Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Tu tại gia Chuyện Phiếm Gã Siêu

Tu  tại  gia
Chuyện  Phiếm  Gã  Siêu


Cách đây không lâu, gã có đọc được một câu chuyện đại khái như thế này:
Có ba người cùng tôn giáo, gồm một nhà truyền giáo, một anh tài xế lái xe đò và một bác nông dân có vợ và mười đứa con. Ba người đều thâm niên bốn mươi năm chức nghiệp, đã qua đời cùng một giờ, cùng một ngày và cùng được lên trình diện Chúa, để xin vào thiên đàng. Ba người cùng tới một lúc, nên Thánh Phêrô mới nói:
– Các anh hãy tự nhường nhịn nhau, vậy anh nào muốn vào trước?
Nhà Truyền Giáo nói:
– Hai anh dành cho tôi vào trước được không?
Anh tài xế và bác nông dân đều kính nể vị lãnh đạo tinh thần, chẳc hẳn người có nhiều công lao, nên đồng thanh cất tiếng cùng một lúc:
– Chúng tôi xin nhường ngài vào trước.
Nhà truyền giáo rất lấy làm hãnh diện thấy mình được nhường, cúi đầu chào thánh Phêrô và chững chạc tiến vào cửa Thiên đàng, quỳ trước Thiên Nhan và tâu:
– Muôn lạy Chúa, con là nhà truyền giáo đã làm việc thay thế các Tông Đồ, suốt bốn mươi năm chuyên lo rao giảng Lời Chúa nhân từ cho giáo dân, xin cho con được vào Thiên đàng trước.
Chúa ngắm nhìn nhà truyền giáo với tấm lòng yêu thương dạt vào và rồi xuất khẩu thành thơ, Ngài phán:
– Bốn mươi năm dạy dỗ Lời Cha
Con giảng giáo dân ngủ gật gà
Đâu hiểu Phúc Âm mà áp dụng
Ra ngoài tạm nghỉ, đợi chờ Ta.
Nhà truyền giáo lủi thủi lui ra. Anh tài xế nói với bác nông dân:
– Bác nhường cho tui vào trước nhé vì tui thường chở bác đi đây đi đó.
Bác nông dân gật đầu chấp nhận vào sau chót. Anh tài nhanh nhảu cúi đầu chào thánh Phêrô và tiến vào cửa Thiên đàng, quỳ xuống, rồi ngẩng mặt lên chiêm ngưỡng Chúa và tâu:
– Muôn tâu lạy Chúa! Con làm tài xế xe đò, suốt bốn mươi năm con phục vụ đồng bào, chuyên chở vợ đi thăm chồng, con đi thăm cha, đem tình thương yêu đến với mọi người. Thỉnh xin Chúa cho con được vào Thiên đàng sớm.
Chúa nhìn anh tài xế, Ngài mỉm cười:
– Ừ, kể ra con cũng có nhiều công to đáng được thưởng, tuy nhiên con tạm ra ngoài nghỉ, chờ Cha xem kỹ lại một số hồ sơ vừa trình lên thưa kiện con vì bị thương dập mũi, trầy trán gì đó mà Cha chưa kịp xem hết.
Cũng xuất khẩu thành thơ, Ngài phán:
– Xe đò chuyên chở khách đi xa
Thăm viếng chồng, cha cũng tuyệt mà
Đáng thưởng Thiên đàng nhờ lái giỏi!
Mỗi lần con thắng, chúng kêu Ta!
Anh tài xế cũng chưa được vào, phải lui ra và ngồi chờ. Đến lượt bác nông dân, bác rụt rè sợ sệt vì nghĩ bụng hai người có công lớn như vậy mà chưa được vào. Còn mình chỉ có cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt để nuôi vợ, nuôi con, đâu có công lao gì, thì làm sao vào nổi Thiên đàng, nên rất hồi hộp lo âu! Anh trịnh trọng cúi đầu chào thánh Phêrô và nhỏ nhẹ thưa:
– Bẩm ngài, con được phép vào chưa?
Thánh Phêrô gật đầu và nói:
– Con hãy vào trình diện Chúa đi.
Bác nông dân rụt rè tiến vào, còn cách cửa Thiên đàng cả trăm mét, bác đã quỳ xuống và di chuyển bằng hai đầu gối, gần đến cửa anh cúi rạp đầu và khúm núm tâu:
– Bẩm lạy Cha nhân từ! Con là một nông dân dốt nát, nghèo hèn, bốn mươi năm chỉ biết cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt để nuôi vợ và mười đứa con, ban tối còn phải phụ bà xã rửa chén, cuối tuần còn phải lau nhà nữa. Xin Cha rộng lòng thương cho con được nương náu dưới mái nhà thân yêu của Cha là con sung sướng lắm rồi. Cha muốn con làm bất cứ việc gì, con cũng xin vâng theo!
Chúa nhìn bác nông dân một cách trìu mến và Ngài phán:
– Con quả thực có công lớn.
Rồi Ngài đọc mấy vần thơ chợt nghĩ ra:
– Làm chồng chiều vợ tuyệt vời thay
Nhịn nhục khôn ngoan đáng bậc thầy!
Suốt bốn mươi năm con chịu nổi
Thiên đàng, Cha thưởng bước vô ngay.
Từ hình ảnh bác nông dân âm thầm chu toàn những bổn phận của mình, gã bỗng nhớ tới mấy câu ca dao về đường tu, thì cũng có dăm bảy đường:
– Thứ nhất thì tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu… dòng.
Là con nhà có đạo, chúng ta thường hiểu chữ tu là dấn thân theo đuổi lý tưởng phục vụ Chúa và người khác. Lý tưởng ấy được thực hiện bằng hai cách, đó là tu triều và tu dòng. Tu triều là dâng mình cho Chúa với mục đích làm công việc mục vụ, không bị ràng buộc bởi lời khấn khó nghèo và đời sống chung, nhưng đoan hứa giữ sự độc thân và vâng phục Giám mục như bề trên trực tiếp của mình. Còn tu dòng là dâng mình cho Chúa, bằng cách theo đuổi sự hoàn thiện của Tin Mừng: khó nghèo, trong sạch và vâng phục, với đời sống chung của cộng đoàn, được biểu lộ qua việc tuyên khấn công khai vĩnh viễn hay tạm thời theo qui luật riêng của từng dòng.
Tuy nhiên, nếu hiểu chữ tu theo nghĩa rộng là sửa sang lại cho hoàn thiện, nhất là bằng cách uốn nắn những sai lỗi, để trở thành một con người tốt lành và thánh thiện hơn, thì đó phải là bổn phận đầu tiên của mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Đồng thời gia đình chính là môi trường thuận tiện để chúng ta thực hiện lý tưởng đời tu của mình.
Vì thế, ngoài tu triều và tu dòng, chúng ta còn có một cách tu khác nữa, đó là tu nhà hay tu tại gia, nghĩa là cứ ở tại nhà, cứ sống trong gia đình của mình mà tu bằng cách sửa đổi những khuyết điểm và chu toàn những bổn phận của đấng bậc mình: Là con cái thì phải thảo kính và vâng lời cha mẹ; là vợ chồng thì phải yêu thương và trung thành với nhau; là anh chị em thì phải hoà thuận và giúp đỡ lẫn nhau.
Các cụ ta ngày xưa đã từng nói: Phải tu thân trước đã, rồi sau mới tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Việc tu thân này tiên vàn phải được thực hiện ngay tại gia đình của mình, bởi vì nhiều khi chính những sai lỗi của chúng ta đã làm cho những người thân yêu buồn phiền, cuộc sống trở nên ngột ngạt và tình yêu đi dần tới chỗ rạn vỡ. Muốn được thương thì chúng ta cần phải trở nên một người thương được.
Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta giống như người mang hai cái giỏ. Cái giỏ phía trước đựng những sai lỗi của người khác, còn cái giỏ phía sau lưng thì đựng những sai lỗi của mình. Bởi đó, chúng ta thường nhìn thấy rất rõ những sai lỗi của người khác, để rồi lên tiếng phê bình chỉ trích một cách gắt gao. Đang khi đó, những sai lỗi của bản thân thì lại không nhìn thấy. Và nếu có nhìn thấy, thì cũng sẽ đưa ra một ngàn lẻ một lý do để bênh vực, để bào chữa. Chúng ta thường rộng rãi với bản thân mà nghiêm khắc với người khác. Đáng lý ra chúng ta phải rộng rãi với người khác mà nghiêm khắc với chính bản thân mình.
Ngoài ra, gia đình còn là một xã hội thu nhỏ, trong đó chúng ta có được những mối liên hệ với nhau. Vì thế, việc tu nhà hay tu tại gia đòi buộc chúng ta phải chu toàn những bổn phận của đấng bậc mình, để làm cho gia đình thực sự trở thành một mái ấm ngập tràn hạnh phúc.

Trước hết, là vợ chồng chúng ta có bổn phận phải yêu thương, hoà thuận, trung thành và giúp đở lẫn nhau.
Hiện nay, nền tảng gia đình đang bị lung lay tận gốc rễ và hôn nhân đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Số những đôi vợ chồng lôi nhau ra toà để ly dị mỗi ngày một gia tăng. Vậy phải làm thế nào để cứu vãn tình trạng đen tối này?
Theo gã nghĩ: Cái qui luật muôn đời của tình yêu, chính là sự hy sinh. Thực vậy, thánh nữ Têrêsa đã bảo:  Tình yêu chân thật phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh. Hay như một câu danh ngôn đã nói: Hãy cho tình yêu vào máy mà cán, nếu nó tiết ra chất hy sinh, thì đó là tình yêu thứ thiệc, bằng không thì đó chỉ là một tình yêu dỏm mà thôi. Và tình yêu thứ thiệc này thì đáng giá bằng cả cuộc đời.
Nếu suy nghĩ, chúng ta thấy tình yêu và sự hy sinh luôn gắn bó mật thiết với nhau. Hy sinh mà không có tình yêu thì đó chỉ là những sự thừa thãi. Còn tình yêu mà vắng bóng hy sinh, thì đó chỉ là những lạm dụng và giả dối, như Tagore đã nói: Tại sao hoa kia lại tàn và suối kia lại cạn. Xin thưa, chỉ vì người ta đã hái hoa mà ép vào ngực, chỉ vì người ta đã đắp đập chặn suối. Nếu không biết vượt qua tính ích kỷ thì tình yêu cũng sẽ khô cạn và tàn héo như vậy.
Hy sinh càng lớn sẽ làm cho tình yêu càng thêm nồng thắm. Và với một tình yêu nồng thắm người lại càng dễ chấp nhận những hy sinh to lớn hơn cho nhau và vì nhau. Đỉnh cao của hy sinh cũng như của tình yêu đó là dám chết cho người mình yêu. Thế nhưng, chấp nhận những hy sinh cho nhau và vì nhau cũng không phải là việc dễ dàng.
Chuyện rằng: Một người đàn ông nọ đi xưng tội. Cha giải tội ra việc đền tội bằng cách hôn kính Thánh Giá ba lần. Ông ta bèn chạy về nhà, ôm chầm lấy bà xã và hôn lấy hôn để những ba lần, bởi vì ông ta thầm nghĩ: Bà xã chính là cây Thập Giá Chúa đã gửi vào cuộc đời của ông ta.

Tiếp đến là cha mẹ, chúng ta có bổn phận phải sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
Sống trong thời buổi “gạo châu củi quế”, vật giá leo thang đến chóng cả mặt, nên chu toàn được bổn phận sinh sản và nuôi dưỡng con cái không phải là chuyện dễ. Thảo nào mà nạn ngừa thai tràn lan khắp nơi và Việt Nam ta đứng hàng đầu về nạn phá thai.
Cùng với những tiến bộ về những phương tiện truyền thông: Nào điện thoại di động, nào nối mạng internet…Nhiều bậc làm cha làm mẹ đã không theo kịp con cái, thành thử việc giáo dục đã gặp phải không ít những khó khăn.
Tuy nhiên, đối với phần lớn người Việt Nam, con cái vẫn còn là một điều tốt lành đáng được mong ước. Trong những dịp đầu xuân năm mới, chúng ta thường cầu chúc cho nhau: Đa tử, đa tôn, đa phú quí, có nghĩa là lắm con, nhiều cháu, lắm tiền, nhiều bạc. Sở dĩ như vậy vì con cái sẽ làm cho bầu khí gia đình được đầm ấm, được tươi vui như tục ngữ đã bảo: Con đàn như tre ấm bụi.
Mặc dù vốn biết rằng: Con cái đôi lúc đã trở thành một gánh nặng, thế nhưng cha mẹ vẫn có thể tìm thấy niềm hạnh phúc trong lành và đơn giản nơi con cái. Thiếu con cái là thiếu ánh sáng nơi con mắt. Nhiều tiền mà không con thì vẫn chưa hẳn là giàu. Trái lại đông con mà ít tiền, thì vẫn chưa hẳn là nghèo. Hơn nữa, nhiều khi con cái chính là chiếc gạch nối, chính là nhịp cầu cảm thông giữa hai vợ chồng. Đáng lý ra hai vợ chồng đã cãi cọ, đánh lộn hay lôi nhau ra tòa xin ly dị, nhưng vì con cái, họ không nỡ làm như vậy. Vì con cái, họ quên đi và tha thứ cho nhau. Vì con cái, họ tìm cách hòa giải cùng nhau. Vì con cái, họ sẵn sàng chập nhận mọi hy sinh gian khổ. Bởi vì nhà không có tiếng cười của trẻ thơ, thì vắng lặng, buồn tẻ như một ngôi mộ chết.

Ngoài ra, là con cái, chúng ta có bổn phận phải yêu mến, trọng kính, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ.
Làm sao kể ra cho hết những khổ đau, những vất vả, những hy sinh cha mẹ đã phải chịu vì chúng ta suốt chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm và nuôi dạy chúng ta nên người. Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh người mẹ đã phải thức trắng nhiều đêm để canh giữ giấc ngủ cho đứa con, khi nó đau ốm. Chúng ta hãy nghĩ đến những giọt mồ hôi chảy xuống trên khuôn mặt người cha trong những giờ lao động cực nhọc ngoài đồng ruộng nóng cháy, trong hầm đá mệt mỏi, hay tại nhà máy ồn ào đinh tai nhức óc….tất cả những việc ấy để làm gì nếu không phải là để kiếm tiền về nuôi sống chúng ta và gia đình.
 Bởi đó, chúng ta mắc nợ cha mẹ nhiều lắm, không phải chỉ mắc nợ về tiền bạc vật chất, mà còn mắc nợ về tình yêu thương. Một khi đã mắc nợ về tình yêu thương thì chỉ có thể đáp trả lai bằng tình yêu thương mà thôi. Ca dao đã nhiều lần khuyên nhủ:
– Dạy con, con chớ quên lời,
Yêu cha mến mẹ suốt đời không quên.
Cũng trong chiều hướng ấy, ca dao còn xác quyết:
– Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Thuở xưa, có một anh chàng nghe nói về Phật, thì thích lắm, bèn quyết tâm đi tìm gặp Ngài bằng được. Anh chàng khăn gói quả mướp lên đường. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, thành phố, và gian nguy hiểm trở, chàng ta vẫn chưa gặp được Phật giống như hình dạng trong Kinh đã diễn tả: Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chói sáng.
Ngày kia, tại một sườn núi nọ, anh chàng tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, cốt cách siêu phàm. Mừng quá, anh chàng khẩn khoản:
– Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không? Xin chỉ dùm cho con với.
Ông lão mĩm cười:
– Ồ! Chỗ nào mà không có Phật. Trên quãng đường vừa qua, chả lẽ con không gặp được Ngài ư?
– Thưa cụ, trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả. Con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.
Ông cụ cười ha hả:
– Cháu ngốc thật, cháu không biết rằng cái thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đó người Ấn Độ đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư?
– Thế thì Phật chết rồi sao?
– Hiện giờ Đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tốt và xấu như chúng sinh vậy. Con có còn muốn gặp Ngài nữa không?
– Thưa, dù bất cứ với hình dáng nào, nếu đích thật là Ngài thì con vẫn vô cùng khát mong.
– Vậy thì, để ta mách nước cho con nhé. Con hãy quay trở về và trên đường, nếu con gặp người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái, thì người đó chính là một hóa thân của Phật. Hãy cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy.
Chàng trai hối hả quay trở về. Suốt quãng đường dài, chàng không gặp Đức Phật nào mà hình dạng như cụ già diễn tả. Chán nản, chàng đi luôn về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa, bà mừng quá, quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa. Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân phải, guốc phải sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào:
– Ôi Đức Phật yêu quí của con.

Sau cùng, là anh chị em với nhau, chúng ta có bổn phận phải yêu thương, hoà thuận và giúp đỡ lẫn nhau.
Người ta thường bảo: Chuyến đò nên nghĩa, miếng trầu nên duyên. Trong cuộc sống, có những người chúng ta mới chỉ gặp nhau một vài lần, trao đổi với nhau đôi ba câu chuyện, thế mà tình nghĩa đã mặn nồng, huống nữa là đối với anh chị em ruột thịt, là những người cùng sống với chúng ta dưới một mái nhà, cùng chia sẻ với chúng ta những nỗi vui buồn, cũng như cùng có chung một dĩ vãng. Vì thế, chúng ta càng phải yêu thương nhau hơn.
Hơn thế nữa, anh chị em còn có chung một ngồn gốc,  được sinh ra bởi cùng một cha một mẹ, cùng mang trong mình cùng một dòng máu. Chính vì thế tục ngữ đã diễn tả: Một giọt máu đào còn hơn một ao nước lã. Nếu chúng ta không yêu thương những người cận kề với chúng ta, nếu chúng ta không yêu thương chính thân xác chúng ta, chính máu huyết chúng ta, thì làm sao có thể yêu thương những kẻ xa lạ.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta thấy không thiếu gì những người anh em với nhau, chỉ vì đồng tiền cắc bạc, hàng rào bờ dậu…đã đi tới chỗ giận hờn và thù oán, không còn thèm nhìn mặt nhau nữa.
– Anh em khinh trước, làng nước khinh sau.
Nếu anh em trong gia đình mà không bảo ban, đùm bọc được nhau, thì làm sao có thể khuyên nhủ và nêu gương cho những người chung quanh.
Ông bố nọ trên giường hấp hối, đã gọi những người con của mình đến và trao cho mỗi người một chiếc đũa và bảo:
– Các con hãy bẻ đi.
Ai nấy đều bẻ được chiếc đũa một cách dễ dàng. Sau đó, ông trao cho mỗi người một bó đũa và cũng bảo:
– Các con hãy bẻ đi.
Ai nấy đều cố gắng hết mình, nghiến răng trợn mắt, vận dụng hết mọi nội công, mà cũng chẳng tài nào bẻ nổi bó đũa. Từ sự việc trên, ông đã khuyên nhủ:
– Bố sắp sửa ra đi và trở về cùng ông bà tổ tiên, lời nói sau cùng bố muốn trối lại cho các con, đó là các con hãy yêu thương, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau. Chính nhờ sự yêu thương, đoàn kết và đùm bọc ấy, các con sẽ tạo được sự hòa thuận giữa các con đã đành, mà hơn thế nữa, các con còn tạo được sức mạnh để không một ai có thể chèn ép, bóc lột các con được.
Hình ảnh bó đũa cũng là hình ảnh mà mỗi người chúng ta cần phải khắc ghi. Nếu từ trước đến giờ, chúng ta đã có những tị hiềm, những giận hờn, thì hãy mau mắn xóa bỏ và làm hòa cùng nhau. Là những người anh chị em cùng một cha một mẹ, cùng một cội nguồn, chúng ta phải biết thực sự yêu thương, hoà thuận và giúp đở lẫn nhau, bởi vì:
– Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Để kết luận, gã xin mượn lại câu chuyện về thánh Simon Cột. Ngài sống vào thế kỷ thứ 5 tại Syrie, nổi tiếng là một người thánh thiện và khổ hạnh. Ngài làm một cái chòi nhỏ trên đầu một cây cột và sống ở đó suốt 35 năm trời. Sau khi ngài chết, để nêu cao mẫu gương thánh thiện và khổ hạnh của ngài, Giáo Hội đã tôn phong ngài, và người ta thường gọi ngài với biệt danh là Simon Cột.
Nghe xong câu chuyện này, một em nhỏ như được thôi thúc muốn bắt chước sự thánh thiện và lối sống khắc khổ của ngài. Thế là khi về đến nhà, em chồng những chiếc ghế đẩu trên một cái bàn, rồi leo lên. Giữa lúc đang loay hoay như thế, thì mẹ em nhìn thấy, bà đã la mắng và cấm không cho em được leo lên và bà nói tiếp:
– Con ơi, làm thánh ở trong nhà cũng khó lắm con à.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét