Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

8 cách tự nhiên để đẩy lùi tình trạng khô mắt


8  cách  tự  nhiên  để  đẩy  lùi  tình  trạng  khô  mắt
Minh Minh •Thứ Hai, 03/06/2019 • trithucvn.net




Khi bạn đọc sách, xem TV, hoặc thực hiện một nhiệm vụ mà đòi hỏi sự tập trung với đôi mắt, bạn sẽ quên không chớp mắt như thường xuyên. Điều này sẽ khiến nước mắt của bạn bị bốc hơi quá mức.

8 cách tự nhiên sau đây sẽ giúp bạn đẩy lùi tình trạng khô mắt.

1. Uống đủ nước để giữ ẩm cho mắt
Không ai có thể phủ nhận nước là thức uống quan trọng nhất. Mọi bộ phận cơ thể, bao gồm cả đôi mắt đều cần nước để duy trì hoạt động tối ưu. Uống đủ nước sẽ giúp tuyến lệ sản xuất đủ nước mắt, hạn chế tình trạng khô mắt. Bạn nên uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày và ăn thực phẩm có hàm lượng nước cao như dưa hấu, dứa, dưa chuột để giữ ẩm cho đôi mắt.

2. Chườm nước ấm
Chườm ấm là giải pháp tuyệt vời khi mí mắt của bạn bị viêm, sưng. Mí mắt bị viêm sẽ làm tắc nghẽn các tuyến sản xuất dầu, dẫn đến tình trạng khô mắt. Bạn chỉ cần ngâm một chiếc khăn sạch vào nước ấm, nhắm mắt, rồi ấn nhẹ khăn lên mắt. Giữ áp lực nhẹ nhàng trên mắt trong ít nhất một phút rồi giặt khăn. Bạn nên sử dụng phương pháp tự nhiên này mỗi ngày để giảm viêm và giữ ẩm cho mắt.

3. Bổ sung thêm Omega-3
Omega-3 là loại axit béo thiết yếu bao gồm 3 loại chủ yếu là acid alpha-linoleic (ALA), acid eicosapentaenoic (EPA) và acid docosahexaenoic (DHA). Khi vào cơ thể, ALA chuyển thành EPA và DHA. Trong cơ thể EPA sẽ chuyển hóa thành những chất sinh học quan trọng như Prostaglandin, Leucotrien. DHA lại cần thiết để hình thành các tế bào não, tế bào thần kinh và hơn 90% các tế bào võng mạc mắt. Nước mắt là sự kết hợp của nước, chất nhầy và dầu. Bổ sung thêm Omega-3 sẽ giúp kích thích sản xuất dầu, từ đó nước mắt của bạn sẽ được giải phóng. Cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được Omega-3, do đó phải bổ sung trong các loại thức ăn hằng ngày. Nguồn cung cấp Omega-3 dồi dào ở trong các loại cá béo (cá hồi…), đậu nành, ngũ cốc, quả hạch, bông cải (súp lơ), cải bó xôi,…

4. Đeo kính râm
Gió sẽ khiến nước mắt bay hơi nhanh hơn nếu bạn ở ngoài trời quá lâu. Sử dụng điều hòa nhiệt độ và máy sấy tóc thường xuyên cũng gây ra tác hại tương tự. Kính râm có tác dụng cản gió, giúp mắt không bị mất nước. Một chiếc kính râm có khả năng chống tia UV chính là thứ mà các bác sĩ nhãn khoa chuyên dùng vào mọi thời điểm trong năm.

5. Ngừng hút thuốc lá
Chúng ta đều biết hút thuốc sẽ gây ra các bệnh về phổi, nhưng bạn cũng nên biết hút thuốc có thể gây khô mắt và tăng nguy cơ mắc bệnh về mắt. Khói thuốc lá sẽ gây kích ứng mắt. Hút thuốc lá làm giảm nồng độ oxy trong thể thủy tinh, dần chuyển thành đục thủy tinh thể. Kim loại nặng có độc tính cao là cadmium cũng tích tụ nhiều trong thành phần của nhân mắt (thể thủy tinh). Nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể ở người hút thuốc cao gấp đôi người không hút thuốc và cao gấp 3 ở người nghiện thuốc lá nặng.

Với thoái hóa điểm vàng, người hút thuốc có nguy cơ mắc cao 2-4 lần so với người không hút thuốc. Các yếu tố độc trong thuốc lá gây tổn hại hàng rào máu – võng mạc, giảm lượng máu đến mô võng mạc, góp phần gây thoái hóa điểm vàng dạng ướt. Ngoài ra, khói thuốc với bản chất khô nóng, nhiều chất kích thích còn gây viêm kết mạc, bờ mi mạn tính.

6. Bổ sung vitamin A
Thiếu hụt vitamin A sẽ gây ra nhiều tình trạng nghiêm trọng cho mắt như khô mắt, giảm thị lực, loét giác mạc, mù và nhạy cảm ánh sáng. Vitamin A cũng ảnh hưởng tới sự hình thành các tế bào da. Nó điều chỉnh các yếu tố tăng trưởng tế bào da, thúc đẩy sự biệt hóa biểu bì, ức chế hình thành androgen và cũng ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn. Một số loại thực phẩm cung cấp vitamin A cho bạn: bí ngô, cà rốt, khoai lang, cà chua, cần tây, ớt chuông đỏ…

7. Mát xa mắt
Kỹ thuật này có thể mang lại lợi ích lớn nếu bạn mắc bệnh khô mắt nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu, 87% số người tham gia sử dụng liệu pháp ánh sáng sau khi xoa bóp mí mắt đã giảm triệu chứng khô mắt rõ rệt. Các bước yoga cho đôi mắt khỏe mạnh:
– Động tác 1: Nhắm mắt lại, sau đó mở mắt to hết cỡ, lặp lại 5 lần.
– Động tác 2: Liếc hết mắt qua bên phải, sau đó từ từ liếc mắt qua bên trái. Hít – trái – thở – phải, lặp lại động tác này 5 lần.
– Động tác 3: Xoay tròn mắt theo chiều kim đồng hồ. Thực hiện 3 lần. Sau đó đảo mắt ngược lại.
– Động tác 4: Xoa nóng 2 tay, đặt nhẹ lên mắt để cho mắt cảm nhận hơi nóng từ đôi bàn tay. Thực hiện 3 lần.

8. Tập thể dục
Nghiên cứu cho thấy những người hoạt động thể chất ít nguy cơ bị đục thủy tinh thể. Một nghiên cứu trên gần 50.000 người chạy bộ và đi bộ cho thấy những người tập thể dục nhiều nhất có nguy cơ bị đục thủy tinh thể thấp hơn 42% so với người không tập. Theo một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Investigative Ophthalmology & Visual Science, tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp. Nghiên cứu trên 5.650 đối tượng ở độ tuổi từ 48-90 cho thấy, những người tham gia vào các hoạt động thể chất vừa phải từ 15 năm trước thì giảm 25% nguy cơ tăng áp suất trong nhãn cầu. Tiến sĩ y khoa Paul J. Foster tại Viện Nhãn khoa của Đại học London (Anh) cho biết, chắc chắn có mối liên quan giữa một lối sống ít vận động và các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tăng nhãn áp.

Minh Minh

PHẨM CHẤT VÀ GIÁ TRỊ CỦA LINH MỤC


PHẨM  CHẤT  VÀ  GIÁ  TRỊ  CỦA  LINH  MỤC 
(BÀI  THUYẾT  TRÌNH  CHO  CÁC  LINH  MỤC,  CỰU  SINH  VIÊN  XUÂN  BÍCH)

Sở dĩ phải nói đến vấn đề này là vì mấy năm gần đây hồng y, giám mục, linh mục thường được đưa lên mạng với những cáo buộc về các tội danh như ấu dâm, xa hoa, hèn nhát không dám lên tiếng bênh vực những người bị đàn  áp hay yên lặng trước những bất công trong xã hội.

Chắc hẳn nhiểu người trong giói linh mục chúng ta buồn và lấy làm tiếc về những sự việc đó. Nhưng xét cho cùng theo quan điểm đức tin thì âu đó cũng là một điều trong chương rình của Chúa, để thanh luyện Hội Thánh và báo động cho mỗi người chúng ta phải lo bảo toàn phẩm chất và giá trị của đời linh mục. Về sư cao quí của chức linh mục thì khỏi cần phải nói, nhưng về phẩm chất và giá trị của con người linh mục thì thiết tưởng chúng ta phải luôn luôn bảo trọng, nghĩa là lo sao cho đời linh mục của mình giữ được phẩm chất và giá trị.

Phẩm chất ấy là mỗi ngày chúng ta phải nhắc bảo cho mình nhớ lại và rập khuôn đời mình theo mẫu linh mục là người của Chúa, được Chúa chọn để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Vì thế, mình ở giữa mọi người, như mọi người, nhưng lại không như mọi người, bởi lẽ mình đã lãnh nhận một chức vụ với lời cam kết đặc biệt kèm theo. Bởi vậy, theo tinh thần Hiến Chế Vui Mừng Và Hy vọng, linh mục phải “ở đời hơn mà lại ít thuộc về đời hơn”. Làm sao dung hòa được mức đô này. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã cung cấp cho chúng ta sắc lệnh Presbyterorum ordinis làm kim chỉ nam hướng dẫn và điều khiển cuộc đời chúng ta. Chúng ta là linh mục thuộc thời đại Công Đồng. Xét về một phương diện, thì xem ra kỷ luật về đời sống linh mục bớt ngặt hơn so với trước kia, như ra ngoài phải mặc áo chùng thâm, mỗi ngày phải đọc sách nguyện bằng tiếng la-tinh lâu đến cả gần hai tiếng, đi từ địa phận này sang điạ phận khác phải có phép của Đức Cha địa phận mình, giao tiếp với người khác phải canh chừng chặt chẽ v.v…

Nhưng cái tự do thoải mái này, vô hình chung, nhiều khi lại là những cản trở khiến chúng ta không còn mấy cẩn thận giữ gìn và bảo trọng phẩm chất và giá trị của linh mục.nữa. Những điều tai tiếng xẩy ra phải chăng cũng là do sự thiếu cẩn trọng và không áp dụng một hình thức khổ chế và kỷ luật nào đó cho đời sống của mình. Mấy chục năm trứớc, một nhà văn người Pháp, Michel de Saint Pierre có viết một cuốn tiểu thuyết dề là Les nouveaux prêtres, trong đó ông cho thấy hai thế hệ linh mục cũ và mới và sự tạm gọi là tranh chấp giữa đôi bên với những lời phê phán lẫn nhau về cũ và mới. Nhưng dù cũ hay mới, đời linh mục vẫn có một tiêu chuẩn chung thích hợp cho mọi thời, đựa vào lời dạy của Chúa Giê-su. Linh mục muốn sống cho đích đáng thì phải căn cứ vào đây cũng như vào lời giáo huấn và kỷ luật của Hội Thánh. Dù cũ hay mới thì linh mục thời nào cũng phải lo chu toàn những bổn phận hàng ngày gắn liền với đời mình là cử hành thánh lễ, đọc sách nguyện, lần hạt, xét mình, xưng tội, cử hành bí tích, đi “kẻ liệt” v.v… Những việc này là những cách thế cần thiết và hữu hiệu để giúp linh mục giữ được phẩm chất và tạo ra được thế quân bình trong đời sống.

Trong phần kết cuốn tiểu thuyết Những linh mục mới, tác giả dã đưa ra hai bức tranh về những linh mục trung thành với nếp sống cổ truyền bên cạnh những linh mục theo lối sống mới mệnh danh là theo Công Đồng Va-ti-ca-nô. Những vị này năng nổ, xông pha với các hoạt động bên ngoài mà xem ra như lơ là hay coi nhẹ kỷ luật đời sống bên trong. Kết cuộc, linh mục theo lối mới bị hao mòn sinh lực trước tuổi và không đạt được nhiều kết quả về đường thiêng liêng nơi các tín hữu.

Trong bài L'Eglise et les défis du troisième millénaire của Đức Hồng Y Godfried Danneels đăng trong La documentation catholique số 2269 ra ngày 5.5.2002, cuối trang 446 có viết : “Dù sao, chúng ta chỉ có thể tồn tại nhờ phẩm chất của lòng tin, lòng mến và nhất là lòng cậy của chúng ta. Chắc chắn là ít bởi quyền hành và uy thế, ít bởi cái vẻ bên ngoài hơn là thực chất bên trong”. (Quoiqu'il en soit, nous ne survivrons que par la qualité de notre foi, de notre amour et surtout de notre espérance. Ce sera moins par le pouvoir et le prestige, par le paraitre, que par l'être). 

Xã hội chúng ta vẫn là một xã hội có tôn ty đẳng cấp, dù nói là dân chủ. Cái dáng dấp và ảnh hưởng phong kiến vẫn còn cả ở ngoài đời lẫn trong đạo. Chính óc phong kiến này đã cầm chân xã hội chúng ta lại không cho tiến bước. Chúng ta chỉ việc nhìn lại những việc đã xẩy ra vào giữa thế kỷ XIX trong triều đình vua quan nhà Nguyễn cũng đủ thấy ảnh hưởng khốc hại của óc phong kiến này.

Riêng trong nhà đạo chúng ta, kiểu cách phong kiến vẫn còn cho đến ngày nay trong cách dùng người và cắt  đặt các chức vụ. Người nào biết đưa đẩy, không dám có ý kiến riêng dù là xây dựng, thường dễ được trọng dụng và cắt cử vào những chức vụ quan yếu hơn. Trong Hội Đồng Giám Mục, các vị giám mục trẻ thường nể các vị cao niên và không dám có ý kiến ngược lại. Trong họ đạo, cha sở dường như nắm giữ mọi quyền hành và cho mình như thông thạo đủ thứ. Trong các đoàn thể, người nhỏ phải theo người lớn cho đúng với nguyên tắc “kính lão đắc thọ” trong khi trào lưu dân chủ và kỹ thuật điều hành các xí nghiệp trên thế giới, người ta có khuynh hướng dùng người trẻ và đến tuổi nào đó, người lớn phải nhường chỗ cho người nhỏ,  để đoàn thể và tổ chức nhờ vậy luôn năng động và có sức sống mới. 

Còn một điều nữa đáng nói là mục vụ của các cha sở và lối hành đạo của giáo dân cần phải thay đổi cho phù hợp với tình thế mới. Các cha sở không thể để giáo dân sống mãi trong tình trạng ấu trĩ về đức tin, cũng như không thể giữ mãi những lề thói có tính mị dân, để duy trì lòng cung kính của họ đối với mình. Gần đây trong một số báo Công giáo và Dân tộc, có ý kiến của một nữ độc giả ngoài công giáo về lòng trọng kính quá đáng của giáo dân đối với linh mục. Chúa bảo chúng ta đừng gọi ai là cha hay thày là muốn dạy chúng ta đừng thích hay đòi cho người ta trọng vọng mình. Các linh mục không cần phải đòi người ta kính trọng, nhưng nếu các vị ăn ở cho đúng bậc mình thì chắc chắn sự trọng kính kia sẽ đến.

Vào những năm liền sau Công Đồng, bên Pháp có phong trào các tu sĩ ra ngoài  lập ra những “Antennes”, tức là những căn hộ cho chừng vài ba người ở, bên cạnh những căn hộ khác cho gần gũi hơn với người ta : cũng đi làm, đi chợ, nấu ăn, đổ rác v.v… Mục đích là để sống đơn sơ, giã từ nếp sống yên thân trong các tu viện nhà cao cửa rộng mà do đó làm cho mình dễ rời xa dân chúng.

Sáng kiến này phát xuất từ các cha Dòng Tên. Phải nói đó là một sáng kién cao đẹp và quảng đại. Một số tu sĩ các dòng đã thử làm theo. Nhưng chẳng bao lâu, thí nghiệm này cho thấy khó dung hòa được với nếp sống tu trì, nên đã    phải dẹp bỏ.

Thời Công Đồng có hai từ ngữ thông dụng, đó là cập nhật hóa và dấu chỉ  thời đại. Hai tù ngữ này có thể đã là tiền đề cho Hiến chế Gaudium et Spes và sắc lệnh Perfectae caritatis. Hội Thánh Công Giáo từng bị coi nhu một ốc đảo, nay phải đi ra ngoài đến với muôn dân. Hội Thánh phải mở cửa ra cho người ta nhìn vào, tuy mở cửa thì có bụi theo, nhưng không phải chỉ có bụi mà còn có gió nữa ; gió đem khí mát vào và làm cho căn nhà được thông thoáng. Các ý tưởng này là của Thánh Giáo Hoàng Go-an XXIII. Những ai đã sống thời Công Đồng chắc đều thấy mối thịnh tình của thế giới đối với những tư tưởng như thế qua các hiến chế và sắc lệnh được công bố.

Đã hẳn phải cập nhật hóa cho hợp với thời buổi mình sống, để không còn xa lạ hay lạc lõng giữa mọi người, hầu có thể gặp gỡ đối thoại chân tình trên căn bản tôn trọng lẫn nhau giữa người với người. Trong cái cũ và cái mới cũng vậy, cái nào cũng có giá trị của nó. Vây hãy giữ lấy và tôn trọng những giá trị đó để làm phong phú cho mình. Những lời sau đây là những lời cũ có từ thời các nhà truyền giao thừa sai. Các bậc cha ông của chúng ta trong chức linh mục đã thực hành như thế và truyền lại cho chúng ta như một thứ gia bảo để góp phần xây dựng và gia tăng phẩm chất cũng như giá trị của con người linh mục. “Thày cả phải có nhân đức lọn lành hơn người ta, phải cầu nguyện cho sốt sắng hơn, xem sách cho cần mẫn hơn, giữ mình sạch sẽ cho cẩn thận hơn, ăn uống cho tiết độ hơn, chịu khó cho bằng lòng hơn, giữ sự vui cười cho nhiệm nhặt hơn, ăn nói cho mềm mại hơn, giữ mặt mũi chân tay hình dong cho nghiêm trang hơn, lời nói cho hẳn hoi hơn, thế thì mới xứng đạo làm thày mà chớ” (Công đồng Tứ Xuyên, trang 4)

Cụ thể, chúng ta là linh mục. Chúng ta có phẩm chất và giá trị do chính bản tính của chức linh mục mang lại. Chúng ta có thể làm cho sáng tỏ, biến chất hay lu mờ đi tùy vào nhận thức và cách sống của chúng ta. Điều này chúng ta phải khắc cốt ghi tâm trong mọi hoàn cảnh. Chừng nào lơi lỏng là chúng ta xuống dốc và không còn được bình an và vui sống trong cuộc đời của mình nữa. Mà đời linh mục phải là một cuộc đời hạnh phúc trong sự gắn bó với Chúa và phuc vụ tha nhân.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p. (11.6.2019)



Lỗi thường thấy của người thành công:


Lỗi  thường  thấy  của  người  thành  công:
 Tham  thắng  mà  không  biết  bại
Thiên Cầm •Thứ Bảy, 08/06/2019 • trithucvn.net


Đa số những người thành công đều phạm phải một lỗi giống nhau là tham thắng mà không biết bại, gặp thời đắc ý lại nói năng tuỳ tiện. Kỳ thực tai hoạ đang âm thầm chờ đợi con người đúng vào lúc họ dương dương đắc ý nhất.

Thời Tây Hán có nhà từ phú Giả Nghị, vào tiết tháng tư đầu Hạ, nhìn thấy một con kền kền bay ngang qua nhà, ông cảm khái mà viết bài “Phục Điểu Phú”. Trong đó có câu rằng: “Hoạ hề phúc sở y, Phúc hề hoạ sở phục, Ưu hỷ tụ môn hề, Cát hung đồng vực”, nghĩa là “Trong hoạ có phúc, Trong phúc ẩn hoạ, Vui buồn tụ một cửa, Cát hung cũng đồng khu”.

Hai câu đầu “Hoạ hề phúc sở y, phúc hề hoạ sở phục” được lấy từ cuốn “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, ý nói rằng hoạ phúc luôn đi cùng nhau, dựa vào nhau, tuần hoàn không ngừng nghỉ. Giả Nghị lại cảm khái thêm rằng trong kiếp người, nhiều khi buồn vui, hung cát cùng tụ hội, an bài của số mệnh khó có thể nắm bắt được. Những câu chuyện lịch sử minh chứng cho điều này nhiều vô kể, trong đó phải kể tới chuyện của Lý Tư.

Lỗi thường thấy của người thành công: Tham thắng mà không biết bại

Lý Tư vốn là người nước Sở, khi còn trẻ ông từng làm cảnh vệ kho thóc. Ông nhìn thấy đám chuột trong kho thóc, thoắt ẩn thoắt hiện, chúng ăn “món ăn” thượng phẩm, nhưng không ai ngăn cấm, nên lũ chuột con nào con nấy đều béo phây phây. Ngược lại những con chuột trên các con hẻm, thường sống dưới rãnh nước, ăn những thứ ô uế. Hơn nữa khi chúng xuất hiện thì bị đánh, bị mắng, sinh mệnh luôn bị đe doạ.

Lý Tư trải nghiệm một cách sâu sắc và minh bạch được rằng trong đời người, hoạ phúc, hung cát đại khái có thể thấy được từ hoàn cảnh mà người ấy sinh trưởng. Lý Tư biết rằng quân vương nước Tần yêu chuộng hiền tài, nên đã kiên quyết rời xa nước Sở tới nước Tần. Tài năng của ông quả thực rất được Tần Vương quý trọng, cuối cùng ông đạt tới chức vị khanh tướng. Không chỉ vậy, những người con của ông đều thành hôn với công chúa nước Tần. Mỗi lần ông bày tiệc rượu đãi khách, bách quan đều tới chúc thọ, bên ngoài ngựa xe như nước, nhiều không kể xiết.

Trải nghiệm của Lý Tư khi nhìn những con chuột đã cho phép ông có được lựa chọn chính xác trong bước đầu của sự nghiệp, cuối cùng đưa tới thành công sau này. Lý Tư là người tài giỏi, hiền năng, nhưng khi lên đến đỉnh cao của quyền lực thì ông đánh mất chính mình. Ông nhiều lần tiêu diệt người khác, sợ người khác cướp mất địa vị của mình.

Đến khi Tần Thủy Hoàng mất, Lý Tư lại giả di chiếu, cấu kết với hoạn quan. Cuối cùng ông bị hoạn quan Triệu Cao hãm hại, bị khép tội chém ngang lưng giữa chợ.

Tuân Tử nói rằng: Vật kỵ đại thịnh. Lý Tư từng than rằng mình “vốn chỉ là dân thường áo vải đất Thượng Sái, là bá tính nơi thôn dã, lên mà vụng về không biết phải xuống ngựa thế nào, rồi được toại nguyện làm tới chức tể tướng”, có thể nói là ông đã thành công, vinh hoa, phú quý đã đến tột đỉnh. Nhưng sự vật phát triển tới tận cùng ắt sẽ bắt đầu suy bại, Lý Tư cũng vì không thể giữ mình ở dưới mà rốt cuộc chuốc họa vào thân. Điều này quả thực đã nói rõ đạo lý “vật cực tất phản”.

Thiên Cầm

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

7 triệu chứng đau khi đi bộ thể dục bạn cần cảnh giác

Đi bộ là một trong các hình thức tập thể dục tốt nhất mà mọi người ở độ tuổi nào cũng có thể tập được. Đi bộ mang lại nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm căng thẳng, hỗ trợ giảm cân… Đây cũng là bài tập rất phù hợp với người cao tuổi hoặc người mắc bệnh béo phì.
Tuy nhiên khi cảm thấy chân đi khập khiễng, mỗi bước đi đều cảm thấy đau đớn thì bạn nên tạm nghỉ hoặc đến gặp bác sĩ tư vấn.

1. Đau ngón chân cái

Đau ở bên cạnh ngón chân có thể là dấu hiệu phát triển Bunion. Bunion thường phát triển do sự sai lệch của xương ở ngón chân cái dẫn đến đau và sưng. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do di truyền hoặc do đi giày dép quá chật. Cách đơn giản nhất để hạn chế đau đớn là bạn phải đi giày rộng rãi, cài thêm miếng đệm vào chỗ bị sưng. Song song với đó bạn cần đến gặp bác sĩ để được kê thuốc giảm đau, thuốc tiêu viêm, khi bệnh trở nên nghiêm trọng bạn có thể phải dùng đến điều trị vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

(Ảnh: Shutterstock)

2. Đau gót chân

Gót chân là điểm chạm đất đầu tiên trong mỗi bước đi của bạn. Vậy nên khi gót chân bị đau, bạn không thể nào đi lại bình thường được. Cơn đau lan ra từ gót chân đến trước bàn chân khi đi bộ có thể là dấu hiệu của bệnh viêm cân gan chân. Vì căn bệnh này xuất hiện khi bạn đang bắt chân mình hoạt động quá độ, vậy nên bạn cần giảm bớt số bước đi bộ trong các buổi tập luyện. Hoặc bạn có thể thử thay đổi môn thể thao, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi xe đạp, thay vì đi bộ hoặc chạy bộ. Tránh đi đứng quá lâu.
Thay đổi cách đi đứng để giảm đau do viêm cân gan chân cũng có thể giảm thiểu các vấn đề của chân, đầu gối, hông hay cột sống. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên đeo nẹp kéo giãn bắp chân và vòm của bàn chân của bạn trong khi bạn ngủ (duy trì một góc 90 độ giữa cẳng và bàn chân) để cân gan chân và gân Achilles được kéo dài qua đêm. Nếu bệnh trở nặng bạn sẽ cần dùng dụng cụ chỉnh hình và các biện pháp vật lý trị liệu.

(Ảnh: Shutterstock)

3. Đau cơ bắp chân

Hầu hết những người thấy đau cơ bắp chân chỉ bị căng cơ. Nhưng bạn nên lưu ý đau ở cơ bắp chân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên. Thường xuyên đau bắp chân kèm theo chuột rút là dấu hiệu báo động bạn cần nghỉ ngơi. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở mông, đùi và bàn chân. Nếu bạn nghi ngờ mình bị bệnh động mạch ngoại biên thì phải đến gặp bác sĩ ngay. Hẹp động mạch ngoại biên (peripheral arterial disease, PAD) là tình trạng bệnh lý gây ra do hẹp tắc lòng động mạch, thường là do các mảng xơ vữa và huyết khối bám trên thành mạch máu, gây suy giảm lưu lượng máu đến các chi, chủ yếu là chi dưới.

(Ảnh: Shutterstock)

4. Đau lưng dưới

Nếu gặp triệu chứng đau lưng dưới khi đi bộ, rất có thể bạn có vấn đề về tư thế. Tư thế xấu gây áp lực quá mức lên cột sống của bạn, gây ra hiện tượng đau lưng dưới. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên tập các bài kéo dãn lưng từ từ. Lunge là động tác rất tốt cho lưng. Cách thực hiện:
  •  Đứng thẳng, chân mở rộng bằng hông. Mũi chân hướng thẳng theo hướng đầu gối, tay chống hông hoặc thả lỏng nhẹ.
  •  Bước chân phải lên trên khoảng 60-90cm sao cho bắp chân và gối chân phải tạo thành một góc 90 độ, đầu gối không chạm sàn. Phần gót chân phải kiễng lên để ngón chân tiếp xúc với mặt sàn. Giữ cơ thể thăng bằng và siết chặt bụng.
  • Đưa cơ thể trở về tư thế ban đầu, sau đó thực hiện tương tự với chân bên kia.
Trong trường hợp cơn đau xuất hiện liên tục và nhức nhối, có thể bạn đã bị rách cơ ở lưng dưới. Giải pháp cho bạn là ngừng tập các bài tập nặng và gặp bác sĩ để lấy thuốc giảm đau.

(Ảnh: Shutterstock)

5. Đau ống chân

Khi bạn đi bộ một quãng đường dài mà không được đào tạo trước thì rất dễ bị đau ống chân. Đi bộ marathon hoặc đi bộ đường dài cả ngày cũng là nguyên nhân dẫn đến đau ống chân nhưng triệu chứng bớt nghiêm trọng hơn. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi khoáng 1-2 tuần là chân sẽ khỏi hẳn, nhưng quá thời gian đó mà cơn đau vẫn dai dẳng thì bạn cần đến gặp bác sĩ.

(Ảnh: Shutterstock)

6. Đau đầu gối

Đầu gối là những khớp dễ tổn thương nhất trong cơ thể bởi cấu trúc phức tạp của các khớp và sụn, và đặc biệt là thiếu phòng vệ. Nếu mỗi bước đi đều khiến đầu gối của bạn nhói đau, có thể bạn đã mắc bệnh viêm gân. Những hình thức tập luyện tốt nhất cho người đau gối là đi bộ và bơi lội, nhưng bạn cần làm ấm cơ thể cẩn thận trước và sau khi tập. Tránh tập ở những nơi có địa hình gập ghềnh và các hoạt động va chạm mạnh như chạy và nhảy, có thể làm cơn đau thêm trầm trọng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách hạ nhiệt cơn đau an toàn nhờ sử dụng túi nước đá và/hoặc khăn ấm hoặc đai quấn nóng. Có thể tắm vòi sen nước nóng buổi sáng hoặc tắm ấm trước khi ngủ ban đêm.

(Ảnh: Shutterstock)

7. Đau hông

Thực ra cơ thể bị đau không phải là điều xấu hoàn toàn. Những người thường xuyên vận động hoặc chơi thể thao có thể bị đau hông do các xương, cơ bắp quanh vùng này phải hoạt động chà xát và thực hiện co thắt nhiều. Đó là lời cảnh báo cho bạn biết bạn cần xem lại phương pháp và cường độ tập luyện của mình.

(Ảnh: Shutterstock)

Một số biện pháp khắc phục tình trạng đau hông bạn có thể áp dụng là:
– Nên để chân duỗi nằm thẳng và thư giãn. Nếu đau hông ở vị trí nào thì người bệnh nên nằm nghiêng về phía bên đó.
– Giảm cường độ làm việc, tránh làm quá sức để giảm bớt các cơn đau hông. Người bệnh nên thực hiện ngồi đúng tư thế, để lưng thẳng khi học tập và làm việc làm áp lực dồn lên cột sống thấp nhất.
– Kết hợp vật lý trị liệu và các bài tập tăng cường sức mạnh của cơ xương làm giảm đau hông.
– Ngoài ra, người bệnh cần tập thể dục đều đặn cũng nên đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối giúp lưu thông huyết mạch, thư giãn để tránh những cơn đau hông ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Minh Minh

Dấu hiệu cảnh báo vô sinh ở nam giớ



Dấu  hiệu  cảnh  báo  vô  sinh  ở  nam  giới
Thứ tư, 29/5/2019-vnexpress.net




Rối loạn cương dương, tinh dịch bất thường, mất cân bằng hormone, béo phì... nam giới cần thăm khám để chữa trị kịp thời.

Mất cân bằng nội tiết tố

Mất cân bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của đàn ông. Testosterone là hormone chủ chốt ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới, các vấn đề xảy ra với tinh hoàn sản xuất hormone này có thể dẫn đến vô sinh.

Hormone luteinizing và hormone kích thích nang trứng báo hiệu cho tinh hoàn tạo ra tinh trùng và testosterone. Bất kỳ vấn đề nào với tuyến yên sản xuất các hormone này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Khi có những dấu hiệu vô sinh, nam giới nên khám sức khỏe sinh sản để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Ảnh: Epoch Times
Nam giới nên khám sức khỏe sinh sản để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi có dấu hiệu vô sinh. Ảnh: Epoch Times

Rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương là biểu hiện dương vật không có khả năng cương cứng nên không thể thực hiện giao hợp. Thay đổi nội tiết tố, yếu tố tâm lý hoặc các vấn đề về thể chất có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát sự cương. Đây là dấu hiệu vô sinh rõ rệt ở nam giới.

Tinh dịch bất thường

Những bất thường ở tinh dịch có thể phản ánh chất lượng tinh trùng kém, dẫn đến vô sinh. Lượng tinh dịch nếu ít hoặc nhiều hơn sẽ giảm số lượng và mật độ tinh trùng tiếp cận trứng. Khi thấy tinh dịch có màu vàng hoặc hòa lẫn máu, nam giới nên khám sức khỏe sinh sản để có biện pháp hỗ trợ cải thiện.

Thay đổi tinh hoàn

Tinh hoàn là nơi sản sinh ra tinh dịch. Mọi bất thường ở tinh hoàn như sưng, đau, mềm, có u cục, bị xoăn hoặc quá nhỏ có thể là dấu hiệu ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản của nam giới.

Béo phì

Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của đàn ông như chất lượng tinh trùng và rối loạn chức năng tình dục.

Khi nào nên đi khám?

Bất cứ ai có dấu hiệu vô sinh, những người đã cố gắng thụ thai trong hơn một năm hoặc 6 tháng nếu trên 35 tuổi nên đi khám để chữa trị kịp thời.

Cẩm Anh (Theo Medical News Today)

PHẨM GIÁ CỦA KI-TÔ HỮU


PHẨM  GIÁ  CỦA  KI-TÔ  HỮU
 Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.






Ki-tô hữu là người có một phẩm giá cao quí. Phâm giá này phát xuất từ Đức Ki-tô, Đấng vừa là người, lại vừa là Chúa. Là người, vì Đức Ki-tô là con Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và là Con Đức Chúa Cha (Mc 1,11 ), là Chúa vì là Ngôi Hai Thiên Chúa

Ki-tô hữu phát xuất từ Đức Ki-tô, vì những ai đã lãnh Phép Rửa thì thuộc về Người và mang danh Người. Vì vậy, họ được gọi là Ki-tô hữu. Danh xưng này được dân chúng ở An-ti-ô-khi-a tặng cho họ vào thời bấy giờ.: “Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu”. (Cv  11,26)  Sở dĩ như vậy, vì họ là những người đã theo Đức Ki-tô và sống theo lời giảng dạy của Người.

Chắc hẳn vì những lý do trên, nên Đức Giáo Hoàng Lê-ô Cả đã nói trong một bài giảng lễ Giáng Sinh rằng : “Hỡi các Ki-tô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính của Thiên Chúa, nên đừng để mình bị thoái hóa do việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua…Hãy nhớ rằng bạn đã được cứu thoát khỏi quyền lực tối tăm, đã được đưa vào trong ánh sáng và Nước của Thiên Chúa.” (PVCGK quyển 1 Giờ Kinh Sách bài đọc 2, trang 366)

Thiết tưởng đôi khi cũng phải nhắc lại phẩm giá này, vì có nhiều người chưa biết hay đã quện mà hóa ra mặc cảm, sợ hãi hay coi thường, trong khi phải nhớ kỹ và lấy làm hiên ngang một cách chính đáng và không ngại ngùng nhận mình là Ki-tô hữu, đồng thời can đảm khi phải tỏ mình ra là như thế.

Đã có những thời, những lúc Ki-tô hữu bị mạ lỵ và vu khống cho đủ điều. Những điều này Đức Giê-su đã báo trước và dạy rằng : “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những gì chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.” (Ga 15, 18-21)

Ki-tô hữu bị ghét không phải vì họ là những người xấu xa, tuy trong số họ cũng có những người như thế, nhưng chỉ vì họ là những người sống theo lời dạy của Đức Ki-tô. Mà những lời này thường đi ngược lại với cách sống và lối suy nghĩ của người đời và vô hình trung trở thành một động cơ gián tiếp cảnh cáo họ. Do đấy, một tác giả vô danh ở thế kỷ II sau Công Nguyên, đã viết : “Linh hồn ở trong thân xác, nhưng không do thân xác thì các Ki-tô hữu cũng ở trong thế gian, nhưng không bởi thế gian… Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù  linh hồn không làm gì hại cho xác thịt mà chỉ ngăn không cho nó hưởng lạc thú. Thế gian cũng ghét các Ki-tô hữu như vậy” (Thư gửi ông ông Đi-a-nhê-tô).

Biết thế, Ki-tô hữu cần phải kiên trì đón nhận khi gặp những sự thù địch và bạc đãi từ phía những kẻ ghen ghét mình, vì ai bền chí đến cùng sẽ được cứu độ (Mt 12,22), và Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh (Mt 11,12), Sức mạnh ở đây là sự can đảm chống lại các sự đối kháng của thế gian do bả vinh quang, quyền lực và các thú vui vật chất cùng với sự quyến rũ của tiền bạc.

Phẩm giá thì cao quí, nhưng Ki-tô hữu, người được hưởng, nhiều khi lại kkông biết quí trọng cho đủ. Vì thế, đây là lúc phải nghĩ lại mà tìm hiểu kỹ hơn về phẩm giá của mình để quí trọng và bảo toàn vẻ đẹp và sự cao quí đó. Phẩm giá này không hệ tại sự giầu sang hay địa vị trong xã hội mà là của chung dành cho mọi người mang danh là Ki-tô hữu. Nó còn tạo thành một sự bình đẳng trong cộng đoàn phụng vụ, và biến các các Ki-tô hữu thành anh chị em với nhau trong một đức tin, như lời chào của vị tư tế trong thánh lễ:“Chúa ở cùng anh chị em”.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Vì sao chúng ta phải tử tế?


Vì  sao  chúng  ta  phải  tử  tế?
 3  câu  chuyện  suy  ngẫm
Thanh Tâm-Thứ tư, 19/06/2019 •trithucvn.net


Tử tế không phải là cố ý làm một điều gì đó cho người khác xem, mà là làm những việc tốt một cách hết sức tự nhiên, cũng không truy cầu được báo đáp, là để cho tâm hồn được thanh thản.

Câu chuyện 1
Vào buổi tối, tôi trò chuyện cùng một cậu bạn làm ở ngân hàng.

Anh ấy nói tuần trước có mua một quả dưa hấu ở cổng khu nhà, về nhà cắt ra thì thấy dưa có màu hồng nên nghĩ là chưa chín, bèn mang ra đòi chủ sạp đổi quả khác, dù sao thì mùa này dưa cũng không rẻ, không giống như mùa hè chỉ có mấy đồng thôi, nếu có bỏ đi thì cũng không tiếc.

Chủ sạp chẳng nói chẳng rằng, đổi ngay cho anh một quả khác. Anh này về nhà cắt ra, vẫn là màu hồng nên rất tức giận, sao lại chẳng có quả nào chín thế này và lại mang ra đòi hoàn tiền.

Chủ sạp giải thích vài câu, rồi cũng không chèo kéo nữa, cứ thế hoàn tiền. Anh ấy lại mua một quả dưa khác ở trong một siêu thị nhỏ ở khu dân cư và bảo cắt ngay tại chỗ, kết quả chẳng khác là bao, vẫn là màu hồng.

Anh ấy cảm thấy khó hiểu và hỏi, dưa hấu các người bán đều không chín thế à? Chủ siêu thị giải thích: đây là giống đặc biệt, thịt dưa có màu hồng, nhưng vẫn rất ngọt. Ông chủ vừa nói vừa lấy điện thoại ra cho anh ấy xem hình ảnh và giới thiệu về loại dưa này.

Thì ra là như vậy…

Anh ấy mang quả dưa về nhà ăn thử, quả thật là khá ngon, lúc này anh ấy mới biết là mình đã trách lầm ông chủ sạp kia rồi.

Anh ấy nhớ lại ông chủ sạp không giỏi nói chuyện, ngay cả một câu giải thích cũng không nói được, khi đó ngón tay của ông ấy đỏ ửng vì gió lạnh, anh cảm thấy rất khó chịu trong lòng, muốn trả lại tiền cho ông chủ sạp, nhưng lại cảm thấy ngại.

Anh ấy đấu tranh tâm lý một lúc rồi quyết định vẫn nên trả lại tiền cho chủ sạp, nếu không thì lòng mình sẽ cứ mãi bất an.

Sau khi tìm được ông chủ sạp và giải thích rõ tình hình để trả lại tiền cho ông ấy, ông chủ nói rằng không cần. Nhân lúc ông đang cân đồ cho khách, anh ấy trả lại thêm vài đồng cho ông ấy rồi quay người chạy đi.

Anh ấy nói mình vừa chạy vừa hát, giây phút ấy trong lòng vô cùng vui vẻ, thoải mái.

Câu chuyện 2
Tôi đến trung tâm thương mại mua quần áo, có một thương hiệu thường không tổ chức các hoạt động giảm giá mà hôm đó lại giảm 10%, tôi bèn mua một chiếc áo len mà mình rất thích.

Người bán hàng đón tiếp tôi là một cô gái trẻ, trước ngực có đeo bảng tên thực tập sinh, cô bé nói chuyện rất ngại ngùng, tôi thử xong thì nhờ cô ấy in hóa đơn, sau đó tôi đến quầy thanh toán, rồi cũng không xem kỹ mà về nhà luôn.

Tối hôm đó, con gái xem quần áo mới của tôi và hỏi bao nhiêu tiền, tôi nói giảm 10% thì con gái cầm tờ hóa đơn rồi nói, không đúng đâu mẹ, người ta thu thiếu tiền của mẹ rồi.

Tôi xem thử thì đúng thật vậy, hẳn là cô bé ấy chưa có kinh nghiệm, trong lúc bối rối đã tính nhầm rồi. Con gái tôi hỏi phải làm sao bây giờ?

Tôi nói, ngày mai mẹ sẽ đi trả cho họ. Hôm nay cô bé bán hàng ấy hẳn là thu thiếu tiền, mà còn bị cấp trên mắng nữa.

Cả buổi tối hôm đó, trong lòng tôi cứ có cảm giác áy náy vì đã gây thiệt hại cho người khác.

Ngày hôm sau đi làm, tôi đến trung tâm thương mại để trả lại tiền, người trực quầy cảm thấy rất bất ngờ, họ không nghĩ rằng tôi sẽ chủ động đến bù thêm tiền, đây cũng không phải là lỗi của tôi.

Cô bé bán hàng đưa tôi đến quầy thu ngân để nộp đủ tiền rồi nói cảm ơn tôi rất nhiều lần và đưa tôi đến cửa thang máy.

Khi bước ra khỏi trung tâm thương mại, tôi cứ có cảm giác thoải mái khó tả, tôi lên xe mà cứ như thể nhảy tung tăng vậy, chồng tôi cảm thấy kỳ lạ rồi cười nói: “Dáng vẻ của em giống như một học sinh tiểu học vừa làm được việc tốt vậy, rất thú vị.”

Chồng nói thế thì tôi mới nhận ra, tâm trạng của mình rất sảng khoái, giống như đã trút được gánh nặng vậy.

Đôi lúc, sự thiện thương hoàn toàn không phải là ân nghĩa dành cho người khác, mà là tự làm cho chính mình hạnh phúc.

Câu chuyện 3
Vài ngày trước, một tài xế taxi chở cô bé khoảng 17 tuổi, anh hỏi đi đâu thì cô bé trả lời rất mơ hồ không rõ ràng, hơn nữa tâm trạng rất xúc động, nước mắt rơi lã chã.

Tài xế an ủi cô bé thì cô không nói gì cả. Sau khi đến nơi, cô bé trả tiền cho anh tài xế rồi xuống xe. Đến khi người tài xế lấy đủ tiền để thối thì đã không thấy bóng dáng của cô bé đâu nữa.

Nhưng trong lòng anh tài xế càng lúc càng cảm thấy bất an, lo cô bé gặp phải chuyện không hay, anh bèn quay lại con đường lúc nãy để tìm, cuối cùng thì anh nhìn thấy cô bé đang đứng ngây người nhìn xuống sông.

Anh vội vàng bước đến khuyên giải thì đột nhiên cô bé nhảy xuống sông, anh lập tức nhảy theo để cứu.

Những người đứng trên bờ nghe thấy tiếng kêu cứu nên đã giúp báo cảnh sát, sau đó cùng nhau đưa cô bé lên xe cấp cứu đến bệnh viện. Có người thắc mắc rằng vì sao anh tài xế lại làm như vậy?

Thì ra là cô bé ấy cãi nhau với gia đình nên nghĩ quẩn, nếu không nhờ gặp được anh tài xế thì hậu quả sẽ rất khó lường. Khi đó anh hoàn toàn không suy nghĩ gì nhiều, chỉ cảm thấy rằng tâm trạng của cô bé này không ổn, sợ cô bé làm chuyện dại dột nên mới đi tìm. Anh nghĩ rằng nếu không đi tìm cô bé thì trong lòng anh sẽ luôn rất khó chịu, ngộ nhỡ cô bé xảy ra chuyện không may thì anh sẽ vô cùng hối tiếc.

Sự tử tế là gì? Có rất nhiều khái niệm. Khái quát thì đó là đối xử tốt với tất cả mọi người, biết đồng cảm với nỗi khổ, bao dung tha thứ cho sai lầm của người khác, có thể hiểu được sự khó khăn của một ai đó và dang rộng vòng tay đầy tình yêu thương cho họ.

Tử tế không phải là cố ý làm một điều gì đó cho người khác xem, mà là làm những việc tốt một cách hết sức tự nhiên, cũng không truy cầu được báo đáp, là để cho tâm hồn được thanh thản.

Thanh Tâm

9 điều không nên làm trong mùa hè nóng nực


9  điều  không  nên  làm  trong  mùa  hè  nóng  nực
Đông Phương •Thứ Năm, 06/06/2019 • trithucvn.net



Vào mùa hè, rất nhiều người sợ nóng nực, cả ngày ngồi trong phòng điều hòa, thích ăn uống đồ lạnh… những việc tưởng như nhỏ nhặt này, thực chất rất có hại cho sức khỏe.

1. Ngủ không đắp chăn
Vào mùa hè, nhiều người thường ngủ mà không đắp chăn, thực ra đây là một thói quen không tốt cho sức khỏe. Ngũ tạng của con người thích ấm sợ lạnh, nhạy cảm với nhiệt độ, dù trong thời tiết nóng, nếu gặp lạnh cũng dễ bị đau bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, trên ngực và lưng còn có nhiều huyệt vị quan trọng, nếu bị cảm lạnh rất dễ dẫn tới các loại bệnh về tiêu hóa, hô hấp, tim mạch. Vì vậy, khi đi ngủ, hãy đắp lên bụng một chiếc chăn mỏng.

2. Đợi tới lúc khát mới uống nước, một lần uống lại uống quá nhiều
Vào mùa hè, cơ thể con người sẽ đổ nhiều mồ hôi, nếu uống nước không đủ, dễ bị thiếu nước dẫn tới thiếu máu. Khi khát chúng ta thường có thói quen uống nhiều nước, điều đó sẽ làm tăng áp lực tim, giảm nồng độ máu, thậm chí xuất hiện trạng thái đau đầu, khó thở, đổ mồ hôi. Lúc khát thì nên uống từng ngụm nhỏ và chia làm nhiều lần.

Mùa hè có thể ăn chè đậu xanh, chè hạt sen, uống trà bách hợp, trà hoa cúc, trà lá sen,… để làm dịu cơn khát và hạ nhiệt, hạn chế tới mức tối đa các đồ uống có chứa cafein.

3. Cảm thấy nóng, lập tức uống đồ lạnh
Uống đồ lạnh sẽ khiến niêm mạc dạ dày gặp lạnh, các mao mạch đang mở bị co rút lại, khiến cho dạ dày khó chịu thậm chí là dẫn tới tiêu chảy.

4. Tắm nước lạnh khi đang đổ mồ hôi
Lúc cơ thể đổ mồ hôi, toàn bộ lỗ chân lông đều nở ra, nếu lúc này đột ngột tắm nước lạnh, sẽ dễ bị cảm, sốt. Ngoài ra, tắm nước lạnh trong thời điểm này không những không khiến cho chúng ta thấy thư giãn mà ngược lại sẽ khiến các cơ bắp trở nên căng cứng. Biện pháp tốt nhất là đợi khô mồ hôi rồi mới đi tắm.

5. Để trẻ nhỏ đi chân trần
Cơ chế điều hòa thân nhiệt của trẻ nhỏ chưa phát triển một cách hoàn thiện, cường độ sinh nhiệt ít, tản nhiệt nhiều. Nếu đi chân trần trong phòng máy lạnh, dễ khiến cho các bé cảm lạnh. Hơn nữa, bàn chân được kết nối với các bộ phận như lá lách, dạ dày, vì vậy dễ khiến cho những bộ phận này cũng bị nhiễm lạnh, dẫn tới tình trạng bé bị đau bụng, tiêu chảy.

6. Vào buổi tối, dùng nhang muỗi nhưng lại đóng cửa sổ
Mặc dù những loại nhang muỗi được sản xuất đúng quy định sẽ không gây hại cho sức khỏe con người, nhưng trong một không gian khép kín, mở điều hòa, thì việc này sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hô hấp.

7. Ngồi quá lâu trên các ghế gỗ ngoài trời
Vào mùa hè, mưa lớn, độ ẩm và nhiệt độ cao, các loại ghế gỗ sau một thời gian dài thấm nước mưa, hàm lượng nước khá nhiều, rồi lại phơi dưới ánh nắng mặt trời, nó sẽ tản ra hơi ẩm. Nếu ngồi trên những chiếc ghế đó quá lâu, sẽ dẫn tới các bệnh như bệnh trĩ, bệnh về da, các bệnh thấp khớp, viêm khớp.

8. Ngồi quá lâu trong phòng điều hòa
Nếu máy điều hòa trong thời gian dài không được vệ sinh sạch sẽ sẽ chứa rất nhiều vi khuẩn cũng như các tác nhân gây hại cho sức khỏe, một khi chúng ta hít phải nó sẽ gây ra các mức độ viêm đường hô hấp khác nhau, thậm chí có thể dẫn tới các bệnh về phổi.

9. Dùng kính mắt quá tối hoặc quá sáng màu
Kính râm có thể làm giảm tác hại của tia cực tím với mắt, tuy nhiên nếu mắt kính quá tối sẽ ảnh hưởng tới thị lực, nhìn không rõ; còn với kính mắt màu quá sáng thì tia UV vẫn có thể làm tổn hại mắt.

Đông Phương