Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Tổng thống Nelson Mandela: Tha thứ cho người khác là tự giải thoát chính mình


Tổng  thống  Nelson  Mandela: 
Tha  thứ  cho  người  khác  là  tự  giải  thoát  chính  mình
(trithucvn.net)

Cựu Tổng thống Nelson Mandela (Ảnh: Qua Elsoldeiquique.cl)

Tên tuổi của cựu Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela (1918-2013) luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cho sự bình đẳng và dân chủ ở Nam Phi – điều mà phần lớn công dân da màu ở đất nước này không có được kể từ khi người Châu Âu đến xâm chiếm làm thuộc địa. Mandela là một nhà lãnh đạo vì nhân quyền xuất chúng và là nhân tố quan trọng dẫn đến sự chấm dứt chế độ Apartheid (A-pác-thai).

Bên cạnh đó, ông còn được biết đến là một người có tấm lòng khoan dung, quảng đại, tha thứ cho cả người là “kẻ thù” của mình.
Có thể nói, ông Nelson Mandela là nhân vật quan trọng trong giới chính trị quốc tế. Cả đời ông đều tận sức phản đối chính sách kỳ thị, phân biệt chủng tộc, đẩy mạnh đấu tranh vì dân chủ ở Nam Phi. Cũng bởi vì thế mà ông bị bắt giữ và bị cầm tù suốt 27 năm. Ngày 10/2/1990, ông Nelson Mandela được chính phủ Nam Phi phóng thích vô điều kiện.
72 tuổi với mái tóc hoa râm, ông Mandela bước ra khỏi nhà tù. Ngay ngày hôm sau, ông Mandela lại bước vào con đường mà ông đã chọn – đấu tranh giải phóng dân tộc. Tháng 12-1993, ông Mandela và Tổng thống Willem de Klerk được trao giải Nobel Hòa bình “vì những nỗ lực để chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc trong hòa bình, đồng thời đặt nền móng cho nền dân chủ Nam Phi mới”.
Năm tháng sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, cử tri mọi chủng tộc nô nức đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử dân chủ. Kết quả, ông Mandela được bầu làm Tổng thống với số phiếu áp đảo, trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi sau hơn ba thập kỉ do người da trắng thống trị.
Trong lễ nhậm chức của ông Nelson Mandela có 50.000 người đã tham gia. Sau lễ nhậm chức, ông Mandela cũng tổ chức yến tiệc chiêu đãi đặc phái viên các nước và khách mời. Mandela đã mời cả các cai ngục ở đảo Robben và công tố viên đã đòi ông phải bị kết án tù chung thân tham dự lễ nhậm chức tổng thống của ông.
Trong yến tiệc, đầu tiên, ông hoan nghênh các vị quan khách đã dành thời gian tới tham dự. Ông nói, ông cảm thấy vô cùng vinh hạnh vì được tiếp đãi nhiều vị khách tôn quý như vậy. Nhưng điều khiến ông hài lòng nhất là sự xuất hiện của ba người quản ngục ở nhà tù Đảo Robben, nơi ông từng bị giam giữ. Sau đó ông mời ba người quản ngục cũ này đứng lên và giới thiệu từng người một với tất cả mọi người. Khi Mandela đứng dậy cung kính chào 3 người này thì tất cả những người có mặt ở đó, thậm chí cả thế giới đều phải tĩnh lặng.
Những người có mặt tại buổi lễ đều vô cùng cảm động. Trong số những người tham dự này, có một người là thành viên phái đoàn đặc phái viên Mỹ, thân là đệ nhất phu nhân tổng thống – bà Hillary Clinton. Bởi vì đang phải chịu tiếp nhận điều tra vụ Whitewater và thường xuyên bị báo giới công kích, bà Hillary đã hỏi ông Mandela rằng vì sao trong dòng chảy nguy hiểm, trong cuộc đấu tranh biến động liên tục như vậy mà ông vẫn bảo trì được một tấm lòng quảng đại, khoan dung và tha thứ?
Ông Mandela nhìn bà Hillary, rồi dùng tâm thái mà mình thu hoạch được trong ngày ra tù trả lời bà. Ông nói: “Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu tôi không thể để nỗi đau và sự oán hận của mình ở lại đằng sau, thì thực sự chính là tôi vẫn còn đang ở trong tù”.
Ông Mandela cũng nói với bà Hillary rằng: “Lòng biết ơn và khoan dung thường có nguồn gốc từ sự đau khổ và hoạn nạn, chúng ta phải dùng nghị lực thật to lớn để huấn luyện. Bản thân tôi lúc còn trẻ tính tình rất nóng nảy, ở trong tù phải học cách kiểm soát, kiềm chế cảm xúc mới tồn tại được đến hôm nay. Những năm tháng ở trong tù đã cho tôi thời gian và sự khích lệ, có thể thâm nhập được vào nội tâm của chính mình, học được cách xử lý những đau khổ mà bản thân gặp phải.”

(Hình minh họa)

Sự khoan dung, độ lượng của ông Mandela và tinh thần lạc quan hướng về phía trước của ông đã làm cảm động sâu sắc đến bà Hillary. Bà thường âm thầm nhắc nhở bản thân mình rằng, phải cố gắng giống như Mandela, lấy khoan dung để xử lý những đau khổ gặp phải trong cuộc đời. Một ngày vào tháng 8 năm 1998, chồng bà lúc ấy đang là đương kim Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton đã thừa nhận bản thân có mối quan hệ “không đứng đắn” với Lewinsky, một thực tập sinh nhà trắng.
Bà Hillary đã giận dữ như một con sư tử và la hét vào mặt chồng. Nhớ lại tâm trạng của mình lúc ấy, trong hồi ký, bà Hillary viết: “Nếu chỉ làm vợ, tôi ước gì có thể vặn cổ anh ấy. Nhưng anh ấy không chỉ là chồng tôi, mà còn đồng thời là Tổng thống của nước Mỹ. Bất luận thế nào, phong cách lãnh đạo nước Mỹ và cộng đồng quốc tế của anh ấy vẫn khiến tôi phải kính phục như trước.” Như chúng ta đã biết, bà Hillary cuối cùng đã tha thứ cho chồng mình. Quả thực, nếu bà Hillary chỉ dùng nghị lực của một người bình thường thì khó có thể kiểm soát được tình cảm của mình lúc ấy.
Kỳ thực, đối với phần lớn mọi người, sẽ không có gì đau khổ hơn việc mất tự do và bị người mình yêu thương phản bội. Có người sẽ cho rằng thà không làm một người có danh tiếng như bà Hillary mà làm theo điều mình mong muốn để không phải chịu thống khổ, nhưng ai có thể đảm bảo rằng bản thân vĩnh viễn không có thống khổ đây?
Trong cuộc sống, vui vẻ và thống khổ thường thường luân phiên xuất hiện và hoán đổi tác dụng. Cho nên, khi thống khổ đến, hãy làm giống như Mandela, bỏ lại thống khổ và oán hận ở đằng sau, vui vẻ bước về phía trước. Chúng ta làm điều đó, không phải vì người khác mà là vì chính bản thân mình. Bởi vì, tâm con người, trái tim con người cũng được ví là một nhà tù, nếu như để oán hận chôn sâu trong đó, thì chúng ta sẽ trở thành tù nhân của chính mình. Lúc ấy, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, như thế mới là thống khổ nhất!
(Hình minh họa)

Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi ông rằng: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?”
Khổng Tử nói: “Chính là chữ “Thứ”. Chữ “Thứ” này chính là mang ý nghĩa khoan dung, độ lượng”
Một vị học trò khác của Khổng Tử là Nhan Hồi cũng từng nói: “Nhân thiện ngã, ngã diệc thiện chi, nhân bất thiện ngã, ngã diệc thiện chi.” (Tạm dịch: Người đối tốt với ta, ta cũng đối tốt với người. Người không đối tốt với ta, ta vẫn đối tốt với người.)
Cho nên, tha thứ cho người khác chính là giải thoát cho chính mình, cũng là cách yêu thương chính mình!
An Hòa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét