Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

LÀM CHA HAY ÁC MỘNG CỦA CÁC CON?


LÀM  CHA  HAY  ÁC  MỘNG  CỦA  CÁC  CON?
Sat, 15/06/2019 -  Lm Nguyễn Minh Hùng
(NHÂN NGÀY CỦA CHA)



Câu chuyện sau đây chỉ là chuyện cũ, xảy ra trong những năm cuối của thế kỷ trước kéo dài đến khoảng giữa năm 2013.
Câu chuyện kể về khuôn mặt ác quỷ của một người làm chồng, làm cha trong một gia đình ở Mộ Đức, Quảng Ngãi.
Chính vì sự hiện diện của khuôn mặt ác quỷ mà người đàn ông này đã làm tan nát gia đình, tan nát cuộc đời của tất cả những người thân trong gia đình mình. Có thể nói, đây là tận cùng của bi kịch về gia đình...

Chúa nhật ngày 16.6.2019 là ngày tôn vinh những người cha. Trong ngày vui này mà lại viết về hình tượng xấu của một người cha, sẽ không hợp chút nào.
Tuy nhiên, bên cạnh số đông những người cha luôn khiến con cái mình phải tôn thờ và noi theo suốt đời, lại hằn lên hình ảnh những người cha là địa ngục, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của con mình.

Vì thế, ghi lại câu chuyện đã cũ, người viết mong mỏi:
- Những ai trong trách nhiệm làm cha mẹ, hãy là người cha, người mẹ luôn ưu tiên đặt tình yêu dành cho gia đình mình trên tất cả.
- Mọi người hãy cảm thông, sớt chia những bất hạnh của tất cả những ai đã, đang bị đọa đày trong chính gia đình mình.
- Lương tâm mọi người công chính hãy làm tất cả những gì có thể để chấm dứt cảnh bạo lực dưới mọi hình thức.

1. Sau đây là câu chuyện thương tâm:

Tại một phiên tòa, cả năm người con của bị cáo T.V.T. (49 tuổi) đều đề nghị Hội đồng xét xử xử tử cha mình, trong khi Viện kiểm sát chỉ đề nghị chung thân.

 - Chị D (21 tuổi - con ông T.) vắng mặt, viết giấy ủy quyền: "Tinh thần bị suy sụp sau cái chết của mẹ. Khi gặp ông T.V.T., nỗi uất hận, nỗi đau trong lòng hiện về. Kể từ ngày mẹ mất, tôi xem ông T. như đã xử tử rồi và không muốn nhìn thấy hay nghe bất kỳ điều gì về ông nữa. Tôi vẫn còn đang sợ hãi. Tôi đề nghị tòa tuyên án tử hình đối với ông T.V.T.".

- Tr (23 tuổi - một người con khác) nói trong nước mắt: "Chẳng người con nào muốn đẩy cha đến đường cùng, đau xót lắm chứ. Nhưng những việc làm của ổng với mẹ, tôi chứng kiến từ nhỏ. Hết đánh vợ đến đánh con. Có lần, đánh mẹ tôi nhiều quá, tôi cầm cây nói ổng đánh chết tôi đi, xem như tôi đổi mạng cho mẹ. Những tưởng ổng không đánh, nhưng ổng đánh thiệt, đánh túi bụi tối tăm mặt mày. Chị gái phải lôi tôi ra, sợ ổng đánh chết. Từ đó tình cha con gần như đã hết".

- Th (con gái cả) cho biết: "Mong trong ổng có một chút tình người trỗi dậy, như vậy cũng đã an ủi chúng tôi phần nào. Chứ đứng trước tòa, trước pháp luật mà ổng không hề hối hận".

- Người con khác cho biết thêm: Sự tàn bạo của cha cô "không thể tha thứ được. Không chỉ tôi mà xã hội này cũng không chấp nhận được. Nhưng tôi sợ, đến khi chết, ổng vẫn không nhận ra mình sai và oán trách tụi tôi đẩy ổng đến bước đường cùng.

2. Vì sao nên nỗi?

Tính đến ngày bị T.V.T. giết, bà H. T. N. đã chung sống với Ông T. gần 30 năm. Hai người đã có với nhau năm người con. Tuy nhiên, 30 năm làm vợ của bà là 30 năm sống trong địa ngục.

Theo lời kể của các người con, của hàng xóm, thì những gì hãi hùng nhất, Ông T. đều có thể trút xuống vợ mình.

Ông T. từng đập gãy mũi vợ, cắt vành tai, bắt vợ liếm cơm rơi trên nền nhà, đổ cơm xuống đất trộn với cát và tro buộc bà N. hốt lên ăn...

Nhiều lần ông T. nhốt bà N. trong chuồng heo, tạt nước liên tục vào mặt hòng làm cho bà ngạt thở. Ông T. còn dùng dây điện châm vào người bà, bóp cổ bà, buộc bà cởi hết quần áo đứng giữa trời lạnh giá...

Không còn chịu nổi cảnh tra tấn ngục tù, bà N. đến thành phố Quảng Ngãi ở nhờ nhà con gái mình và quyết ly dị Ông T..

 Tháng 11.2012, trở về nhà ngoài việc gặp chồng để lo thủ tục ly hôn, bà N. còn lo nhổ cỏ trong vườn nhà. Ông T. năn nỉ bà N. rút đơn ly hôn, nhưng bà cự tuyệt.

Không thuyết phục được vợ, Ông T. tuyên bố: "Bà bỏ tôi, tôi chết thì bà cũng chết". Nói là làm. Ông T. lao vào người bà N. bóp cổ, liên tiếp đập đầu bà vào tường. Sau đó Ông T. quật mạnh bà N. xuống nền ximăng khiến bà chấn thương sọ não, nứt hộp sọ, xuất huyết não, tử vong.

3. Thái độ của T.V.T. trước tòa.

Đến giờ xét xử, bị cáo Ông T. dáng người to khỏe bị giải vào tòa. Dù phía sau vành mống ngựa nơi Ông T. đứng có đến hàng trăm người dự phiên tòa, Ông T. vẫn cứng đầu quanh co chối tội.
Đặc biệt, trước những bằng chứng điều tra sắc bén, trước nhiều bằng chứng của nhiều người trong xóm và của các cán bộ lãnh đạo địa phương, nhất là trước những cáo buộc của cả năm người con, cho thấy hành vi của bị cáo có hệ thống và vô nhân tính..., Ông T. vẫn không hề tỏ chút sám hối.

Khi công tố viên đề nghị án chung thân, dù hầu như cả tòa đứng dậy phản đối, gương mặt Ông T. vẫn lạnh lùng.

Cuối cùng, tòa tuyên tử hình bị cáo theo đề nghị của cả năm người con, Ông T. vẫn điềm nhiên không có lấy một lời xin lỗi các con, không một lần quay đầu nhìn lại các con của mình.

4. Lời bàn của người viết.

Những hành vi tội ác chống lại gia đình do chính những thành viên trong gia đình gây ra cho nhau ngày càng nhiều. Từ loạn luân đến mọi hình thức bạo hành, được báo chí đăng tải hầu như thường xuyên.
Tôi nghĩ, có mấy lý do:
- Đời sống tôn giáo ngày càng bị nhiều người chối từ. Không còn đức tin vào Đấng Toàn Năng thấu suốt mọi hành động của con người, con người dễ gây ra tội ác mà không thấy mình có tội.

 -Nền giáo dục chung, lẫn các bậc cha mẹ là những người giáo dục trực tiếp trên con cái, chỉ quan tâm nhiều đến đào tạo kiến thức mà xem nhẹ, hay không chú trọng đến yếu tố con người.

- Xã hội ngày càng có xu hướng tôn thờ tự do cá nhân. Vì thế những chuẩn mực đạo đức, những giá trị nhân phẩm bị phớt lờ. Con người lầm tưởng tự do là muốn làm gì thì làm.

- Kinh tế thị trường, trong đó thói quen bon chen, giành giật, chèo kéo... cách ích kỷ cho bản thân, mà không nhìn thấy quyền lợi người khác, hay quyền lợi của mình trong tương quan với người khác cách lành mạnh.

 - Đời sống vật chất tăng, lối sống hưởng thụ tăng, óc thực dụng cũng theo đó mà bành trướng, làm cho con người xa rời tâm linh, mất mọi hướng dẫn cần thiết từ những chân lý thiêng liêng.

- Tư tưởng bài xích tôn giáo, hoặc một thứ lý thuyết vô thần đang được đề cao và rao giảng khắp nơi và thường xuyên, khiến những người tin vào quả báo, đức, nghiệp bị chê cười, bị cho là "vớ vẩn". Sự vô tôn giáo, vô thần thánh ấy đã cướp sạch lương tri và đạo đức nhiều người đương thời.

- Thêm vào đó sự tham lam vật chất, tiền bạc càng ngày càng hình thành thói quen tranh giành, thói quen ích kỷ, thói quen vun quén cho bản thân. Với những tham lam ấy, khiến nhiều người bất chấp tội ác, miễn sao bản thân có nhiều của cải, càng ngày càng thâu tóm quyền lực để phục vụ cho việc làm giàu cho mình.

Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ nhỏ nhoi, rất cá nhân. Chắc chắn không thể đầy đủ và không hoàn toàn chính xác. Rất ước mong được nhiều người khôn ngoan và kinh nghiệm bổ túc thêm.

Trong ngày của Cha, nhiều người nói về những người cha tốt lành, những người cha đáng tự hào của những đứa con.

Người viết chỉ xin nói thay cho những ai đau khổ mà không thể ngỏ cùng ai. Mong những ai phải sống trong nỗi kinh hoàng ngay trong chính gia đình mình được an ủi hơn, được yên tâm hơn khi biết rằng, xung quanh vẫn còn nhiều người đồng cảm với mình.

LM. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét