Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Nét văn hóa dân tộc trong đời sống Công giáo

Nét  văn  hóa  dân  tộc  trong  đời  sống  Công  giáo
(Chủ nhật - 16/04/2017)

nhà thờ Phát Diệm
         
Hội nhập văn hóa dân tộc Việt vào đời sống Công giáo làm cho Tin Mừng trở nên gần gũi, dễ thấm nhuần vào trong đời sống của người Kitô hữu. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Nhờ hội nhập văn hóa, Giáo hội làm cho Phúc Âm nhập thể trong các nền văn hóa khác nhau. Đồng thời, Giáo hội đưa các dân tộc với nền văn hóa của họ vào trong cộng đoàn của mình”.


NHƯ MEN VÙI TRONG BỘT

Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết (Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM - Chánh xứ Tân Sa Châu): Sự hội nhập văn hóa của người Việt trong các sinh hoạt Công giáo không chỉ diễn ra trong cộng đồng người Kinh mà còn trải khắp và hòa trộn vào các nét văn hóa của người dân tộc thiểu số khác, tựu trung lại là thích nghi phụng vụ với văn hóa và truyền thống của các dân tộc. Hội nhập là điều rất cần thiết như men vùi trong bột để làm cho Tin Mừng thấm nhuần vào đời sống của người Kitô hữu. Quá trình “Việt hóa đạo” xuất hiện đa dạng trên nhiều phương diện khác nhau. Về kiến trúc, có các nhà thờ xây dựng theo kiến trúc đình, chùa Việt, sơn son thiếp vàng như nhà thờ Phát Diệm, mô hình nhà thờ rông như Cam Ly, Pleichuet, B’Đơr, K’Long… mô phỏng văn hóa của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nhiều nhà thờ kiến trúc theo triết lý của người Việt là “thiên địa nhân nhất thể” nên đâu cũng thấy núi nhân tạo, hồ, ao cây cảnh. Cũng có nhà thờ phân chia chỗ ngồi theo kiểu “nam tả nữ hữu” như dân gian vẫn nói. Về âm nhạc, nhiều nhạc sĩ cố gắng dùng ngũ cung, làn điệu dân ca đưa vào âm nhạc thánh ca. Về lễ hội Công giáo, từ hồi cha Đắc Lộ đã có các hình thức ngắm đứng, dâng hạt, than vãn hang đá, hoạt cảnh, dâng hoa, đóng đinh táng xác… thu hút nhiều anh em tôn giáo bạn đến tham dự. Về lễ nghi cũng có nhà thờ dùng đỉnh trầm để thắp hương, vái nhang trước bàn thờ hay dùng tiếng cồng chiêng thay cho tiếng chuông trong thánh lễ. Có những ngày lễ đặc biệt ở Việt Nam như ba ngày lễ tết cổ truyền, nghi thức dâng lễ vật thường có bánh chưng, dưa hấu, hái lộc thánh đầu năm; tết Trung thu thì có múa lân… Về văn chương thì cũng có nhiều tác phẩm mang hơi thở Công giáo như Tuồng thương khó (1913), Tuồng Joseph… Hội họa Công giáo cũng có tác phẩm chú ý như bức sơn dầu Giáng sinh của họa sỹ Nguyễn Gia Trí vẽ hình Đức Mẹ trong tà áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ thấp thoáng khóm tre, con trâu…

NHIỀU LĨNH VỰC HỘI NHẬP


Ông Trần Hữu Hợp (Tiến sĩ Dân tộc học): Khi du nhập vào Việt Nam, các giáo sĩ phương Tây đã nghiên cứu phong tục, tập quán, ngôn ngữ Việt Nam... nhằm mục đích truyền giáo cho có kết quả. Khi tiếp nhận đạo Công giáo, người Việt Nam đã tìm cách diễn tả Đức tin Công giáo theo cung cách của người Việt Nam, nghĩa là dùng các yếu tố văn hóa bản địa để chuyển tải Đức tin Công giáo. Đây là một quá trình tự phát của người Công giáo đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, đối với Giáo hội Công giáo, sau Công đồng Vatican II, quá trình hội nhập của Giáo hội Công giáo Việt Nam càng diễn ra mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như phụng vụ, kiến trúc nhà thờ, điêu khắc tượng ảnh, âm nhạc, hội họa, trang phục, lễ hội…

VĂN HÓA K'HO TRONG PHỤNG VỤ VÀ THÁNH Lễ

Linh mục Giuse Phạm Quang Minh (Gx K’Long - GP Đà Lạt): Xét về hội nhập văn hóa địa phương, cách riêng của người đồng bào K'Ho, mặc dù có nhiều nỗ lực, đặc biệt việc sử dụng ngôn ngữ K'Ho trong phụng vụ đã được chấp thuận và được phổ biến nhiều nơi, nhưng vẫn còn những giới hạn nhất định. Trước hết, tiếng K'Ho được sử dụng trong phụng vụ có rất nhiều khác biệt với tiếng K'Ho địa phương nên người dân cũng không hiểu nhiều cho lắm, chắc chỉ được 70% mà thôi. Kế đến là những bài hát được sử dụng trong phụng vụ được chuyển ngữ sang tiếng K'Ho tương đối đa dạng, còn bài hát mang âm sắc dân tộc địa phương thì rất giới hạn. Cơ bản chỉ có hai lãnh vực nghi thức phụng vụ và thánh lễ là hội nhập được thôi. Còn trong thực tế, bản sắc văn hóa của người K'Ho địa phương, cách riêng trong phụng tự hay niềm tin truyền thống của họ, hầu như bị mai một rất nhiều, nếu có còn thì chỉ còn trong việc thủ tục cưới hỏi và ma chay, nhưng cũng mang âm hưởng thờ cúng kiểu làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Hiện nay giáo xứ K’Long chỉ đang duy trì được một vài hình thức như sau:
1. Trong phụng vụ thì sử dụng âm nhạc cồng chiêng và những nhạc cụ dân tộc K'Ho khác, ngoài ra duy trì các kinh đọc bằng tiếng K'Ho trước các giờ lễ được giáo xứ quy định.
2. Kiến trúc nhà rông và hoa văn thổ cẩm dân tộc vẫn được duy trì qua kiến trúc nhà thờ, nhà xứ và may dệt thổ cẩm mà phần lớn hiện nay người K'Ho dùng trong những dịp lễ hội hoặc tham dự thánh lễ nhất là những dịp lễ trọng, tuy nhiên cũng được cách tân phần nào để bền bỉ, hữu dụng và đẹp đẽ hơn.
3. Lễ hội Mùa được tổ chức hằng năm vào dịp cuối năm, tức là sau khi thu hoạch lúa và phơi xong thì người ta dùng lúa mới làm rượu cần, rồi đến ngày lễ Giáng sinh hằng năm thì tổ chức lễ hội Mùa chung với nhau tại sân làng ngày xưa, còn hiện nay, khuôn viên nhà xứ là nơi để tạ ơn Thiên Chúa, Thượng đế hay ông Trời. Đây cũng được xem là ngày tết của đồng bào dân tộc K'Ho nên nhà nào cũng có choé rượu cần và bàn tiệc để mời người thân đến chung vui.

NÉT DÂN TỘC TRONG NGẮM ĐỨNG

Ông Vũ Xuân Hoan (giáo xứ Hoàng Mai - TGP.TPHCM): Truyền thống ngắm đứng của người Công giáo mang rất nhiều nét văn hóa dân tộc. Đầu tiên dễ nhìn thấy nhất là ở chữ viết. Ngày xưa, sách ngắm đứng thường là bản truyền khẩu được viết tay lại bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Thời gian sau, khi chữ quốc ngữ xuất hiện thì ngôn ngữ thể hiện cũng theo đó mà thay đổi. Cung ngắm đứng thì được các thầy Đaminh đặt ra dựa theo chèo cổ của miền Bắc. Theo đó, giọng ngắm, ngân nga của giáo dân ở miền Trung, Nam, Bắc lại khác nhau, tuy nhiên đều có cùng một nội dung ngắm. Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tại các giáo xứ miền Bắc, giáo dân thường đội khăn trắng để tưởng nhớ Chúa Giêsu. Màu trắng của chiếc khăn cũng chính là một nét riêng (người phương Tây thường dùng màu đen cho việc tang tóc) tượng trưng cho phong tục đưa tang của người Á Đông.



HỘI HỌA CÔNG GIÁO CHƯA NHIỀU   

     
 Họa sĩ Nguyễn Bá Văn (thành viên nhóm Mỹ Thuật Đa Minh): Về hội nhập văn hóa trong hội họa Công giáo thì đến nay, thật sự mà nói, chưa có nhiều và chưa được phổ cập rộng khắp bởi còn thiếu thống nhất trong quan điểm của các vị chức sắc, cũng như giáo dân do người Việt đã quen với hình ảnh tranh tượng các thánh phương Tây. Tác giả Nguyên Hưng trong cuốn “Nghệ thuật Công giáo” cũng chỉ đề cập và bình luận từng bức tranh của các tác giả không phải là người Việt Nam. Còn tác giả Lê Hiếu có biên soạn một cuốn “Nghệ thuật Thánh Việt Nam”, trong đó có các bức tranh sưu tầm từ rất xưa được in với lối vẽ đồng hiện, không ảnh... mô tả các cuộc giảo hình các thánh tử đạo Việt Nam. Đây là một đề tài không mới, được đặt ra từ rất lâu nhưng cũng chưa thấy có một nghiên cứu nào được quy tập cho đầy đủ.

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét