PHẨM CHẤT VÀ GIÁ TRỊ CỦA LINH MỤC
(BÀI THUYẾT TRÌNH CHO CÁC LINH MỤC, CỰU SINH VIÊN XUÂN BÍCH)
Sở dĩ phải nói đến vấn đề
này là vì mấy năm gần đây hồng y, giám mục, linh mục thường được đưa lên mạng với
những cáo buộc về các tội danh như ấu dâm, xa hoa, hèn nhát không dám lên tiếng
bênh vực những người bị đàn áp hay yên lặng
trước những bất công trong xã hội.
Chắc hẳn nhiểu người
trong giói linh mục chúng ta buồn và lấy làm tiếc về những sự việc đó. Nhưng
xét cho cùng theo quan điểm đức tin thì âu đó cũng là một điều trong chương
rình của Chúa, để thanh luyện Hội Thánh và báo động cho mỗi người chúng ta phải
lo bảo toàn phẩm chất và giá trị của đời linh mục. Về sư cao quí của chức linh
mục thì khỏi cần phải nói, nhưng về phẩm chất và giá trị của con người linh mục
thì thiết tưởng chúng ta phải luôn luôn bảo trọng, nghĩa là lo sao cho đời linh
mục của mình giữ được phẩm chất và giá trị.
Phẩm chất ấy là mỗi ngày
chúng ta phải nhắc bảo cho mình nhớ lại và rập khuôn đời mình theo mẫu linh mục
là người của Chúa, được Chúa chọn để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Vì thế,
mình ở giữa mọi người, như mọi người, nhưng lại không như mọi người, bởi lẽ
mình đã lãnh nhận một chức vụ với lời cam kết đặc biệt kèm theo. Bởi vậy, theo
tinh thần Hiến Chế Vui Mừng Và Hy vọng, linh mục phải “ở đời hơn mà lại ít thuộc
về đời hơn”. Làm sao dung hòa được mức đô này. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã cung
cấp cho chúng ta sắc lệnh Presbyterorum ordinis làm kim chỉ nam hướng dẫn và điều
khiển cuộc đời chúng ta. Chúng ta là linh mục thuộc thời đại Công Đồng. Xét về
một phương diện, thì xem ra kỷ luật về đời sống linh mục bớt ngặt hơn so với
trước kia, như ra ngoài phải mặc áo chùng thâm, mỗi ngày phải đọc sách nguyện bằng
tiếng la-tinh lâu đến cả gần hai tiếng, đi từ địa phận này sang điạ phận khác
phải có phép của Đức Cha địa phận mình, giao tiếp với người khác phải canh chừng
chặt chẽ v.v…
Nhưng cái tự do thoải mái
này, vô hình chung, nhiều khi lại là những cản trở khiến chúng ta không còn mấy
cẩn thận giữ gìn và bảo trọng phẩm chất và giá trị của linh mục.nữa. Những điều
tai tiếng xẩy ra phải chăng cũng là do sự thiếu cẩn trọng và không áp dụng một
hình thức khổ chế và kỷ luật nào đó cho đời sống của mình. Mấy chục năm trứớc,
một nhà văn người Pháp, Michel de Saint Pierre có viết một cuốn tiểu thuyết dề
là Les nouveaux prêtres, trong đó ông cho thấy hai thế hệ linh mục cũ và mới và
sự tạm gọi là tranh chấp giữa đôi bên với những lời phê phán lẫn nhau về cũ và
mới. Nhưng dù cũ hay mới, đời linh mục vẫn có một tiêu chuẩn chung thích hợp
cho mọi thời, đựa vào lời dạy của Chúa Giê-su. Linh mục muốn sống cho đích đáng
thì phải căn cứ vào đây cũng như vào lời giáo huấn và kỷ luật của Hội Thánh. Dù
cũ hay mới thì linh mục thời nào cũng phải lo chu toàn những bổn phận hàng ngày
gắn liền với đời mình là cử hành thánh lễ, đọc sách nguyện, lần hạt, xét mình,
xưng tội, cử hành bí tích, đi “kẻ liệt” v.v… Những việc này là những cách thế cần
thiết và hữu hiệu để giúp linh mục giữ được phẩm chất và tạo ra được thế quân
bình trong đời sống.
Trong phần kết cuốn tiểu
thuyết Những linh mục mới, tác giả dã đưa ra hai bức tranh về những linh mục
trung thành với nếp sống cổ truyền bên cạnh những linh mục theo lối sống mới mệnh
danh là theo Công Đồng Va-ti-ca-nô. Những vị này năng nổ, xông pha với các hoạt
động bên ngoài mà xem ra như lơ là hay coi nhẹ kỷ luật đời sống bên trong. Kết
cuộc, linh mục theo lối mới bị hao mòn sinh lực trước tuổi và không đạt được
nhiều kết quả về đường thiêng liêng nơi các tín hữu.
Trong bài L'Eglise et les
défis du troisième millénaire của Đức Hồng Y Godfried Danneels đăng trong La
documentation catholique số 2269 ra ngày 5.5.2002, cuối trang 446 có viết : “Dù
sao, chúng ta chỉ có thể tồn tại nhờ phẩm chất của lòng tin, lòng mến và nhất
là lòng cậy của chúng ta. Chắc chắn là ít bởi quyền hành và uy thế, ít bởi cái
vẻ bên ngoài hơn là thực chất bên trong”. (Quoiqu'il en soit, nous ne survivrons
que par la qualité de notre foi, de notre amour et surtout de notre espérance.
Ce sera moins par le pouvoir et le prestige, par le paraitre, que par
l'être).
Xã hội chúng ta vẫn là một
xã hội có tôn ty đẳng cấp, dù nói là dân chủ. Cái dáng dấp và ảnh hưởng phong
kiến vẫn còn cả ở ngoài đời lẫn trong đạo. Chính óc phong kiến này đã cầm chân
xã hội chúng ta lại không cho tiến bước. Chúng ta chỉ việc nhìn lại những việc
đã xẩy ra vào giữa thế kỷ XIX trong triều đình vua quan nhà Nguyễn cũng đủ thấy
ảnh hưởng khốc hại của óc phong kiến này.
Riêng trong nhà đạo chúng
ta, kiểu cách phong kiến vẫn còn cho đến ngày nay trong cách dùng người và cắt đặt các chức vụ. Người nào biết đưa đẩy,
không dám có ý kiến riêng dù là xây dựng, thường dễ được trọng dụng và cắt cử
vào những chức vụ quan yếu hơn. Trong Hội Đồng Giám Mục, các vị giám mục trẻ
thường nể các vị cao niên và không dám có ý kiến ngược lại. Trong họ đạo, cha sở
dường như nắm giữ mọi quyền hành và cho mình như thông thạo đủ thứ. Trong các
đoàn thể, người nhỏ phải theo người lớn cho đúng với nguyên tắc “kính lão đắc
thọ” trong khi trào lưu dân chủ và kỹ thuật điều hành các xí nghiệp trên thế giới,
người ta có khuynh hướng dùng người trẻ và đến tuổi nào đó, người lớn phải nhường
chỗ cho người nhỏ, để đoàn thể và tổ chức
nhờ vậy luôn năng động và có sức sống mới.
Còn một điều nữa đáng nói
là mục vụ của các cha sở và lối hành đạo của giáo dân cần phải thay đổi cho phù
hợp với tình thế mới. Các cha sở không thể để giáo dân sống mãi trong tình trạng
ấu trĩ về đức tin, cũng như không thể giữ mãi những lề thói có tính mị dân, để
duy trì lòng cung kính của họ đối với mình. Gần đây trong một số báo Công giáo
và Dân tộc, có ý kiến của một nữ độc giả ngoài công giáo về lòng trọng kính quá
đáng của giáo dân đối với linh mục. Chúa bảo chúng ta đừng gọi ai là cha hay
thày là muốn dạy chúng ta đừng thích hay đòi cho người ta trọng vọng mình. Các
linh mục không cần phải đòi người ta kính trọng, nhưng nếu các vị ăn ở cho đúng
bậc mình thì chắc chắn sự trọng kính kia sẽ đến.
Vào những năm liền sau
Công Đồng, bên Pháp có phong trào các tu sĩ ra ngoài lập ra những “Antennes”, tức là những căn hộ
cho chừng vài ba người ở, bên cạnh những căn hộ khác cho gần gũi hơn với người
ta : cũng đi làm, đi chợ, nấu ăn, đổ rác v.v… Mục đích là để sống đơn sơ, giã từ
nếp sống yên thân trong các tu viện nhà cao cửa rộng mà do đó làm cho mình dễ rời
xa dân chúng.
Sáng kiến này phát xuất từ
các cha Dòng Tên. Phải nói đó là một sáng kién cao đẹp và quảng đại. Một số tu
sĩ các dòng đã thử làm theo. Nhưng chẳng bao lâu, thí nghiệm này cho thấy khó
dung hòa được với nếp sống tu trì, nên đã
phải dẹp bỏ.
Thời Công Đồng có hai từ
ngữ thông dụng, đó là cập nhật hóa và dấu chỉ
thời đại. Hai tù ngữ này có thể đã là tiền đề cho Hiến chế Gaudium et
Spes và sắc lệnh Perfectae caritatis. Hội Thánh Công Giáo từng bị coi nhu một ốc
đảo, nay phải đi ra ngoài đến với muôn dân. Hội Thánh phải mở cửa ra cho người
ta nhìn vào, tuy mở cửa thì có bụi theo, nhưng không phải chỉ có bụi mà còn có
gió nữa ; gió đem khí mát vào và làm cho căn nhà được thông thoáng. Các ý tưởng
này là của Thánh Giáo Hoàng Go-an XXIII. Những ai đã sống thời Công Đồng chắc đều
thấy mối thịnh tình của thế giới đối với những tư tưởng như thế qua các hiến chế
và sắc lệnh được công bố.
Đã hẳn phải cập nhật hóa
cho hợp với thời buổi mình sống, để không còn xa lạ hay lạc lõng giữa mọi người,
hầu có thể gặp gỡ đối thoại chân tình trên căn bản tôn trọng lẫn nhau giữa người
với người. Trong cái cũ và cái mới cũng vậy, cái nào cũng có giá trị của nó.
Vây hãy giữ lấy và tôn trọng những giá trị đó để làm phong phú cho mình. Những
lời sau đây là những lời cũ có từ thời các nhà truyền giao thừa sai. Các bậc
cha ông của chúng ta trong chức linh mục đã thực hành như thế và truyền lại cho
chúng ta như một thứ gia bảo để góp phần xây dựng và gia tăng phẩm chất cũng
như giá trị của con người linh mục. “Thày cả phải có nhân đức lọn lành hơn người
ta, phải cầu nguyện cho sốt sắng hơn, xem sách cho cần mẫn hơn, giữ mình sạch sẽ
cho cẩn thận hơn, ăn uống cho tiết độ hơn, chịu khó cho bằng lòng hơn, giữ sự
vui cười cho nhiệm nhặt hơn, ăn nói cho mềm mại hơn, giữ mặt mũi chân tay hình
dong cho nghiêm trang hơn, lời nói cho hẳn hoi hơn, thế thì mới xứng đạo làm
thày mà chớ” (Công đồng Tứ Xuyên, trang 4)
Cụ thể, chúng ta là linh
mục. Chúng ta có phẩm chất và giá trị do chính bản tính của chức linh mục mang
lại. Chúng ta có thể làm cho sáng tỏ, biến chất hay lu mờ đi tùy vào nhận thức
và cách sống của chúng ta. Điều này chúng ta phải khắc cốt ghi tâm trong mọi hoàn
cảnh. Chừng nào lơi lỏng là chúng ta xuống dốc và không còn được bình an và vui
sống trong cuộc đời của mình nữa. Mà đời linh mục phải là một cuộc đời hạnh
phúc trong sự gắn bó với Chúa và phuc vụ tha nhân.
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế
o.p. (11.6.2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét