Lí do khiến nữ kỹ sư Google rời bỏ Thung lũng Silicon để trở về Ấn
Nữ kỹ sư Nupur Dave (Ảnh: Nupur Dave)
Nữ kỹ sư Google người Ấn Độ – Nupur Dave đã từ bỏ giấc mơ đam mê
công nghệ của mình tại thung lũng Silicon để quay về vùng đất mẹ với lí do hết
sức đặc biệt.
Thung lũng Silicon (Silicon Valley) vốn được xem là “thiên đường”
của dân công nghệ. Nơi đây thu hút rất nhiều nhân tài với mức lương khởi điểm
thường trên 6 con số/năm (tính theo USD).
Vậy vì sao hiện tại lại có nhiều “anh hùng công nghệ” đang rời bỏ
trung tâm này đến vậy? Liệu thung lũng Silicon có “hào nhoáng” như chúng ta vẫn
nghĩ?
Khi được nhận vào làm ở Google, bản thân Nupur Dave cũng như nhiều
người nghĩ rằng cô đã chinh phục được giấc mơ của mình.
Sinh ra ở Ấn Độ, nhưng vì đam mê công nghệ nên cô đã dành cả thập
kỷ qua để sống ở Hoa Kỳ. Trong thời gian làm việc tại trụ sở chính “Googleplex”
của Google ở Mountain View, California, cô đã được chính phủ Hoa Kỳ cấp thẻ
xanh thường trú cho người nhập cư.
Cô cũng từng làm quản lý cho dự án Network Content
Distribution của Google, mạng lưới này giúp tăng tốc độ vận hành của Google. Và
bản thân cô cũng có rất nhiều cơ hội thăng tiến khi làm việc ở Google.
Nupur Dave kể với Business Insider rằng: “Tôi đã được
đi khắp nơi trên thế giới, tham dự rất nhiều hội nghị, hội thảo. Điều đó thật
thú vị. Đội ngũ của chúng tôi rất xuất sắc. Công việc ở nơi đây quả thực là
đáng mơ ước.”
Nhưng với cô, cuộc sống ở Thung lũng Silicon đã không còn đẹp như
mơ nữa. Thời gian trôi qua, cô cảm thấy mất dần cảm giác hạnh phúc khi ở nơi
đây.
Cuộc sống đắt đỏ và cô đơn
Ở Thung lũng Silicon, chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ. Mặc dù thu
nhập khá, Nupur vẫn sống rất chật vật, và việc mua nhà đối với cô là quá xa
vời.
(Ảnh: Justin Sullivan)
Cô nói với Business Insider, rằng nhiều người nghĩ nhân viên
Google sống rất sung túc với một mức lương “khủng”, nhưng cũng không hẳn vậy.
Cô cho hay, thông thường, chỉ những kĩ sư phần mềm có trình độ
chuyên môn cao, hoặc các nhà quản lý có chuyên môn cao mới có mức lương nổi
trội. Một số người có thu nhập lên đến 7 con số/năm (tính theo USD) và còn sở
hữu cổ phiếu của Google. Trong khi đó, với nhân viên thông thường, thì “Google
chỉ trả mức lương trung bình.”
Theo Glassdoor, mức lương Google chi trả cho một quản lý dự án kỹ
thuật dao động từ 93.837 USD đến 176.500 USD/năm. So với mặt bằng chung
của thế giới, mức lương này không phải là thấp, nhưng ở Thung lũng
Silincon, thì số tiền đó vẫn không thấm vào đâu.
Mặc dù Nupur Dave phải thuê nhà và thường phải thuê chung với
người bạn, nhưng tiền lại không phải là vấn đề chính của cô. Lý do lớn hơn cả
là cô rất nhớ gia đình. Cô chia sẻ rằng ở Google, một kỹ sư như cô phải làm
việc từ sáng cho đến tối mịt, dường như cô không còn thời gian để nghỉ ngơi,
hẹn hò, và bởi vậy cô cảm thấy cô độc.
Google cũng có một đội ngũ nhân sự người Ấn Độ đông đảo, trong đó
có cả CEO Sundar Pichai, điều này cũng khiến cô thấy được an ủi phần nào.
Cô chia sẻ: “Tôi đã thành lập một đội Cricket nữ ở Google.
Và tôi cũng tham gia rất nhiều sự kiện cùng Indian Google Network. Tôi thấy
cuộc sống thật ý nghĩa. Tôi rất hòa đồng và có nhiều bạn bè.”
Tuy vậy, tất cả những điều đó vẫn không làm phai nhạt đi cảm giác
cô đơn trong cô. Đã có thời gian Nupur Dave chuyển đến thành phố San Francisco,
một nơi hợp thời thượng hơn để thử trải nghiệm một cuộc sống mới. Cô đi khắp
nơi để thưởng thức những món ăn ngon và thăm thú nhiều cảnh quan tráng lệ.
Nhưng chẳng bao lâu cô lại cảm thấy kiệt sức. Cô phải mất đến 3
giờ đồng hồ để di chuyển đến nơi làm việc, và thường trở về nhà lúc 8h30 tối.
Cô phải thuê người giúp việc và dọn dẹp nhà cửa. Tiền thuê nhà cao hơn, các chi
phí khác cũng không tiết kiệm hơn. Cuối cùng, cô không đủ khả năng trang trải
cho mức sống như vậy nữa.
Cô thấy kiệt sức khi sống ở San Francisco và ngày càng cảm thấy buồn chán hơn. Cô cũng không dành được nhiều
thời gian để viết và chụp ảnh cho blog của mình, một công việc mà cô yêu thích.
Một ngày, khi trở về quê nhà để dự đám cưới của người anh họ, cậu
cháu trai 8 tuổi đã hỏi tại sao cô lại sống ở Hoa Kỳ. Lúc đó trong đầu cô chỉ
có một đáp án duy nhất, rằng: “Bởi vì ở đó cô có một công việc tốt.”
Thu nhập giảm đi, đời sống tinh
thần tốt lên
Dave băn khoăn rằng liệu cô có thể có cả hai, vừa được sống gần
gia đình, vừa được làm việc được cho Google hay không? Sau đó, cô đã ứng cử và
trúng tuyển vào vị trí Quản lý Chương trình Kỹ thuật cho Google For Work ở Ấn
Độ. Đương nhiên, lương của cô bị giảm đáng kể.
Trước đó, cô vẫn phân phân và chỉ sau khi nói nói chuyện với một
người lạ trên máy bay (nguyên là tiến sĩ kinh tế của MIT và là một giáo sư
ngành luật), cô mới quyết định nhận công việc đó. Theo ông nhìn nhận, việc Dave
làm cho Google ở Ấn Độ vừa có thể đem lại tác động lớn và hữu ích cho nền kinh
tế nước nhà. Và mức lương đó đủ để cô mua được một ngôi nhà của riêng mình ở Ấn
Độ.
Giờ đây, sau 7 tháng sinh sống và làm việc tại quê hương, cô cảm
thấy hạnh phúc hơn. Cô chia sẻ: “Làm việc ở đây thoải mái hơn rất
nhiều. Áp lực mà tôi phải đối mặt chỉ còn bằng 1/10 so với trước đây. Ở Hoa Kỳ,
một ngày tôi chỉ có 5 tiếng để ngủ, còn giờ đây, khi ở Ấn Độ, tôi có thể ngủ
một giấc dài 8 tiếng.”
Cô cũng đăng tải bài viết chia sẻ về lý do cô rời Hoa Kỳ, bỏ lại
cuộc sống mà nhiều người ước mơ, trở về Ấn Độ. Bài viết lan tỏa nhanh chóng
trên LinkedIn và hàng nghìn người đã gửi tin nhắn cho cô.
Cô khuyên những người nhập cư tới Hoa Kỳ rằng “đừng tự
hành hạ mình” mà hãy “lắng nghe lời mách bảo của trái tim.” Trái
tim sẽ nói cho bạn biết rằng liệu Hoa Kỳ có phải là ngôi nhà thực sự của bạn
hay không, hay nói cách khác đó có phải “số phận của bạn” hay
không.
Theo Business Insider
Minh Minh
Minh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét