Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Jun 30, 2019 - Chúa nhật 13 thường niên năm C -



Jun 30, 2019 - Chúa  nhật  13  thường  niên  năm  C - 
Chuá  là  gia  nghiệp  cuả  chúng  ta!







Các Bạn thân mến,
Đọc Tin Mừng Thánh Luca tuần nay, đến đoạn dân làng Samari không muốn đón tiếp Đức Giesu, khi họ được báo để chuẩn bị. Nghe vậy, các môn đệ của Ngài đã nóng nảy phản ứng
:"Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?" 
Trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp nhiều người có tính thẳng thắn, nóng nảy, bực trọc, cứng cỏi như vậy. Tính ấy có thể giúp chúng ta giữ gìn sự ngay thẳng, công bằng, trong sáng, tránh được phần nào những lắt léo, gian lận, quanh co, mập mờ, lững lờ, … Nhưng tính ấy cũng có thể gây thiệt hại, chính vì cái gì cũng muốn giải quyết nhanh chóng, dứt khoát trắng đen, không thể im lặng, ngậm miệng, kiểu“mũ ni che tai” khi thấy điều sai trái, không đúng với sự thật, thiếu công bằng, cho dù chuyện lớn, chuyện nhỏ, cũng muốn rõ ràng, rạch ròi ăn thua đến cùng!
Nên nhiều người cho đó là thiếu khôn ngoan, bởi nó luôn là mối đe dọa cho sự mất an bình, đoàn kết. Thật vậy, người nóng nẩy thẳng thắn có thể gây thiệt hại, không chỉ cho mình, mà đôi khi còn mất cả bầu khí đang an vui của bạn bè, thân hữu nữa.
Vì thế, cách khôn ngoan nhất vẫn là sự dịu hiền, kiên nhẫn im lặng khi không cần thiết phải đối mặt với sự thật, mà vẫn giữ được tính trung thực thẳng thắn. Khi không thể được thì bỏ đi để tránh bức xúc trong lòng khi thấy thiên hạ"cuốn theo chiều gió", sao cũng được, miễn là "dĩ hòa vi quí"!
Nên trong đời sống thường ngày, chúng ta bị giằng co nhiều thứ, như giữa những quyến rũ lôi cuốn, với tinh thần Kito giáo; giữa an vui và cá tính, mà đôi khi chẳng biết chọn lựa sao cho phải. Khi đó nên im lặng thì thầm kêu xin Chúa giúp.
Như thái độ của Đức Giesu đối với dân làng Samari trong bài Tin Mừng hôm nay hướng dẫn chúng ta cách khôn ngoan khi phải đương đầu với sự chống đối, sự thiếu tôn trọng trân quí.
Ở đây, sự thật Đức Giesu là người đã dạy dỗ họ, còn cho họ ăn, cho họ uống, chữa lành nhiều loại bệnh tật mà họ đã từng được hưởng, được nghe; cao hơn nữa, Ngài còn mặc khải cho họ biết Ngài là ai, hiện diện ở trần gian để làm gì.Vậy mà Ngài không phản ứng gì khi họ không đón tiếp Ngài.
 Có phải Ngài nhu nhược, không muốn sửa phạt con cái khi sai quấy? Hiển nhiên là không, bởi như trong dụ ngôn cỏ lồng vực, Đức Giesu đã nói rõ quan điểm của Ngài với đám thợ gặt rằng để tránh thiệt hại cho cánh đồng lúa tốt, cứ để cỏ dại sống chung với lúa, tới mùa gặt triệt hạ cũng không muộn.
Chúng ta cũng biết, trong đời sống thường ngày, người tín hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, một bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài danh vọng, một cuộc sống tự do thoải mái, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Bài Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng để thực hành đúng.
Nhân dịp này Đức Giesu còn cho thấy Ngài lựa lọc rất cẩn thận những kẻ muốn theo Ngài, và rất thành thật trong thái độ đối với những loại người Ngài đã trực tiếp kêu mời, dù họ là đối tượng nào, kiểu mẫu nào:

1.  " Thuyền đi lái cũng đi":
 "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo."
-    Đây là tốp người sẵn sàng theo Chúa, thấy người ta tấp nập đi theo, họ cũng hớn hở đòi theo.
-    Chắc chắn họ cũng là người tốt lành ngoan đạo như người thanh niên giàu có đã đến xin theo Đức Giesu.
-    Nghĩa là họ thuộc tốp người lạc quan, nhiệt tình, nóng vội, chưa kịp nghĩ tới công sức phải đầu tư, chưa kịp biết ngày mai sẽ ra sao, cứ theo cái đã; nên khi gặp hoàn cảnh khó khăn, họ có thể dễ dàng nhượng bộ, hòa giải!
-    Hẳn Đức Giesu cũng vui lòng khi nghe và nhìn thấy tấm lòng nhiệt tình quí hiểm của họ. Vì đó là tâm tình sẵn sàng, vô tư đáng yêu.
-    Nhưng với tốp người này, Đức Giesu thẳng thắn nói cho họ biết, hãy bình tĩnh, đừng chạy theo cảm xúc, mà cần nghĩ đến cái giá phải trả trước khi đi theo Ngài.
-    Rõ ràng Ngài chẳng đánh bóng mình để dụ dỗ ai, chẳng dùng quyền năng để thu nhận môn đệ, chẳng đùng văn hay chữ tốt với giọng nói ngọt ngào ấm áp để lôi cuốn, chẳng dùng vật chất để mua chuộc lòng người...Mặc dù mẫu người này rất đông đảo.
-   Mà ngược lại, Ngài luôn nêu rõ cái giá phải trả cả về tinh thần, tình cảm lẫn thể xác khi đi theo Ngài. 
-   Đó là những đòi hỏi cụ thể, dứt khoát, khó khăn nhất của một con người! Nên Ngài khen ngợi những ai biết đánh giá cao những đòi hỏi của Ngài, đòi hỏi đến tận cùng!
-    Đạo thật của Ngài là như vậy, con đường Chúa đi là như thế, chúng ta đừng lẫn lộn, ảo tưởng hoc để tình cảm, cảm xúc điều khiển.
  Thế nhưng trong thực tế, đôi khi chúng ta lại làm ố danh Ngài, hại Hội Thánh khi chúng ta cố gắng thuyết phục, trấn an người muốn gia nhập Hội Thánh rằng không có khó khăn gì, hoặc là sẽ được giúp đỡ cách này cách khác, được lợi lộc cả hồn lẫn xác!
-    Thật là một điều ngây ngô, lầm lẫn tai hại. Cần phải tránh.

2.  "Mặc kệ nó":
-   Từ sau 30.4.75 đến nay, ngôn ngữ Việt Nam của chúng ta mọc lên như nấm, khiến kho tàng chứa thêm nhiều từ ngữ "đặc sản"; tất nhiên có mỹ ngữ, có "lộng ngữ", có"hỗn ngữ", có "Cộng Sản ngữ"... đủ kiểu, đủ dạng, phong phú cả đời lẫn đạo. Làm người này vui, người kia khóc mếu!
-   Trong đó có cụm từ "mackeno", tức là"mặc-kệ-nó'",  không biết xuất xứ từ đâu, trong trường hợp nào, nhưng được nhiều bạn trẻ vui dùng với nghĩa là không cần biết, muốn thế nào thì thế, muốn ra sao thì ra, chẳng cần quan tâm, sẵn sàng buông xuôi luôn!
-   Tin Mừng hôm nay Đức Giesu cũng nói với người muốn đi theo Ngài nhưng lại muốn lo việc nhà cho xong trước
:" Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." rằng:" Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ", nghĩa là"mackeno". 
-   Hiển nhiên người này cũng tốt lành như người thứ nhất, và người thanh niên giàu có đã có lần đến xin theo Chúa. Nghĩa là anh cũng giữ Mười Điều Răn từ thuở nhỏ, bằng chứng anh là người con hiếu thảo.
-    Đức Giesu đã mời cả ba nhóm người tốt lành ngoan đạo này phải tiến xa hơn nữa, dù phải lựa chọn, và quyết định rất khó khăn.
-   Nhưng họ không đủ can đảm từ bỏ những ràng buộc, những dính líu trần gian nên họ luôn có nhiều lý lẽ để từ chối, vịn lẽ này lẽ kia để thoái thác, để trì hoãn, để qua đi.
-   Thường thường những lý lẽ họ đưa ra rất chính đáng, hợp lý, tự nhiên, quan trọng nhất, thiêng liêng phải đạo nhất như chôn cất cha mẹ, tạm bi
ệt gia đình…
-    Nhưng dù lý do nào, với lý do cuối cùng chăng nữa, Đức Giesu cũng bảo"mackeno"! Nghe như ác nghiệt, bất hiếu, bất nhân phải không? 
-   Tuy nhiên không phải thế, Ngài đã mặc lấy thân phận loài người, hẳn Ngài biết rõ cái chết là điều làm con người đau khổ không thể chịu nổi. Nhưng Ngài muốn dạy chúng ta rằng theo và rao giảng Tin Mừng về sự cứu rỗi và sự sống là cao trọng nhất, cần thiết nhất, tuyệt đối nghiêm chỉnh nhất cho mình và cho mọi người.
-   Vì sự thật không có bổn phận nào, cả bổn phận lo cho người chết, cho cha mẹ cũng không quan trọng cho bằng đáp lại lời mời gọi của Ngài, là Đấng Hằng Sống.
-   Không có ràng buộc nào, dù cao đẹp đến đâu có thể xem như là lý do chính đáng để từ chối, hay tạm hoãn đi theo Đức Kito.
-   Như ở đoạn Tin Mừng này, Đức Giesu đang đi qua đây lần này là lần cuối cùng, không bao giờ trở lại. Nếu không theo ngay, sẽ không còn cơ hội nào khác để theo Ngài.
-   Mặt khác, chúng ta nên áp dụng cụm từ "mackeno" để phó thác tất cả mọi sự trần gian này cho Thiên Chúa, để Ngài mặc ý xử dụng chúng ta ra sao thì tùy vào kế hoạch quan phòng của Ngài. Đó lại là điều cần phải làm, để được vâng ý Cha trên trời.
-   Nhưng đừng áp dụng"mackeno" đối với anh em, và những người bất hạnh đang cần tới chúng ta nhé!
 
3. Một chân lý:
" Thưa Thầy, xin cho phép tôi về từ biệt gia đình trước đã."
-   Người này hẳn có nhiều mối liên hệ tình cảm thân thiện, hành xứ có trước có sau, không muốn gây thất vọng, dị nghị; chứng tỏ anh cũng là người tốt, trưởng thành, được nhiều người yêu mến.
-   Nhưng lời Đức Giesu phán với người thứ ba khi Ngài gọi họ bày tỏ một chân lý không ai, không thời nào có thể chối cãi.
-   Ngài nhắc mọi người rằng người nông dân không thể cày một luống ruộng thẳng tắp, đến nơi đến chốn khi vừa cày vừa ngó lại đằng sau.
-   Nghĩa là không thể chân bước theo Ngài, mà lòng còn đặt vào các việc trần gian, như thế tâm lòng sẽ không an, những mối liên hệ chồng chéo nhau có thể làm tâm hồn xáo trộn, bị chia năm xẻ bảy, quanh co ngoằng nghoèo như những luống cây dở dang!
-   Đối với những người này Đức Giesu có thái đó dứt khoát, nghiêm nghị, không lý giải, không thuyết phục, Ngài nói:" không thích hợp với nước Thiên Chúa."
-   Bởi thái độ ấy chứng tỏ họ chưa nhận thức được đặc ân vinh hiển được Chúa kêu mời hoặc còn cân nhắc với sự hy sinh phải chịu.
-   Với những người còn đặt điều kiện từ giã gia đình trước khi theo Chúa, là họ đã phí phạm thời gian, ơn phúc của Ngài; chỉ nghe, nhận lời Chúa ở cửa miệng, ở lỗ tai, không phải tận đáy lòng, nhận mà chần chừ, lưỡng lự, chậm chạp, nghe mà không theo, không giữ thì không có kết quả cũng chẳng lợi ích gì.

Lạy Chúa, Ngài đúng là một vị lãnh đạo đầy bản lãnh nên mới có quyền đòi hỏi và lên tiếng kêu gọi như thế. Ngài cũng vượt trên mọi tranh chấp và chấp nhận hy sinh tới cùng. Những đòi hỏi của Ngài quả là triệt để, đến nỗi ai đi theo cũng phải tự bỏ chính mình, nhưng không là tiêu cực, là không tưởng, bởi Ngài không muốn chúng con đặt niềm tin trên nền tảng vật chất hay thể lý, mà muốn chúng con từ bỏ những gì có thể trốn tránh sự khắc nghiệt của cuộc lên đường hướng về sự sống vĩnh cửu. Do đó Ngài kêu mời ai muốn theo Ngài hãy dứt khoát tiến trên con đường mới, thực tại mới để trở thành những người hằng sống như Ngài.
Nhưng chúng con lại đắn đo khi được Chúa mời gọi, bởi chọn Chúa tức là phải lội ngược dòng, phải nghèo đói khổ đau, phải từ bỏ tất cả mọi sở hữu, mọi ước muốn, và cả những liên quan tốt đẹp của mình nữa.
Nhưng vì Chúa chính là Thiên Chúa làm người nên xin cho chúng con biết mau mắn từ bỏ tất cả, dứt khoát bước đi theo Ngài để được thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Ngài. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen

Thân mến,
duyenky




 









 





 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét