và người môn đệ được Đức Giesu thương mến, là chính tác gỉa.
Nhưng lại như nối tiếp Tin Mừng của Thánh Mattheu, ghi lại cụ thể sự việc khi được báo, Phero và Gioan liền chạy ra mộ và các ông đã chứng kiến mọi sự và đã tin.

      1.  Phó thác:
   -   Dân chúng Palestine cũng như những người Á Đông, có phong tục viếng mộ người qúa cố sau ba ngày chôn cất, gọi là mở của mả, giúp linh hồn người qúa cố thóat xác dễ dàng.
   -   Đấy là lý do Maria Madalen nóng lòng chờ đợi đêm mau qua, để nhanh chóng ra thăm mộ Đức Giesu.
   -  Tới nơi, bà hết sức kinh hoàng khi thấy tảng đá lớn che cửa mộ Ngài đã bị lăn ra, tức là mộ đã được mở.
   -   Bà băn khoăn lo lắng không biết người Do Thái hay kẻ bất lương nào đã lấy trộm xác của Ngài?  Và để làm gì?
   -   Maria không thể hiểu, không thể đối phó, liền nhanh chân chạy về báo tin cho Phero và Gioan.
   -   Maria tiêu biểu cho người nhiệt tình yêu thương, phó thác, chia sẻ; dù không thể hiểu, vẫn tin tưởng tiếp tục yêu thương với trực giác, nhạy cảm, nhưng vẫn tình nghĩa thủy trung.
-    Vì thế Maria đã được phần thưởng xứng đáng là gặp Đấng Phục Sinh đầu tiên.

2.  Ông đã thấy và đã tin:
   -    Chính tông đồ Gioan về cuối cuộc đời đã viết lại những dòng này, kể tỉ mỉ câu chuyện Phero và ông đã chạy ra mộ Đức Giesu, vào tận bên trong, nơi đặt xác Ngài và đã chứng kiến hiện tượng ngôi mộ trống như thế nào.
   -    Đây là đọan Tin Mừng làm nhiều người thắc mắc về thái độ của Gioan.
   -    Người ta có thể lý giải vì Gioan trẻ trung, khỏe mạnh, yêu mến Chúa nhiều, cùng được Chúa đáp trả nhiều, vui mừng mong gặp lại Thầy, nên đã chạy nhanh, đến mộ trước, nhưng lại không vào trong mộ!
   -    Gioan ghi rõ:"Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào."
   -    Tại sao nhỉ? Gioan không vào vì sợ, vì e ngại, vì kính nể Phero, vì trực giác, vì linh cảm, vi đã hiểu, vì đã tin hay vì gì gì???
 -    Riêng Gioan, ông ghi lại sau khi quan sát hiện trường:"Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giesu phải chỗi dạy từ cõi chết."
 -    Ai cũng có kinh nghiệm ít nhiều về sự linh cảm, về giác quan thứ sáu khá chính xác giữa tình nghĩa máu mủ, hay trong tình yêu…
 -    Khi Gioan chứng kiến tận mắt các vải liệm còn nằm y nguyên tại nơi phần thi thể đã nằm, khi đặt xác Đức Giesu vào mộ lúc ban đầu. Ông biết ngay chuyện gì đã xẩy ra và ông đã tin.
 -    Thật thế, vài trò của tình yêu trong câu truyện này quả là phi thường, đã làm Maria không ngủ được, đã thúc đẩy bà đến nơi phần mộ Đức Giesu ngay từ lúc trời còn tinh mơ, để bà trở thành người sớm nhất, trước nhất; cùng đã giúp Gioan là người được vinh dự tin vào sự sống lại đầu tiên, trước nhất.  
-    Tin Mừng hôm nay đúng là tình yêu thương đã mách bảo Gioan, đã mở mắt để Gioan đọc được dấu hiệu, và tâm trí ông thấu hiểu sự việc.
-     Gioan xứng đáng được Chúa yêu, xứng đáng được vinh dự là người đầu tiên tin vào sự sống lại của Thầy mình, người đầu tiên nhìn hiện tượng mà hiểu và tin.
-     Còn con người, muốn hiểu mầu nhiệm phục sinh, lại dùng con bướm để làm biểu tượng. Vì bướm chính là con sâu chui vào tổ kén rồi lột xác mà thành!
-     Nhưng làm sao đúng? Vì bướm chui ra từ một đầu của tổ kén, nên ít nhiều tơ kén ấy cũng bị biến dạng.
-     Các nước Âu Mỹ lại thích dùng những qủa trứng gà, vịt…đầy mầu sắc để thấy gà vịt con phá bể vỏ trứng mà chui ra, như một sự sống mới mới được bắt đầu. 
-     Tất cả chỉ là chuyện vui, bởi thật ra chẳng có gì có thể là biểu tượng chính xác, xứng đáng cho sự Phục Sinh của Đức Giesu Kito.

  Lạy Chúa, chúng con không được trực tiếp chứng kiến Ngài Phục Sinh. Chúng con chỉ dựa trên lời minh chứng của các tông đồ, là những chứng nhân đã dùng chính cái chết của mình để xác nhận chân lý ấy.
Xin thương ban cho chúng con được gặp Ngài, được đón nhận ơn phục sinh từ chính Ngài. Dù chúng con bất xứng, nhưng tin Chúa giàu lòng thương xót sẽ đoái nhìn đến chúng con, để niềm vui, vinh quang Phục Sinh của Ngài làm cho chúng con nên mạnh mẽ, tràn đầy tình yêu, vững tin vào Sự Sống Lại của Ngài, hầu chúng con được tiếp nối các môn đệ, trong phục vụ, trong cuộc sống hằng ngày, thúc đẩy chúng con thành tâm, khiêm nhường sống đạo, để niềm tin, niềm vui phục sinh được lan rộng đến mọi người chung quanh. Vì Dức Giesu Kito Phục Sinh. Amen.
Than men,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét