BỮA CƠM NGÀY XƯA
Cuộc sống khắp nơi đang thơ thới hân hoan, bỗng dưng giá cả
thực phẩm bắt đầu leo thang. Mà đã leo thang, bọn đầu cơ tích trữ thế nào cũng
dấu béng đi để tạo thành một tình trạng khan hiếm, để rồi sau đó, giá cả lại
tiếp tục tăng lên vùn vụt, khiến cho bàn dân thiên hạ lo lắng đến toát cả mồ
hôi hột.
Những nước nghèo đói bên Châu Phi và ngay cả những nước không
đến nỗi túng thiếu, chẳng hạn như Phi Luật Tân hay Ấn Độ…vì không sản xuất đủ
lương thực, nên dân chúng phải xếp hàng mua gạo và chỉ được mua theo một chế độ
nào đó. Nhìn cảnh tượng ấy mà gã cảm thấy ngao ngán lắm vậy.
Gã là dân Hai Lúa, cắm dùi ở miền đồng bằng sông Cửu Long.
Ngay sau khi thu hoạch vụ đông xuân, cứ tưởng giá lúa sẽ ổn định như mọi năm,
nên cũng như nhiều người khác, đã vội bán đi để trang trải nợ nần: Nào là tiền
công, nào là tiền thuốc, nào là tiền phân…Nào ngờ đâu, giá lúa cứ như ngựa phi
đường xa, mỗi ngày lên một bậc, thành thử chỉ trong hai hay ba tuần lễ là đã
mất toi một số tiền lớn chỉ vì trượt giá. Số tiền bay hơi trước mắt này gần
bằng với tiền lời mình kiếm được của một vụ mùa.
Và điều còn vô lý hơn nữa, đó là ngay tại cái vựa lúa miền
Nam, giá gạo bất chợt lên cơn sốt, như một căn bệnh cấp tính. Tăng gấp hai, gấp
ba…khiến cho những người ăn đong cũng phải xếp hàng mà mua gạo. Nhưng may thay
cơn sốt này chỉ kéo dài có hai ngày thì xẹp xuống như trái bóng xì hơi,
Qua sự việc nóng bỏng kể trên, gã nghiệm ra rằng cái ăn thật
là quan trọng, đứng vào hàng đầu trong cuộc sống thường ngày. Ngoài ngõ, người
ta đánh nhau toạc đầu xẻ trán cũng chỉ vì cái ăn, còn trong nhà người ta xào
xáo lẫn nhau cũng chỉ vì cái ăn đang ở vào thời buổi “gạo châu củi quế”, bởi vì
như cha ông chúng ta vốn thường nói:
- Có thực mới vực được đạo.
- Bụng đói, thì đầu gối phải bò.
- Đói ăn vụng, túng làm liều.
- Bần cùng sinh đạo tặc.
- Bụng đói, thì đầu gối phải bò.
- Đói ăn vụng, túng làm liều.
- Bần cùng sinh đạo tặc.
Chính vì thế, gã xin bàn đến chuyện bữa cơm gia đình xưa và
nay. Nói một cách trừu tượng theo kiểu khoa học, thì vấn đề nạp năng lượng
cho cơ thể được hoạt động, hay nói một cách cụ thể theo kiểu bình dân, thì vấn
đề ăn cho cơ thể được sống, là điều rất cần thiết cho mọi người, ở mọi nơi và
trong mọi lúc. Chẳng thế mà người tây phương đã bảo:
- Ăn để mà sống.
Còn người đông phương thì nói:
- Dân dĩ thực vi tiên, người dân lấy cái ăn làm đầu.
Mặc dù người quân tử có thể vỗ ngực mà hãnh diện:
- Thực vô cầu bão và cư vô cầu an. Có nghĩa là ăn chẳng cần no và ở chẳng cần yên.
Còn người đông phương thì nói:
- Dân dĩ thực vi tiên, người dân lấy cái ăn làm đầu.
Mặc dù người quân tử có thể vỗ ngực mà hãnh diện:
- Thực vô cầu bão và cư vô cầu an. Có nghĩa là ăn chẳng cần no và ở chẳng cần yên.
Thế nhưng, chẳng ai đói mãi mà sống bình thường được. Không
suy dinh dưỡng, thì cũng bệnh nọ tật kia. Chính vì thế mà bữa cơm đã trở thành
một sinh hoạt trung tâm của nếp sống gia đình.
Đa số người Việt Nam sống bằng nghề nông, nên được liệt vào
hạng lao động tay chân. Mà đã lao động tay chân, thì ban sáng cần phải ăn no,
mới đủ sức làm việc trên ruộng đồng cho tới trưa. Vì thế, người Việt Nam thường
ăn ba bữa: Sáng, trưa và tối: Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch. Tuy nhiên, có
những gia đình bữa tối chỉ ăn qua quít với cơm nguội và những thức ăn còn dư
lại của ban trưa mà thôi.
Trong khi đó, dân thành phố do ảnh hưởng của người Pháp, ban
sáng thường ăn ít và gọi đó là bữa điểm tâm. Còn ban trưa mới là bữa chính và
ban tối mới là bữa…trọng hơn các bữa.
Tác giả Đào Duy Anh, trong Việt Nam Văn hóa Sử cương, đã
viết: “Từ xưa, người nước ta vẫn sinh hoạt bằng nghề cày cấy và nghề chài lưới,
cho nên đồ ăn chủ yếu của ta là gạo và cá”. Gạo là hoa màu chính của ruộng
đồng, còn cá là sản phẩm chính của sông ngòi và biển cả.
Theo Toan Ánh trong “Phong tục Việt Nam”, thì cây lúa ở ngoài
đồng mới chỉ cho ta hạt thóc mà thôi. Và hạt thóc cần phải có bàn tay con người
chế tạo để biến thành hạt gạo.
Gã không cần nói tới những lao công vất vả quyện lẫn với
những giọt mồ hôi, được người nông dân đổ xuống trên ruộng đồng từ những ngày
gieo xạ cho tới lúc thu hoạch, mà chỉ nói tới từ lúc thu hoạch cho tới khi trở
thành một hạt cơm mà thôi.
Ngày xưa chưa có máy móc như hiện nay, lúa được gặt, rồi đập,
phơi và rê sạch, sau đó thóc được dí…bồ.
Muốn biến thóc thành gạo, thì trước tiên phải đổ thóc vào cối
xay để tách vỏ thóc, gọi là trấu, ra khỏi hạt. Thóc xay rồi được đem sàng, để
loại trấu ra khỏi gạo. Gạo sàng rồi được cho vào cối giã, để tách cám khỏi gạo.
Gạo giã rồi được đem dần để cám và tấm tách rời riêng biệt, chỉ còn lại gạo sẽ
đem dùng.
Muốn nấu cơm, trước hết phải vo gạo, để sạch những mày trấu
còn dính trong gạo. Vo mà thôi chưa đủ, đôi khi còn phải đãi gạo. Người ta lắc
mạnh rá gạo đã vo, để những hạt sạn nặng hơn sẽ bị lắng xuống dưới lòng rá. Sau
đó bốc chỗ gạo ở trên bỏ vào một cái rá khác cho tới khi chỉ còn một ít gạo lẫn
với sạn, thì bỏ đi hay vứt cho gà vịt ăn…
Tiếp đến, người ta đổ nước vào nồi, đun cho sôi, rồi đổ gạo
vào và đậy vung lại. Lát sau, nồi cơm sôi trở lại, người ta lấy đôi đũa cả mà
ghế. Sau đó, phải liệu sao cho nồi cơm được đủ nóng bằng cách vần, đốt,
hay đánh cuốn…thì nồi cơm mới chín được.
Không phải ai cũng có thể nấu được nồi cơm ngon và dẻo, cũng
không phải hễ cứ nấu, thì nồi cơm liền được như ý mình muốn. Nấu không khéo,
cơm sẽ trương, sẽ sống, sẽ khê hay sẽ nát, như câu tục ngữ dùng để chê bai các
bà nội trợ nấu cơm hơi bị vụng về:
- Trên sống, dưới khê, tứ bề nát bét.
Ý thức được những công lao vất vả là như thế, nên các cụ ta ngày xưa mới khuyên:
- Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
Ý thức được những công lao vất vả là như thế, nên các cụ ta ngày xưa mới khuyên:
- Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
Hồi còn bé, trong khi ăn, nếu chẳng may làm rơi vãi một vài
hạt cơm mà không chịu nhặt lên, thế nào cũng được ba gã giảng cho một bài luân
lý giáo khoa thư về những khó nhọc của người đã làm nên hạt gạo và hạt cơm,
cũng như những người hiện đang lâm cơn đói kém, không có gì để ăn. Chắc hẳn ba
gã vẫn còn bị ám ảnh bởi cơn ác mộng của nạn đói năm Ất Dậu, đã cướp đi
sinh mạng của hàng vạn người tại miền Bắc?
Hồi còn bé, bọn nhóc con trong những đêm trăng sáng, thường
chơi trò đố vui. Và có một câu được đưa ra như sau:
- Mấy hạt gạo thì được một hạt cơm?
Xin thưa rằng:
- Chín hạt gạo mới được một hạt cơm.
Xin thưa rằng:
- Chín hạt gạo mới được một hạt cơm.
Té ra đó là một kiểu chơi chữ. Chín hạt gạo có nghĩa là hạt
gạo phải được nấu chín thì mới trở thành một hạt cơm.
Dân Việt Nam vốn nghèo, nên thức ăn trong bữa cơm không có gì
đáng kể, ngoài con cua, con tép, con cá bắt được dưới kinh rạch hay ao chuôm và
mớ rau trồng trong vườn như rau muống, rau cải, quả cà hay hái được nơi bờ dậu
như rau ngót, rau mồng tơi…Chỉ trong những ngày đặc biệt hay trong những dịp
hội hè đình đám mới có miếng thịt và thường là thịt lợn.
Vì hiếm khi được ăn thịt, nên ở một vài nơi khi đi dự tiệc,
người ta chỉ ăn qua quít, còn bao nhiêu được chia đều, mỗi người một gói để
mang về cho con cháu.
Gã còn nhớ ngày xưa khi tham gia sinh hoạt trong “hội hát”
của giáo xứ, cứ mỗi lần mừng bổn mạng, người ta đều giết heo. Đầu lòng và tiết
canh được dùng trong bữa tiệc. Số thịt sống còn lại được chia làm nhiều phần và
mỗi ca viên được một phần xách về nhà, để mọi người cùng hưởng tí lộc của hội
hát…
Vì là một trong những sinh hoạt chính, nên các gia đình
thường qui định: Đến bữa, thì mọi người đều phải có mặt đông đủ, bởi vì “người
đi không bực, cho bằng người chực nồi cơm”. Cơm nấu xong, phải ăn liền tù tì
khi còn nóng hổi thì mới ngon, chứ còn kẻ chờ và người đợi, tới khi nguội tanh
nguội ngắt, thì dù thức ăn được nấu ngon cũng trở thành dở.
Theo Toan Ánh diễn tả thì ở nhà quê, mâm cơn thường được đặt
trên một chiếc chiếu trải xuống đất ở dưới bếp. Gặp những buổi chiều mát mẻ,
thì trải ngay ở ngoài sân. Chỉ nhà giàu mới dọn cơm trên phản. Khi có khách
hoặc giỗ tết, mâm cơm sẽ được dọn lên ở nhà trên hay nhà khách.
Thật là tình tứ và thơ mộng, khi cả gia đình cùng nhau quây
quần với nhau bên mâm cơm, được dọn ra ở ngoài sân vào một buổi tối sáng trăng,
cho dù thức ăn có đạm bạc và ít ỏi với canh cua rau day, với cà ghém mắm tôm,
thì vẫn cứ ngon miệng, hay như ca dao đã diễn tả:
- Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Cũng có nhà, người ông hoặc người cha, vốn là chủ gia đình,
được vợ con và các cháu kính trọng dọn riêng một xuất cơm lên nhà trên.
Trong bữa ăn, thường con gái và con dâu phải ngồi đầu nồi để
xới cơm.
Vì thế mới xảy ra chuyện mấy đứa em trai “trời đánh thánh vật
không chết” chọc ghẹo chị dâu mới về nhà chồng bằng cách nháy mắt cho nhau, chị
dâu vừa xới cho đứa này, thi đứa kia đã vội chìa bát tới, khiến cho chị dâu cứ
phải liên tục xới cơm mà chẳng kịp ăn. Thế là chúng phá ra cười một cách vui
vẻ.
Khi ngồi xuống mâm cơm, ông bà hay cha mẹ thường ngồi trước,
rồi sau đó mới đến con cháu. Trước khi dùng bữa, nếu là con nhà có đạo, thì
người chủ gia đình sẽ làm dấu thánh giá và cùng nhau đọc kinh Lạy Cha, để cảm
tạ và xin Chúa thánh hóa những của ăn sắp được hưởng dùng.
Sau đó, những người dưới phải mời những người trên. Thí du
đứa cháu thì phải mời ông bà, mời cha mẹ và mời các anh các chị…xơi cơm. Nghi
thức này xem ra hơi bị kéo dài, nhất là đối với những gia đình đông con nhiều
cháu.
Khi ăn, con cháu thường nhường những miếng ngon miếng ngọt
cho ông bà và cha mẹ. Thế nhưng, ông bà và cha mẹ cũng thường nhường lại cho
con cháu, nhất là những đứa còn nhỏ.
Theo phép lịch sự, người xưa đã dạy:
- Ăn trao xuống, uống trao lên.
Theo phép lịch sự, người xưa đã dạy:
- Ăn trao xuống, uống trao lên.
Đồ ăn là chính, còn nước uống là phụ, ai muốn dùng bao nhiêu
cũng được, không đáng kể. Vì thế, người trên phải trao đồ ăn xuống cho kẻ dưới
để tỏ lượng bao dung. Còn kẻ dưới thì đưa nước uống lên cho người trên, để tỏ
ra lòng tôn kính. Ngoài ra, câu trên còn được hiểu: Trong chuyện cỗ bàn, người
mâm trên vốn ăn ít nhưng uống nhiều, nên thường san sẻ thức ăn cho mâm dưới.
Còn người mâm dưới thì phải trông chừng để tiếp thêm rượu, thêm nước cho mâm
trên.
Ngoài ra, người xưa cũng nhắc nhở chúng ta:
- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
Có nghĩa là khi ăn phải trông xem trong nồi còn nhiều cơm hay
ít để mà liệu có nên ăn thêm nữa hay thôi, cho phải phép. Còn khi muốn ngồi
xuống chỗ nào, thì phải trông xem cái hướng mình ngồi có gây cản trở cho ai
không, rồi mới ngồi.
Hồi còn bé, gã đã xem một cuốn phim mang tựa đề là “Thằng
khùng đi hỏi vợ”, trong đó có một chi tiết như sau:
Thằng khùng được ông bác dẫn tới nhà ông bố vợ tương lai. Và
trong bữa cơm, thế nào bên đàng gái cũng quan sát thái độ của thằng khùng để
đánh giá và quyết định xem có nên gả con gái hay không. Vốn biết tính thằng
khùng tham ăn, nên ông bác bèn cột một sợi chỉ vào chân thàng khùng và nói:
- Bao giờ tao giật thì mày mới được ăn.
Thằng khùng vui vẻ nhận lời. Vào bàn tiệc, nó ngồi ăn rất nhỏ nhẹ theo những cái giật của ông bác. Mọi người đều tấm tắc khen. Nhưng rồi khi bữa tiệc gần kết thúc, con chó dưới gậm bàn vướng phải sợi dây, làm cho sợi dây bị giật liên hồi. Và thế là thằng khùng cũng vội bốc các thứ thịt thà trên bàn mà ăn lấy ăn để, khiến cho mọi người trố mắt ngạc nhiên mà không hiểu tại sao.
Thằng khùng vui vẻ nhận lời. Vào bàn tiệc, nó ngồi ăn rất nhỏ nhẹ theo những cái giật của ông bác. Mọi người đều tấm tắc khen. Nhưng rồi khi bữa tiệc gần kết thúc, con chó dưới gậm bàn vướng phải sợi dây, làm cho sợi dây bị giật liên hồi. Và thế là thằng khùng cũng vội bốc các thứ thịt thà trên bàn mà ăn lấy ăn để, khiến cho mọi người trố mắt ngạc nhiên mà không hiểu tại sao.
Một truyện tiếu lâm khác kể lại:
Anh chàng rể tương lai tới nhà ông bố vợ và được mời ở lại dùng bữa. Trong khi ăn, anh chàng rể hờ này cố gắng bắt chước ông bố vợ. Hễ ông bố vợ gắp món nào, thì anh ta cũng gắp món đó, khiến ông bố vợ gật đầu khoái chí.
Anh chàng rể tương lai tới nhà ông bố vợ và được mời ở lại dùng bữa. Trong khi ăn, anh chàng rể hờ này cố gắng bắt chước ông bố vợ. Hễ ông bố vợ gắp món nào, thì anh ta cũng gắp món đó, khiến ông bố vợ gật đầu khoái chí.
Tới lúc ông bố gắp bún vào bát, rồi chan canh mà ăn. Chẳng
may đang lúc ăn bún như vậy, ông bố vợ bị…”hắt xì”, khiến một cọng bún thò ra ở
lỗ mũi. Thấy vậy, anh chàng rể tương lại bèn chắp tay vái ông bố vợ và nói:
- Thôi con lạy bố, con không thể nào bắt chước bố ở cái khoản
này được đâu!
Suốt ngày chúng ta làm lụng vất vả, mỗi người một việc và mỗi
việc một nơi. Bởi thế, bữa cơm phải là nơi hội tụ, phải là lúc sum họp của mọi
người trong gia đình.
Nhiều khi gã thấy các bữa cơm thật tẻ nhạt và rời rạc vì
thiếu vắng những khuôn mặt thân yêu, mạnh ai người ấy ăn, còn những người khác
thì lại đang làm những việc đâu đâu.
Tới giờ cơm, chúng ta hãy tạm gác bỏ mọi công việc không mấy
cần thiết ấy để đoàn tụ, để họp mặt. Đồng thời cố gắng tạo cho bữa ăn một bàu
khí tươi vui cởi mở.
Có nhiều gia đình đã biến bữa cơm thành một tòa án nhân dân
để xét xử, trong đó anh chị em tố cáo những sai lỗi của nhau với cha mẹ, để rồi
cha mẹ, như những ông quan tòa nghiêm khắc, đã lên tiếng chửi bới, đánh mắng,
làm cho bữa ăn trở thành ngột ngạt và căng thẳng. Chúng ta nên nhớ lại lời
người xưa khuyên nhủ:
- Trời đánh còn tránh bữa ăn.
Có nghĩa là dù công việc quan trọng đến đâu chăng nữa, thì cũng đợi cho mọi người dùng bữa xong, thì mới đem ra tính toán, chứ không nên đề cập tới trong lúc mọi người còn đang ăn. Cũng vậy, thiếu gì lúc chúng ta có thể bảo ban, sửa dạy con cái, nên đừng nhằm vào bữa cơm mà tố khổ và chửi bới lẫn nhau.
Có nghĩa là dù công việc quan trọng đến đâu chăng nữa, thì cũng đợi cho mọi người dùng bữa xong, thì mới đem ra tính toán, chứ không nên đề cập tới trong lúc mọi người còn đang ăn. Cũng vậy, thiếu gì lúc chúng ta có thể bảo ban, sửa dạy con cái, nên đừng nhằm vào bữa cơm mà tố khổ và chửi bới lẫn nhau.
BỮA CƠM HÔM NAY
Ngày nay, với những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, người ta đã chế tạo ra nhiều dụng cụ, giúp đỡ cho công việc bếp núc được dễ dàng. Trước hết là cái nồi cơm điện.
Ngày nay, với những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, người ta đã chế tạo ra nhiều dụng cụ, giúp đỡ cho công việc bếp núc được dễ dàng. Trước hết là cái nồi cơm điện.
Gã xin thanh minh thanh nga rằng cái nồi cơm điện ở đây không
phải là cái mũ an toàn phải đội lên đầu mỗi khi ngồi trên xe gắn máy, mà là cái
nồi thổi cơm bằng điện thứ thiệc chính hiệu con nai vàng, có nhãn hiệu trình
tòa hẳn hoi.
Với cái nồi cơm điện, người ta không còn phải làm trải qua
những công việc tỉ mỉ khi thổi một nồi cơm như ngày xưa nữa, mà chỉ cần vo
gạo, đổ nước và gạo vào nồi, rồi cắm điện và ngồi chờ…cơm chín. Tuy nhiên, theo
nhiều người nhận xét, thì cơm được nấu trong nồi điện không ngon bằng cơm nấu
trong niêu đất hay nồi đồng, nồi gang với lửa củi và lửa rơm.
Tiếp đến là cái tủ lạnh, nhờ nó người ta tiết kiệm được rất
nhiều thời giờ. Mỗi tuần chỉ cần đi chợ một hai lần mà thôi. Sau đó thực phẩm
tươi sống được cất vào tủ lạnh để ăn dần. Ngoài ra còn rất nhiều những dụng cụ
khác nữa, như bếp ga, lò nướng…giúp cho công việc bếp núc được dễ dàng và bớt
đi phần nào những vất vả nhọc nhằn.
Thêm vào đó là hệ thống siêu thị với những thức ăn được chế biến sẵn, chỉ việc cho vào nồi mà đun, hay cho vào chảo mà chiên, cùng với những hàng quán ở khắp nơi, chỉ việc nhấc điện thoại là cơm nóng canh ngọt sẽ được phục vụ tận nhà, khiến cho người phụ nữ không còn phải bận rộn nhiều đến góc bếp của mình nữa.
Thêm vào đó là hệ thống siêu thị với những thức ăn được chế biến sẵn, chỉ việc cho vào nồi mà đun, hay cho vào chảo mà chiên, cùng với những hàng quán ở khắp nơi, chỉ việc nhấc điện thoại là cơm nóng canh ngọt sẽ được phục vụ tận nhà, khiến cho người phụ nữ không còn phải bận rộn nhiều đến góc bếp của mình nữa.
Dầu vậy, nhiều bà nhiều cô hiện nay xem ra lơ là phần nào cái
bổn phận nữ công gia chánh của người nội trợ và những bữa cơm gia đình mỗi ngày
một trở nên khan hiếm và mất dần ý nghĩa của nó. Sở dĩ như vậy là vì nhiều
người phụ nữ hôm nay được học hành đến nơi đến chốn và bước chân ra ngoài xã
hội. Nói một cách cụ thể hơn, người vợ hôm nay cũng phải đi làm như người
chồng. Một chị vợ đã phát biểu như sau:
- Tôi đi làm suốt cả ngày cũng đã mệt lắm rồi, chiều về nhà
lại phải chui đầu vào bếp nữa, thì làm sao kham nổi. Huống chi còn hải
tranh thủ giải quyết bữa cơm chiều thật nhanh thật gọn để ban tối đến lớp học tại
chức…
Tác giả Duy Thảo, trên báo “Phụ nữ Chủ nhật” số 23 ra ngày
19.6.2005, đã ghi nhận như sau: “Cuộc sống tất bật với biết bao nhiêu công
việc, khiến người ta quên đi hương vị của những bữa cơm gia đình. Dần dần, điều
đó trở thành thói quen. Người ta cho rằng: Ăn ở đâu mà chẳng được, miễn sao nạp
đủ năng lượng để tái sản xuất sức lao động. Có người bằng lòng với một dĩa cơm
bụi bên vỉa hè, sang hơn thì vào quán. Người khác thì kêu cơm hộp, cũng có khi
mọi người kéo nhau đi nhà hàng…
Có những nhà chẳng còn bữa cơm gia đình nữa. Thí dụ một gia
đình trẻ gồm có ba người. Ban sáng kéo nhau ra quán ăn điểm tâm. Ban trưa người
vợ và người chồng thì ăn cơm nơi “căn tin” của cơ quan mình. Đứa nhỏ ăn
cơm trong nhà trẻ. Ban tối anh chồng thường về muộn vì còn bận tiếp khách hay
la cà ăn nhậu với bè bạn…
Có những nhà, bữa cơm gia đình tuy còn đấy, nhưng lại mất đi
sự ấm cúng của nó. Mỗi người một hộp cơm mua sẵn, hay mỗi người một tô cơm,
muốn ăn vào lúc nào thì ăn, hay vừa ăn vừa ngó vô màn hình TV, vì anh chồng
không thể bỏ qua trận bóng đá, chị vợ không thể bỏ qua cuốn phim Hàn quốc và
đứa con không thể bỏ qua bộ phim hoạt hình…
Cũng theo tác giả Duy Thảo: Bữa cơm gia đình không đơn giản chỉ là “đầu vào” cho cơ thể, nhưng còn là nơi sum họp của các thành viên trong nhà. Những câu chuyện được kể lại và từ đó những khúc mắc được giải tỏa, những ấm ức được xoa dịu. Qua những bữa ăn, các ông chồng sẽ nắm rõ hơn giá cả thị trường. Các bà vợ sẽ biết thêm tình hình thời sự thế giới. Trong những gia đình hạnh phúc, tiếng cười tràn ngập bữa cơm.
Cũng theo tác giả Duy Thảo: Bữa cơm gia đình không đơn giản chỉ là “đầu vào” cho cơ thể, nhưng còn là nơi sum họp của các thành viên trong nhà. Những câu chuyện được kể lại và từ đó những khúc mắc được giải tỏa, những ấm ức được xoa dịu. Qua những bữa ăn, các ông chồng sẽ nắm rõ hơn giá cả thị trường. Các bà vợ sẽ biết thêm tình hình thời sự thế giới. Trong những gia đình hạnh phúc, tiếng cười tràn ngập bữa cơm.
Thực vậy, với bữa cơm gia đình, chúng ta không phải chỉ chia
sẻ cho nhau những thức ăn và đồ uống, là nguồn sống cho cơ thể, mà còn chia sẻ
cho nhau những tình cảm chân thành, để những thành viên gần gũi và gắn bó với
nhau hơn, nhờ đó gia đình thực sự trở thành một mái ấm hạnh phúc.
Để kết luận, xin ghi lại nơi đây lời khuyên của một người mẹ
cho cô con gái sắp sửa lên xe hoa:
- Con phải giữ lửa trong căn bếp của gia đình luôn ấm nóng,
chứ đừng để nó nguội lạnh.
Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét