Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Bố và con trai


Bố  và  con  trai
03/04/2017 - Nhà văn Nguyễn Việt Hà




 Chia sẻ
ANTD.VN - Nho giáo Việt khi bàn về đạo hiếu, đặc biệt là mối quan hệ giữa bố và con trai thường quá chi tiết, chính vì thế dễ dẫn tới những rườm rà lẫn lộn giả dối. Thế nhưng, vượt thoát lên trên những cách nói đấy, người ta vẫn luôn đẫm đầy một sự chí thành.


Từ ngàn năm nay, đã không biết bao nhiêu văn nhân học giả, đạo đức gia, chính trị gia, tốn không biết bao nhiêu bút mực để bàn về mối quan hệ đặc biệt giữa hai người đàn ông này. Ở phương Đông nói chung, chẳng cứ một ông bố nông dân mà ngay cả ông bố mang vẻ văn minh thị dân, đa phần đều khát khao trong nhà mình nên có một thằng con giai.

Thậm chí trong một giai đoạn dài, khi luân lý Nho giáo đang thịnh trị ở đất Việt, cái câu cửa miệng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một giai là có, mười nữ như không) luôn được coi là tiêu chí để đánh giá hạnh phúc gia đình. Và tới hôm nay, cái hủ tục này vẫn đang phảng phất mạnh mẽ tồn tại ở ngay những huyện ngoại thành Hà Nội.

Tại phương Tây, tâm lý gia vĩ đại người Áo là Sigmund Freud (1856-1939) khẳng định rằng, cha và con trai là hai hình ảnh tương hỗ phóng chiếu lẫn nhau, nhưng giữa bọn họ tồn tại một khoảng trống ngổn ngang mâu thuẫn. Thuật ngữ “mặc cảm Oedipe” nổi tiếng khủng khiếp của ông làm cả châu Âu hồi ấy nhao nhao phẫn nộ. Người Việt từ xa xưa tính khí vốn dĩ bình hòa, về bản chất có khuynh hướng lễ phép, nên cho quan hệ cha con mang một màu sắc đạo đức khác hẳn.

Con trai mà có học mà có tử tế thì bắt buộc phải biết giữ “tam cương” (ba mối ràng buộc lớn). Đại loại là “quân vi thần, phụ vi tử, phu vi thê” (vua-tôi, cha-con, chồng-vợ). Cụ đồ Chiểu có nhân cách cực kỳ cao đã tuyên tín rằng “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Đàn ông đàng hoàng đầu đội trời chân đạp đất phải biết trung với vua, phải biết chí hiếu với bậc sinh thành.

Cha hiền là những người luôn theo sát chăm sóc từng bước chập chững của con. Đương nhiên cũng đừng chăm chút quá, kiểu đủn đít cho con vùn vụt thăng tiến trên hoạn lộ như một vài ông quan chức bây giờ.

Lời thề Đồng Cổ manh nha từ triều Trần có câu “làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì quỷ thần tru diệt”. Không phải ngẫu nhiên mà vị minh quân Trần Nhân Tông mang thụy hiệu là “Hiếu Hoàng”. Con trai mà “hiếu” luôn được xã hội trân trọng đề cao, bởi đã là hiếu tử thì dễ dàng trong sáng, chăm chỉ học giỏi rồi lương thiện ngay thẳng mà thành nghĩa sỹ, biết dâng hiến hy sinh cho dân cho nước.

Tất nhiên, hiếu là đạo chứ không phải phong trào, làm gì có chuyện nỗ lực phấn đấu để đạt thành tích “hiếu tử”. Bởi con trai đã thật “hiếu” cũng chỉ là chuyện tự nhiên nhi nhiên. Nó giản dị như đói thì bú mẹ, sợ thì trốn vào lòng cha, chứ đâu cần gồng mình lên cho nhang nhác giống như đạo đức. Có điều, Nho giáo Việt khi bàn về đạo hiếu, đặc biệt là mối quan hệ giữa bố và con trai thường quá chi tiết, chính vì thế dễ dẫn tới những rườm rà, lẫn lộn, giả dối. Thế nhưng, vượt thoát lên trên những cách nói đấy, người ta vẫn luôn đẫm đầy một sự chí thành.

Gần đây trên mạng lan truyền một clip có anh con giai ở phố đang tắm cho bậc sinh ra mình. Anh ta kỳ cọ cho cụ trắng bong nhưng những lời gắt gỏng lại hậm hực đen tối. Nuôi dưỡng cha mẹ mà không nhu thuận thành tâm thành kính thì cũng chẳng ra gì. Có phải vậy chăng mà giờ đây quá nhiều cụ ông có con trai phương trưởng thích ngậm ngùi vào ở nhà dưỡng lão. Cái câu thành ngữ vỉa hè “trẻ cậy cha, già cậy tủ” hóa ra hôm nay có thực.

Thường thì đạo hiếu được bắt đầu từ người cha, bởi đơn giản trước khi ông bố thành “papa” thì có một thời gian hồn nhiên thật dài ông đã là “baby”. Nếu đầu vào chỉ toàn “baby” mất dạy thì đầu ra biết tìm đâu những “papa” đứng đắn. Cha hiền là những người luôn theo sát chăm sóc từng bước chập chững của thằng con giai.

Đương nhiên cũng đừng chăm chút quá, kiểu đủn đít cho con vùn vụt thăng tiến trên hoạn lộ như một vài ông quan chức bây giờ. Những cặp cha con kiểu này là minh họa phi thường cho cái đạo hiếu tầm thường thời nay. Bọn họ thật xứng đáng với câu “ranh” ngôn “hổ (thẹn) phụ sinh hổ (thẹn) tử”.

Thông thường bố thích con trai vì con trai có nhiều điểm giống bố. Hoặc ưa linh tinh phiêu lưu hoặc yêu lung tung phụ nữ. Và hầu hết các ông bố được hỏi là tại sao lại thích thì đều trả lời, tại vì con trai thường giữ tư thế đứng. Không cứ lẫm liệt chết như Từ Hải mà ngay cả nhẹ nhàng như đi “tè” cũng cực ghét phải ngồi.

Xã hội đô thị ở ta giờ đây văn minh có xu hướng đẻ ít con, nên nhiều ông bố sở hữu một hoặc hai ái nữ là chuyện rất thường. Điều này có buồn không thì dân gian bảo, “ăn nhạt mới biết thương đến mèo”. Trong những gia đình mang vẻ hạnh phúc ấy, hiển nhiên tay con rể sẽ đóng vai con giai. Đây đáng kể là một mối quan hệ bi tráng. “Dâu là con, rể là khách”, thỉnh thoảng khách dữ có xô xát với khổ chủ cũng là điều dễ hiểu.

Có một giai thoại lưu hành trong đám đàn ông phố cổ. Nhạc phụ đại nhân đi hát karaoke “tay vịn” thì gặp đúng con rể. Cả hai choáng váng nhìn nhau bàng hoàng. Nhạc phụ lo sợ hơn nhưng thông minh hơn, lanh lẹn tiến tới thì thầm vào tai “ông rể”. “Đây là chuyện riêng của hai bố con xin chớ bép xép. Nếu ông mách vợ tôi thì tôi sẽ mách vợ ông”.

Một câu thoại xuất sắc, vĩnh viễn không bao giờ có khi bố thật gặp con trai thật.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét