Làm sao để hóa giải những bất đồng
Biết phải mà cho mình phải là sai,
Biết sai mà cho mình sai mới là phải.
(Lão Tử)
Biết sai mà cho mình sai mới là phải.
(Lão Tử)
Bất đồng ý kiến hay bất đồng quan điểm, là
những gì hầu như không thể tránh khỏi trong các tương quan về mặt con người.
Tuy nhiên, những hình thức bất đồng ấy không phải lúc nào cũng phải kết thúc
bằng xung đột hoặc xung khắc. Và đó là điều mà chúng ta phải tìm hiểu để tìm ra
những phương cách giải hòa, ngay cả trong những tương quan vợ chồng trong đời
sống hôn nhân gia đình.
Xét về phương diện thực hành, bất đồng nhiều
khi cũng cần thiết, vì qua đó người ta mới nhìn thấy, mới khám phá ra các góc
cạnh của vấn đề, những giới hạn của mình, cũng như những ưu điểm của người khác.
Trước một vấn đề mới mẻ và quan trọng, Tổng thống Franklin D. Roosevelt thường
có thói quen muốn nghe những ý kiến trái chiều. Theo ông, đây là cách giúp tìm
được những quyết định một cách khách quan và có hiệu qủa.
Vấn đề ở đây là làm sao ta có thể đối diện
với những bất đồng?
Những nguyên tắc căn bản.
Thiện chí, hiểu biết, và bình tĩnh là những
nguyên tắc căn bản trong việc giải quyết bất đồng. Ngoại trừ trường hợp
trầm trọng phải cần đến các nhà chuyên môn, phần lớn những bất đồng đều có thể
hòa giải được nếu chúng ta dùng thiện chí, sự hiểu biết, và bình tĩnh.
- Thiện chí: Dĩ nhiên, để tránh
những bất hòa có thể gây ra tranh cãi và xung đột, điều đầu tiên chúng ta cần
phải làm là ngồi lại với nhau bằng tất cả thiện chí. Ngoài tình yêu thì thiện
chí là nguyên tắc giúp hóa giải những bất đồng hiệu nghiệm nhất. Khi một người
bày tỏ thiện chí của mình thì người kia phải đáp lại cũng bằng thiện chí lắng
nghe và hiểu biết. Nếu cả hai đều muốn giữ quan niệm của mình, đề cao cái tôi
của mình thì sẽ không dẫn tới hiểu biết.
Nhưng ai là người phải bày tỏ thiện chí trước.
Cả hai, vì “Nếu tôi không bắt đầu, ai sẽ là người bắt đầu?” Và khi có
người khởi sự, cơ hội giải quyết bất đồng đã được mở ra.
- Hiểu biết: Đây là bước kế tiếp
của nỗ lực hòa giải. Sau khi cả hai bên đã ngồi lại với nhau bằng thiện chí,
lúc đó sự hiểu biết sẽ giúp phân tích, nhận định những điều sai, điều trái của
vấn đề và tầm nhìn của nhau. Nhờ nhận thức được vấn đề sẽ giúp ta dễ dàng chấp
nhận những sai lỗi của mình, cũng như đón nhận cái phải, cái đúng, và thiện chí
của người khác. Chỉ khi nào sự hiểu biết khách quan đem ta lại với cái nhìn
trung thực về mình và về người khác, lúc đó ta mới có thể hòa giải được những
gì bất đồng đang khiến ta bực mình, khó chịu hoặc không hài lòng với người
khác.
- Bình tĩnh: Bình tĩnh là điều kiện
cần thiết trong những nỗ lực hòa giải khi thiện chí một hay cả hai bên bị thử
thách, và khi sự hiểu biết về mình hoặc về người khác vẫn còn bị cái tôi che
lấp. Sự lập đi, lập lại và đôi khi đòi hỏi một thời gian dài cho việc chứng
minh thiện chí cũng như sự hiểu biết rất cần đến đức tính bình tĩnh. Trong
nhiều nỗ lực hòa giải tưởng chừng đã thành công, nhưng vì một hay hai bên thiếu
bình tĩnh mà đã phá hỏng dù trước đó cả hai đều tỏ ra thiện chí cũng như hiểu
biết.
Những yếu tố tâm lý.
Tuy nhiên, để những nỗ lực hòa giải được dễ
dàng, trong khi trao đổi hoặc tìm hiểu, chúng ta còn cần đến những yếu tố tâm
lý sau đây:
- Tránh chỉ trích cá nhân: Vì sao? Khi một người cảm thấy bị
phê bình, bị chỉ trích về những phương diện liên quan đến cá nhân, phản ứng tự
nhiên của họ là tự vệ bằng cách chống lại hoặc trốn chạy. Do đó, để tránh
các phản ứng tiêu cực này, khi hòa giải một vấn đề gì, chúng ta cần chú tâm vào
dữ kiện, vào sự việc đang làm cho cả hai hiểu lầm cần được giải quyết chứ không
chú trọng vào những yếu tố cá nhân.
- Tôn trọng người đối
diện: Đồng nghĩa với việc
tôn trọng cá nhân, ý kiến, và quan niệm của người khác. Đây là điểm tâm lý cần
thiết để người mà mình muốn trao đổi, đối thoại dễ dàng mở rộng lòng họ, và dễ
dàng giúp họ đón nhận ý kiến của mình. Một khi tự ái bị va chạm sẽ dẫn đến bất
mãn, ngược lại, khi được người khác tôn trọng sẽ đem lại cho ta cảm tưởng mình
có giá trị, và thấy mình được khích lệ để dễ dàng hợp tác: “Lời nói không mất
tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tôn trọng người khác cũng là một
cách làm “vừa lòng” họ.
- Dùng chữ “tôi” khi
đối thoại: Thay vì nói, “Ông, bà, anh, em…” làm tôi bực mình, khó chịu, ta có
thể nói: “Tôi” cảm thấy khó chịu khi bị trễ hẹn. “Tôi” thấy buồn vì hai bên vẫn
không chịu hiểu nhau. Cách thức diễn tả cảm tình này sẽ giúp người khác hiểu
mình mà không mang ý công kích; ngoài ra, nó cũng nói lên sự yếu kém thuộc về
mình chứ không phải là người khác, và vì thế dễ được người khác chấp nhận hơn.
Những nguyên tắc xã hội.
Các nhà tâm lý xã hội nêu ra bốn mô thức khác
thường dùng để giải quyết các bất đồng, bao gồm:
1. Anh thắng, tôi thua.
2. Anh thua, tôi thắng.
3. Dung hoà; và
4. Anh thắng, tôi thắng.
2. Anh thua, tôi thắng.
3. Dung hoà; và
4. Anh thắng, tôi thắng.
Hai nguyên tắc đầu là những nguyên tắc mang ý
nghĩa tiêu cực. Dù ai thắng cũng không đem lại kết quả tốt. Ngược lại, một bên
thắng, một bên thua còn dẫn đến những hậu quả tai hại hơn cả trước khi hòa
giải, bởi vì tự nhận mình thua hay bắt buộc chấp nhận thua cũng là một hình
thức con người bị xúc phạm. Và vì thế “khẩu phục” mà “tâm không phục”.
Để hòa giải những bất đồng trong đời sống dù
là đời sống vợ chồng thì cả hai phải biết dung hòa lý lẽ, tình cảm, cũng như
thiện chí của mình và của nhau. Ai thắng, ai thua không quan trọng, nhưng câu
hỏi được đặt ra là “Thắng thì tôi được gì?” và “Thua thì tôi mất gì?”
Thông thường các bất đồng, bất hòa, xung khắc
xảy ra liên quan nhiều đến tình cảm hơn là lý lẽ. Vì khi bị tình cảm chi
phối, con người thường có khuynh hướng phản ứng tự vệ. Ít ai có đủ bản lãnh để
bình thản nghe người khác nói không tốt về mình, hoặc phê bình mình, nhất là
những điều mà mình phải oan ức. Vì vậy, khi có sự xung khắc, ta thử nghĩ coi
đâu là cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề. Mô thức “Anh thắng, tôi thắng”
cống hiến cho chúng ta các bước tuần tự trong tiến trình giải quyết xung đột và
có thể dùng trong nhiều trường hợp. Nhưng nếu khi cả hai bên đều không
thể đạt được thắng lợi, lúc đó chúng ta cần áp dụng mô thức dung hoà với ý nghĩ
rằng mỗi bên chịu thiệt thòi một chút để rồi cả hai bên đều thắng.
Tóm lại, khi có bất hòa xẩy ra, là lúc hai bên
cần phải ý thức rằng việc giải quyết những bất đồng ấy là điều tiên quyết để
duy trì tình thân, giữ hòa khí với nhau, nhất là đem lại sự bình an trong tâm
hồn. Bất hòa càng để lâu càng khó giải quyết, vì lúc đó tự ái bị va chạm, và
những lý do đưa ra để bào chữa có mình càng nhiều, càng phức tạp. Trong đời
sống hôn nhân thì lời khuyên sau đây là một khuôn vàng, thước ngọc cho việc duy
trì hạnh phúc: “Đừng ôm sự giận hờn mà đi ngủ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét