Tue,
11/06/2019 - Trầm Thiên Thu
Các Kitô hữu có khó tưởng
tượng có Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần là Một Chúa mà lại có Ba Ngôi?
1. ĐÓ LÀ VẤN ĐỀ
Câu trả lời không dễ, thế
nên việc đầu tiên của chúng ta là giải thích lý do tại sao đáng để tìm hiểu.
Trước tiên, niềm tin của chúng ta tìm cách hiểu. Aristotle nói: “Mọi người đều
muốn biết” (metaphysics – siêu hình học). Tuy nhiên, đó không chỉ là niềm tin
tìm cách hiểu, đó cũng là lòng yêu mến của chúng ta. Khi yêu mến ai, người ta
muốn biết mọi thứ về người đó. Quan trọng nhất là người ta muốn biết điều gì
làm cho người đó chính là người đó. Lòng yêu mến của chúng ta dành cho Thiên
Chúa mời gọi chúng ta nhận biết Ngài sâu sắc đến tận cùng.
Lý do thứ hai là sự hiểu
biết như vậy có sức mạnh giúp chúng ta giải thích niềm tin của chúng ta cho người
khác hiểu. Thứ ba, đào sâu bí ẩn về Thiên Chúa không giúp đỡ nhưng khơi dậy sự
thắc mắc của chúng ta và làm cho chúng ta ngạc nhiên về sự uy nghi của Thiên
Chúa. Thần học có thể trợ giúp chúng ta chiêm ngưỡng. Thứ bốn, cách đánh giá về
vẻ đẹp của chân lý sẽ làm sâu sắc lòng yêu mến của chúng ta dành cho Thiên
Chúa.
2. GIÁO LÝ VỀ CHÚA BA NGÔI
Điều chúng ta đang tìm hiểu
là giáo lý khá đơn giản: Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Tín điều Công Đồng Nicê
nói: “Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa”. Với lời xác định đó, chúng ta đặt niềm
tin vào Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần. Điều này hoàn toàn có
trong Kinh Thánh. Ví dụ:
– Tôi và Chúa Cha là một.
(Ga 10:30)
– Nơi Đức Kitô, tất cả sự
viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể. (Cl 2:9)
– Chúa Giêsu bảo các môn
đệ ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (Mt 28:19)
Hãy mở rộng một chút.
Chúng ta tuyên xưng có một Thiên Chúa, không có ba Thiên Chúa. “Ba” đó không là
ba bản thể mà là ba ngôi vị. Có một Thiên Chúa, mỗi ngôi hoàn toàn là Thiên
Chúa. Chúa Cha là Thiên Chúa hoàn toàn, Chúa Con là Thiên Chúa hoàn toàn, Chúa
Thánh Thần là Thiên Chúa hoàn toàn.
Điều này có vẻ rắc rối hoặc
nghịch lý đối với một số người. Thế là thế nào?
3. GIẢI THÍCH KHÔNG
TÁC DỤNG
Một trong những cách giải
thích hay nhất trong lịch sử Giáo Hội khả dĩ giúp tìm ra điều không tác dụng.
Cách nói ẩn dụ nổi tiếng của Thánh Patrick về cây lá chụm hoa (three-leaved
shamrock – cây có ba lá hoặc cây me đất, người Ai-len lấy hình cụm ba lá của
cây này làm quốc huy) không còn là nó bởi vì mỗi lá trong cụm ba lá đó tách rời
nhau. Chúa Cha không hiện hữu tách rời với Chúa Con hoặc Chúa Thánh Thần.
Một cách ẩn dụ phổ biến
là nước. Chúng ta có thể nói có một chất nước hiện hữu trong ba trạng thái –
băng, lỏng, và khí. Nhưng cách ẩn dụ này không đạt bởi vì nước không bao giờ
hoàn toàn vừa là tảng băng, vừa là chất lỏng, và vừa là chất khí cùng một lúc.
Nhưng Thiên Chúa luôn là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ngài không là
Chúa Cha vào một lúc nào đó, Chúa Con lúc khác, và Chúa Thánh Thần lúc khác.
Tách ba ngôi như vậy là tà thuyết Cách Tân (Modalism, cũng gọi là Sabellianism
vì do Sabellius khởi xướng hồi thế kỷ II), cho rằng các ngôi vị không là thực
thể, mà chỉ là “cách thức” Thiên Chúa hiện ra cho chúng ta.
Một cách ẩn dụ khác là sự
sống động của một khối cầu kim loại chiếu sáng. Nó có một chất – chính kim loại
đó. Nhưng có ba thứ cùng chia sẻ trong chất đó. Thứ nhất, có trạng thái tròn.
Trạng thái tròn đó là thứ bao quanh toàn bộ khối cầu. Thứ nhì, có màu sắc.
Chúng ta hãy tưởng tượng đó là màu đồng xám mà chúng ta có khi chà xát dầu trên
ngón tay. Toàn bộ khối cầu là màu sắc này. Thứ ba, khối cầu rất bóng láng. Giống
như hình dạng và màu sắc, sự bóng láng là thứ áp dụng đối với cả chất liệu của
khối cầu. Chúng ta có thể nói rằng có một khối cầu bằng kim loại, tròn, màu đồng
xám, và bóng láng.
Nhưng cách ẩn dụ này
không còn nữa. Điều chúng ta đang nói đến là đặc tính của khối cầu, chứ không
là bản chất. Chúng ta có thể vẽ nó bằng màu khác. Chúng ta có thể đập nó lõm
vào, bớt phần trơn láng. Chúng ta có thể dùng búa lớn để làm cho nó không còn
tròn trịa nữa. Nó là vật chất, có thể thay đổi, và có thể phân chia – khác với
Thiên Chúa.
4.
GIẢI THÍCH THIÊN CHÚA LÀ MỘT VÀ BA
Thánh giáo phụ Augustino
có cách giải quyết vấn đề ẩn dụ về Tam Vị Nhất Thể. Nhìn sâu vào thế giới vật
chất, nhìn vào trong trí tuệ phi vật chất. Ngài hỏi rằng trong chúng ta, có ai
thấy cái gì là một và là ba cùng một lúc không? Thánh Augustino tìm ra câu trả
lời là trí tuệ có trí nhớ, kiến thức, và tình yêu của chính nó.
Trí nhớ của trí tuệ là
nguồn gốc của kiến thức. Khi tự ghi nhớ, trí tuệ sinh ra sự hiểu biết về chính
nó. Và khi nó thấy chính nó là gì, thì ở một con người lành mạnh, trí tuệ sẽ
yêu quý chính mình.
Toàn bộ trí tuệ ở trong mỗi
cái ba này. Mọi thứ nó là, nó nghĩ, và nó làm bao gồm trong trí nhớ của nó.
Cũng vậy, khi tự nhận biết, nó biết toàn bộ chính nó. Theo ý nghĩa nào đó,
chúng ta có thể nói rằng toàn bộ trí tuệ bao gồm trong sự nhận biết của nó về
chính nó. Nó là toàn bộ chính nó mà nó yêu và bao gồm trong tình yêu đó.
Thánh Augustinô chú giải
rằng có những cái ba này – trí nhớ, kiến thức, và tình yêu. Nhưng không có ba
trí tuệ, chỉ có một. Thế nên trí tuệ vừa là một vừa là ba. Đó là một – trí tuệ,
nhưng cũng là ba – trí tuệ, kiến thức, và tình yêu.
Ghi chú: Tôi đơn giản hóa
và kết hợp những gì thực sự là hai điều tương tự mà Thánh Augustino đề cập.
Phiên bản đơn giản hóa này cũng được Thánh Thomas Aquino sử dụng. Cũng có thể đọc
tác phẩm “On Trinity” (Về Tam Vị Nhất Thể) của Thánh Augustino, và tác phẩm
“Summa Contra Gentiles” của Thánh Thomas (tác phẩm “Summa Contra Gentiles” còn
gọi là “Liber de veritate catholicae fidei contra errores infidelium” – Sách về
Chân lý Đức tin Công giáo chống lại sai lầm của những người không tin, gồm 4 cuốn,
viết trong thời gian 1259-1265).
Chúng ta có thể thấy sự
rõ ràng song song giữa trí tuệ và Tam Vị Nhất Thể. Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa
Thánh Thần tượng tự trí nhớ của trí tuệ, kiến thức, và tình yêu của chính nó.
Giáo lý Công giáo gọi
Chúa Cha là “nguồn gốc và căn nguyên của thần tính” – giống như cách mà trí nhớ
của chúng ta là nguồn gốc của kiến thức và tình yêu của chính nó. Chúa Con kết
hiệp với sự tự nhận biết của Thiên Chúa, đó là lý do mà Ngài cũng được gọi là
Ngôi Lời và Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (x. Ga 1:1 và 1 Cr 1:24). Cuối cùng,
Chúa Thánh Thần kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa (x. Rm 5:5).
Vì thế, sự tương tự của
trí tuệ không chỉ giải thích điều có vẻ nghịch lý về cách thức của điều gì đó
(hoặc người nào đó) có thể là một và ba, điều đó cũng giải thích cái ba mà
chúng ta hiểu – Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
5.
GIẢI THÍCH LÝ DO CÓ BA NGÔI
Có hai vấn đề chưa được
trả lời. Bởi vì chúng ta ở ngoài không gian, các câu trả lời ngắn cũng đủ. Thứ
nhất, tại sao cái ba nơi Thiên Chúa gọi là các ngôi vị?
Hãy nhìn điều này: Thánh
Thomas Aquino nói rằng một ngôi là “một thực thể riêng của một bản chất hợp
lý”. Mới đầu nghe có vẻ khá hay. Nhưng khoan đã! Có điều gì đó không ổn trong
chúng ta khi nghĩ về các cá nhân trong Thiên Chúa. Chắc chắn Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần không là ba ngôi riêng biệt có cùng bản thể Thiên Chúa theo
kiểu nói rằng John, Joe, và James là ba con người có cùng một nhân tính.
Thánh Thomas nhận thấy điều
bất ổn này. Ngài nói rằng “cá tình” chỉ xảy ra khi chúng ta nói về vấn đề mà
chúng ta có, nhưng Thiên Chúa thì không. Vì thế, khi nói về Thiên Chúa, chúng
ta phải nhận biết rằng chúng ta sử dụng chữ “ngôi” với ý nghĩa khác so với khi
chúng ta nói về con người. Khi nói về Thiên Chúa, Thánh Thomas nói rằng chúng
ta phải sử dụng cách định nghĩa của Richard of St. Victor về ngôi vị là “sự hiện
hữu không thể hiểu của thần tính” (incommunicable existence of the divine
nature).
Nói cách khác, Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần thực sự hiện hữu, và Ba Ngôi có thể phân biệt với
nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần là
Thiên Chúa. Nhưng Chúa Cha không là Chúa Con, và Chúa Con không là Chúa Thánh
Thần.
Theo cách nào đó, vì dụ về
John, Joe, và James có thể giúp chúng ta hiểu điều này. Nếu một người hoài nghi
hỏi làm sao có thể có ba ngôi của một bản chất hợp lý thì hãy nói rằng bạn và bạn
của bạn, và người thứ ba đang sống để chứng tỏ điều có thể. Sự khác nhau nhiều
giữa Thiên Chúa và nhân loại là “không có các cá nhân”. Bạn càng hiểu sự thật đó
thì bạn càng có thể hiểu rằng Thiên Chúa chỉ có một và có ba ngôi.
Có thể có sự khôn ngoan
trong cách nhượng bộ của Thánh Augustino, rằng chúng ta thực sự không thể biết
ngôi vị có nghĩa gì khi áp dụng cho Thiên Chúa: “Khi hỏi ‘ba cái gì?’ thì ngôn ngữ
loài người gặp khó khăn vì thiếu từ ngữ. Cho nên chúng ta nói ba ngôi vị, chứ
không nói chính xác, mà là để im lặng”.
6. TẠI SAO CÓ BA NGÔI?
Vấn đề thứ hai là lý do
có ba ngôi. Tại sao không là bốn hay năm? Trong tác phẩm “Summa Contra Gentiles”,
Thánh Thomas chỉ ra sự tương tự về trí tuệ của Thánh Augustino để trả lời. Khá
đơn giản. Không hơn ba lý do là Thiên Chúa nhớ, biết, và yêu chính Ngài. Không
cần bất kỳ ai khác.
Do đó, tín điều Chúa Ba
Ngôi là điều chúng ta có thể hiểu được. Nhưng cách hiểu của chúng ta khá hạn chế,
và không thể tránh có lúc chúng ta lặng lẽ thắc mắc về mầu nhiệm cao cả này.
STEPHEN BEALE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ
từ CatholicExchange.com)
Lễ Chúa Ba Ngôi – 2019
Xin
mời tham khảo thêm:
✠ CHÚA BA NGÔI VÀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH –
https://tramthienthu.blogspot.com/2016/05/chua-ba-ngoi-va-oi-song-tam-linh.html
✠ HIỂU GIỚI TÍNH QUA MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI
– https://tramthienthu.blogspot.com/2017/06/hieu-gioi-tinh-qua-mau-nhiem-chua-ba.html
✠ NHẬN THỨC VỀ CHÚA BA NGÔI –
https://tramthienthu.blogspot.com/2017/06/nhan-thuc-ve-chua-ba-ngoi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét